Không nên né tránh những chi tiết "nhạy cảm" trong tác phẩm Chí Phèo

25/03/2012 12:00
Theo VietNamNet
Dưới góc nhìn của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân thì không nên né tránh những chi tiết được cho là 'nhạy cảm' với học sinh lớp 11 khi giảng dạy tác phẩm Chí Phèo.
Từ câu chuyện này, ông cho rằng, kiểu giáo dục rèn cặp cho người học những “húy kỵ” và “kiêng khem” đã lạc hậu và xa rời thực tế.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: "Trong kiểu giáo dục rèn cặp cho người học những “húy kỵ” và “kiêng khem”, người ta vẫn ít nhiều giả dối trước đời sống con người, ví dụ như đời sống tình dục... Và giả dối trước một số vấn đề và một số hiện tượng lịch sử của chính cộng đồng người Việt"
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân: "Trong kiểu giáo dục rèn cặp cho người học những “húy kỵ” và “kiêng khem”, người ta vẫn ít nhiều giả dối trước đời sống con người, ví dụ như đời sống tình dục... Và giả dối trước một số vấn đề và một số hiện tượng lịch sử của chính cộng đồng người Việt" 
Lược hay không lược, cần bàn luận?
- Thưa ông, tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao khi đưa vào trong trường phổ thông bị lượt bớt một số đoạn, trong đó có đoạn mô tả cảnh yêu đương của hai nhân vật Chí Phèo - Thị Nở với lý do là không nên khơi gợi nhiều khiến cho học trò ở lứa tuổi này liên tưởng đến những chuyện không tốt, không có lợi cho giáo dục. Là nhà phê bình văn học, ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Ông Lại Nguyên Ân: Đây là vấn đề tôi mới nghe lần đầu. Tuy nhiên, trong nhà trường, nhất là trường phổ thông thì môn Ngữ văn luôn luôn gặp phải giới hạn. Ví như giới hạn về thời gian, mỗi nội dung được dành cho một thời lượng nhất định. Cho nên, cùng một đề tài người ta có thể dạy một số tiết là bao nhiêu thôi.
Vì giới hạn thời gian như vậy nên một tác phẩm chẳng hạn, không thể nào giữ nguyên được, thường phải “trích giảng”. 

Đây là một tập quán trong giáo dục, cũng là một tập quán trong làm sách giáo khoa đã có từ lâu. 
Ở Pháp, thế kỷ 20, với những cuốn dài như "Những người khốn khổ", người ta (nhà xuất bản) đã làm những bản lược. Nếu không lược hẳn các đoạn bị coi là dài dòng, không đọc cũng không sao (cẩn thận hơn thì nhà xuất bản soạn mấy câu tóm tắt), thì người ta dùng kiểu in có kết hợp giữa con chữ to và con chữ nhỏ (đoạn nào cho là cần đọc thì in cỡ chữ to hơn, đoạn nào cho là có thể tạm bỏ qua thì in cỡ chữ nhỏ hơn).
Tôi nói như vậy để tỏ rõ rằng việc sách ngữ văn cho học sinh đọc tác phẩm “Chí Phèo” mà làm theo cách nói trên, là  không có gì lạ.
Theo tôi, sẽ tốt hơn nếu dùng cách in có kết hợp giữa con chữ to và con chữ nhỏ như nói trên; còn cách lược bỏ một số đoạn truyện, soạn lời tóm tắt chuyển tiếp, thì dù sao tác phẩm cũng đã bị cắt xén.
Ai cũng phải tin rằng tác phẩm nguyên vẹn (không thiếu chữ nào) sẽ cho người tiếp ta cận đầy đủ hơn hẳn so với tác phẩm bị cắt bớt từng đoạn, dù là những đoạn nhỏ.
Tất nhiên, trong số những học trò từng bị đọc những văn bản bị cắt bớt ấy có những người sau này sẽ có cơ hội, thậm chí sẽ tự tìm để tiếp cận với văn bản đầy đủ của chính tác phẩm ấy.
Nhưng lại cũng có, và có thể có nhiều hơn, những người sau lần đọc phải cái văn bản bị cắt bớt kia, hầu như suốt đời không bao giờ có dịp đọc lại, tiếp cận lại dạng tác phẩm ấy, dù là văn bản đầy đủ hay văn bản bị cắt bớt; khả năng tiếp cận “méo mó” ở những người ấy về tác phẩm kia là khó tránh.
Nhưng nếu yêu cầu tiếp cận tác phẩm văn chương trong lĩnh vực ngữ văn lại đặt trong sự kết hợp với yêu cầu giáo dục về giới tính, vấn đề lại là xét xem với lứa tuổi nào thì có thể tìm biết những chuyện gì của giới tính, của đời sống tính dục?
Đây là thuộc chương trình Ngữ văn phổ thông trung học, tức là lứa tuổi 15-17. Liệu có quá trẻ con khi không để lứa tuổi này không nên biết đến những đoạn mô tả quan hệ giao tiếp suồng sã nhau giữa Chí Phèo và Thị Nở, từ cử chỉ, lời nói, rồi cả đến lời kể của người dẫn chuyện là chính tác giả Nam Cao?
Tôi nghĩ, về chuyện này, các nhà sư phạm nên có sự suy nghĩ lại, và nên đối chiếu với thực tế đời sống hiện nay của giới trẻ, cũng nên nhìn rộng ra thế giới để thấy những cách xử lý mới mẻ và thích đáng hơn của giới sư phạm nước người trên vấn đề giáo dục giới tính.

Nhân vật Chí Phèo - Thị Nở qua nét vẽ của họa sĩ Thành Chương
Nhân vật Chí Phèo - Thị Nở qua nét vẽ của họa sĩ Thành Chương
Còn nói chung, đứng về mặt lợi ích của độc giả đọc tác phẩm thì: tác phẩm của tác giả như thế nào ở bản tạm gọi là bản chuẩn hiện có thì nên in nguyên ra như thế.
Bởi vì, đứng về mặt văn bản, để có một bản lưu hành hiện tại, cũng đã là kết quả của cả một quá trình khá phức tạp rồi. 

Trong quá trình từ khi được tác giả viết ra, cho công bố, rồi từ lúc đó tác phẩm được lưu truyền, thì đã và sẽ không tránh khỏi có những phần những đoạn, những chữ những câu, bị mất mát hay sai lệch đi, do sắp chữ sai, in sai, cũng do bàn tay của những người biên tập, nhà xuất bản; rồi còn do chế độ kiểm duyệt của từng thời; nó đã bị mất đi rồi mà tác giả không còn sống nữa để có cơ cứu lại tác phẩm nguyên vẹn.
Vả lại, sau quá trình được lưu truyền hàng dăm ba chục năm mà tác giả, nếu còn sống, lại đòi sửa văn bản thì chuyện ấy cũng làm phức tạp hóa thêm tình hình, bởi cái được thưởng lãm, được cho là có giá trị, chính là dạng văn bản tác phẩm hồi công bố dăm ba chục năm trước chứ không phải cái tác phẩm ở dạng văn bản bây giờ tác giả định đưa ra.
Cho nên, ở trong những trường hợp như thế này (cắt bớt từng phần truyện “Chí Phèo” ở sách soạn cho học sinh phổ thông trung học), dẫu có hữu ý hay vô tình, dù thận trọng đến đâu, dù ý thức xử lý cẩn trọng đến cỡ nào để cố gắng không phương hại đến tác phẩm, thì trong thực tế, quý vị soạn giả vẫn là những người đã đem tới cho người đọc một tác phẩm bị cắt xén. Thực chất sự việc là như thế.
Không nên lảng tránh
- Ý ông là, trong giới văn học có hàng loạt văn bản cho một tác phẩm. Để tránh hiểu lệch nên tôn trọng "tính nguyên vẹn" của tác phẩm khi đưa đến cho ngược đọc, nếu không sẽ kéo theo những cách hiểu lệch lạc?
Ông Lại Nguyên Ân: Thế nào cũng sẽ có những cách hiểu lệch lạc.
Nhìn vào những đoạn bị cắt xén cụ thể, chúng ta có thể trả lời được chắc chắn đây chỉ là thu gọn tác phẩm hay chủ yếu là do muốn né tránh vấn đề gì?!
Trong trường hợp như thế này, rõ ràng, những đoạn đã lược đi lại liên quan đến quan niệm và chủ trương giáo dục giới tính trong nhà trường.
Cho nên, tôi vẫn giữ quan điểm: tác phẩm nguyên vẹn như thế nào thì nên đưa đến cho người đọc và học sinh như vậy. Đây là học sinh cấp 3 rồi, không hoàn toàn là trẻ con nữa.
- Lý giải của các nhà làm sách, vì thời lượng chương trình có giới hạn nên không thể giữ nguyên những tác phẩm quá dài nên phải lược, theo ông có hợp lí?
Ông Lại Nguyên Ân: Nếu là tiểu thuyết thì phải có phần tóm tắt, sau đó có những đoạn đọc văn. Còn tác phẩm “Chí Phèo” là truyện ngắn, tuy rằng dung lượng của tác phẩm này tương đối dài so với truyện ngắn thông thường.
Trong trường hợp này, nhu cầu về thời lượng đọc có lẽ cũng có nhưng ít thôi, tuy vậy lại liên quan nhiều hơn đến những chi tiết mà nhà sư phạm không muốn cho học sinh biết.
- Trong ba đoạn lược có đoạn tác giả Nam Cao mô tả tỉ mỉ quan hệ của Chí Phèo - Thị Nở trong vườn chuối...Những nhà soạn sách cho rằng chi tiết này nhạy cảm, không cần kích thích thêm trí tò mò của học sinh. Ông nghĩ thế nào về lý giải này?
Ông Lại Nguyên Ân: Đây chính là vấn đề đối với những người dạy văn, đối với giới sư phạm của ta bây giờ.
Tức là ở lứa tuổi đó, trên thực tế, nếu người thầy không nói với học trò, ông thầy không cho học trò đọc những điều tương tự thế này thì họ cũng sẽ tự tìm đọc để biết, ở những chỗ khác, qua sách báo tài liệu khác; rồi còn rỉ tai nhau nữa; vì ở lứa tuổi này, ứng với sự phát triển của cơ thể và tâm sinh lý, từng học sinh đã ít nhiều có những trải nghiệm riêng.
Việc xử lý này phản ánh một thái độ lảng tránh, một dạng xử lý trong giáo dục nói chung thuộc một thời kỳ đã qua, đã tỏ ra lạc hậu so với sự phát triển thực tế.
Ở góc độ một tác phẩm nguyên vẹn mà bị lược thế này sẽ có những phương hại không nhỏ.
Lược bớt thế này thì tác động của tác phẩm “Chí Phèo” sẽ giảm đi cả về hình tượng nhân vật, cả về sự cảm nhận cái thế giới mà nhà văn muốn trình bày trước người đọc.
Anh khoét đi vài góc của một bức tranh rồi đưa đến cho công chúng thì cảm nhận của người ta về bức tranh làm sao mà không đổi khác, không méo mó?!
Nhất là từ phía tiếp cận văn học. Tốt nhất là nên đưa ra văn bản nguyên vẹn. Văn bản rất quan trọng, liên quan đến diễn ngôn của người kể chuyện, nó chuyển đổi liên tục điểm nhìn, tư thế kể, mô tả, ... mỗi sắc thái chuyển đổi đó đều liên quan đến ý đồ của tác giả đưa ra.
Thành ra mọi sự can thiệp, kể cả việc lược đi vài ba đoạn, thì đều phương hại đến tác phẩm.
Tôi nói gọn lại: tác phẩm chỉ có thể được người đọc cảm nhận toàn vẹn nếu ta đưa đến cho họ một văn bản toàn vẹn, không thiếu không thừa một chữ nào do tác giả viết ra.
Học sinh sẽ có ý niệm lệch với tác phẩm
- Theo như phân tích của ông thì việc né tránh những chi tiết cho rằng nhạy cảm với học sinh còn dẫn đến một cách giảng văn theo lối mòn, khuôn mẫu và khó phát huy được tính sáng tạo?
Ông Lại Nguyên Ân: Cách dạy văn trong nhà trường của ta vẫn dừng lại ở việc quy ước, ước lệ hơi nhiều.
Nói một cách nặng lời thì cách giảng dạy thế này vẫn thích hợp trong việc tạo ra những quy ước cho một số sinh hoạt cộng đồng mang tính chất chính thống.
Tức là nền giáo dục đó rèn cho học sinh biết rằng trong những sinh hoạt đó người ta phải tránh những cái gì.
Đây là kiểu giáo dục rèn cặp cho người học những “húy kỵ” và “kiêng khem”. Trong kiểu đó, trên thực tế người ta vẫn ít nhiều giả dối trước đời sống con người, ví dụ như đời sống tình dục... Và giả dối trước một số vấn đề và một số hiện tượng lịch sử của chính cộng đồng người Việt…
Cách giảng dạy này đã lạc hậu so với các nền giáo dục tiên tiến.
Theo như tôi biết, cách dạy phổ biến ở nhiều nước thì thường học sinh tiếp cận tác phẩm, đọc trước tác phẩm ở nhà, khi lên lớp thì giáo viên tổ chức cho học sinh tự do nói những cảm nhận về tác phẩm, có thể để học trò thảo luận, tranh cãi, người thầy chỉ đưa ra những gợi ý về cách hiểu chứ không đưa ra những kết luận chắc chắn, rốt ráo về tác phẩm.
Tôi nhớ từ những năm 1980 trên tạp chí “Văn học nước ngoài” của Liên Xô có bài của một giảng viên Mỹ kể học trò Mỹ của ông ta cảm nhận thế nào sau khi đọc “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Xô-viết Mikhail Sholokhov.
Họ bộc bạch những suy nghĩ rất thực về câu chuyện ở một xứ sở xa xôi chỉ biết qua bản dịch. Nên nhớ sau lần xúc tiếp với tác phẩm ở nhà trường, người học có thể sẽ còn có dịp tiếp xúc với tác phẩm ấy vào lúc khác, ở lứa tuổi khác, với kinh nghiệm sống đã khác, và không khỏi có sự cảm nhận khác.   
Cách dạy môn văn của ta hiện rất khuôn mẫu, khuôn sáo, và có vẻ như là tình trạng không tránh được. Thế mà, đọc vốn là hành vi tiếp cận tự do đối với tác phẩm. Sáng tạo thì phải tự do. Người học cũng phải tự do, người giảng cũng phải tự do.
Từ những năm 1991- 1992 các giáo viên ĐH Sư phạm đã có đóng góp lớn vào sự thay đổi trong biên soạn chương trình ngữ văn phổ thông, làm cho môn này thoát khỏi tình trạng minh họa thô thiển cho các nội dung chính trị, để chuyển sang hướng học sinh vào việc đọc và hiểu cái đẹp của tác phẩm văn chương. Riêng chương trình 3 năm cuối phổ thông đã thể hiện được sự phát triển của Văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại.
Tuy nhiên, cách dạy môn văn ở Việt Nam bây giờ chủ yếu vẫn là thầy giảng trò chép; vẫn cung cấp tri thức và rèn kỹ năng theo lối áp đặt, cố tình khuôn mẫu hóa kiến thức và kỹ năng, không phát huy được tính sáng tạo.
Cách dạy như vậy, và với việc cung cấp những văn bản bị cắt xén như ta đã bàn, những học sinh duy nhất một lần tiếp xúc với tác phẩm sẽ khó tránh khỏi tình trạng hiểu méo mó từ lần đầu tiên tiếp xúc tác phẩm.
Theo VietNamNet