Khi thôn họp dân, cô trò ngồi bệt dưới sân trường mà học

18/09/2016 16:57
Thủy Phan
(GDVN) - Trò học nhờ ở nhà văn hóa thôn, cô giáo thì phải thắp nến hoặc soi đèn pin để soạn giáo án. Mong ước lớn nhất của cô trò nơi đây là có đủ điều kiện để học tập.

Có mấy ai biết, thầy trò miền núi phải học tập trong điều kiện như thế nào?

Trường học xuống cấp, thiếu phòng phải học nhờ nhà văn hóa, đường đến điểm trường gập ghềnh, phải đi qua những con dốc thăm thẳm, trời mưa thì lầy lội.

Điểm trường tiểu học bản Sắt (Ảnh: Thủy Phan)
Điểm trường tiểu học bản Sắt  (Ảnh: Thủy Phan)

Đó là những khó khăn, thiếu thốn mà thầy và trò ở điểm trường tiểu học bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang phải đối mặt trong nhiều năm qua.

Điểm trường tiểu học tại bản Sắt có 24 em học sinh là người dân tộc Bru - Vân Kiều, chia làm 2 lớp ghép. Tuy nhiên, vì chỉ có một phòng học nên một lớp phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn. Những hôm bản có việc phải họp dân, cô trò đành ngồi bệt xuống dưới sân trường để học.

Chính quyền địa phương và thầy cô mong muốn, các em học sinh người Bru - Vân Kiều được học tập, có cơ hội phát triển bản thân như những học sinh ở nơi khác (Ảnh: Thủy Phan)
Chính quyền địa phương và thầy cô mong muốn, các em học sinh người Bru - Vân Kiều được học tập, có cơ hội phát triển bản thân  như những học sinh ở nơi khác (Ảnh: Thủy Phan) 

Phòng học ở đây được dựng bằng những tấm ván ghép lại, chỗ kín chỗ hở, mùa hè nắng chói vào đến cháy da, mùa đông gió lại thổi thông thốc khiến cô trò co ro vì rét. Vào mùa mưa, cô trò phải kéo bàn ghế thay đổi chỗ liên tục để tránh nước dột.

Bản Sắt chưa có điện, vì vậy sự học ở đây lại càng khó khăn hơn. Thầy cô luôn phải linh hoạt thay đổi giờ giấc học tập để các em không bị ảnh hưởng từ việc không có điện.

Lớp học ở nhà văn hóa thôn (Ảnh: Thủy Phan)
Lớp học ở nhà văn hóa thôn (Ảnh: Thủy Phan)

Cô Trần Thị Hoa, giáo viên dạy lớp ghép 5+4 cho biết: “Ở đây mới có lớp mầm non cách đây một năm trước. Còn trước đó, vừa nhận học sinh vào lớp 1, các thầy, cô phải gánh thêm việc dạy tiếng Kinh để các em có thể tiếp cận với kiến thức phổ thông.

Việc truyền tải kiến thức cũng bắt đầu từ những chữ cái, con số đầu tiên vì các em không có cơ hội được biết mặt chữ, số đếm ở lớp mẫu giáo. Lớp ghép, một lớp 2-3 trình độ nên các thầy cô phải chia bảng làm đôi để dạy".

Mỗi lần thôn có việc cần họp hành, thầy và trò phải ngồi bệt xuống sân trường học bài (Ảnh: Thủy Phan)
Mỗi lần thôn có việc cần họp hành, thầy và trò phải ngồi bệt xuống sân trường học bài (Ảnh: Thủy Phan)

Bản Sắt có 33 hộ dân với 141 nhân khẩu và 100% đều là hộ nghèo. Kinh tế đã khó khăn, điều kiện học tập lại thiếu thốn nên các em học sinh bị thiệt thòi rất nhiều.

Vì vậy, các thầy cô và chính quyền địa phương mong sao có đủ điều kiện để các em được học tập, đường sá thông suốt để người dân dễ đi lại giao lưu với bên ngoài.

Khổ nhưng phải chấp nhận vì sự nghiệp

Với những giáo viên cắm bản, dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn luôn cố gắng để đem con chữ đến với các em học sinh vùng sâu.

Bản Sắt có một căn phòng giành cho giáo viên nhưng cũng đã rất xập xệ, bí bách. Không có điện, các thầy cô soạn giáo án vào buổi tối đều phải thắp nến hoặc dùng đèn pin soi.

Với con đường vào bản Sắt trước đầy, nhiều thế hệ thầy cô vẫn phải băng qua để gieo chữ cho các em học sinh (Ảnh: T.H)
Với con đường vào bản Sắt trước đầy, nhiều thế hệ thầy cô vẫn phải băng qua để gieo chữ cho các em học sinh (Ảnh: T.H)

“Năm ngoái vào đây dạy, lúc đó đường còn chưa hoàn thành, mỗi lần trời mưa chúng tôi phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ. Có khi mệt và tủi thân đến bật khóc, nhưng nghĩ khóc cũng không ai giúp được mình nên tôi lại vừa đi vừa hát tự động viên mình vượt qua khó khăn. 

Nói chung nhiều cái khổ và vất vả lắm, ở đây không có sóng điện thoại, không có điện, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng nhưng vì sự nghiệp, vì các em học sinh nên mình phải chấp nhận để cố gắng vượt qua”, cô Trần Thị Hoa, một giáo viên cắm bản 3 năm ở xã Trường Sơn tâm sự.

Bản Sắt nằm lọt thỏm giữa rừng núi, tách biệt với bên ngoài (Ảnh: T.H)
Bản Sắt nằm lọt thỏm giữa rừng núi, tách biệt với bên ngoài (Ảnh: T.H)

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBMTTQ xã Trường Sơn cho biết: “Bản Sắt là một trong những bản khó khăn nhất của xã. Hiện tại học sinh mầm non chưa có phòng học nên phải mượn nhà dân, đồ dùng cũng thiếu thốn rất nhiều.

Còn điểm trường tiểu học thì chỉ có một phòng học và một phòng giáo viên nên phải mượn nhà văn hóa thôn làm lớp học. Tất cả các phòng đều đã xuống cấp, xập xệ”.

“Chúng tôi mong muốn có đủ cơ sở vật chất để thầy cô và học sinh yên tâm hơn học hành. Mong sao các em ở đây được học hành đầy đủ, để sau này các em được mở rộng kiến thức, có nghề để cuộc sống bớt nghèo đói hơn”, ông Tráng nói.

Thủy Phan