Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học

16/03/2017 07:18
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(GDVN) - Học các môn chính trị ấy là học về khoa học chính trị. Khoa học thì khách quan và bình đẳng, không ai và không có lý thuyết nào độc quyền chân lý.

LTS: Bài viết thứ 4 trong loạt bài đổi mới giáo dục của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm về việc dạy và học khoa học chính trị, lịch sử.

Theo ông, học lịch sử mang nhiều ý nghĩa hơn chúng ta đang nghĩ và khoa học chính trị cũng thế, cần phải thay đổi tư duy về dạy và học.

Tòa soạn xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Đối với chương trình môn học cụ thể, tôi muốn đề xuất một số ý kiến sau đây, tất nhiên là không thể đầy đủ và toàn diện. 

Học lịch sử không phải chỉ để hiểu rõ quá khứ, mà còn để nắm chắc tương lai

Trước nhất là môn lịch sử. Đây là môn học rất quan trọng, phong phú và hấp dẫn. Tại sao những năm gần đây học sinh ít thích học môn này?

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Nhiều em cảm thấy nó khô khan, nặng nề và không ít học sinh không biết học để làm gì, không thấy rõ học có lợi gì. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do chương trình không tốt, cộng với năng lực yếu kém của người truyền thụ và còn có quan điểm không đúng trong nhìn nhận vai trò của môn học nữa. 

Để khắc phục tình hình trên, tôi đề nghị quan tâm 2 vấn đề sau. 

Thứ nhất: Học lịch sử không chỉ để hiểu biết về quá khứ, tự hào về truyền thống vẻ vang của Dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, dù việc ấy vẫn mãi mãi là cần thiết, nhưng chưa đủ, rất chưa đủ. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (giữa) và nhà văn Nguyên Ngọc (phải) tại lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh, ảnh: Báo Công an Nhân Dân.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (giữa) và nhà văn Nguyên Ngọc (phải) tại lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh, ảnh: Báo Công an Nhân Dân.

Quan trọng hơn nữa là học sử để chuẩn bị cho một tương lai, kể cả tiếp tục giữ nước và nhất là phát triển mạnh mẽ và bền vững đất nước.

Tức là học quá khứ cho tương lai, vì tương lai. Tìm trong quá khứ câu trả lời cho hiện tại và tương lai. 

Lâu nay ta nói khá rõ về truyền thống giữ nước, nhưng chưa phải đã đủ, chưa khái quát cô đọng nhất và chưng cất kỹ lưỡng để có bài học đắt giá nhất được rút ra từ lịch sử. 

Cần tổng kết lại trong lịch sử dân tộc ta đã bao nhiêu lần chống xâm lược từ Phương Bắc và Phương Tây, nguyên nhân xảy ra các lần chiến tranh ấy, bao nhiêu lần ta thắng, mấy lần ta thua, vì sao ta thắng và vì sao ta thua, thông điệp cho hôm nay và mai sau là gì? 

Đặc biệt hơn, cần nói rõ về thời kỳ xây dựng trong hòa bình. Phần này-phát triển đất nước trong hòa bình-chưa rõ và không đủ. 

Trong khi đó, thời kỳ hòa bình vẫn là chủ yếu, dài hơn gấp bội thời gian chiến tranh chống xâm lược. 

Thời kỳ nào nước ta hưng thịnh và thời kỳ nào suy vong, suy đồi, nguyên nhân vì sao? Vì sao sau 4 ngàn năm rồi mà Việt Nam chưa là một quốc gia và dân tộc phát triển? 

Rút ra cho được nguyên nhân chính yếu dẫn đến tụt hậu, không phát triển được. Từ đó mà chuyển đến cho hôm nay và mai sau thông điệp có giá trị cao đối với sự phát triển từ nay về sau của dân tộc và đất nước. 

Thứ hai: Giữ vững tính khách quan khoa học của môn này, không nên “chính trị hóa” vấn đề nọ, vấn đề kia. 

Ở nước Đức, khi chấm bài lịch sử, thầy giáo chủ yếu chỉ quan tâm cách tiếp cận và cách lập luận của học sinh chứ không đánh giá về quan điểm chính trị.

Khi thống nhất nước Đức, với sự thắng thế thuộc về Tây Đức, có những ý kiến cực đoan yêu cầu phá bỏ ngay các tượng của ông Các Mác trong tất cả các trường học. 

Hội Khoa học Lịch sử tổ chức hội thảo: Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông vào tháng 11/2015 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tích hợp môn Lịch sử. Ảnh: Thu Hà / Báo Nhân Dân.
Hội Khoa học Lịch sử tổ chức hội thảo: Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông vào tháng 11/2015 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tích hợp môn Lịch sử. Ảnh: Thu Hà / Báo Nhân Dân.

Nhà cầm quyền không vội quyết định mà để cho tập thể thầy giáo và học sinh thảo luận nên giữ hay nên bỏ, vì sao như vậy, lợi hại thế nào?

Kết quả thảo luận đã giúp cho học sinh trưởng thành về nhiều mặt, có những nơi sinh viên yêu cầu không bỏ. Ta thử tham khảo và suy ngẫm cách giáo dục của họ.

Việc gì trước đây do yêu cầu tuyên truyền tức thời lúc đó hoặc xử lý thông tin không tốt mà đã dẫn đến cung cấp kiến thức không đúng sự thật lịch sử thì nay mạnh dạn nói lại càng sớm càng tốt cho học sinh. 

Một số nội dung trước đây chưa trình bày rõ, nay nên trình bày rõ cho học sinh, như vấn đề Chămpa-Lâm Ấp, Óc eo-Phù Nam, cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979, chuyện mất đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa…kể cả những việc gì ta sai lầm trong lịch sử. 

Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học ảnh 3

Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng

Nói đến sai lầm ấy không có nghĩa là kết tội cha anh, mà muốn người Việt Nam ta hiện tại và tương lai sẽ tránh được những sai lầm tương tự.

Điều đấy cũng có nghĩa là sự hao tốn công sức, tiền của và máu xương của cha ông ta là học phí, là không vô nghĩa, đã góp phần cho một tương lai tốt đẹp của dân tộc này. 

Phần lớn học sinh sau này sẽ làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không phải là sử học. Việc giảng dạy lịch sử ở phổ thông chủ yếu là nhằm hình thành nhân cách, để sống và ứng xử. 

Cần phân biệt yêu cầu này với việc chuẩn bị cho các nhà sử học tương lai.

Một mặt, phải chuẩn bị nội dung và cách học cho đại trà. Mặt khác, cần có các hình thức câu lạc bộ phù hợp để bồi dưỡng cho các tài năng, nhằm chuẩn bị các nhà sử học cho đất nước. 

Lâu nay, trong chương trình học sử phổ thông, nhiều lúc bắt học sinh phải nhớ quá nhiều tư liệu. Ngày tháng, tên tuổi, địa danh, số lượng…Làm cho các em cảm thấy nặng nề, khô khan, chán học sử. 

Tốt hơn nên giúp cho học sinh tiếp cận được bản chất của lịch sử, các dòng chảy bên trong có tính quy luật của lịch sử ấy, và các tinh chất được chắc lọc, chưng cất từ thực tiễn lịch sử của dân tộc.

Giáo dục các môn khoa học chính trị, chứ không phải dạy chính trị

Về các môn “chính trị” cần đổi mới như thế nào? Nhiều người vẫn gọi các môn ấy là các môn học chính trị.

Gọi như thế là căn cứ vào thực tế của việc dạy và học các môn này. Chứ đúng ra nó không phải là học chính trị, mà là học khoa học về các vấn đề đó. 

Cần phân biệt giữa việc học khoa học và học chính trị. Nó khác nhau, không phải là một. 

Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học ảnh 4

Sinh viên Việt Nam tụt hậu vì những môn học vô bổ

Học chính trị-ví dụ nghe phổ biến một nghị quyết của Trung ương hoặc của Quốc hội-cũng là việc rất cần, nhưng đó là việc khác. Hiện nay, nhiều học sinh-sinh viên không thích học, không muốn học các môn này.

Không ít em cảm thấy nặng nề, học như là một khổ dịch. Như thế chắc chắn không có chất lượng, không có hiệu quả, thậm chí có mặt có hại. 

Có thầy giáo khi học viên hỏi “thầy có thật sự tin những điều thầy nói…ấy không” thì thầy trả lời “về câu hỏi của em-đây là việc tế nhị, nhạy cảm”. 

Một trí thức làm công tác quản lý trường đại học, khi được hỏi ý kiến về hiệu quả trong việc học các môn ấy thì nói rằng “học như thế cũng không có hại gì vì học sinh nó có chịu học đâu”. 

Tình hình là thế đó. Nếu học kiểu như vậy cũng có nghĩa là ta đang tích cực làm cho lớp trẻ nó chán ông Mác và ông Lênin, mặc dù các ông ấy vẫn có những điều hấp dẫn và có ích.

Tất nhiên là không phải tất cả, không phải rất nhiều, không phải đã đầy đủ rồi, chỉ cần nghiên cứu các ông ấy thôi, không cần phải học của ai khác nữa. 

Để đổi mới căn bản việc dạy và học các môn này, tôi đề nghị lưu ý 3 vấn đề sau. 

Một là, học các môn chính trị ấy là học về khoa học chính trị. Khoa học thì khách quan và bình đẳng, không ai và không có lý thuyết nào độc quyền chân lý. 

Phải chấp nhận phản biện trong quá trình học và nghiên cứu các môn này, không quy chụp học sinh khi nó phản biện khoa học.

Cần phải thấy tinh thần phản biện và cách phản biện là biểu hiện của sự trưởng thành. Tạo ra một không khí cởi mở, một môi trường tự do học thuật. 

Hai là, học các môn ấy không chỉ của Mác, Lênin mà kể cả các trường phái khoa học khác, lịch sử ra đời và phát triển của khoa học ấy, để các lý thuyết bình đẳng với nhau, tự khẳng định mình và tồn tại bằng giá trị. 

Các môn Mác-Lênin là bộ phận hợp thành của khoa học nói chung về lĩnh vực ấy, chứ không phải tách ra, biệt phái, cô lập với lịch sử khoa học của nhân loại. 

Đó là những phần, những chương quan trọng trong chương trình nghiên cứu nói chung (chứ không riêng Mác-Lênin) về triết học, các lý thuyết kinh tế, khoa học chính trị. 

Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học ảnh 5

Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học trò đi tìm chân lý

Thầy giáo là bạn đồng hành cùng các em đi tìm chân lý chứ không phải là áp đặt theo kiểu độc quyền những chân lý định sẵn. Cái nào là chân lý thì chính người học tự nguyện thừa nhận với một tư duy mở và độc lập. 

Thầy giáo giúp các em nhận biết các giá trị cốt lõi nhân văn và khoa học của môn học. Phân biệt giữa khoa học và tư biện. 

Có đồng chí hỏi tôi rằng nếu các giá trị ấy ít quá thì làm sao? Ít nhiều thì nói sau, mà chắc gì đã ít, mà nhiều và ít thì có sao đâu, miễn là đúng khoa học.

Hãy bằng các sinh hoạt khoa học để thảo luận kỹ đâu là các giá trị khoa học và nhân văn ở trong đó. 

Phải thật khách quan, không phải cố bênh vực hay cố loại bỏ ông này hay ông kia. Đó không phải là thái độ khoa học.

Giá trị nhân văn và khoa học không phụ thuộc vào số lượng ít hay nhiều, mấy cái, mà phụ thuộc vào tầm cỡ, mức độ sâu sắc và ý nghĩa của vấn đề. 

Không có vĩ nhân nào đúng tất cả và mãi mãi, khi thời gian đi qua.

Chỉ cần một ít thôi, nhưng đó là những phát hiện vĩ đại, rất sâu sắc, có tầm vượt trước rất xa, tồn tại và có giá trị lâu dài trong thực tiễn và với lịch sử, thế là vĩ đại rồi, tốt quá rồi. 

Trong cuộc đời mình, Các Mác chưa hề có quyền lực, thậm chí ông đã nhiều lần bị quyền lực truy đuổi, và ông đã mất lâu rồi, cả trăm năm rồi, không còn sống để trực tiếp bảo vệ các quan điểm của mình.

Nhưng mãi tới nay, nhiều nước ở Mỹ và phương Tây, phương Đông, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu vẫn nghiên cứu các tư tưởng của ông. Bản thân việc ấy cũng nói lên một điều rằng, trong đó, trong tư duy của ông, không thể hoàn toàn không có những giá trị gì.

Ngoại ngữ hay ngôn ngữ thứ hai?

Có ý kiến cho rằng nên lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 của quốc gia. Tôi lại không nghĩ như vậy. 

Người Việt Nam cần giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, để từ đó mà tiếp biến hiệu quả hơn với các nền văn hóa khác nhằm không ngừng hoàn thiện mình. Tôi ủng hộ cách suy nghĩ đó. 

Nhưng ngôn ngữ quốc gia thì chỉ nên để một thứ tiếng là tiếng Việt. Đây còn là chuyện sâu xa về sự trường tồn và thống nhất của toàn dân tộc trên đất nước Việt Nam. 

Nhớ lại thời kỳ một ngàn năm Bắc thuộc, chính tiếng Việt đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc giữ cho dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa. 

'Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào vùng cấm...'

Mặt khác, thực tế của thế giới đã cho thấy, nhiều quốc gia giỏi ngoại ngữ hơn các nước khác nhưng vẫn không phát triển được, trong khi đó có những quốc gia không giỏi ngoại ngữ nhưng họ đã phát triển mạnh mẽ, thành cường quốc. 

Tình hình đó cho thấy, giỏi ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của các quốc gia.

Ngoài ra, dạy tích hợp ở lớp dưới và phân hóa ở lớp trên là một chủ trương đúng. Cần tích cực thực hiện theo hướng này. 

Hà Lan là một trong những nước làm mạnh, làm sớm và họ đã có những kinh nghiệm trong vấn đề này. Cần nói rõ lợi hại thế nào để tạo ra sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội, không để do chưa nắm chắc được vấn đề mà có nhiều ý kiến thắc mắc là tại sao bỏ môn này và bỏ môn kia. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng