Không Luận văn, các sinh viên có thật sự là “Hàng VN chất lượng cao"?

15/06/2013 07:30
Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN
(GDVN) - Theo chuyên gia Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN: Việc thực hiện luận văn cần phải là bắt buộc cho cấp đại học nhằm nâng cao chất lượng cho sinh viên khi ra trường. Đây là một việc làm căn bản và quan trọng nhất.
Luận văn là phòng thí nghiệm lớn nhất để kiểm tra chất lượng SV
Trước thực trạng luận văn tốt nghiệp đại học không còn nhiều giá trị về mặt khoa học, có nhiều ý kiến xem xét sự tồn tại của việc làm này. Có người cho rằng bỏ luận văn là xu hướng của giáo dục đại học trên thế giới. Một số ý kiến khác cũng nhấn mạnh: luận văn chỉ phù hợp với đại học nghiên cứu và chúng ta nên bỏ luận văn tại các đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng hoặc đại học cộng đồng thì nên bỏ luận văn.

Một bộ phận khác thì nhận thấy: thiếu giảng viên và cơ sở vật chất, do đó nên bỏ luôn luận văn và thay bằng thi tốt nghiệp. Các ý kiến trên đều qui về một mục tiêu nhằm chính thức hóa việc loại bỏ yêu cầu luận văn trong tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả bài viết dưới đây, việc thực hiện luận văn cần phải là bắt buộc cho cấp đại học vì các lý do như sau:
Thập kỷ 90 trở về trước, việc làm luận văn tốt nghiệp là phổ biến tại các đại học trên cả nước. Nhu cầu thi tốt nghiệp chỉ hiện hữu khi chúng ta có quá nhiều đại học và chạy theo số  lượng sinh viên thay vì chất lượng sinh viên. Nâng cao chất lượng – cụ thể sinh viên khi ra trường là một tiêu chí căn bản và quan trọng nhất. 

Trước thực trạng luận văn tốt nghiệp đại học không còn nhiều giá trị về mặt khoa học, có nhiều ý kiến xem xét sự tồn tại của việc này. (Ảnh minh họa)
Trước thực trạng luận văn tốt nghiệp đại học không còn nhiều giá trị về mặt khoa học, có nhiều ý kiến xem xét sự tồn tại của việc này. (Ảnh minh họa)
Các trường đại học không thể "quá mù ra mưa" vịn cớ không có đủ giáo viên, cơ sở vật chất để tự châm chước cho chất lượng và kéo chất lượng giáo dục đi xuống. Nếu không đủ giáo viên và cơ sở vật chất thì biện pháp căn cơ nhất đó chính là hãy tự cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp với năng lực và vật lực của các trường đại học.
Đào tạo bậc đại học nhằm tạo ra một sản phẩm - con người có một nghề vững vàng trong cuộc sống. Để thực thi một nghề, trường đại học cần phải trang bị ít nhất kiến thức, kỹ năng và thái độ - mô hình ASK cơ bản trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực cho các sinh viên ra trường. 
Thi tốt nghiệp chỉ có thể kiểm tra được kiến thức. Hai phần quan trọng nhất đó chính là kỹ năng và thái độ rất khó kiểm tra sinh viên thông qua hình thức thi tốt nghiệp. Một vấn đề quan trọng của luận văn tốt nghiệp đó chính là tổng hợp các kiến thức học từ nhiều bộ môn khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Điều này cho phép kiểm soát chất lượng đào tạo tốt hơn.  
Giáo dục đại học muốn tốt và hiệu quả cần tạo ra các "phòng thí nghiệm" mô phỏng các tình huống khó khăn ngoài doanh nghiệp và cuộc sống cho sinh viên. Luận văn chính là phòng thí nghiệm lớn nhất để kiểm tra một cách toàn diện và hệ thống tất cả những gì người sinh viên thu nhận được trong cả quá trình học đại học. Luận văn còn tạo ra cơ hội cho sinh viên đối diện một thực tế - dự án công việc từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc. Đây chính là nơi kiểm tra những kỹ năng toàn diện như lập kế hoạch, thu thập thông  tin, xử lý vấn đề, tư duy và phương pháp luận khoa học. Một học sinh yếu có thể vì may mắn thi qua kỳ thi tốt nghiệp nhưng sẽ không thể nào vượt qua một bài kiểm tra tổng hợp đầy đủ như vậy. 
Hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cũng là một cách rất hiệu quả nhằm nâng cao năng lực và tri thức của lực lượng giảng viên đại học. Thông qua quá trình hướng dẫn sinh viên, bản thân người giảng viên cũng cần phải cố gắng nâng cấp phương pháp luận, tư duy, kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức của chính mình. Một giảng viên kém sẽ bộc lộ rất rõ những điểm thiếu sót khi hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.

Không phải vô lý khi tại các trường đại học lớn và uy tín, các giảng viên trẻ mới ra nghề chỉ được đồng hướng dẫn cùng với các giảng viên lâu năm có kinh nghiệm. Thông qua quá trình hướng dẫn, các giảng viên sẽ nắm được các kiến thức và kinh nghiệm tại môi trường bên ngoài. Giá trị của luận văn sẽ rất lớn cho cả sinh viên, giảng viên, khoa và nhà trường. 

Luận văn tốt nghiệp chính là tấm gương để sinh viên nhận rõ khuyết điểm

Có một số ý kiến cho rằng tại các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu việc loại bỏ luận văn đang trở nên phổ biến là một suy nghĩ chưa thấu đáo khi so sánh hai chương trình đại học của Việt Nam và các nước nói trên. Bản thân tác giả và các anh chị khi thụ hưởng giáo dục tại các nước nói trên đều trải qua rất nhiều các bài tập nhóm, nghiên cứu trong từng môn học. Có thể nói hầu như 100 % các môn học chuyên ngành đều yêu cầu bài tập nhóm, nghiên cứu tình huống, tham gia các dự án, giờ thực hành – Lab.

Có thể nói một cách ngắn gọn, giáo dục tại nước ngoài đã tích hợp toàn bộ quá trình làm luận văn tốt nghiệp vào từng môn học. Như vậy, việc cần một học kỳ cuối làm luận văn tốt nghiệp là không cần thiết. Chúng ta hãy thành thật nhìn lại toàn bộ quá trình giáo dục đại học của các trường khi các yêu cầu thực tiễn đã được thực hiện tốt như các nước nói trên hay chưa? 
Khi sinh viên ra trường, thị trường lao động phàn nàn rất nhiều về những kỹ năng đơn giản như viết báo cáo, trình bày, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Các kỹ năng này sẽ được thực thi trong cả quá trình làm luận văn tốt nghiệp. Nói một cách khác, luận văn tốt nghiệp chính là tấm gương để cho các sinh viên nhận rõ những điểm khiếm khuyết trước khi vào môi trường làm việc khắc nghiệt. 
Một số ý kiến đề cập tới nạn sao chép luận văn. Theo quan điểm tác giả đã trực tiếp hướng dẫn luận văn. Việc để lọt lưới sao chép thuộc về trách nhiệm của thầy cô hướng dẫn. Hướng dẫn luận văn trong 12-15 tuần và kiểm soát thông qua chi tiết các công việc làm không thể để lọt  lưới luận văn sao chép ngoại trừ chính bản thân các thầy cô hướng dẫn dễ dãi với chính mình.
Giá trị luận văn đối với nhà trường, thầy cô giảng viên, sinh viên, xã hội đã thấy rõ trong những phân tích trên. Câu hỏi có nên làm luận văn hay không có lẽ nên để thị trường quyết định theo quy luật cung cầu. 

Các trường đại học với tập thể giảng viên tâm huyết nhằm tạo ra những thế hệ sinh viên thật  sự là “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao“ sẽ vẫn duy trì cách làm khó khăn đó là làm luận văn 100 %. Những trường đại học theo mô hình cấp 4 mở rộng sẽ duy trì việc thi tốt nghiệp cho 100 % sinh viên của mình. Câu trả lời đúng hay sai sẽ chỉ có bản thân học sinh, gia đình là những người chịu hậu quả hay hưởng lợi lâu dài từ quyết định gửi gắm tương lai vào các đại học trên thị trường. 
Câu nói "No Pain No Gain" – Không gian khổ thì không tiến bộ hoàn toàn đúng trong trường hợp này.  
Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN