Không thể chối bỏ sức đóng góp của hệ thống giáo dục đại học NCL

10/09/2013 07:47
Xuân Trung
(GDVN) - Chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước là chủ trương đúng đắn, được cả xã hội hoan nghênh, trong khi mà nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc huy động xã hội cùng tham gia góp sức xây dựng nền giáo dục là một xu thế chung.
Vừa qua, trong buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA), nhiều ý kiến đã mổ sẻ vấn đề này. Đại diện VIPUA có GS Trần Hồng Quân, GS Trần Xuân Nhĩ, GS Hoàng Xuân Sính, TS Lê Trường Tùng, GS Trần Hữu Nghị,...Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chủ trì buổi gặp GS-TSKH Đào Trọng Thi.GS Trần Xuân Nhĩ: Trường ngoài công lập làm lợi cho nhà nước hàng nghìn tỉ Nguồn lực để phát triển giáo dục không đủ trong khi đó nhà nước ôm hết mọi thứ thì không thể giải quyết được tốt vấn đề giáo dục, cho nên giải quyết nguồn lực như thế nào tôi cho phải là xã hội hóa, xã hội hóa không phải phân tán mà nhà nước phải hỗ trợ bằng những chính sách. Chúng tôi sơ bộ tổng kết, trong vòng từ năm 2000 đến nay các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã đóng góp cho nhà nước khoảng hơn 30 nghìn tỉ, nếu tính từ thời trường ĐH Thăng Long năm 1998 đến nay thậm chí đã lên tới 50-60 nghìn tỉ, trong khi nhà nước không phải bỏ đồng nào.
GS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.
GS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.
Nếu nhà nước làm được xã hội hóa tốt thì chắc chắn nguồn lực của nhà nước sẽ tốt, bằng mồi của nhà nước và bằng con đường xã hội hóa thì chúng ta phát triển được tốt. Bài toán xã hội hóa phải thấm nhuần từ cấp trên, đây là bài toán rất quan trọng, chính từ bài toán này thì mới coi trọng hệ thống ngoài công lập. Tóm lại nhà nước chỉ nên ôm lấy một số trường, chỉ đầu tư cho một số trường nào đó còn những trường khác từng bước chuyển sang hình thức xã hội hóa. Không nên mở các trường công lập nhiều, nếu mở thì mở các trường ngoài công lập. Trong thời gian qua chúng ta phát triển đang quá nhanh, không có kế hoạch và nhiều người nói có cái sai. Nhưng cũng có quan điểm sửa sai bằng cách kiểm tra các trường nếu không có đất, không đạt tỉ lệ này kia...thì cho đóng cửa trường, tôi cho quan niệm đó là không đúng. Chúng ta phải kiểm tra vì sao các trường lại không đủ điều kiện, không nên đổ về phía các trường mà phải xem lại phía nhà nước về chính sách. Chúng ta sinh ra một đứa con suy dinh dưỡng, có hai quan điểm, suy dinh dưỡng là cho chết, nhưng quan điểm của tôi nếu suy dinh dưỡng tôi cho thêm sữa để trưởng thành lên. Hơn 400 trường đại học, cao đẳng theo tôi chưa phải là nhiều, mà ở đây chúng ta đang phát triển với tốc độ quá nhanh. GS Hoàng Xuân Sính: Mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nếu...! Một đường lối nếu bắt đầu từ trên thì chúng ta nhìn thấy rất sáng sủa, rõ ràng và hợp tình, hợp lí. Nhưng khi đi xuống ra những văn bản pháp luật để thực hiện thì dần dần càng xa chủ trương đó. Chủ trương xã hội hóa là con đường bắt buộc vì ngân sách chúng ta chỉ có thế (20% ngân sách tương đương 8 tỉ đô la/năm cho giáo dục).
GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long - mô hình trường tư đầu tiên.
GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long - mô hình trường tư đầu tiên.
Nếu người làm luật chú ý một chút thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, hiện các văn bản, quy chế cho các trường ngoài công lập vấp phải: Thứ nhất, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, chồng chéo nhau như vấn đề thuế, không ai quy định các trường phải nộp thuế trên một văn bản lại dựa vào văn bản đã bị hủy. Thực tiễn chứng minh lộ trình đó đang phá vỡ hệ thống ngoài công lập. Chẳng hạn lộ trình được Bộ GD&ĐT đưa ra năm từ 2006 cho các trường dân lập chuyển sang tư thục, theo ý Thủ tướng cuối tháng 7/2007 phải xong 19 trường đại học dân lập chuyển sang tư thục, nhưng cho đến giờ chưa xong. Chính lộ trình đó đã làm mất đoàn kết các trường, mất đoàn kết nội bộ các trường, không giữ được trật tự trong các trường. Bộ phải xem lại văn bản chứ không ai trường đang yên ổn lại trở nên mất đoàn kết như vậy, con người vẫn là con người, bao giờ cũng có hai mặt không toàn tốt, cũng không toàn hỏng cả.TS. Lê Trường Tùng: Những số liệu biết nói Báo cáo về cạnh tranh do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố mới đây cho thấy, trong 12 trụ cột để xác định ưu thế cạnh tranh quốc gia thì có 1 trụ cột là giáo dục đại học, trong đó liên quan tới chất lượng giáo dục đại học, số lượng người theo học, xem đó là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế với xu hướng cạnh tranh. Tôi cũng rất buồn nhưng không ngạc nhiên, tiêu chí giáo dục đại học ở Việt Nam được đánh giá ở mức độ thấp. Việt Nam được xếp ở 1 trong 30 nước có mức độ cạnh tranh thấp (70/148 nước), riêng giáo dục đại học xếp thứ 90/148 nước. Nói so sánh thì khó nhưng nếu chỉ so sánh bức tranh đó với các nước xung quanh ta, như 10 nước trong Asean thì chúng ta chỉ hơn 4 nước (Lào, Campuchia, Bruney, Myanma) và có khoảng cách khá xa đối với nước thứ 5. Cái tôi còn băng khoăn khi xác định nhân lực là quan trọng trong sự phát triển đất nước làm thế nào đẩy được vị thế của mình lên, nếu không có gì đặc biệt thì mãi mãi chúng ta ở vị trí thứ 6 trong các nước Asean, chưa kể Asean cộng một số nước xung quanh.
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.
Cách đây 10 ngày Bộ GD&ĐT cũng công bố số liệu giáo dục chung, trong đó có giáo dục đại học. Theo thống kế mới nhất từ năm 1999 đến năm học 2012-2013 các trường đại học, cao đẳng công lập từ 131 trường tăng lên thành 338 trường (tăng 207 trường mới), ngoài công lập tăng từ 22 lên 83 trường (tăng 61 trường). Trong khoảng 14 năm qua cứ 1 trường ngoài công lập ra đời thì kéo thêm 3,3 trường công lập xuất hiện. Một số quan điểm nói rằng các trường ngoài công lập mọc lên như nấm thì cùng thời gian đó các trường công lập phát triển với tốc độ siêu nấm. Năm 2010-2011 tỉ lệ sinh viên ngoài công lập là 15,4% thì năm 2011-2012 con số giảm xuống còn 15%, năm 2012-2013 là 14% (đang trên đà giảm xuống), nếu không có giải pháp tôi nghĩ sẽ tiếp tục giảm. Trong văn bản điều chỉnh quy hoạch hệ thống giáo dục đại học năm 2020 vừa được công bố tháng 6/2013. So với bảng quy hoạch năm 2007 tiêu chí tăng tỉ lệ sinh viên ngoài công lập đã được bỏ ra ngoài, không được xem như là  một tiêu chí phát triển. Nếu cách đây 10 năm (2002-2003) mỗi trường công trung bình đào tạo 5.077 sinh viên, thì hiện nay mỗi trường công đào tạo 5.517 sinh viên. Các trường ngoài công lập cách đây 10 năm mỗi trường đào tạo 4.863 sinh viên nhưng đến nay giảm xuống còn 3.867 sinh viên. Cách đây 10 năm tỉ lệ sinh viên giữa trường công và tư chỉ lệch nhau 4%, thì con số mới nhất được công bố lệch nhau 46%. Như vậy, trong thời gian qua chúng ta rất có “thành tích” phát triển các trường công nếu căn cứ theo số liệu này. Tôi có cảm nhận dường như xã hội hóa chúng ta đang làm bằng cách tăng học phí từng bước của trường công (chi cho giảng viên, chi thường xuyên và tính khấu hao cơ sở vật chất), chứ không phải theo định hướng xã hội hóa bằng cách tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Vơi xu hướng này cũng có cái hay nhưng chỉ có một cái dở duy nhất, nếu hệ thống phát triển mà tập trung ở trường công thì làm sao tăng được tính năng động, tính tích cực? GS Trần Hữu Nghị: 20 năm và một bối cảnh Định hướng trong Nghị quyết Trung ương 2 về xã hội hóa tôi thấy rất đúng, nhưng càng về sau  tôi cảm giác hơi lo ngại, chúng ta đi có đúng với tinh thần Nghị quyết không, hay có cái gì trong quá trình cơ chế chính sách mà làm cho các trường ngoài công lập rơi vào trạng thái khó khăn. Sau 20 năm nhưng chưa bao giờ tôi đứng trước một bối cảnh như bây giờ. Từ năm 2006 có chủ trương chuyển đổi từ dân lập sang tư thục, trong Nghị định 115 của Chính phủ các trường tư thuộc địa phương quản lí, tuy nhiên trường Đai học DL Hải Phòng vẫn còn “bơ vơ“ ngoài đường vì chưa chuyển đổi được, trên không nhận, dưới cũng không. Tôi chỉ có một mong muốn bộ cho trường tôi vào chỗ nào để cùng một hệ thống, được mọi người tôn trọng là quý rồi.
Bộ vẫn quản lí các trường chưa chuyển đổi sang tư thục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những ý kiến trên sẽ được bổ sung vào bản báo cáo trong Hội nghị tổng kết 20 các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sắp tới.

Ghi nhận những đóng góp của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Ga cho rằng, những ý kiến đóng góp của Hiệp trong đã thể hiện rất sát với thực tế.

Bằng chứng là việc Hiệp hội góp ý cho việc thay đổi một số chủ trương chính sách, văn bản của cho phù hợp hơn như dừng tuyển sinh hệ B (hệ ngoài ngân sách), đổi mới cách ra đề tuyền sinh đại học, cách xác định điểm sàn và công khai công bố phổ điểm với xã hội.

Nói về việc chuyển đổi các loại hình từ dân lập sang tư thục, Thứ trưởng Ga cho biết bộ cũng đã trăn trở nhiều năm nay, tuy nhiên còn có vướng ở khâu tài sản chung không chia ở các trường, vì theo Thứ trưởng Ga trong khi mỗi trường dân lập trước đây xuất phát điểm rất khác nhau (người góp tiền, góp vàng, góp đất, bằng uy tín cá nhân...), vậy tài sản từ trước đến nay chia như thế nào?

“Do vậy bộ cũng đã mời các trường ngoài công lập tới nghe, chính các trường là người sửa chữa từng lời trong văn bản trước khi sắp tới ban hành Thông tư thay thế Thông tư 20 để chuyển các loại hình dân lập sang tư thục. Lần này sẽ xử lí được phần lớn các trường nhưng chưa dám nói hết các trường dân lập“ Thứ trưởng Ga nói.

Trả lời câu hỏi về các trường trong thời gian chờ được chuyển đổi thì có thuộc sự quản lí của Bộ GD&DT nữa không? Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, trong thời gian các trường chưa chuyển sang tư thục bộ vẫn quản lí các trường dân lập như trước đây (công nhận HĐQT, bổ nhiệm hiệu trưởng là do Bộ GD&ĐT).
Xuân Trung