Khống chế đại học tuyển không quá 15.000 sinh viên vì lo ...ế cử nhân

30/12/2015 13:24
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng”.

LTS: Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT (Thông tư 32) quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, quy định này liệu có ảnh hưởng lớn tới các trường?

Bởi theo quy định này, quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học được quy định không quá 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành VI (khối ngành sức khỏe);

Không quá 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II (khối ngành nghệ thuật);

Không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII.

Để giải đáp câu hỏi này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Áng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT).

PV: Thông tư 32 có quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó quy định về quy mô sinh viên chính quy tối đa, ví như khối ngành sức khỏe là ko quá 8.000. Khối ngành nghệ thuật ko quá 5.000. Khối ngành khác là ko quá 15.000 sinh viên.

Tại khoản 1 Điều 23 Luật Giáo dục đại học quy định điều kiện để được phép hoạt động đào tạo thì không có quy định nào hạn chế số lượng sinh viên tại các cơ sở Giáo dục Đại học, và cũng không có điều khoản nào cho phép Bộ GD&ĐT cấm các cơ sở Giáo dục Đại học tuyển sinh nếu cơ sở đó có nhiều hơn 15.000 sinh viên. 

Bộ dựa vào cơ sở khoa học nào để đưa ra con số này? Phải chăng quyền tự chủ của các trường đã bị giới hạn?

Ông Nguyễn Văn Áng: Tại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 32) không có quy định nào cấm các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh nếu cơ sở đó có quy mô trên 15.000 sinh viên.

Việc quy định quy mô sinh viên đại học chính quy tối đa tại Thông tư 32 dựa trên những cơ sở chủ yếu sau:

Thực tế trong những năm qua, quy mô tuyển sinh hàng năm và quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học của nước ta đã tăng trưởng với tốc độ khá cao. Sự tăng trưởng về quy mô đã tạo ra những thách thức đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Trong đó, những điều kiện cơ bản như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, năng lực quản trị của mỗi cơ sở giáo dục đại học khó có thể theo kịp yêu cầu. Với cơ sở vật chất thì các cơ sở có thể đáp ứng nhanh, nhưng với đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị thì cần có thời gian. 

Bộ GD&ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đã nhận thức sâu sắc về những nguy cơ của tình trạng này.

Do vậy, trong những năm qua, Bộ đã có những chỉ đạo để từng bước định hướng cho toàn hệ thống giáo dục đại học ổn định quy mô, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. 

Ngay từ năm 2011, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 57) đã định hướng cho toàn hệ thống giáo dục đại học dịch chuyển theo hướng này. 

Lần này, việc ban hành Thông tư 32 là sự nối tiếp quan điểm đó nhưng với yêu cầu cao hơn. Toàn hệ thống giáo dục đại học chỉ có thể chuyển dịch theo hướng đó khi từng cơ sở giáo dục đại học phải quán triệt và thực hiện chủ trương đó. 

Ông Nguyễn Văn Áng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT). Ảnh Thanh Niên.
Ông Nguyễn Văn Áng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT). Ảnh Thanh Niên.

Vì vậy, trong Thông tư 32 đã đưa thêm tiêu chí khống chế quy mô tối đa bên cạnh 2 tiêu chí như đã có trong Thông tư 57. 

Quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như của toàn hệ thống.

Về cơ sở pháp lý. Các tiêu chí giới hạn quy mô tối đa đã được lấy từ Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. 

Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định nói trên, những tiêu chí đó đã được thảo luận và nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành. 

Ngoài ra, trước khi Bộ trưởng ký ban hành Thông tư 32, ngày 05 tháng 11 năm 2015 Bộ GD&ĐT đã được báo cáo trực tiếp với ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội về Dự thảo Thông tư. 

Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận cao về chủ trương chuyển hướng hệ thống giáo dục đại học từ tăng số lượng sang nâng cao chất lượng đào tạo.

Các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong dự thảo cũng đã nhận được sự ủng hộ của ủy ban. 

Nói quyền tự chủ của các trường đã bị giới hạn bởi quy định tại Thông tư 32 có thể gây một số hiểu lầm trong xã hội. Trên thực tế, tự chủ hoàn toàn không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà chỉ được tự chủ trong khung khổ pháp luật quy định.  

Thưa ông, Thông tư 32 quy định giảng viên có trình độ đại học khi quy đổi được tính hệ số 0,5 không phân biệt các trường hợp đặc biệt hay đặc thù. 

Bằng Thông tư 32 Bộ GD&ĐT chính thức công bố người có trình độ đại học ở tất cả cơ sở Giáo dục Đại học vẫn được công nhận là giảng viên đại học, nghĩa là đạt chuẩn, điều này có trái với quy định về “trình độ chuẩn” của giảng viên đại học trong Luật Giáo dục Đại học hay không?

Vì theo Khoản 3 điều 54 Luật Giáo dục Đại học quy định tiêu chuẩn Giảng viên đại học: “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên.

Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định”.

Ông Nguyễn Văn Áng: Về giảng viên đại học, khoản 2 và 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học quy định: “Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.

Khống chế đại học tuyển không quá 15.000 sinh viên vì lo ...ế cử nhân ảnh 2

Trường Đại học không được tuyển sinh quá 15.000 sinh viên chính quy

(GDVN) - Bộ GD&ĐT chính thức công bố tại Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục Đại học.

Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định”.

Trên thực tế, những người có trình độ đại học vẫn có thể tham gia đào tạo với chức trách trợ giảng.

Vì vậy, quy định hệ số tính cho những người này bằng 0,5 so với giảng viên là phù hợp với thực tiễn của nước ta.

Việc quy định giảng viên cơ hữu của trường Đại học Tư thục là người có hợp đồng lao động 36 tháng, nhưng trên thực tế nhiều trường lách luật trường vẫn ký hợp đồng 36 tháng nhưng chỉ trả lương theo tiết thực dạy, tức là vẫn trong biên chế nhưng không tham gia giảng day? 

Điều này Bộ có biết và với quy định như trên sợ rằng tạo khe hở để các trường lách luật?

Ông Nguyễn Văn Áng: Khoản 2 Điều 3 tại Thông tư 32 quy định về giảng viên cơ hữu của trường đại học. Quy định này đảm bảo tính nhất quán và thống nhất giữa các văn bản liên quan. Trong đó có Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Điều lệ trường đại học.

Năm 2014 Bộ đã có Thông tư 47 quy định về thời gian làm việc với giảng viên. Nên chăng đưa quy định này vào Thông tư 32 cho dễ hiểu?

Ông Nguyễn Văn Áng: Chính việc định nghĩa theo thời gian làm việc mới khó hiểu, khó thực hiện đối với các cơ sở giáo dục đại học và cũng khó kiểm tra và khó giám sát đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Liệu Thông tư 32 có gây xáo trộn cho các trường hay không khi thực tế nhiều trường có tổng số sinh viên lớn hơn rất nhiều cón số 15.000 mà Bộ đưa ra?

Các trường có quy mô sinh viên lớn như Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Các trường sẽ phải ngừng tuyển sinh trong một thời gian để đảm bảo quy định như Thông tư 32?

Ông Nguyễn Văn Áng: Hiện nay trên cả nước có 219 trường đại học, trong đó có 17 trường vượt mức 15.000 sinh viên đại học chính quy (bao gồm cả đại học chính quy, liên thông đào tạo theo hình thức chính quy, văn bằng hai đào tạo theo hình thức chính quy) và 01 trường Đại học Y - Dược vượt 8.000 sinh viên. 

Trong đó có những trường chỉ vượt vài chục đến vài trăm sinh viên. Với số lượng trường có quy mô sinh viên đại học chính quy vượt không nhiều như vậy nên Bộ GD&ĐT sẽ có cách giải quyết đặc thù. Không nên lấy số ít đó làm cơ sở để xây dựng khung chung cho toàn hệ thống. 

Năm 2016, cũng như tất cả các trường đại học khác, 18 trường đó sẽ tự xác định quy mô theo tiêu chí 1 và 2 (theo chuẩn mới), nếu quy mô theo chuẩn mới đó thấp hơn mức quy định thì tốt.

Nếu quy mô đó chỉ thấp hơn quy mô năm 2015 của trường, nhưng vẫn cao hơn mức quy định thì Bộ sẽ chấp nhận quy mô theo chuẩn mới là quy mô tối đa của trường; nếu cao hơn quy mô năm 2015 thì trường phải lấy quy mô năm 2015 là quy mô tối đa.

Với hướng xử lý đó, sẽ không có xáo trộn lớn đối với các trường hiện có quy mô vượt quy định tại Thông tư 32.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi.

Xuân Trung (thực hiện)