Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

03/04/2019 06:36
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Một xã hội an bình phải bắt đầu từ một gia đình ấm êm và hạnh phúc. Học trò phải biết kính trọng thầy cô, tôn trọng bạn bè của mình.

Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường ở các nhà trường ngày càng có chiều hướng gia tăng. Điều đáng buồn nhất là tình trạng các nữ sinh đánh nhau, rồi quay clip và tung lên mạng Internet.

Đây là một thực trạng đau lòng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Những sự việc như thế này là hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là với các em nữ sinh.

Điều đáng lên án không chỉ là học sinh đánh bạn mà cả những học sinh đứng cổ vũ, quay phim rồi gửi cho nhau xem, kệ mặc nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần của chính bạn học của mình.

Hình minh họa, nguồn: hanoi.edu.vn.
Hình minh họa, nguồn: hanoi.edu.vn.

Mấy ngày nay, vụ việc một nữ sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm 5 nữ sinh lớp 9 lột quần áo, đánh đập và quay phim, phải nhập viện khiến chúng ta bất bình.

Bởi các em học cùng lớp, cùng trường với nhau, chơi với nhau từ nhỏ, thậm chí trong số 5 nữ sinh đánh bạn có em là người họ hàng với nạn nhân.

Sự việc ở Hưng Yên chưa lắng xuống lại đến một số nữ sinh ở Nghệ An bắt bạn phải quỳ và đánh bạn.

Tại sao những học sinh nữ được xem là “chân yếu, tay mềm; yểu điệu thục nữ” ấy lại có thể đánh đập bạn một cách dã man, mất hết tình người đến vậy?

Có nhiều trường hợp đánh bạn tả tơi rồi bắt bạn phải quỳ gối xin lỗi…Và độc ác hơn cả là nhiều học sinh vừa đánh bạn vừa lột đồ bạn rồi quay clip tung lên mạng để làm nhục.

Nhiều clip khiến người lớn chúng ta phải ớn lạnh về mức độ, thủ đoạn của một số học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường!     

Tất nhiên, nhà trường hay gia đình không dạy các em làm những hành động phi nhân tính như vậy. Song có lẽ vấn đề cốt lõi là biện pháp giáo dục, quản lý của cả gia đình, nhà trường đang có vấn đề.

Cùng với đó là những ảnh hưởng từ mặt trái của mạng Internet đã tiêm nhiễm cho các em những thói hư, tật xấu.

Nhiều giáo viên đang phải thu mình lại

Khi bạo lực học đường xảy ra, dư luận lại hướng vào ngành giáo dục. Vẫn biết, ngành giáo dục có lỗi, thầy cô có lỗi trong việc đào tạo các em chưa đến nơi đến chốn.

Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào ảnh 2Phải nghiêm trị hành vi côn đồ từ trứng nước

Nhưng có những lúc, giáo viên gần như bất lực trước học trò vì đã bị tước hết quyền uy.

Học trò hư hỏng, hỗn láo nhưng thầy cô không thể có biện pháp cứng rắn để dạy dỗ.

Chỉ cần nặng lời, dùng thước mỏng đánh nhẹ vào tay học trò là chịu biết bao áp lực, thậm chí là bị đình chỉ công tác, thành ra nhiều giáo viên phải lờ đi những thói hư, tật xấu của trò.

Trong khi, thực tế nhiều học trò bây giờ được gia đình cưng chiều nên rất hỗn láo. Nhiều em còn thách thức thầy cô giáo trên lớp.

Rất nhiều trường hợp phụ huynh vào đánh giáo viên và chửi bới, đe dọa, kiện cáo...

Vì thế, nhiều giáo viên họ rất ngại va chạm với một số học sinh ngỗ ngược. Nói vài lần nếu không nghe, không chuyển biến là thôi.

Mỗi tiết dạy có 45 phút, giáo viên còn rất nhiều việc phải làm trên lớp và họ cũng còn gia đình, còn sự nghiệp của họ.

Vai trò gia đình

Phải nói rằng vai trò gia đình là then chốt trong việc giáo dục học sinh bởi phần lớn thời gian các em ở nhà. Nhưng nhiều cha mẹ học sinh phải xa quê để làm ăn, con em họ gửi lại cho ông bà hoặc người thân nên các em không có sự quản lý, giáo dục chặt chẽ.

Ngoài giờ học ở trường, vì không có người kèm cặp, giám sát nên có những em cứ mải mê ở ngoài tiệm internet để chơi game online suốt ngày, khi đến lớp thì gật gù thiếu ngủ, mắt đỏ sọng.

Có những em thường xuyên trốn tiết, vi phạm nội quy, hỗn láo với giáo viên nhưng khi nhà trường liên hệ thì cũng chẳng biết liên hệ với ai.

Điện thoại cho cha mẹ học sinh thì họ đi làm ăn ở xa, lúc nghe, lúc không.

Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào ảnh 3Em bị đánh hội đồng và cái giá của sự im lặng

Một bộ phận thì bênh vực con mình thái quá. Vẫn biết có những trường hợp giáo viên xử lý cứng nhắc hoặc có hành động chưa phù hợp với học trò.

Nhưng cha mẹ vào trường quát nạt, de dọa thầy cô giáo sẽ trở thành một bài học xấu cho con em mình bắt chước bởi các em luôn được bao bọc kỹ càng.

Vai trò xã hội

Vai trò xã hội có tác động rất lớn đến học trò. Nhưng, người lớn chúng ta cứ vào các trang Facebook,  Zalo luôn thấy xuất hiện những câu chuyện, những clip phản cảm.

Những clip đánh ghen lột đồ của nhau, những hiện tượng như Khá “bảnh”  vừa qua làm sao làm sao tránh khỏi tiêm nhiễm vào tâm hồn các em khi chúng chưa đủ chín chắn về nhận thức?

Người lớn lột đồ của nhau mà bên cạnh có hàng chục, hàng trăm người vẫn thản nhiên đứng xem và quay clip thì chuyện học trò làm những việc tương tự và vô cảm cũng là điều dễ hiểu.

Biện pháp xử lý học trò vi phạm chưa mạnh

Mặc dù những clip đánh nhau một cách phản cảm như thế nhưng nhà trường cũng rất khó có những biện pháp để xử lí nghiêm minh mang tính răn đe.

Trong 5 mức kỉ luật học sinh hiện nay, mức cao nhất cũng chỉ đình chỉ học sinh nghỉ học 1 năm. Nhưng mức này rất ít được áp dụng, đa số chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo trước toàn trường thì rõ ràng chưa khiến cho học sinh vi phạm phải lo sợ.

Trong khi, những nạn nhân bị bạo hành thì ảnh hưởng đến tâm lí và việc học trong tương lai. Đến trường vẫn bị bạn đe nạt, lườm nguýt...nhiều em vì mắc cỡ khi bị bạn đánh và lột đồ nên phải bỏ học giữa chừng.

Rõ ràng những sự việc như thế này là một hiện thực đau lòng cho tất cả chúng ta.

Muốn học trò có ý thức học tập, biết chia sẻ yêu thương và biết giữ được đạo đức truyền thống thì điều quan trọng hơn cả là sự làm gương và phối hợp chặt chẽ của gia đình, thầy cô giáo đứng lớp.

Những học sinh hư cần thiết phải được dạy dỗ đúng mực mới giúp các em trưởng thành được.

Nếu không, cứ đụng đến học trò là thầy cô trở thành “tội đồ”, gia đình thì cưng chiều quá mức thì chúng ta sẽ còn phải xem, chứng kiến nhiều những clip như thế này nữa trong thời gian tới.

Một xã hội phát triển và tốt đẹp phải song hành cùng những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Một xã hội an bình phải bắt đầu từ một gia đình ấm êm và hạnh phúc. Học trò phải biết kính trọng thầy cô, tôn trọng bạn bè của mình.

Vì thế, mọi người, mọi nhà, mọi ngành chung tay sẽ dựng xây nên một xã hội phát triển và yên bình.

NGUYỄN CAO