Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên

08/01/2017 07:06
Thành Trung
(GDVN) - Một trong những lý do khiến học sinh khó tiếp thu môn Sử, chính bởi giáo viên tự cảm nhận là khó cộng thêm thiếu phương pháp dạy hợp lý.

LTS: Trao đổi về bài viết “Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng” của Tùng Sơn, tác giả Thành Trung bày tỏ quan điểm cho rằng không phải sách giáo khoa Sử khó quá mà do cảm nhận của giáo viên.

Theo đó, nếu giáo viên thấy Sử khó thì làm sao có thể truyền cảm hứng để học sinh yêu mến môn Sử được.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Một cuốn sách giáo khoa, nếu có vấn đề, sẽ thuộc một trong bốn tình huống sau:

Một là, sai sự thật, trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Điều này gần như không bao giờ xảy ra, nếu có thì đó là hành động phá hoại có chủ ý và sẽ bị thu hồi ngay lập tức.

Hai là, sai lỗi chính tả, sai từ, trích dẫn sai,… vấn đề này có xảy ra nhưng rất ít và thường được đính chính sửa lỗi kèm theo.

Ba là, nội dung mang tính vùng miền, nhóm đối tượng,.. tuy nhiên nếu có, vấn đề này thường sẽ được giải thích đầy đủ trước khi trình bày.

Bốn là, nội dung khó, mang tính hàn lâm, nặng hay “vừa buồn cười vừa tức”.

Bài này, tôi trao đổi về vấn đề thứ tư trên. Thực ra, đây không phải là vấn đề của sách giáo khoa mà đó làm sự cảm nhận của từng cá nhân, nhất là của giáo viên.

Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên ảnh 1
Giáo viên dạy Sử chính là người truyền cảm hứng và tình yêu với môn học này cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Trong bài “Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng” của Tùng Sơn, tác giả có nêu quan điểm:

Đáng lẽ ra môn Lịch sử là môn học hấp dẫn với các diễn biến, các trận đánh cùng chiến công hiển hách trước kẻ thù xâm lược.

Càng học sinh bé càng cần dạy theo cách đó. Nhưng không, hiện nay dạy sử ở Tiểu học nặng nề vì sách giáo khoa Lịch sử đã hàn lâm lại thiếu hệ thống.

Tác giả dẫn chứng sách sử hàn lâm qua những bài học, như “Chùa thời Lý”, “Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước”, “Trường học thời Lê”, “Văn học và khoa học thời Hậu Lê”, “Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân đất nước”…

Đây là quan điểm chưa đúng, có phần hiểu sai về lịch sử.

Thứ nhất, sách giáo khoa sử không phải là một bộ sử hoàn chỉnh, nên trình bày không theo hệ thống là hiển nhiên.

Thứ hai, không thể coi những kiến thức về tín ngưỡng, về tổ chức xã hội, về học tập, về văn học, về khoa học, về tư tưởng canh tân,… là hàn lâm được. Bởi “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. 

Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên ảnh 2

Nể phục cô giáo dạy Sử 15 năm đưa học trò thành phố đi thi quốc gia

Chính sự hệ thống hóa, lưu giữ, truyền đạt lại cho đời sau những kiến thức mà tác giả coi là hàn lâm, mới đảm bảo cho một nền văn hóa, một quốc gia phát triển. 

Bất kỳ nền văn minh nào gián đoạn về học thuật, kỹ thuật,.. nền văn minh đó sẽ bị chấm dứt.

Thứ ba, sách giáo khoa Sử không thể giới thiệu tất cả các vấn đề trong lịch sử được.

Chỉ có thể chọn lọc đưa ra một số nội dung đặc trưng trong mỗi thời kỳ, do hội động soạn sách lựa chọn.

Thứ tư, nếu dạy Sử mà chỉ dạy “các diễn biến, các trận đánh cùng chiến công hiển hách” thì rất nguy hại.

Bởi các trận đánh chỉ là một phần của lịch sử. Lịch sử là lao động, sản xuất, chiến đấu, ngoại giao, tín ngưỡng, phong tục, văn hóa… của nhân dân ta.

Một lý do nữa, nếu dạy sử chỉ quan tâm tới các trận đánh, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ em. 

Bởi chúng ta (gần như) chỉ có thể dạy về “chiến công hiển hách”, mà (gần như) không thể dạy về thất bại. 

Học sinh chỉ biết lịch sử là chiến đấu, chiến đấu tất phải thắng, quan niệm này sẽ tạo cho các em tính hiếu thắng và xu hướng giải quyết các xung đột, mâu thuẫn bằng bạo lực.

Một trong những lý do đưa đến việc coi môn sử là khó, chính bởi giáo viên tự cảm nhận là khó cộng thêm thiếu phương pháp dạy hợp lý, từ đó sẽ truyền đạt đến học sinh là khó. Và theo hiệu ứng lời tiên tri tự đúng, tất cả sẽ coi môn sử là khó. 

Vậy nên, để thay đổi sự lạnh nhạt với môn Sử, chính các giáo viên phải thay đổi cách nhìn nhận trước tiên.

Thành Trung