TS. Vũ Ngọc Hoàng:

"Không được hành xử với các trường theo kiểu 'bóp mũi' như đứa trẻ"

24/09/2013 08:58
Xuân Trung
(GDVN) - “Trường tư tiếp tục phát triển, tôi nghĩ là bình thường. Tất nhiên cũng phải có điều kiện để hạn chế một số trường không đủ điều kiện hoạt động, để làm sao tránh “vất vả” cho chính trường đó và vất vả cho hệ thống. Không phải giải quyết theo kiểu cho trường thành lập, rồi sau này không thấy đủ điều kiện là dẹp bỏ. Trường giống như một con người, ra đời rồi mà không thấy phát triển là “bóp mũi” ngay được”.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm về việc xử lí một số trường đại học, cao đẳng không đủ điều kiện hoạt động. Liên quan tới việc tổng kết 20 năm mô hình các trường ĐH, CĐ NCL, vừa qua Ban tuyên giáo Trung ương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam do GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội làm trưởng đoàn. Sau khi nghe GS. Trần Hồng Quân, GS. Trần Xuân Nhĩ, TSKH. Phan Quang Trung báo cáo một số vấn đề cấp bách của giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, TS Vũ Ngọc Hoàng có ý kiến hoàn toàn nhất trí với các ý kiến và đề xuất của lãnh đạo Hiệp hội. Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng cho biết, liên quan đến hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình ĐH, CĐ NCL như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu Bộ GD&ĐT không làm thì Hiệp hội vẫn phải làm, làm ở cấp của Hiệp hội, rồi tuyên truyền kết quả hội nghị ra tác động vào xã hội, tác động lên các cấp.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương.
Cũng trong buổi làm việc này lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương cho biết, về tư duy giáo dục, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, giữa Ban tuyên giáo và Hiệp hội rất dễ gặp nhau, Ban còn nghĩ nhiều hơn nữa và đã có tham mưu với Bộ Chính trị và Ban Bí thư, và có đưa vào dự thảo Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy nhiên chúng ta không có quyền quyết, nên phải tác động vào cấp trên, tác động vào xã hội để thay đổi nhận thức. “Chúng tôi tiếp tục tham mưu lên Bộ Chính trị, Ban bí thư. Còn Hiệp hội phải bằng con đường tác động vào xã hội, thông qua hội nghị hội thảo, nêu ý kiến của mình thông qua kênh thông tin để tác động vào tư duy các cấp. Nếu tư tưởng và tư duy đúng, thì chúng ta phải kiên trì tuyên truyền để thay đổi tư duy trong xã hội, cái này cũng khó lắm đây, vì hiện có nhiều sức ì trong tư duy, sức ì do lợi ích nhóm níu kéo” ông Hoàng cho biết. Cũng theo quan điểm của ông Hoàng, hiện nay khu vực đào tạo nghề từ trung cấp nghề đến cao đẳng, đại học, khu vực này chủ yếu phải là ngoài công lập, nhà nước chỉ nên nắm khoảng 20- 30% , còn khối các trường ngoài công lập phải là 70- 80%. Và ông Vũ Ngọc Hoàng kiến nghị, nhà nước nên tạo điều kiện hành lang pháp lý thông thoáng để nhân dân làm, nhà nước chỉ tập trung vào công tác quản lý tốt để cho dân làm, nói giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải để cho dân làm. Vấn đề cạnh tranh giữa các trường, lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương hoàn toàn nhất trí cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại trường. “Tôi nghĩ các trường trọng điểm, chất lượng cao như các Đại học Quốc gia Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng tham gia cạnh tranh bình đẳng, giờ chỉ còn các trường của công an, quân đội, trường Đảng là ta phải suy nghĩ có nên tham gia cạnh tranh không?” ông Hoàng cho biết. Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng cho biết, để các trường được cạnh trạnh một cách bình đẳng nhất thì cấu trúc hệ thống các trường đào tạo nghề công lập phải ít đi và chuyển dần dần sang ngoài công lập. Ông Hoàng tỏ ra khá tiếc khi trước kia chúng ta có trường bán công, nhưng sau đó chuyển hết sang trường công. Như vậy chúng ta đã làm ngược, cần phải tư duy theo hướng trường bán công là cú hích, là bước đệm để các trường chuyển qua ngoài công lập. Còn số ít trường công lập cũng phải chuyển sang trường tự quản, thiết kế cơ chế bình đẳng với trường ngoài công lập. Việc này cũng giống như đầu tư hạ tầng là cho vay chứ không cấp đất không. Vấn đề ngân sách đối với các trường đại học, cao đăng công lập, ông Hoàng cho rằng chi phí thường xuyên không nên cấp phát cho trường công nữa mà các trường thu học phí tự hoạch toán, còn đối tượng học sinh nghèo, học sinh giỏi nhà nước cho vay để học và có chính sách học bổng. Cơ sở hạ tầng trường lớp phải khấu hao. “Như vậy cơ chế sẽ bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập ngay, muốn cạnh tranh bình đẳng thì cơ chế phải bình đẳng, trường công lập được vay ưu đãi thì ngoài công lập cũng được vay ưu đãi như nhau không phân biệt. Còn các trường ngoài công lập phi lợi nhuận hay lợi nhuận cần có chính sách phân biệt rõ giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Nên đa dạng hóa các loại hình trường ngoài công lập, có trường tư, trường dân lập, bán công” ông Hoàng đề nghị. Đề cập đến vấn đề mở rộng trường ngoài công lập, ông Hoàng  nêu quan điểm, trường tư phát triển là bình thường. Song tất nhiên cũng phải có điều kiện để hạn chế một số trường không đủ điều kiện hoạt động, để làm sao tránh “vất vả” cho chính trường đó và vất vả cho hệ thống. “Không phải giải quyết theo kiểu là cho trường thành lập, rồi sau này không thấy đủ điều kiện là dẹp bỏ. Trường giống như một con người, ra đời rồi mà không thấy phát triển là “bóp mũi”, không thể đối xử kiểu như thế, thế cho nên tôi mới nói là cần phải có cơ chế quản lí”. Ông Hoàng cũng đề cập thêm về các loại hình sở hữu, theo ông thì chúng ta nên có cả bán công, có cả công lập và ông đề nghị Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL nghiên cứu thiết kế liên thông từ trung cấp, cao đẳng, đại học. Nói về chất lượng các trường công và tư, ông Vũ Ngọc Hoàng nhận định, khu vực ngoài công lập sẽ nhiều hơn công lập, ngay cả sau này các trường chất lượng cao, chắc gì công lập đã giải quyết vấn đề chất lượng cao bằng các trường ngoài công lập? Thực tế thế giới cũng đã có phần lớn các trường chất lượng cao là của ngoài công lập. Trước thực trạng ngân sách cho giáo dục ở mức không thể cấp thêm, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng chúng ta phải  sử dụng tiền ngân sách giáo dục đã có sao cho hiệu quả hơn. Ngay cả tiền vay của nước ngoài cho giáo dục, hiện nay người vay cũng không có trách nhiệm gì với người trả, người đầu tư cũng không phải là người sử dụng nên làm cho không hiệu qủa. “Nếu quốc gia đứng vay thì bỏ vào quỹ phát triển giáo dục đem lại cho các trường công và ngoài công lập vì đã bình đẳng như nhau. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các trường. Tôi hoàn toàn nhất trí việc doanh nghiệp đầu tư cho trường đại học, mình thu thuế từ khu vực kinh tế đem nộp vào ngân sách, sau đó trích ngân sách cho giáo dục” ông Hoàng nêu ý kiến.
“Thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, vấn đề này tôi cũng đã giục mãi là khẩn trương làm, kiểm định cơ sở, kiểm định chương trình, kiểm định chất lượng để có đầu ra. Kiểm định rất quan trọng nên càng sớm càng tốt. Tôi rất ủng hộ việc tổ chức ra một tổ chức kiểm định riêng, Ban Tuyên giáo hoàn toàn ủng hộ, thậm chí các trường công muốn kiểm định thì tổ chức này sẵn sàng kiểm định cho”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng.
Xuân Trung