Kinh phí trợ cấp thâm niên có thực sự là... thâm niên?

07/10/2012 06:22
Xuân Trung
(GDVN) - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền dự kiến 565 tỷ trợ cấp chỉ như muối bỏ biển.
Biết được thông tin trên, GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng khi đã có hai văn bản chỉ đạo thực hiện việc này (Nghị định số 54/2011/NĐ-CP giải quyết chế độ thâm niên cho các giáo viên và Nghị quyết 21/2011/ QH13 của Quốc hội liên quan đến trợ cấp thâm niên đối với giáo viên nghỉ hưu). Tuy nhiên, phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra để tính trợ cấp thâm niên giáo viên là chưa công bằng và chưa đúng với đạo lý.
Thêm nữa, theo GS Hãn nếu theo phương án này của Bộ GD&ĐT vô tình làm cho nội dung của hai văn bản trên của Nhà nước không cùng một nguyên tắc, như vậy là rất phi lý, trở nên mâu thuẫn nhau.
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Trong Hội thảo “Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” do Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Thủ đô tổ chức vừa qua đã đi đến thống nhất phải trợ cấp thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu, và nên tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống hành chính, có một quy chuẩn riêng như các nước. 
Theo GS Hãn, những người nghỉ hưu đã gắn bó với giáo dục nhiều năm hơn, nếu không trợ cấp thâm niên cho giáo viên ở thời kỳ này là không hợp đạo lý, ngay cả những người được nhận thâm niên như ông. “Giáo dục là một trong những ngành được thâm niên đầu tiên, vậy bây giờ có người được, người không là không công bằng, đã mưa thì mưa cho đều”, GS Hãn nói.
Theo cách tính của GS Nguyễn Xuân Hãn, lấy ví dụ cụ thể để thấy rằng việc chi kinh phí trợ cấp thâm niên cho giáo viên là con số rất nhỏ. Năm 1990 cả nước có 12 triệu HSSV, lúc đó Nhà nước chi cho ngành giáo dục là 120 triệu USD, đóng góp của dân không đáng kể. Đến năm 2011, Nhà nước và nhân dân chi cho ngành giáo dục 12 tỷ USD (trong đó Nhà nước là 7 tỷ, 5 tỷ còn lại do nhân dân đóng góp), như vậy lớn gấp 100 lần so với năm 1990, trong khi số HSSV chưa lên tới 2 lần.

GS Hãn cho biết, theo văn bản chính thống của Nhà nước, năm 2011 cả nước có 20 vạn giáo viên cần trợ cấp thâm niên, nếu được trả số tiền sẽ vào khoảng 1.040 tỷ đồng. Năm 2012, con  số  giáo viên không phải là 20 vạn, mà chỉ còn 19 vạn, sang năm son số này còn ít hơn, và số tiền cũng lại càng nhỏ đi.

“Cho dù trợ cấp khoảng 1.040 tỷ cũng chỉ bằng 1/250 kinh phí đầu tư cho giáo dục, và cũng chỉ bằng 1/70 kinh phí của dự án sách giáo khoa, như vậy số trợ cấp thâm niên là rất nhỏ bé. Tôi nghĩ tiền không phải là vấn đề mà nên xem lại cách chi tiêu của ngành giáo dục”, GS Hãn thẳng thắn nói. 
Trước đó, trong Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu của Bộ GD&ĐT có nêu: “Nếu thực hiện "hồi tố" chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo này theo mức tương ứng như quy định (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1%)”.
GS Hãn cho rằng, không nên “hồi tố” vì: “Chúng tôi là người được hưởng về sau, nếu người về hưu được hồi tố thì những người như chúng tôi không được hồi tố? Làm như vậy là rất phức tạp. Ngoài ra, nếu trợ cấp một lần bằng tiền, thí dụ có người bây giờ là 60 tuổi, biết được họ sống thêm 30 năm nữa thì những năm sau họ không được hưởng gì ư? Phương án này tôi thấy rất phi lý”.
Cùng  quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Phương - Trưởng ban Đời sống (Hội Cựu Giáo chức Việt Nam) nhìn nhận, những nhà giáo về hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 là các nhà giáo đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Theo ông Phương, những nhà giáo này cần phải được đối xử công bằng, đúng như đạo lý tôn sư trọng đạo.
Và, cũng theo thống kê của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, số nhà giáo về hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 khoảng 190.000 người, lương bình quân là 3 triệu/người, số năm công tác bình quân là 30 năm.
Như vậy, có hai phương án tính: Thứ nhất, đề nghị được hưởng phụ cấp thâm niên như giáo viên đương chức. Mức phụ cấp 30% (tương đương với 30 năm công tác), và số tiền phụ cấp mỗi giáo viên là 900.000đ/tháng. Như vậy, số tiền Nhà nước chi trả cho một năm là 2.052 tỷ đồng mới, như vậy mới xứng đáng.
Phương án hai: Thực hiện chế độ trợ cấp như Nghị quyết 21/2011 QH 13 của Quốc hội, nếu mỗi năm công tác của mỗi giáo viên được nhận 1/3 tháng lương sẽ là 8.550 tỷ đồng, bình quân mỗi giáo viên được nhận 45 triệu: “Nếu ngân sách của Nhà nước khó khăn có thể chi trả trong 3 năm. Nếu mỗi năm công tác giáo viên được nhận 1/3 tháng lương, số tiền chi trả sẽ là 5.700 tỷ, bình quân mỗi giáo viên được nhận 30 triệu. Nhà nước có thể chi trả trong vòng 3 năm, mỗi năm ngân sách chi 1.900 tỷ (mỗi giáo viên được nhận 10 triệu/năm). 

Xuân Trung