Kỳ 4: 6 ngày 5 sinh viên bị ngất, ai là người chịu trách nhiệm?

16/02/2012 15:21
Bích Thảo - Thu Hòe
(GDVN) - Mới 6 ngày làm việc chính thức mà đã có 5 em sinh viên bị ngất phải đưa đi cấp cứu, nhưng công ty Hồng Hải vẫn cho rằng đó là chuyện bình thường.

Sinh viên thực nghiệm lau chùi máy móc

Ngày 9 – 2 sinh viên ĐH Công nghiệp Việt Hung mới chính thức xuống xưởng làm việc như một công nhân. Bản danh sách gồm có hơn 70 sinh viên của lớp KT 1 được chia ra làm hai ca. Nửa đầu danh sách làm ca ngày, nửa sau thì làm ca đêm với 8h/ca, thời gian tăng ca là không quá 2 tiếng/ca.

Sinh viên làm việc trong một dây chuyền và làm mọi công việc mà tuyến trưởng, chủ quản sai khiến. Có em đứng lắp ráp linh kiện điện tử, nhưng cũng có em làm việc dọn dẹp vệ sinh nhà xưởng và lau chùi máy móc thiết bị.

“Lúc có việc thì bọn em ra công mà làm việc, còn khi không có việc thì bọn em lại phải đi làm việc khác như đi lau chùi máy móc, quét dọn nhà cửa. Bọn em học để ngồi bàn giấy, chứ đâu phải đi làm lao công thế này.” Một nữ sinh chán nản chia sẻ.

Sinh viên bày tỏ bức xúc với phóng viên Giáo dục Việt Nam
Sinh viên bày tỏ bức xúc với phóng viên Giáo dục Việt Nam

Một bạn sinh viên khác cho hay: “Chúng em phải làm mọi thứ mà chủ quản sai, nếu có hàng về thì bọn em phải đứng trong dây chuyền làm liên tục. Nếu mà làm chậm thì sẽ bị nhắc nhở ngay lập tức. Khi hết hàng thì bọn em được sai đi dọn dẹp vệ sinh phân xưởng, máy móc. Nói chung là không được ngơi tay phút nào cả. Hai giờ mới được nghỉ có 10 phút không thấm tháp vào đâu cả.

Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung được thành lập năm 1976, trực thuộc Bộ Công thương với sự hợp tác của Hungari.

Cơ sở chính: số 16, phố Hữu Nghị, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 

Cơ sở hai: xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Trường đào tạo các hệ Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Cao đẳng nghề. 

Bắt đầu từ năm 2011 trường chính thức chuyển lên hệ Đại học.

Ngoài ra các bạn sinh viên còn bị quát mắng, chửi bới: “Bọn em đi làm thì bị những người cấp trên chửi bới như chửi những người công nhân thật sự, bị mất đi quyền làm chủ, thời gian rất gò bó....” bạn sinh viên trên cho biết thêm.

Trong khi những công nhân khác được phát bảo hộ đầy đủ thì bọn em không có găng tay bảo hộ, không có khẩu trang. Theo phản ánh của các bạn sinh viên thì công việc không nặng nhọc, nhưng phải làm việc luôn tay, luôn chân cho kịp với cường độ làm việc của công nhân khác. Các bạn sinh viên vốn việc học hành không quá gò bó thời gian và kéo dài đến 8h liên tục, nên khi phải làm việc trong môi trường áp lực như vậy thì mệt mỏi, suy kiệt là điều không tránh khỏi.

Đặc biệt với các bạn phải làm ca đêm, khi phải đổi đột ngột từ sinh hoạt ban ngày thành ban đêm làm đảo lộn hoàn toàn cơ chế sinh học của các bạn sinh viên. Còn phải làm việc liên tục khiến cho nhiều bạn mệt mỏi.

Một bạn nữ giấu tên chia sẻ: “Em không quen thức đêm làm việc, nên rất buồn ngủ. Đi làm về là em chạy ngay lên phòng ngủ chứ không thèm ăn uống gì nữa. Sáng không ăn, trưa về ngủ một mạch cũng không ăn thật sự làm bọn em thấy kiệt sức quá.”

Bắt buộc làm tăng ca, không thì nghỉ việc

Không những phải làm việc 8h/ ca các bạn sinh viên còn phải bắt buộc tăng ca thêm 2h nếu công ty có hàng về. Ông Shih Chang Lin Tổng giám đốc Công ty Hồng Hải cho biết: “Mỗi công ty có một quy định. Và công ty Hồng Hải có quy định là các công nhân phải bắt buộc tăng ca nếu như có việc.”

Các bạn sinh viên bức xúc vì phải bắt buộc làm tăng ca
Các bạn sinh viên bức xúc vì phải bắt buộc làm tăng ca

Các bạn sinh viên không có quyền lựa chọn việc có tăng ca hay không mà bắt buộc phải làm tăng ca. Không làm thì chủ quản sẽ không cho bạn đó về. Do đó các bạn sinh viên đều phải chấp nhận làm tăng ca dù sức khỏe không đảm bảo. Một bạn sinh viên cho biết: “Từ ngày đến làm việc hầu như ngày nào em cũng phải tăng ca. Dù mệt đến đâu cũng phải tăng ca chứ bọn em không có quyền lựa chọn.”

Kết quả là ngay những ngày làm việc đêm đầu tiên đã có đến 5 bạn sinh viên bị ngất do cường độ và thời gian làm việc quá sức.

Nhưng theo đại diện phía công ty cho rằng cả một phân xưởng lớn, có nhiều công nhân thì số người bị ngất như vậy cũng là bình thường. “Ngồi văn phòng làm việc, hay thậm chí không làm gì cũng có người bị ngất. Cả xưởng có hàng trăm người thì số người bị ngất như vậy cũng là bình thường thôi.” Tổng giám đốc công ty cho biết.

Trường đổ trách nhiệm cho Công ty

Khi sinh viên bị ngất sẽ được đưa xuống nằm nghỉ tại phòng y tế của công ty. Với trường hợp nặng được đưa đi cấp cứu, còn trường hợp nhẹ tự tỉnh lại thì về phòng nghỉ ngơi. Ngay ngày sau đó sinh viên lại phải đi làm bình thường.

Các bạn sinh viên ngậm ngùi nhìn bạn bị ngất vì không đủ 1 triệu đồng đóng viện phí
Các bạn sinh viên ngậm ngùi nhìn bạn bị ngất vì không đủ 1 triệu đồng đóng viện phí

Ngay chiều 15,2 một nữ sinh tên Th đã bị ngất khi đang làm việc, nhân viên y tế nghi bạn đó bị hẹp tim hai lá và cho lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Các bạn sinh viên không khỏi bức xúc khi nhân viên y tế không đi cùng xe, chờ mãi cũng không thấy bóng dáng người của công ty xuống hỗ trợ. Một nhân viên y tế cho biết: “Về sức khỏe của các em sẽ thuộc phía nhà trường chịu trách nhiệm.”

Lo lắng cho sức khỏe của bạn mình, các bạn sinh viên đành tự mình đưa bạn đi viện khi trong túi không có đến 100.000 đồng.

Ngay tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh có sự chứng kiến của PV báo Giáo dục Việt Nam không có bất kì sự hỗ trợ nào từ phía công ty cũng như trường. Các bạn sinh viên không có đủ 1 triệu đồng làm bệnh án nhập viện. Bác sỹ của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh hỏi chưa đóng tiền nên lại quay đi không khám chữa cho bệnh nhân này.

Lúc đó, PV báo đã phải ứng ra 200.000 để cho làm thủ tục nhập viện cho em sinh viên này. Lúc đó bệnh nhân mới được khám chữa.

Ngay sau đó, chúng tôi đã liên lạc với trường ĐH Công nghiệp Việt Hung thì ông Nguyễn Đức Trí  - Hiệu trưởng đùn đẩy: “Nếu xảy ra ốm đau, tai nạn lao động thì công ty phải chịu trách nhiệm.”

Các bạn sinh viên đi cùng Th đã phải liên lạc ngay với gia đình Th để xuống nộp viện phí chữa bệnh cho Th ban đầu là 1 triệu đồng.

Bố của em Th đã phải phóng xe ngay từ Bắc Giang xuống Bắc Ninh để lo cho con. Ông không khỏi bức xúc khi không thấy phía công ty cũng như nhà trường quan tâm gì đến tính mạng của con gái ông.

Ông Tuấn bố của em Th bức xúc: “Được tin cháu ngất lần hai này gia đình thực sự lo lắng. Sức khỏe cháu đã không tốt thế mà vẫn bắt cháu phải làm việc vất vả. Chúng tôi cho con đi học chứ đâu phải đi lao động như thế này.”

Ông Tuấn bức xúc khi trường và công ty bỏ rơi con gái ông đang bị ngất xỉu
Ông Tuấn bức xúc khi trường và công ty bỏ rơi con gái ông đang bị ngất xỉu

Được biết ngày khám sức khỏe 7 – 2, Th đã từng bị ngất, bị đưa đến trạm xá của công ty. Nhưng công ty và nhà trường vẫn để em vào làm việc. Th khó nhọc nói trên giường bệnh: “Thể trạng của em vốn không tốt nhưng em phải làm việc ở đây. Họ chỉ loại những người bị bệnh truyền nhiễm như viêm gan B thôi, chứ bệnh khác cũng vẫn phải làm.”

Các bạn sinh viên lo lắng, nếu như lại về công ty chắc chắn sẽ phải đi làm bình thường. Phụ huynh của em Th cho biết: “Nếu công ty cứ bắt con tôi làm thì nhà trường và công ty phải viết cam kết rằng có chuyện gì xảy ra thì phải chịu trách nhiệm. Nếu không thì tôi nhất định sẽ kiện lên các cấp có thẩm quyền tới cùng.”

Mặc dù là sinh viên của  trường được sắp xếp đi học một môn trải nghiệm mà nhà trường lại không hề có trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng cho các em. 

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát và cung cấp thông tin về vụ việc tới độc giả.

Nếu quý vị bạn đọc có thêm thông tin gì xung quanh việc sinh viên thực tập tại Công ty Hồng Hải phải làm việc như công nhân chuyên nghiệp xin vui lòng cung cấp cho tòa soạn theo số hotline: 0938.766.888 hoặc theo email: toasoan@giaoduc.net.vn

Trân trọng cảm ơn.



Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục


Bích Thảo - Thu Hòe