"Khoảng 30 năm nữa giáo dục Việt Nam mới “ra tấm ra miếng'"

08/02/2014 08:01
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS Trịnh Ngọc Thạch nhận định: "Mục tiêu lọt top 200 đại học thế giới vào năm 2020 quá xa vời với Việt Nam".

Đổi mới nền giáo dục là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và đã được bàn tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Viết tiếp bài "Muốn có giảng viên, giáo viên giỏi rất cần cơ chế đặc thù" và bài “Còn cơ chế xin cho là còn đặc quyền đặc lợi”, TS Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Mục tiêu lọt top 200 đại học thế giới vào năm 2020 quá xa vời với Việt Nam"

PV: Theo ông, từ đề án đổi mới này, nếu thực hiện quyết liệt thì sau bao nhiêu năm nữa Việt Nam đổi mới thành công nền giáo dục?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Nếu đề án này làm tốt ngay từ đầu, mọi chuyện đều làm tốt thì tôi nghĩ khoảng 30 năm nữa giáo dục Việt Nam mới “ra tấm ra miếng”, mới “sánh vai” được với các nước phát triển hiện nay.

Vì sao vậy? Chiến lược phát triển giáo dục của Việt nam đề ra là đến năm 2020 có ít nhất một trường ĐH lọt top 200 thế giới, nhưng để đạt thứ hạng này thì trường đó phải có ít nhất 5 giải Nobel, mà hiện nay nước ta chưa có giải Nobel nào. Đấy là chưa kể các tiêu chí khác như: Trường phải có 90% Giáo sư, Tiến sĩ; tiêu chí về các tác phẩm khoa học, có bao nhiêu báo cáo khoa học quốc tế được trích dẫn… với các tiêu trí như vậy thì chúng ta rất khó so bì.

Xếp hạng hiện nay của Đại học Việt Nam thấp lắm, chưa có trường nào lọt top 700 thế giới, trong khi cột mốc 2020 chỉ còn 6 năm nữa thôi. Liệu Việt Nam có trường Đại học nào lọt top 200? Chắc chắn là không thể!

TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Ngoài ra, còn một thông số rất quan trọng cần phải lưu ý nếu muốn trở thành nước công nghiệp phát triển hiện nay, đó là tỷ lệ người trong độ tuổi đại học được vào đại học từ 18-22 đạt tới 50%. Nước ta tỷ lệ này mới chỉ khoảng trên 16%, nhưng trong con số nhỏ nhoi ấy thì không phải trường Đại học nào cũng làm tốt; trong số đó sinh viên Đại học không phải anh nào cũng học tốt, cho nên nguồn nhân lực của chúng ta nói chung còn yếu.

Người ta nói Việt Nam thua Hàn Quốc cỡ 50 năm, thua Thái Lan khoảng 30 năm. Giả sử đến lúc mình lên được 30 năm thì họ đã chạy thêm được 60 năm rồi, và khoảng cách cứ xa mãi. Tôi thấy qua khảo sát đánh giá thì khoảng 30 -40 năm nữa nền giáo dục Việt Nam mới có được nền giáo dục chuẩn hiện nay như Hàn Quốc, Singapore.

PV: Nhiều người ví von Singapore chọn hướng đi lên từ giáo dục và đã thành công, còn Việt Nam thì đi lên từ kinh tế nhưng đáng tiếc là chưa thành công. Ông có bình luận gì trước so sánh này?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Con đường giáo dục của Singapore là đi theo chuẩn hóa của phương Tây, và người mở ra con đường này là Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập thì cũng mất hàng nghìn việc làm, có thể nói rằng họ chỉ có hai bàn tay trắng, không tài nguyên, phải nhập khẩu tất cả mọi thứ, ngay cả nước sinh hoạt cũng phải mua. Nhưng Singapore đã đi lên được bằng giáo dục, họ chấp nhận một khoảng thời gian nhất định ban đầu tập trung cho giáo dục, sau 15 - 20 năm thì họ có một nguồn nhân lực trình độ cao, từ đó tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô và trình độ nguồn nhân lực chất lượng. Khi có nguồn nhân lực mạnh thì họ mới phát triển sang kinh tế, làm giàu bằng chính trí tuệ của đất nước, đồng thời cũng hút được nhân lực từ các nước khác đến. Cho đến bây giờ, Singapore là quốc gia có nền giáo dục vào loại mạnh trên thế giới.

Trong khi đó, ở ta đã nhấn mạnh “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng thực tế thì chúng ta lại dồn chủ yếu cho phát triển kinh tế. Nhưng đáng tiếc là mấy năm qua kinh tế vẫn khó khăn, một số doanh nghiệp nhà nước loay hoay với vấn đề tham nhũng, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Giá như chúng ta quyết liệt dồn kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực thì tới bây giờ chắc chắn Việt Nam đã ở một trình độ khác rồi.

PV: Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên loay hoay mãi với bài toán đổi mới giáo dục, tốt nhất là nên học theo Singapore, tức là thấy họ có gì hay thì mang về áp dụng. Ông có đồng ý với quan điểm này không?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Đi tắt đón đầu trong một số việc khác thì được nhưng giáo dục thì khó, bởi vì đi tắt đón đầu anh sẽ bỏ qua một số những cái mà anh chưa làm được. Đi tắt là tắt về khoa học công nghệ anh không phải mò mẫm gì về nghiên cứu, cứ đi thẳng vào vấn đề của nó, ứng dụng thành tựu công nghệ mà sản xuất, nhưng giáo dục thì phải đào tạo từ gốc. Tuy nhiên, đổi mới sách giáo khoa, chương trình phổ thông, đổi mới chương trình đại học, cơ sở giáo dục đào tạo tốn nhiều tiền lắm. Hiện tại, tôi cũng thấy băn khoăn về nguồn lực tài chính sử dụng kém hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là phải có cái mốc cụ thể, mà hiện nay điểm này chưa rõ. Mình đang mới hướng tới xác định chuẩn đầu ra, xây dựng các chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giáo dục… Chưa có chuẩn thì không hiểu khi hội nhập quốc tế mình sẽ bơi đến đâu? Chúng ta sẽ theo trường phái như Mỹ, Pháp hay Anh? Tôi nghĩ nếu đề án này chuẩn chạy từ năm 2014 và làm tốt thì khoảng 30 năm nữa mới có thể phát triển theo quỹ đạo của thế giới.

PV: 30 năm theo suy đoán của ông với điều kiện chúng ta phải thật sự quyết tâm, nhưng có lẽ sẽ có rất nhiều khó khăn, bởi lâu nay chúng ta cứ nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế thì hình như chưa phải vậy?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Căn bản là chúng ta phải nhận thức lại về giáo dục, bấy lâu nay chúng ta gọi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng thực ra có phải thế không? Tôi thấy có cái gì khác là hàng đầu chứ không phải giáo dục, đâu đâu cũng thấy bàn những vấn đề nóng là kinh tế, ngân hàng, chứ có thấy nóng vấn đề giáo dục đâu. Tôi thấy như vậy không được, làm sao để nó phải đi vào cả xã hội, bức xúc tìm mọi cách để đưa giáo dục phát triển. Chừng nào nước mình chưa thể đi lên bằng giáo dục được, chưa thể đứng trên đôi chân của giáo dục thì chưa thể trở thành một cường quốc.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)