Khuyến khích nhập khẩu chương trình giáo dục đại học để chống thất nghiệp

16/11/2017 09:42
Trinh Phúc
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận: “Chương trình đào tạo đại học, cao đẳng chưa đổi mới, cập nhật để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế..."

Sáng 16/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trước khi vào phiên chất vấn các bộ trưởng và thành viên Chính phủ, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Trong bản báo cáo đề cập đến việc, cử tri tỉnh Hà Nam, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị:

“Cử tri phản ánh việc nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình. Trong đó một phần cũng có nguyên nhân ở phía đào tạo.

Nhiều chương trình đào tạo quá cũ kỹ, lạc hậu từ nội dung đến phương pháp giảng dạy. Chất lượng đào tạo và thực tế còn có khoảng cách quá xa. Do vậy, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc”.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (ảnh quochoi.vn).
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (ảnh quochoi.vn).

Theo ý kiến của cử tri: “Nguyên nhân một phần là do học không đi đôi với hành, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập hoặc nếu có thì quá xa so với thực tế công việc.

Phần khác là do xã hội ngày càng phát triển với tốc độ cao và vì vậy sản xuất cũng thay đổi theo. Phương thức sản xuất thay đổi trong khi đó đào tạo không bắt kịp được những thay đổi này vì vậy nó thường bị tụt hậu.

Khi không có sự cân bằng, đồng bộ giữa đào tạo và thực tế công việc đã làm cho sinh viên sau khi ra trường không đủ khả năng phục vụ cho công việc.

Sinh viên cảm thấy rất lúng túng trước những yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Chính vì sự phát triển của khoa học, kỹ thuật ngày càng cao nên công việc cũng đòi hỏi đội ngũ người lao động phải có trình độ, năng lực”.

Khuyến khích nhập khẩu chương trình giáo dục đại học để chống thất nghiệp ảnh 2Bây giờ cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân nhiều quá

Từ thực tế trên, cử tri hỏi: “Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp tháo gỡ hiệu quả”.

Trả lời kiến nghị của cử tri, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay một số cơ sở giáo dục đại học thường tổ chức đào tạo theo năng lực của trường hơn là có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu nhân lực của xã hội, địa phương, xu hướng phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và quốc tế.

Chương trình đào tạo chưa đổi mới, cập nhật để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, trình độ phát triển khoa học - công nghệ, văn hoá - xã hội.

Nội dung đào tạo còn nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học".

Sau khi tốt nghiệp đại học nhiều sinh viên không xin được việc làm (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn).
Sau khi tốt nghiệp đại học nhiều sinh viên không xin được việc làm (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai một số giải pháp như: Chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo.

Triển khai xây dựng một số trường đại học xuất sắc, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm tự chủ tài chính cho 21 trường đại học và đang xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp (có ngành đào tạo giáo viên), làm cơ sở đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong thời gian tới theo hướng tự chủ về tài chính;

Tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, điều chỉnh mức học phí, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo để đảm bảo chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tổ chức diễn đàn đối thoại giữa trường đại học và doanh nghiệp giúp các cơ sở giáo dục đại học nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và tăng cường kết nối, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động.

Khuyến khích các trường nhập khẩu chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trên thế giới sau khi nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động trong khu vực, trên quy mô toàn quốc.

Đẩy mạnh thí điểm mô hình thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao và chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học nhằm từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công tác quản trị đại học”.

Khuyến khích nhập khẩu chương trình giáo dục đại học để chống thất nghiệp ảnh 4Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học

Ngoài ra, trong ăm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chung để giúp các trường có thông tin tổng quát về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo điều chỉnh quy mô đào tạo của các ngành, tiến hành đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn tiếp theo.

Trinh Phúc