Khởi nghiệp không phải là một trò chơi

12/12/2016 08:18
Thùy Linh
(GDVN) - “Ngày Nhân sự Việt Nam” năm 2016 đưa ra nhiều vấn đề nóng về khởi sự, khởi nghiệp với đội ngũ nhân sự trẻ, doanh nhân trẻ.

Kế tiếp thành công của Ngày Nhân sự Việt Nam (Vietnam HRDay) 5 năm qua, ngày 11/12 tại Hà Nội diễn ra Vietnam HRDay 2016 lần thứ 6.

Vietnam HRDay lần thứ 6 do Tổ chức tư vấn giáo dục Việt Nam - EduViet Corporation phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia và Diễn đàn Nhân sự Việt Nam HRLink.vn tổ chức với chủ đề: “Quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp”.

Ngày 11/12 tại Hà Nội diễn ra Vietnam HRDay 2016 lần thứ 6 (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 11/12 tại Hà Nội diễn ra Vietnam HRDay 2016 lần thứ 6 (Ảnh: Thùy Linh)

Vietnam HRDay 2016 tập trung vào 4 mục tiêu quan trọng. Đó là: 

- Tăng cường sự đoàn kết của cộng đồng nhân sự, doanh nhân để cùng chia sẻ những cơ hội trong bối cảnh mới, đồng hành đưa doanh nghiệp phát triển và quốc gia hưng thịnh.

- Chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học về quản trị nhân sự trong thời kì hậu khủng hoảng và niềm tin hướng tới tương lai.

- Nhìn nhận về các xu thế sắp tới trong công tác quản trị nhân sự với doanh nghiệp mới thành lập (trong 5 năm đầu) và đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập.

- Thực hiện trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với cộng đồng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đội ngũ nhân sự trẻ, doanh nhân trẻ - lực lượng nòng cốt tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam - có cơ hội tham gia, trải nghiệm và đóng góp công sức trong sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước…

Phát biểu khai mạc Ngày Nhân sự Việt Nam 2016, PGS.TS Lê Quân- người sáng lập Ngày Nhân sự Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Ngày Nhân sự Việt Nam 2016 cho biết: 

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, chính phủ và giới doanh nhân Việt Nam.

Chúng ta đã chứng kiến làn sóng khởi nghiệp đầu tiên vào những năm đầu thập kỷ 90, mạnh mẽ hơn vào những năm đầu thế kỷ 21, và sẽ đóng vai trò động lực phát triển kinh tế trong những năm sắp tới.

Con số ấn tượng hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hơn 20 nghìn doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm nay là mốc son trong chính sách kiến tạo môi trường khởi nghiệp của Chính phủ. 

Đặc biệt, ngày 16/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021 và Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp trong chuỗi hoạt động của năm khởi nghiệp quốc gia.

Do đó, sự kiện Ngày Nhân sự Việt Nam 2016 với chủ đề “Quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp” được tổ chức gắn với năm khởi nghiệp quốc gia, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp;

Đồng thời góp phần giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể giải quyết được những vướng mắc về quản trị nhân sự. 

Khởi nghiệp luôn đi đôi với nhân sự

Theo PGS.TS Lê Quân giải thích, khởi nghiệp nếu hiểu nôm na là một cá nhân hoặc một nhóm người thiết lập và xây dựng một mô hình kinh doanh, để tự làm chủ bản thân và không phải đi làm thuê cho người khác, để tạo việc làm và tạo giá trị gia tăng cho xã hội. 

Do vậy khởi nghiệp là một phạm trù rộng. Từ việc mở một quán phở để có việc làm và có thu nhập, đến mở một thương hiệu phở để phát triển thành chuỗi và thu hút nhà đầu tư như phở 24;

Hay từ việc sáng tạo ra một trò chơi trực tuyến và bất ngờ với sự bứt phá về doanh số, đến việc sáng lập ra một công ty trò chơi và phát triển rất nhanh nhờ thu hút đầu tư như VinaGame... 

Khởi nghiệp không phải là một trò chơi ảnh 2
PGS.TS Lê Quân phát biểu trong Ngày nhân sự Việt Nam 2016 (Ảnh: Thùy Linh)

Nhưng trong mọi hoàn cảnh, doanh nhân và lãnh đạo luôn phải đối diện với những bài toán về quản trị nhân sự, đối diện với những thách thức, khó khăn khi chúng ta yếu kém về con người và quản lý con người.

Có quan điểm cho rằng cứ khởi nghiệp đi rồi bạn sẽ tự ngộ ra nhiều điều. Cứ lo có doanh thu đi rồi sau này quan tâm đến hệ thống, đến quản trị nhân sự sau. 

Khoa học quản trị nhân sự không cho là như vậy, nếu chưa đủ năng lực thì đừng cố lao đầu vào đá.

Khởi nghiệp không phải để học hỏi kinh nghiệm. Trong xã hội tri thức này, cần tận dụng các cơ hội để trở thành nhà khởi nghiệp có tri thức”, PGS.Lê Quân nhấn mạnh. 

Khởi nghiệp không phải là một trò chơi ảnh 3

Đại học Quốc gia Hà Nội phải đi tiên phong xây dựng chương trình khởi nghiệp

(GDVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bởi theo PGS.Lê Quân, khởi nghiệp và nhân sự luôn đi đôi với nhau. Hầu hết các nguyên nhân thất bại của quá trình khởi nghiệp đến từ năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của chủ doanh nghiệp.

Khởi nghiệp không phải là một “trò chơi”, cũng không phải là một “trải nghiệm”.

Khởi nghiệp là quá trình kết hợp giữa cá nhân và tổ chức. Thành lập và phát triển doanh nghiệp là sản phẩm và cũng là phương tiện của quá trình khởi nghiệp. 

Do đó, bên cạnh các năng lực về chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật, các năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tổ chức, quản trị con người là chìa khóa quan trọng đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo Trưởng ban Tổ chức Ngày Nhân sự Việt Nam 2016 để trở thành một người quản lý trong một doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài chưa hẳn đã mang lại kinh nghiệm quản lý cho nhà khởi nghiệp trong nước bởi tại các doanh nghiệp lớn thường có các quy trình kinh doanh bài bản, phân khúc, phân đoạn. 

Trong khi đó, khởi nghiệp đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải có tư duy hệ thống để phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư.

Và tại Ngày Nhân sự Việt Nam 2016, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ những bài học, câu chuyện về quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp;

Đồng thời, có những phiên thảo luận chuyên sâu về từng vấn đề như: thiết kế hệ thống quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp; tuyển dụng, đào tạo nhân sự rồi đến việc việc chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật…

Theo các chuyên gia, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế và thiếu nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Vì vậy, trong thời gian tới, chiến lược khởi nghiệp quốc gia cần chú trọng tạo dựng môi trường để phát triển tinh thần doanh nhân, tinh thần kinh doanh trong thanh niên ngay từ bậc phổ thông. 

Đó là việc rèn luyện cho các em học sinh những giá trị khởi nghiệp và tư duy làm chủ; phải thay đổi ngay từ giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để các em sinh viên được trang bị đủ các năng lực cần thiết cho khởi nghiệp chứ không đơn thuần là các kiến thức kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn hẹp. 

Bởi, từ một kỹ sư giỏi để trở thành nhà khởi nghiệp cần được trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, dự án, quản lý đội nhóm... 

Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh rằng, phát triển khởi nghiệp như một giải pháp để tự tạo việc làm cho mình và tạo việc làm cho người khác, cũng như tạo ra giá trị của cải cho xã hội.

Thùy Linh