Kiểm định chất lượng đại học theo tiêu chuẩn mới chưa tương thích với Đông Nam Á

18/01/2017 09:17
Hồng Ngọc
(GDVN) - Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học mới để lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện trước khi ban hành.

Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học mới để lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện trước khi ban hành.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao cần kiểm định theo tiêu chuẩn mới? Và bộ tiêu chuẩn này có tương thích với các nước trong khu vực hay không?

Bộ tiêu chuẩn hiện hành nhiều tiêu chí mang tính định lượng 

Theo ông Nguyễn Huy Cương, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học New South Wales, Australia, thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thường được định kỳ rà soát, chỉnh sửa và bổ sung theo chu kỳ 5-10 năm. 

Theo ông Cương, bộ tiêu chuẩn hiện hành chủ yếu tập trung đầu vào và quá trình, nhấn mạnh vào tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, có quá nhiều tiêu chí định lượng, và có xu hướng khẳng định kết quả đã đạt được trong quá khứ hoặc hiện tại.

Những điều này trái ngược với các bộ tiêu chuẩn kiểm định ở các nước tiến tiến trên thế giới.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học mới để lấy ý kiến rộng rãi. (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học mới để lấy ý kiến rộng rãi. (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

Thực tiễn triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài trường đại học đã chỉ ra một số tiêu chí không hợp lý của bộ tiêu chuẩn hiện nay.

Cụ thể là có những tiêu chí mà tất cả các trường đều đạt.

Ví dụ như tiêu chí về hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong trường đại học (tiêu chí 4 của tiêu chuẩn 2), tiêu chí về đảm bảo quyền dân chủ của đội ngũ quản lý, giảng viên và nhân viên (tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 5),

hoặc tiêu chí về việc tuyên truyền đạo đức, lối sống cho người học (tiêu chí 6 của tiêu chuẩn 6). 

Ngược lại, có tiêu chí mà rất ít trường đạt như: tiêu chí về thực hiện công nhận kết quả của người học (tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 4), tiêu chí về đảm bảo nguồn thu từ nhiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (tiêu chí 5 của tiêu chuẩn 7),

hoặc tiêu chí yêu cầu có đủ diện tích lớp học, ký túc xá cho người học (tiêu chí 5 của tiêu chuẩn 9).

Việc kiểm định chất lượng sẽ không có ý nghĩa với các tiêu chí mà tất cả các trường đều đạt hoặc những tiêu chí mà rất ít trường đạt.

Góp ý về vấn đề này, ông Đào Phong Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, thực chất của quá trình quản lý chất lượng là sự cải tiến liên tục và không bao giờ ngừng.

Và ông Lâm phác họa một chu trình gọi là chu trình PDCA - Plan (Lập kế hoạch) – Do (Thực hiện) – Check (Kiểm tra) – Act (Hành động) để dẫn chứng cho ý tưởng của mình.

Theo ông, chu trình này mang lại nhiều lợi ích khi ứng dụng bộ tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, chu trình này là công cụ giúp các đơn vị hay tổ chức đạt được sự cải tiến liên tục trong quản lý chất lượng.

Chính tính liên tục này sẽ giúp xây dựng tính kế thừa trong nội bộ đơn vị, góp phần xóa bỏ tư duy cục bộ, nhiệm kỳ. 

Kiểm định chất lượng đại học theo tiêu chuẩn mới chưa tương thích với Đông Nam Á ảnh 2

Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở tại Đại học Thái Nguyên

Việc có một chu trình xác lập được các bước rõ ràng sẽ giúp tránh được việc lãng phí thời gian và nguồn lực vào các hoạt động, phương án, hay giải pháp không hiệu quả…

Đánh giá chất lượng  - câu hỏi lớn trong bối cảnh hội nhập

Ông Nguyễn Huy Cương cho rằng, bộ tiêu chuẩn mới đã cơ bản khắc phục được những điểm chưa hợp lý của bộ tiêu chuẩn cũ.

Cụ thể như tiêu chí về hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoặc tiêu chí về tuyên truyền đạo đức lối sống cho người học đã không được đưa vào trong dự thảo của bộ tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn mới không có tiêu chí định lượng và rất ít số tiêu chí liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật và ít tiêu chí liên liên quan đến đầu vào.

Theo ông Cương, bộ tiêu chuẩn mới với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí thực chất là sự cụ thể hóa từ 4 hợp phần trong khung đánh giá cơ sở giáo dục của AUN-QA, bao gồm:

đảm bảo chất lượng chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí), đảm bảo chất lượng hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí), đảm bảo chất lượng chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí), và kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Trao đổi thêm về chu trình PDCA, ông Cương cho rằng, mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn là một mắt xích quan trọng trong một chỉnh thể hoàn chỉnh của quy trình PDCA, quy trình được áp dụng phổ biến trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên thế giới.

Cùng với bộ tiêu chuẩn mới này, việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trường đại học có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành.

Từng tiêu chí sẽ được đánh giá theo thang 7 mức (tương ứng với 7 điểm) thay vì chỉ có 2 mức là đạt hoặc chưa đạt như hiện nay.

Trong khi đó ông Đào Phong Lâm còn băn khoăn, khi xây dựng dự thảo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, đội ngũ tham mưu của Bộ GD&ĐT hạ mức đạt từ 4 xuống 3,5 với lý do là điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế tại thời điểm hiện nay. 

Theo ông Lâm, sau này rất có thể mức đạt sẽ được điều chỉnh lại là 4 theo đúng chuẩn mực của AUN-QA (Mạng lưới trường đại học trong các quốc gia Đông Nam Á).

Và ngay cả khi được điều chỉnh lại như vậy, ông Lâm chưa thể khẳng định người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo đạt chuẩn (Mức 4) tại các trường đại học đạt chuẩn (Mức 4) trong phạm vi nước Việt Nam có giành được sự thừa nhận từ khối doanh nghiệp trong các quốc gia ASEAN,

và tương tự như người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo đạt chuẩn tại các trường đại học đạt chuẩn tại các quốc gia ASEAN khác hay không.

Bởi vì sự thừa nhận này hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức học thuật (giáo dục) giữa các trường thành viên AUN. 

Một băn khoăn nữa là dự thảo quy định kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT không có ràng buộc là thực hiện cấp chiến thuật trước khi tới cấp chiến lược, cũng có nghĩa là chúng ta đang “xây nhà từ nóc”, ông Lâm cho biết.

Hồng Ngọc