Khám phá mẫu phiếu bài tập... hấp dẫn học trò

19/11/2014 09:58
Cao Nguyên
(GDVN) - Tác giả của những phiếu bài tập có khả năng kích thích, dụ dỗ học trò làm bài hăng say là thầy Đỗ Văn Bảo – GV Toán trường THCS Vinschool.

Làm việc theo nhóm, phân loại cấp độ khó của bài tập theo đối tượng học sinh… không phải là phương pháp mới. Thành công của các thầy cô giáo Vinschool là đã hiểu tâm lý học sinh để  sáng tạo ra cách thiết kế phiếu bài tập hấp dẫn, học nhóm kiểu mới, ký hợp đồng trợ giảng… để học sinh luôn hăng say, hào hứng học tập.

Phiếu bài tập Toán-Doraemon… kích thích học trò


Tác giả của những phiếu bài tập có khả năng kích thích, dụ dỗ học trò làm bài hăng say là thầy Đỗ Văn Bảo – GV Toán trường THCS Vinschool.

Nắm được tâm lý học sinh đối với bài tập, thầy Bảo đã tìm cách thay đổi “diện mạo” của những phiếu bài tập này để chúng không trở nên nhàm chán, nặng nề. Thay vì để phiếu bài tập chỉ là một tờ giấy đầy chữ và số cùng các phép tính, phiếu của thầy Bảo có những điểm nhấn rất thú vị.

Phiếu này gồm 2 phần: bên trái là thuyết để học sinh tiện theo dõi, tra cứu, hệ thống kiến thức và bài tập ở ngay bên phải. Tại phần bài tập, hình ảnh các nhân vật quen thuộc với lứa tuổi học trò trong bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon được sử dụng rất hợp lý mà chỉ cần nhìn vào đó là học sinh có thể biết được mức độ dễ - khó tăng dần của bài tập.

Mẫu bài tập với các cấp độ: Dễ mà – Thường thôi – Băn khoăn – Trăn trở cho đến Ức chế.
Mẫu bài tập với các cấp độ: Dễ mà – Thường thôi – Băn khoăn – Trăn trở cho đến Ức chế.

Những bài dễ nhất được xếp vào cột của… Nobita, độ khó tăng dần với sự xuất hiện của Xeko, Xuka, Đekhi và cuối cùng là Doraemon – chú mèo máy thần kì. Đi kèm với từng nhân vật là những cụm từ tương ứng biểu hiện sắc thái sinh động của nhân vật: Nobita – Dễ mà; Xeko – Thường thôi; Xuka – Băn khoăn; Đekhi - Trăn trở; Doraemon - Ức chế.

Điều thú vị là các bạn học sinh phản hồi cho biết cảm thấy rất “ức chế” với phần bài tập trong ô “Ức chế” của Doraemon, bởi nếu không làm được những bài này, các bạn cảm thấy bứt rứt không yên. Có học sinh chỉ làm được đến phần “Trăn trở” là hết kiên nhẫn, cuối cùng phải đề nghị thầy giáo bổ sung các bài tập ở cấp độ “Tự kỉ” để chuyển sang đó những bài quá khó!

Bên cạnh phiếu bài tập đầy tính “thách thức”, bản thân thầy Đỗ Văn Bảo cũng rất chịu khó tạo hứng thú cho học trò bằng cách chia sẻ kịp thời cách làm bài với học sinh để tránh tâm lý chán hay buông xuôi khiến không khí học tập luôn sôi nổi, hào hứng!

Thầy Bảo chia sẻ: Không chỉ học sinh mà bản thân phụ huynh cũng rất hứng thú với phiếu bài tập dạng này và chia sẻ, truyền tay nhau rất nhiều. Việc “mềm hóa” các bài tập, giúp chúng trở nên gần gũi, hài hước, thân thiện chính là một trong những “chìa khóa” để truyền tải kiến thức đến học sinh nhanh chóng, hiệu quả và bền vững.

Khi học sinh là… trợ giảng

Thầy Đỗ Văn Bảo cũng chính là tác giả của ý tưởng này. Thầy Bảo để chính học sinh trở thành cộng sự của mình, vừa giúp học sinh đó hiểu bài sâu sắc hơn, lại có thêm “kênh” gần gũi để chuyển tải kiến thức tới các bạn khác trong lớp.

Khi kí “hợp đồng trợ giảng” với học sinh sẽ có các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như: thầy giáo phải trả các bạn bao nhiêu điểm cộng, ưu tiên nếu như các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,… Đây là cách khiến những “cộng sự nhí” của thầy Bảo luôn chủ động, hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm. Thầy Bảo thậm chí còn để “cộng sự nhí” này lên bảng trình bày lại các kiến thức về dấu hiệu chia hết cho 3, cho 9 như một giáo viên thực thụ, khiến những học sinh còn lại cảm thấy dần gũi, dễ tiếp cận. Và kết quả buổi học khiến thầy thực sự hài lòng.

Học sinh cũng có thể trở thành những “trợ giảng” đắc lực cho thầy cô giáo.
Học sinh cũng có thể trở thành những “trợ giảng” đắc lực cho thầy cô giáo.

Thầy Bảo chia sẻ: Phương pháp học theo nhóm không mới, cái khó là làm sao để học sinh thực sự học được từ các bạn cùng nhóm, các bạn nhóm khác. Làm sao để học sinh không chỉ có trách nhiệm với điểm số của mình mà còn quan tâm đến sức học và điểm số của các bạn.

Cách làm cụ thể của thầy Bảo là phân công 1 nhóm 4 bạn cùng làm việc với nhau, giao cho các bạn làm 1 số bài tập.   Các bạn có khoảng thời gian làm việc cá nhân, trao đổi trong nhóm. Nếu vẫn chưa làm được thì  đi du học (cử 1 bạn sang nhóm khác để hỏi những bài mà nhóm mình chưa làm được, sau đó quay về giảng lại cho các bạn). Điểm trên lớp sẽ là trung bình của điểm tất cả các bài tập trong nhóm.

Cách tính điểm này sẽ ràng buộc tất cả các bạn trong nhóm phải làm thật tốt và hết khả năng bởi vì điểm của 1 người sẽ ảnh hưởng đến điểm của tất cả các bạn còn lại trong nhóm, tăng tinh thần trách nhiệm của học sinh.

Thầy Bảo cho biết các ý tưởng trên đều được thầy chủ động tìm tòi và triển khai trong quá trình dạy học, nhiều ý tưởng đến chính từ các học trò.  Ban giám hiệu nhà trường luôn ủng hộ và khuyến khích những  sáng kiến của các thầy cô giáo để mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho học sinh.

Cao Nguyên