Không có nghề cao quý chỉ có con người cao quý thôi

27/03/2018 13:15
Phan Tuyết
(GDVN) - Nghề giáo cũng là một nghề như bao nghề khác và cao quý hay không là do mỗi người. Nghề nào cũng có người cao quý và kẻ đáng khinh bỉ kể cả là giáo viên.

LTS: Chia sẻ suy nghĩ về vị thế và ý nghĩa của nghề giáo viên - nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý, tác giả Phan Tuyết - một nhà giáo vô cùng tâm huyết đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nói về nghề giáo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây từng có câu nói nổi tiếng “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”. Thế là thiên hạ đã vin vào câu nói ấy để ca ngợi, để tung hô đôi khi một cách thái quá.

Có người chạnh lòng thắc mắc “nghề giáo cao quý nhất còn nghề nào thì tầm thường nhất?”.

Nói điều này chúng ta đang đánh đồng giữa Người và Nghề. Vì trong thực tế thì không có nghề nào là cao quý, chỉ có con người cao quý trong nghề nghiệp mà thôi.

Không có nghề nào là cao quý, chỉ có con người cao quý trong nghề nghiệp của mình (Ảnh minh họa: TTXVN).
 Không có nghề nào là cao quý, chỉ có con người cao quý trong nghề nghiệp của mình (Ảnh minh họa: TTXVN).

Không có nghề tầm thường

Theo khá nhiều người chia sẻ về nghề nghiệp, trừ những công việc phi pháp và trái đạo đức thì nghề nào cũng là nghề cao quý.

Nghề nghiệp không chỉ nuôi sống chúng ta mà còn giúp ta tìm được hạnh phúc khi lao động bằng chính sức của mình. 

Không có nghề nghiệp thấp kém, chỉ có con người thấp kém trong xã hội.

Con người có phẩm chất tốt trong công việc, biết làm cho nghề của mình có ích cho xã hội, làm cho mọi người kính trọng nể phục về nghề ấy.

Chính những con người cao quý ấy đã nâng tầm cao cho những nghề nghiệp mà họ đang làm.

Ví như, người đàn bà lượm đồng nát xóm tôi. Quanh năm ngày tháng một mình chị đều đặn, cần mẫn thu dọn những đống rác mà người dân quanh xóm ném bừa ra đường.

Không có nghề cao quý chỉ có con người cao quý thôi ảnh 2Nghề cao quý cũng phải chạy chọt thì còn ra gì nữa!

Bất kể ngày mưa hay nắng, bất kể rác đã bốc mùi tanh nồng thì chị vẫn một mình thu dọn cứ y như là công việc của mình vậy.

Có người thắc mắc “có phải việc chị đâu mà làm”. Chị nói rằng “nếu ai cũng nghĩ như thế thì lấy ai dọn rác cho sạch phố phường?”.

Chính những việc làm của chị khiến ai nhìn vào cũng thấy chị thật đáng kính.

Và nghề nghiệp chị đang làm đã mang lại vẻ đẹp văn minh cho phố phường. Chẳng còn ai thấy công việc của chị là tầm thường cả.

Chính con người mới làm nên nghề cao quý

Trở về nghề giáo, chính thời điểm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói thì đa phần giáo viên thời ấy thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thầy cô sống chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói, từ các mối quan hệ ứng xử hàng ngày. Nhìn thầy cô luôn toát lên vẻ đạo mạo thanh cao. Dù cuộc sống còn chật vật, khó khăn nhưng thầy cô luôn đề cao nếp sống giản dị, thanh bần.

Thầy cô khi đó luôn hết lòng vì công việc, luôn tận tâm với nghề, tất cả luôn vì học sinh thân yêu.

Trên lớp, không chỉ dạy dỗ hết mình, dạy hết những kiến thức học sinh cần. Ngoài giờ, sẵn sàng phụ đạo học sinh yếu kém mà không bao giờ đề cập đến thù lao.

Bởi thế, học sinh cũng luôn ngưỡng mộ, luôn tỏ lòng tôn kính thầy cô giáo của mình. Chính những con người thanh cao như thế đã làm cho cái nghề nghiệp của họ trở nên cao quý hơn.

Còn ngày nay thì sao? Một cựu học sinh khi nói về nghề giáo đã chẳng cần giấu giếm “Nghề cao quý gì đâu khi thầy cô dạy bớt kiến thức trên lớp để ép trò phải đi học thêm.

Không có nghề cao quý chỉ có con người cao quý thôi ảnh 3Giáo dục đã thực sự là “quốc sách” và vị thế người thầy đang ở đâu?

Khá nhiều thầy cô làm giàu trên sự khốn khó của những học trò nghèo khổ. Vì đồng tiền mà giáo viên sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để dồn ép học sinh phải đi học thêm.

Vậy nên em thấy nghề giáo cũng là một nghề bình thường như bao nghề khác và cao quý hay không là do mỗi người. Nghề nào cũng có người cao quý và kẻ đáng khinh bỉ kể cả là giáo viên”.

Nghề được xem là cao quý nhưng có những con người tầm thường cũng trở nên tầm thường.

Ví như những hình ảnh giáo viên bạo hành học sinh một cách dã man. Những hiệu trưởng ăn tiền của học trò nghèo khốn khổ…vì những việc làm xấu xa ấy, cái nhìn về nghề được xem là cao quý cũng chẳng còn cao quý nữa.

Thế nên, có được một nghề và biết thổi hồn mình vào đó, biết làm công việc ấy bằng sự say mê, miệt mài, bằng cái tâm trong sạch, bằng trái tim đầy nhiệt huyết...

Chính những con người ấy đã làm cho công việc của họ trở nên có ích cho xã hội, trở nên ý nghĩa hơn với mọi người và như thế cái nghề họ chọn ắt sẽ trở nên cao quý hơn bao giờ hết.

Phan Tuyết