Khổ thân... Nghị định!

25/04/2013 15:44
Đức Giang
(GDVN) - Nếu làm con người, Nghị định (29/2012/NĐ-CP) có thấy... khổ không?
Bài viết xin được dùng đến phép nhân hóa, một thủ pháp tu từ (tu từ gồm so sánh, nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ, thậm xưng...) mà nhờ đó, tiếng Việt của chúng ta trở nên phong phú, giàu có hơn về khả năng biểu đạt.
Xin được dùng cái phép nhân hóa ấy để tạm thời "biến" Nghị định thành một... con người. Nếu làm con người, Nghị định liệu có thể "đi vi hành", "hóa thân" (thành cô giáo), để thấu hiểu nỗi khổ của nhiều cô giáo thi tuyển vào viên chức ở tỉnh Vĩnh Phúc hay không?
Khổ lắm, Nghị định ạ! 
Năm kia, nhiều sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội đã phải kêu toáng lên vì Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tự nhiên tuyên bố: Không nhận sinh viên trường này! Lý do nêu ra nào là a, b, c... nhưng cuối cùng vì cái lý nó đuối nên ông giám đốc sở đức cao vọng trọng đành sửa sai, bổ sung lại đối tượng xét tuyển. Hú hồn! 
Nhưng mấy cô giáo tương lai học ở Hà Nội vừa thoát nạn thì đến lượt một nhóm cử nhân khác (tốt nghiệp ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc) bị Sở nọ "chiếu tướng". Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại tuyên bố không nhận sinh viên tốt nghiệp những trường này vào ngành sư phạm của tỉnh. Lần này, có vẻ do 2 trường đại học địa phương kia không dám "ăn to nói lớn" như đại học trung ương, nên các em đành ngậm ngùi ở nhà, đợi tuyển năm sau. 
Sang đợt tuyển giáo viên cuối năm 2012, Vĩnh Phúc không còn cảnh phân biệt hồ sơ trường này trường nọ nữa. Nhưng hỡi ôi, nhiều em đang phơi phới tuổi xuân, tràn trề khát vọng làm giáo viên lại gặp cái hạn to đùng: vốn học niên chế bị tính điểm theo kiểu học tín chỉ. Thành thử, người đáng đỗ thì trượt, người đáng trượt thì đỗ. Một cô giáo trẻ đã phải mang đơn đi khiếu nại khắp nơi nhưng lần này lần khác bị Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc gây khó, đã viết những dòng vừa thiết tha...  
"Điều em ước rất chi là nhỏ bé
Em ước rằng sẽ được dìu đám trẻ
Em yêu lắm những ánh mắt sáng ngời..."
... vừa phẫn uất: "Xin Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đừng làm khổ tôi nữa! Tôi không phải là sắt đá, mà tôi là một con người có da có thịt, có trái tim, biết đau đớn, biết tủi cực. Dù các chú không phải là người thân của tôi nhưng các chú cùng sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Phúc sao không hiểu nỗi thống khổ của đồng loại chứ? Đã ra thông báo chúng tôi đã làm đúng theo giờ còn bắt bẻ chúng tôi là cớ làm sao"?  

Nhưng thôi, chuyện kể ra có lẽ chỉ để Nghị định biết thôi, chứ chắc "ngài" cũng chẳng có tâm trí đâu mà thấu hiểu, nói gì đấu tranh vì lẽ công bằng. Vì như nhà văn Nam Cao đã viết trong truyện ngắn nổi tiếng Lão Hạc: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu"? Nhiều người cũng thông cảm vì bản thân Nghị định cũng đang phải trải qua những cảnh dở khóc dở cười. 
Này nhé! Ban đầu Nghị định bị đem ra làm trò lòe thiên hạ khi Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khua chiêng gióng trống trước kỳ tuyển quân, kiểu "em nhất nhất nghe theo anh", nhưng sau đó gạt "anh" sang một bên để "em làm theo kiểu của em". Chính là cái chuyện mà cô giáo vác đơn đi kiện trên kia đã phải trải qua. Cô vốn học đại học theo niên chế, nhưng khi tính điểm lại bị tính như kiểu sinh viên học theo tín chỉ, thành ra cô bị hụt mất hơn 20 điểm, còn người khác lại được tăng điểm lên. Kết quả là cô bị loại, còn người đáng ra thấp điểm hơn thì lại trúng tuyển. Thử hỏi, có mang tiếng Nghị định không cơ chứ! 
Đến khi cô giáo này "to gan" kêu oan, báo chí vào cuộc, thì Sở giáo dục Vĩnh Phúc "kêu oan" to chẳng kém. Họ lại vác chính Nghị định ra làm bức bình phong để ngụy biện - cái thói thường thấy của những kẻ làm sai nhưng cãi cố cho được. Về sau, đèn giời soi xét, Sở này nhận khuyết điểm, công bố sẽ làm lại hồ sơ, các thí sinh bị mất điểm oan mừng vui phơi phới. Ai ngờ...
Đến lúc các thí sinh đi nộp lại bảng điểm xét tuyển lần hai, thì lần này Nghị định đứng trước nguy cơ mất danh dự ghê gớm. Chả là trong Nghị định có một câu, rằng: “Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển…”. Chiếu theo câu này, tất cả các sở giáo dục trên cả nước, các trường đại học, và ngay cả các phòng giáo dục huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đều tính một cách như nhau. Riêng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chơi kiểu "chiết tự", bám vào cụm từ "trung bình cộng" để đẻ ra một cách tính không giống ai. Dựa vào đó, Sở lắc đầu nguầy nguậy với hồ sơ các thí sinh mang nộp, bắt về trường làm theo cách của mình. Có em trước ngày nghỉ giỗ Tổ đi xuống Hà Nội xa gần trăm cây số nhưng bị trường từ chối, em khác lặn lội 300km lên Sơn La và cũng không được trường đồng ý. Dọc đường đèo có em vì vội vã suýt lao xuống vực. Hận vô cùng, Nghị định ạ!
Nếu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc được tự tung tự tác làm theo cách chẳng giống ai, chẳng hóa ra... Nghị định ăn nói nước đôi à, nhạc nào cũng nhảy được à? Thế có mất mặt không cơ chứ!
Lần này, chắc là chuyện to đấy, Nghị định nhé!
Dài dòng vài ba chuyện để thấy, "nhân hóa" làm người có khổ không, thưa Nghị định?  
Có câu: "Vuốt mặt phải nể mũi". Không nể... Nghị định thì cũng phải nể... cơ quan làm ra Nghị định chứ! Mà hình như, cơ quan đó là Bộ Nội vụ!
Vậy thì, kính trình Bộ Nội vụ xem xét vụ việc, bảo vệ quyền lợi và danh dự chính đáng cho... Nghị định!
Bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, bình luận, xin mời BẤM VÀO ĐÂY. Trân trọng cảm ơn!

Loạt bài phản ánh cách tính điểm sai của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trên Giaoduc.net.vn

Bài 1: Sở giáo dục Vĩnh Phúc 'bẻ cong' Nghị định của Chính phủ 

Bài 2: Vụ Sở 'bẻ' Nghị định Chính phủ: Lời than của các cựu nữ sinh

Bài 3: Bẻ cong' NĐ Chính phủ: Quan chức Sở 'đi vắng, có việc gấp'

Bài 4: Cô giáo thi viên chức: 'Tôi đã hận Sở giáo dục Vĩnh Phúc đến vô cùng'

Bài 5: Vụ 'bẻ cong' NĐ Chính phủ: 'Công luận đang giám sát Sở GD Vĩnh Phúc'

Bài 6: Tuyển giáo viên ở Vĩnh Phúc: 'Chém' mất 20,5 điểm vẫn khẳng định là công bằng!

Bài 7: Bi hài: 'Bẻ cong' Nghị định vì... văn bản của Bộ Giáo dục!?

Bài 8: Độc giả tiếp tục bất bình về Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Bài 9: Cô giáo thi viên chức: 'Nhiều lúc thấy mình lạc lõng quá'

Bài 10: GĐ Sở Nội vụ: Sở Giáo dục đã sai, sẽ tính lại điểm xét tuyển
Bài 11: Sở Giáo dục Vĩnh Phúc tính lại điểm xét tuyển giáo viên
Bài 12: 'Ngã ngửa' vì... sở giáo dục Vĩnh Phúc!
Bài 14: Lần thứ hai sở giáo dục Vĩnh Phúc ‘bẻ cong’ Nghị định Chính phủ!

Bài 15: Phẫn nộ vì cách tính điểm 'quái dị' của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Bài 16: Cô giáo thi viên chức phẫn uất: 'Tôi sẽ gửi thư đến Chủ tịch tỉnh'

Bài 17: Trào nước mắt vì bức thư phẫn uất của cô giáo thi viên chức

Bài 18: Vụ 'bẻ cong' Nghị định: Mẹ đi cùng con gái đề phòng 'chuyện bất trắc'

Bài 19: Cục trưởng Cục Nhà giáo lên tiếng vụ xét tuyển viên chức tại Vĩnh Phúc
Đức Giang