Khi nào người thầy và máy móc hết "đuổi bắt" nhau?

28/09/2013 14:52
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) -Sử dụng công nghệ hiện đại vào giáo dục tại nước ta còn nhiều bất cập, có nơi người thầy còn chưa điều khiển được máy móc, có thầy cô lại bị cho là quá lạm dụng máy móc. Bài toán này mấu chốt ở đâu?

Thầy giáo còn thụ động

* Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học, nhưng nói thật có tình trạng giáo viên quá lạm dụng nó. Ở trường tôi khi mới bắt đầu dạy bằng giáo án powerpoint cũng có nhiều giáo viên chiếu chữ - học sinh chép.

Một tiết dạy bằng giáo án điện tử của cô Lê Thị Liên ở Trường tiểu học Dương Minh Châu, quận 10. Cô đã đoạt giải nhì cuộc thi 'Ngọn nến sáng tạo' (do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức) với bài soạn giáo án điện tử - Ảnh: H.HG.
Một tiết dạy bằng giáo án điện tử của cô Lê Thị Liên ở Trường tiểu học Dương Minh Châu, quận 10. Cô đã đoạt giải nhì cuộc thi 'Ngọn nến sáng tạo' (do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức) với bài soạn giáo án điện tử - Ảnh: H.HG.

Vài năm gần đây, nhà trường nghiêm cấm việc này, chỉ yêu cầu giáo viên dùng nó để hỗ trợ: phim ngắn tư liệu, hình ảnh minh họa, thí nghiệm... nói chung xem như phương tiện thay cho một số đồ dùng dạy học mà nếu giáo viên mang nó theo thì rất vất vả.

Mai Quý Hà (quyha09@...)

Sử dụng không đúng còn gây ra tác dụng phụ

* Ôtô chắc chắn chạy sướng hơn xe máy. Xe máy là một bước tiến so với xe đạp. Nhưng mỗi chiếc xe cũng đều cần được sử dụng phù hợp mới phát huy được tính năng của nó. Chuyện giảng dạy bằng thiết bị giáo dục chất lượng cao cũng vậy. Nếu giáo viên sử dụng thiết bị giáo dục không phù hợp thì chẳng những không phát huy được tiện ích mà có khi còn gây nên tác dụng phụ.

Ví von như thế để thấy vai trò của giáo viên rất quan trọng, quan trọng gấp trăm ngàn lần thiết bị giáo dục. Vậy hãy đầu tư cho người thầy, người cô nhiều hơn thay vì chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ.

Vì không khéo, cứ ồ ạt sắm xe hơi cho bằng người ta trong khi chưa có tài xế, đường đi thì lại chỉ mới phù hợp cho xe máy.

Thanh Bình (thanhbinh12@....)

Mục tiêu kinh doanh thì hại cả thầy trò

* Trong loạt bài "Dạy học bằng công nghệ hiện đại" của Tuổi Trẻ, đáng chú ý có bài viết Dạy học với công nghệ hiện đại: Loạn giá, loạn hoa hồng phản ánh một thực tế hóa ra công nghệ hiện đại chưa hẳn là phương tiện để phục vụ giáo dục, mà hóa ra để phục vụ kinh doanh. Nghe cũng na ná, cũng tương tự chuyện chào mời các loại thuốc tây vào bệnh viện, tưởng để phục vụ người bệnh, mà kỳ thực móc túi người bệnh.

Các bác sĩ thiếu lương tâm đã tiếp tay móc túi người nghèo thì phải chăng trong trường hợp này cũng đã có những nhà quản lý giáo dục có cái tâm thiếu trong sáng, đã mờ mắt trước những khoản hoa hồng. Nhân danh phục vụ giáo dục thì còn gì ý nghĩa bằng, nên mua sắm máy móc ồ ạt. Trong khi đó người sử dụng máy thành thạo chẳng có, môi trường ứng dụng chưa phù hợp... 

Quốc Nhật

Hãy đề cao nhận thức của giáo viên!

Cô Lê Thị Liên - nguyên giáo viên Trường tiểu học Dương Minh Châu, quận 10, TPHCM, một trong những giáo viên đầu tiên của TPHCM soạn bài và giảng dạy thành công giáo án điện tử - cho biết: Việc giảng dạy bằng giáo án điện tử nếu thực hiện nghiêm túc có rất nhiều cái lợi.

Cái lợi đầu tiên là học sinh thích thú vì trực quan sinh động, học sinh mau nhớ bài, dễ hiểu bài. Cái lợi thứ hai là giáo viên không phải tốn tiền mua hình ảnh cho học sinh xem.

Thầy Lê Văn Quân từng đoạt giải đồng đội, giải khuyến khích cá nhân cuộc thi E-Learning cấp quốc gia lần 1, năm học 2009-2010 và lần 2, năm học 2011-2012
Thầy Lê Văn Quân từng đoạt giải  đồng đội, giải khuyến khích cá nhân cuộc thi E-Learning cấp quốc gia lần 1, năm học 2009-2010 và lần 2, năm học 2011-2012

Vì thế từ năm 2004, sau khi đi học tin học, tôi mày mò soạn giáo án điện tử môn địa lý. Lúc ấy, tư liệu trên mạng không dồi dào như bây giờ, tôi phải chạy đi mua đĩa phim ở ngoài cửa hàng, nhà trường cũng liên hệ với đài truyền hình mua một số đĩa phim để tôi sử dụng. Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp của tôi khi đi du lịch ở nước ngoài, ở các tỉnh, thành trong nước cũng tìm mua đĩa phim về cho tôi.

Hồi ấy, để hoàn thành một giáo án có khi tôi phải mất sáu tháng mới xong. Bây giờ mọi thứ đã thuận tiện hơn thì thời gian có thể rút ngắn lại. Ngoài trình độ tin học, giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học hiện đại nhuần nhuyễn.

Trên thực tế, có nhiều tư liệu khi tìm kiếm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp mới ra nhiều phim, hình ảnh đắt giá và phù hợp với bài giảng. Trước khi cắt phim, tôi phải coi toàn bộ phim vì hiện nay trên mạng có nhiều nguồn khác nhau, nhất là phim lịch sử.

Mặc dù vậy nhưng không phải môn học nào cũng có thể sử dụng giáo án điện tử. Nó chỉ phù hợp khi dạy môn địa lý, một số bài của môn lịch sử và môn tiếng Anh.

Đối với các môn còn lại, có rất ít bài học phù hợp khi dạy giáo án điện tử. Ví dụ: khi dạy toán thì cho học sinh xuống sân để các em được trực tiếp đo, vẽ; khi dạy môn khoa học cần cho học sinh làm thí nghiệm, dạy lịch sử địa phương phải cho học sinh đi xuống tận nơi ghi chép, ngắm nhìn… Tóm lại, màn hình máy chiếu hay bảng tương tác không thể thay thế bảng đen phấn trắng mà chỉ là một công cụ hỗ trợ việc dạy học mà thôi.

Thật sự việc soạn giáo án điện tử mất rất nhiều công sức, thời gian nên việc chia ra mỗi giáo viên trong tổ soạn vài bài là điều cần thiết.

Ngay cả việc chép giáo án của giáo viên trường khác cũng tốt nhưng phải chỉnh sửa cho phù hợp với trình độ của học sinh lớp mình, đừng để xảy ra những cảnh dở khóc dở cười (như trục trặc về kỹ thuật, bắt học sinh chờ đợi quá lâu hay học sinh không nhìn rõ, học sinh theo dõi không kịp…).

Việc xác định bài học nào sẽ dạy bằng giáo án điện tử, bài học nào kết hợp cả máy chiếu và phấn trắng bảng đen, bài học nào chỉ dạy bằng bảng đen không thôi… phụ thuộc vào nhận thức của giáo viên chứ không thể quy định cứng được.

Máy móc không thể thay thế tâm huyết của người thầy

Thầy Lê Văn Quân  (tổ trưởng tổ công nghệ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM) nhận định: Để có được một bài giảng điện tử hoàn chỉnh ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, thầy cô cần phải trang bị cho mình những kỹ năng thao tác với các thiết bị, sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng. Trong đó, điều cơ bản nhất là thao tác với máy tính, máy chiếu và thành thạo phần mềm power point.

Bài giảng điện tử không đơn thuần là việc trình chiếu chữ, tiết kiệm thời gian viết bảng như trước mà còn phải sinh động bởi hình ảnh, âm thanh và những đoạn clip. Vì thế thầy cô cũng phải biết cắt, ghép video, chỉnh sửa hình ảnh, thao tác với các phần mềm trắc nghiệm để giúp học sinh ôn bài trong quá trình học.

Điều này cần phải có thời gian mày mò, nghiên cứu. Đặc biệt, thầy cô phải thật sự có tâm huyết với mỗi tiết học của mình thì việc sử dụng bài giảng điện tử mới hiệu quả, sử dụng tốt các thiết bị sẵn có, góp phần tăng tính tương tác và sự chủ động của học sinh.

Bên cạnh đó trong quá trình dạy, tôi cũng phải thay đổi và bổ sung kiến thức liên tục. Những bài giảng cũng phải cập nhật, tránh để một bài giảng mà sử dụng quá lâu, quá nhiều lần. Vì thế một bài giảng điện tử hay cần thiết phải có nội dung hay, cải tiến liên tục, thể hiện cái tâm của giáo viên trong quá trình giảng dạy, các kỹ thuật chỉ nhằm phục vụ cho nó sinh động hơn chứ không phải là tất cả.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, việc chạy theo công nghệ thiết bị hiện đại không bằng việc sử dụng các thiết bị thiết yếu sẵn có một cách hiệu quả. Nghĩa là cần thiết phải có máy chiếu, máy tính hiện đại phù hợp với điều kiện của nhà trường, phụ huynh. Những máy móc cao siêu hơn thì nhà trường, học sinh, phụ huynh phải thật sự có điều kiện và nhu cầu, bản thân giáo viên phải được tập huấn sử dụng thành thạo thì mới nên sắm sửa.

Nếu không, mỗi tiết học là mỗi tiết giáo viên phải loay hoay với thiết bị, học trò mất tập trung dẫn đến việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Cân nhắc khi dạy học bằng tivi

LCD tivi phù hợp để trình chiếu hình ảnh và video do ưu điểm về màu sắc và sự sống động, nhưng LCD tivi không phù hợp để trình chiếu văn bản. Do vậy để trình chiếu trong lớp học với mục đích giảng dạy, sử dụng máy chiếu projector hiệu quả hơn LCD tivi.

Khi lựa chọn LCD tivi hay màn hình trình chiếu projector để sử dụng trong lớp học, bên cạnh các yếu tố đảm bảo tối ưu độ tương phản, độ sáng, độ phân giải, góc nhìn thì cần lưu ý đến kích thước phòng học.

Thông thường phải chọn độ rộng màn hình có kích thước ít nhất bằng 1/4 khoảng cách từ tivi đến vị trí ngồi của người xem xa nhất.

Mặt khác, khoảng cách từ hàng ghế đầu tiên đến màn hình không nhỏ hơn từ 1,5 đến 2 lần độ rộng của màn hình.

Đỉnh cao nhất của màn hình thường không cao quá một góc 35 độ so với đường thẳng nằm ngang từ hàng ghế ngồi.

Như vậy, nếu sử dụng LCD tivi 32 inch trong lớp học thì khoảng cách để các em có thể xem tivi tốt nhất nằm trong khoảng từ hơn 1m đến khoảng 3m.

Trong việc chọn đầu tư LCD tivi hay projector cho lớp học cần cân nhắc thêm yếu tố khác như tuổi thọ thiết bị, thường thì LCD tivi có tuổi thọ cao hơn projector và cũng có giá thành đắt hơn projector có cùng tính năng kỹ thuật

TS Đỗ Hồng Tuấn, trưởng khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ