Không tổ chức thi học sinh giỏi các cấp sẽ bớt ứng thí, tốn kém

13/11/2015 06:56
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Thống kê cho thấy, nước ta thuộc diện ít nhất về phát minh, sáng chế trong khu vực và thế giới. Ngẫm mà buồn, mà lo.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đưa ra nhận xét, đánh giá của mình về quyết định mới đây của Bộ GD&ĐT là không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lý, tức là cấm thi học sinh giỏi ở các cấp học.
 
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2015 - 2016. Một trong những cái mới là không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lý, tức là cấm thi học sinh giỏi ở các cấp học. 

Thông tin mới này khiến không ít nhà trường có truyền thống có nhiều học sinh giỏi các cấp; thầy cô giáo từng có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cảm thấy buồn bã, hụt hẫng. 

Qua trao đổi, họ đưa ra mấy lý do chính sau đây: 

Một là, muốn nâng cao chất lượng học sinh và tạo điều kiện phát huy năng lực học tập của học sinh từng bộ môn thì phải có tổ chức thi. Có thi mới tạo cảm hứng và sự hưng phấn cho các em thi đua học tập tốt hơn, mới tạo ra phong trào học tập, kích thích sự phấn đấu của học sinh. 

Hai là, không có tổ chức thi học sinh giỏi ở các cấp thì ngay bản thân người thầy cũng khó tích cực tự rèn, tự học, mất đi động lực phấn đấu và trong nhà trường sẽ tạo ra chủ nghĩa bình quân, không biết ai giỏi hơn ai dẫn đến việc đánh giá, xếp loại giáo viên cũng khó. 

Ba là, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở mỗi trường học là dạy và học mà nhất là ở chất lượng dạy và học, chất lượng đó thể hiện cụ thể ở phong trào thi đua dạy giỏi và học giỏi của nhà trường mà hoạt động thi học giỏi đó chính là một hoạt động chấm điểm quan trọng, đánh giá thực chất chất lượng dạy học ở các trường học.

Không tổ chức thi học sinh giỏi các cấp sẽ bớt ứng thí, tốn kém (Ảnh: thanhnien.com.vn)
Không tổ chức thi học sinh giỏi các cấp sẽ bớt ứng thí, tốn kém (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Là một học sinh từng nhiều lần tham gia học sinh giỏi môn văn hóa ở cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh và 20 năm nay là cán bộ quản lý, thầy giáo giảng dạy ở trường THPT, có hơn 10 năm tham gia bồi dưỡng thi học sinh giỏi các cấp, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT yêu cầu, không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lý trong năm học 2015-2016 là có lý do của cơ quan chủ quản. 

Bản thân tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hội điểm mới này của Bộ GD&ĐT:
Thứ nhất, giảm bớt áp lực, căng thẳng về học tập, bồi dưỡng, thi cử cho học sinh khi được lựa chọn hoặc bắt buộc đi thi, tham gia vào đội tuyển.

Lâu nay, vì nhiều nhà trường, thầy cô giáo và kể cả phụ huynh sính bệnh thành tích, luôn muốn được khoe mẽ… nên gia tăng áp lực, dành nhiều thời gian để luyện “gà nòi”, khiến nhiều em học sinh thực sự mỏi mệt, chán ngán, học lệch lạc nhưng vì “sợ” nhà trường, phụ huynh mà phải miễn cưỡng theo đến cùng. 

Thứ hai, kết quả và hiệu ứng của các kỳ thi chọn học sinh giỏi chỉ thường bó hẹp trong một số đối tượng học sinh và giáo viên nhất định. Nay không tổ chức bồi dưỡng, thi thố, đỡ cho các nhà trường, địa phương một nguồn kinh phí, tiền bạc không hề nhỏ. 

Nguồn kinh phí ấy để các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục mang tính rộng rãi, nhiều mặt, mọi đối tượng học sinh cùng hưởng ứng, tham gia, hưởng lợi. 

Thứ ba, góp làm thay đổi nhận thức cho nhiều đơn vị, giáo viên và phụ huynh, giảm bớt đi chuyện ứng thí, luyện “ gà nòi”, thành tích…đang từng chi phối, quay cuồng triền miên trong nhà trường suốt mấy chục năm nay. 

Không tổ chức thi học sinh giỏi các cấp sẽ bớt ứng thí, tốn kém ảnh 2

Không để học sinh ngồi nhầm lớp trong năm học mới

(GDVN) - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đối với cấp tiểu học.


Qua tìm hiểu, tôi được biết, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ở các bậc học, họ không có chuyện  nặng nề, thường xuyên phải bồi dưỡng, tổ chức thi học sinh giỏi văn hóa như ở giáo dục phổ thông của nước ta. 

Nhưng khi đào tạo nghề, học đại học hoặc lúc ra làm việc, sao họ lại giỏi thế, hàng trăm sáng chế, phát minh được quốc tế công nhận, làm lợi vô kể cho đất nước, bản thân. 

Còn ta, học sinh giỏi, trình độ tiến sĩ…về lý thuyết đầy ngay…thì sản sinh được mấy sáng chế, phát minh mỗi năm? Thống kê cho thấy, nước mình thuộc diện ít nhất về phát minh, sáng chế trong khu vực và thế giới. Ngẫm mà buồn, mà lo. 

Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc, ngành giáo dục, các nhà trường, thầy cô giáo và cả phụ huynh phải đổi mới nhận thức và hành động, đừng nghĩ nhiều về thành lập đội tuyển, thi học sinh giỏi, kết quả giải, giải nọ, ít với nhiều nữa. 

Cần tập trung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động giáo dục toàn diện, giáo dục về thể chất, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế…hướng tới điều tốt đẹp cho mọi học sinh. Đấy mới là nền giáo dục phổ thông đúng nghĩa, đúng lộ trình “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và hội nhập quốc tế". 

Đỗ Tấn Ngọc