Kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh đại học trên thế giới

03/04/2013 15:00
Sắp đến mùa thi và tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GDĐT vẫn chủ trương có 2 kỳ thi và theo phương thức “3 chung”. Tuy nhiên, 1 số trường ĐH đã có những kiến nghị khác. Hiệp hội các trường Đại học Ngoài công lập đã đề nghị bỏ điểm sàn. Cuộc thảo luận về việc tuyển sinh ĐH như thế nào, thi cử ra sao vẫn còn đang tiếp tục. Để cung cấp thêm tư liệu cho các nhà giáo dục, tôi xin giới thiệu 1 vài phương án thi - tuyển ĐH ở một số nước.

Thủ tục và sự ưu tiên của quá trình tuyển sinh ĐH ở các nước rất khác nhau. Một vài nước sự cạnh tranh chỉ thông qua điểm thi đầu vào đơn giản. Ở những nước khác lại rất phức tạp bao gồm cả điểm thi, thành tích học tập, nguyện vọng và cả những việc làm ngoài trường lớp của một sinh viên tương lai. Có những nước đặc biệt lại còn phân biệt sự khác nhau giữa trường công và trường tư.

Na Uy: Trên thế giới có những nước như Na Uy không tổ chức bất kì kì thi tuyển sinh ĐH nào. Họ chỉ xem xét thành tích của thí sinh tại trường THPT. Thủ tục không cần thi cử khi vào ĐH bắt đầu xuất hiện tại các trường tư thục ở nhiều nước khác nhau nhất là Hoa Kỳ. Đến  Na Uy hình thức này trở thành phổ biến.


Quá trình tuyển sinh ở ĐH Na Uy được điều phối tập trung bởi một tổ chức thuộc Chính phủ: Dịch vụ Hành chính ĐH Na Uy (Norwegian Universities and Colleges Admission Service). Ứng viên được đăng kí tới 10 nguyện vọng. Họ được tuyển chọn theo trình độ THPT, thêm vào các điểm thưởng theo ngành học đặc biệt, vùng địa lý hay kinh nghiệm phục vụ quân đội.

Hoa Kỳ:  Các trường đại học ở Hoa Kỳ không tổ chức thi tuyển sinh mà dựa vào kết quả kiểm tra của các tổ chức khảo thí, độc lập với các cơ quan quản lý GD, đó là

+  SAT ( Scholastic Achivement Test )

+  ACT ( American College Test )

Hiện nay mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 1,8 triệu thí sinh thi SAT và 1,6 triệu thí sinh thi ACT. Tổ chức thi 4 lần/một năm.

Việc kiểm tra năng khiếu được thiết kế để đo lường khả năng nhận thức chung hơn là thành tích cụ thể của thí sinh. Trong quá trình tuyển sinh, nhà trường thường kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đo lường kiến thức cần thiết.

*  SAT được hình thành từ năm 1900 do nhóm các trường đại học phía đông Hoa Kỳ tổ chức, nhằm giúp thí sinh khỏi phải thi vào đại học tại nhiều trường. Phương thức ra đề thi lúc đầu là tự luận, đánh giá chủ yếu 2 khả năng: tiếng Anh và Toán. Kỳ thi tiến hành một lần với thời gian tổng cộng khoảng 3 giờ. Điểm tối đa của 2 môn là 800 điểm. Mức trung bình là 500 điểm. Từ 1926, SAT được các trường đại học của toàn Hoa Kỳ sử dụng, cách ra đề chủ yếu bằng trắc nghiệm. Từ 1994, SAT được cải tiến, phân chia thành SAT I cho toàn bộ các thí sinh dự thi và SAT II cho thí sinh lựa chọn thêm phần tự luận 20 phút.

*  ACT được tổ chức vào năm 1959 để tăng thêm sự lựa chọn cho thí sinh. Đầu tiên chương trình này được sử dụng cho các trường ở miền Tây Hoa Kỳ. Đến 1960, nó được sử dụng rộng rãi toàn Hoa Kỳ. Phương thức ra đề thi là trắc nghiệm đánh giá 4 khả năng: Anh văn, Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Kỳ thi kéo dài khoảng 3 giờ. Điểm tối đa là 36, trung bình là 20. Ngoài ra, qua đăng ký của thí sinh, ACT đưa ra bộ câu hỏi để đánh giá năng khiếu và sở trường của SV. Từ đó khi trả kết quả, ACT cũng tư vấn cho SV nên chọn trường nào, nghề nào để có thể thành công trong cuộc đời.

Nói chung HS  sau khi tốt nghiệp trung học, được gửi đơn tới 5-6 trường Đại học kèm theo kết quả học phổ thông trung học và kết quả SAT hoặc ACT. Dựa trên các kết quả này các trường có thể tuyển chọn. Ở một số trường có thể kiểm tra thêm năng lực ngành nghề hoặc năng khiếu đặc biệt.

Từ giữa năm 1980, một số trường ĐH ở Hoa Kỳ đưa ra chính sách “SAT tùy ý”. Điều này có nghiã là trong thực tế tuyển sinh, ở một số trường hợp việc xem sét  kết quả kiểm tra SAT của ứng viên có thể linh động, không cứng nhắc theo tiêu chuẩn.

Ireland: Học xong trung học, học sinh Ireland cần phải tham gia một kì thi quốc gia để lấy chứng chỉ tốt nghiệp Phổ Thông (Leaving Certificate) được tổ chức bởi Hội Đồng thi cử Nhà Nước (State Commission). Học sinh không phải tham gia thêm kỳ thi ĐH.

Quá trình tuyển sinh được tập trung điều phối bởi Ủy ban Tuyển Sinh Trung Tâm (Central Admissions Office). Đây là một cơ quan độc lập với các trường. Những thí sinh muốn vào ĐH, đề đạt nguyện vọng lên Ủy Ban và máy tính tự động chuyển danh sách thí sinh đến các trường kèm theo nguyện vọng và điểm thi.

Mỗi trường ĐH xác định số lượng SV cần tuyển cho mỗi chương trình và tổ chức tuyển chọn độc lập.

Nhật:  Trung tâm GD Quốc gia tổ chức kỳ thi đại học chung toàn quốc (National Center Test for University Admisions) theo 6 nhóm môn học với 31 môn cụ thể.

- Tuỳ theo từng ngành học, mỗi thí sinh được chọn  5/18 môn thi

- Phương pháp thi: trắc nghiệm

- Tổ chức 400 điểm thi trên toàn quốc

- Khi tuyển vào trường có thể phải thi thêm 1-2 môn đặc thù phù hợp với yêu cầu của từng trường.

Hàn Quốc:

Tuyển sinh dựa trên các kết quả của   

-  Thi đại học (65%)

-  Kết quả phổ thông trung học (25%)

-  Tự luận tại trường (10%)

Thái Lan:  Thái Lan có tổ chức một kỳ thi đại học chung cho toàn quốc (JHEFE: Joint Higher Education Intrance Examnation) nhưng việc tuyển vào các trường bao gồm:

- Kết quả học phổ thông

- Điểm thi đại học bằng phương pháp trắc nghiệm

- Phỏng vấn kiểm tra thể lực

HS có thể gửi đơn dự tuyển vào 5 khoa của nhiều trường hay Viện đại học.

Trung Quốc: Các thí sinh muốn vào ĐH phải tham gia kì thi đầu vào theo một hoặc hai lĩnh vực: KH kỹ thuật hoặc KH xã hội. Đây là kì thi quốc gia và được điều hành tập trung bởi Chính phủ. Chính phủ cũng xác định nội dung đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành và cho từng trường. Thí sinh nộp nguyện vọng lên Hội đồng thi ĐH. Kết quả thi kèm theo nguyện vọng của thí sinh sẽ được chuyển đến các trường ĐH. Việc tuyển sinh được các trường lựa chọn theo nguyện vọng và trên cơ sở điểm thi của thí sinh.

Đối với nhân tài “nguồn”, TQ cho phép 2 trường đại học hàng đầu là Bắc Kinh và Thanh Hoa tổ chức tuyển chọn những HS xuất sắc nhất trong cả nước (trước kỳ tuyển sinh đại học). Hàng năm chọn khoảng 300 em.

Ấn Độ: Ứng viên được tuyển vào ĐH Ấn Độ trên cơ sở điểm chuẩn của các kì thi tốt nghiệp THPT và đầu vào ĐH. Các kì thi này được chỉ đạo, tổ chức bởi nhiều cơ quan khác nhau bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, trường ĐH và nhóm các trường ĐH. Từng trường ĐH đặt ra những yêu cầu riêng cho các kì thi mà thí sinh tham gia, ví dụ cùng thi chung môn ngoại ngữ nhưng mỗi trường ( hoặc mỗi ngành) lấy trọng số và điểm chuẩn khác nhau. Ấn Độ được coi là nước tổ chức tuyển sinh phức tạp nhất thế giới.

Nhận xét chung:

- Hầu hết các kỳ thi đại học đều dùng phương pháp trắc nghiệm. Việc thi thường do nhà nước (hoặc một cơ quan được nhà nước uỷ quyền) tổ chức nhưng việc tuyển là do tiêu chuẩn của từng trường đề ra.

- Những nước có trình độ dân trí cao, học sinh có tính tự giác cao thì nhà nước không cần tổ chức nhiều kỳ thi nhưng nếu một nền giáo dục còn tồn tại bệnh thành tích hoặc còn nhiều gian lận trong thi cử thì cần nhiều phương án để đo lường trình độ đầu vào.

- Nói chung để bảo đảm tính bền vững của 1 thương hiệu đại học, người ta thường phải đề ra chuẩn chất lượng chứ không phải chỉ chọn từ trên xuống cho đủ số lượng như đề xuất của 1 vài trường ĐH việt Nam hiện nay.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


Phạm Lan Hương

Giảng viên thỉnh giảng môn Giáo dục so sánh, Đại học KHXHNV (Đại học Quốc gia TPHCM)