Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng

11/04/2016 08:41
Thùy Linh
(GDVN) - Học cơ khí Bách Khoa nhưng ra trường phải đi bán trà kiếm sống, cử nhân này từng nghĩ đến chuyện đốt bằng để cảnh tỉnh người khác.

LTS: Tiếp tục loạt bài Học để...thất nghiệp, hôm nay, Tòa soạn đăng tải câu chuyện của một cử nhân cơ khí, Đại học Bách Khoa.

Nhưng khi ra trường, anh lại mưu sinh bằng nghề khác. Việc đó đã khiến anh từng tuyên bố trên trang cá nhân của mình rằng sẽ ...đốt bằng đại học.

Cho dù không phải ai học nghề cũng mưu sinh được bằng nghề, nhưng câu chuyện này, là minh chứng hùng hồn nhất cho giấc mơ đại học bằng mọi giá, và là bài học lớn cho các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa cuộc đời...

Cử nhân cơ khí Bách Khoa

Anh Hoàng Xuân Hiến sinh năm 1985, quê ở Kinh Môn, Hải Dương và tốt nghiệp Đại học từ năm 2009. Hiện tại anh chàng đang cầm trong tay tấm bằng Khá kỹ sư ngành Cơ khí của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng công việc hiện tại của Hiến là bán trà. 

Xuân Hiến kể: “Ngay từ khi còn là sinh viên, vào trường ít thời gian là tôi xác định ra trường làm kinh doanh chứ không làm nghề cơ khí nên cứ xin được việc kinh doanh là đi.

Cho nên, đã 6 năm ra trường mà chưa ngày nào làm công việc liên quan đến ngành học. Bởi chỉ có làm những gì mình thích thì bản thân mới chuyên tâm, tu tập về điều đó mà thôi”. 

Kỹ sư cơ khí muốn đốt bằng Đại học để thức tỉnh phụ huynh học sinh
Kỹ sư cơ khí muốn đốt bằng Đại học để thức tỉnh phụ huynh học sinh

Năm 2015, tuyển sinh Đại học “vỡ trận” trong năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng kỳ thi “hai trong một” khiến bao gia đình, phụ huynh, học sinh vất vả, khốn đốn, chạy ngược chạy xuôi cốt chỉ để vào trường đại học.

Ngày 21/8/2015, Xuân Hiến viết lên trang cá nhân của mình với dòng trạng thái khiến cư dân mạng xôn xao với tốc độ chia sẻ chóng mặt cũng như tạo ra hai luồng tranh cãi gay gắt.  

Nguyên văn lời đăng tải của Xuân Hiến như sau: 

"Tôi sẽ đốt bằng đại học của mình, bạn có ủng hộ không?

Tôi đang rất muốn làm một việc gì đó để thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học Đại học của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Đặc biệt là dừng ngay việc xét tuyển thiếu hiệu quả, tốn kém tiền của và công sức của xã hội!

Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng ảnh 2

Ba lý do dẫn đến sai lầm khi chọn nghề và quan điểm "đừng đi xin việc"

(GDVN) - “Tuổi trẻ là một gia tài quý báu chỉ được tạo hóa ban cho có một lần. Thế mà ở giữa quãng đời đẹp nhất ấy lại thất nghiệp...”.

Thứ nhất tôi muốn khẳng định rằng: Không có ai thành công, hạnh phúc mà không có đam mê và kiên trì theo đuổi đam mê đó!

Có ai thành công, hạnh phúc mà không đam mê các bạn giới thiệu giúp tôi nhé, tôi nguyện cả đời làm nô bộc cho người ấy!

Thực ra bây giờ các em chọn trường này, trường kia tức là nghề này nghề kia đã là quá muộn, bởi chúng ta đều không được hướng nghiệp một cách đúng đắn từ trước nên khó phát huy được hết tiềm năng của mình.

Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng...

Chính vì thế nên cả đời chẳng làm nên công trạng gì! Chẳng có kỳ tích!

Tại sao tôi đam mê kinh doanh mà tôi lại học Cơ khí Bách Khoa?

Tại sao bạn tôi thích chụp ảnh bố mẹ nó lại cứ bắt nó học Y?

Tại sao lại bắt "con cá" cứ phải học "leo cây"?

Chúng ta hẳn muốn có nhiều người Việt như Ngô Bảo Châu, như Đỗ Hoài Nam, như Ánh Viên?

Đa số chúng ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học Đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng.

Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sinh viên, đa phần khi tôi hỏi em thích ra trường làm gì hoặc đam mê của em là gì họ đều không có câu trả lời, hoặc trả lời rất mung lung.

Thực tế cho thấy, đa phần sinh viên hiện nay ra trường không biết làm gì. Một số chọn đi học...thạc sĩ, tiến sĩ... Thế nên số thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam mới khủng khiếp nhất thế giới!

Tôi muốn chứng minh rằng, bằng Đại học chỉ là tờ giấy, mục đích của việc học Đại học không phải là kiếm bằng mà là kiếm nghề. Thời gian học Đại học là thời gian để các bạn học lấy một cái nghề, tích lũy kiến thức, tu dưỡng đạo đức chứ không phải chỉ chăm chăm giật lấy cái bằng, bằng mọi giá!

Không một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nào lại chọn bạn chỉ dựa vào bằng cấp của bạn cả. Điều đầu tiên họ cần biết đó là con người bạn như thế nào, có phù hợp với công ty, yêu cầu công việc hay không? Kiến thức và kinh nghiệm của bạn họ còn xem xét sau. 

Bởi doanh nghiệp lớn họ sẽ đào tạo lại. Vậy nên bằng của bạn chưa có nhiều ý nghĩa trong công tác tuyển dụng.

Nếu gia đình nhà bạn có một doanh nghiệp tương lai bạn sẽ điều hành, mà bạn đi học quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất...mà chỉ để lấy bằng thì doanh nghiệp nhà bạn sẽ sớm phá sản dưới tay bạn.

Nếu bạn đi học Y mà bạn chỉ lấy cái bằng thì bạn sẽ để dao mổ ở bụng bệnh nhân rồi khâu vào nhiệt tình.

Nếu bạn học Lâm nghiệp, Nông nghiệp mà học chỉ lấy bằng thì bạn sẽ cho phát triển cây thuốc phiện.
.....
Vậy ngay bây giờ, các bậc phụ huynh và học sinh hãy dừng việc xét tuyển lại đi.

Hãy cùng ngồi lại xem con em mình yêu thích nghề gì, đam mê lĩnh vực gì.

Nếu bạn thích Y, năm nay trượt, sang năm thi lại, thi bao giờ đỗ thì thôi. Hoặc thi ở Việt Nam khó quá thì ra nước ngoài thi có thể dễ hơn. Đừng làm nguyện vọng qua Bách khoa học Cơ khí, có ngày mất tay hoặc qua Tài Chính học Kế toán, có ngày đi tù.

Nếu bạn thích trồng trọt, chăn nuôi thì đừng đi học Giao thông, Xây dựng làm gì. Có ngày bạn cũng phải đi tù...

Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng ảnh 3

Lựa chọn sai ngành nghề có thể đẩy thí sinh đến bi kịch cuộc đời

(GDVN) - Dưới đây là lời khuyên của một người thầy, một người cha dành cho các bạn trẻ khi chọn lựa nghề nghiệp cho mình.

Nếu bạn dám đốt bằng đại học của bạn, tức là bạn tự tin vào con người mình, tự tin vào những gì bạn học được, tích lũy được, bạn là người có ích cho gia đình và xã hội!

Tôi nguyện làm người tiên phong đốt tấm bằng Đại học của mình để gióng lên hồi chuồn thức tỉnh các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Các em hãy sống với đam mê của mình và các bậc phụ huynh hãy động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho con em mình có cơ hội sống với đam mê của họ. Đừng bắt họ phải học, phải sống cho quý vị.

Chúng tôi phải sống cho chính mình! Có thế chúng tôi mới có cơ hội làm nên kỳ tích!

Chỉ cần 99 người ủng hộ, tôi sẽ tiên phong đốt bằng đại học của mình! Ngay và luôn!

(Viết xong stt này mình lại đi giao trà cho khách thôi, đây là công việc mình yêu thích
)". 

Dòng trạng thái của Xuân Hiến đã nói lên tất cả sự mù quáng của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh khi quá coi trọng tấm bằng đại học mà không theo đuổi đam mê. 

Đốt hay không đốt?

Tuy nhiên, 3 ngày sau (24/8/2015) khi đăng trạng thái này với nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa đã lên tiếng xin lỗi và giải thích về hành động "đốt bằng" của mình kèm theo bức ảnh chụp toàn bộ hồ sơ của anh sau khi tốt nghiệp Đại học.

Toàn bộ hồ sơ của anh Hoàng Xuân Hiến sau khi tốt nghiệp Đại học
Toàn bộ hồ sơ của anh Hoàng Xuân Hiến sau khi tốt nghiệp Đại học

Nguyên văn lời đăng tải như sau: 

Đốt hay không đốt?

Kính gửi quý vị phụ huynh, các bạn trẻ và anh chị em đang quan tâm đến status "ĐỐT BẰNG" của tôi!

Đầu tiên tôi xin gửi tới mọi người một lời xin lỗi vì đã làm phiền mọi người trong 3 ngày qua.

Chắc hẳn quý vị đang thắc mắc bức ảnh kia tôi đăng là có ý gì. Kính thưa quý vị và các bạn, đây là toàn bộ hồ sơ của tôi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa - sự lựa chọn số 1 cho các học sinh tỉnh lẻ như tôi những năm hai nghìn và trước đó. 

Xin nhắc lại là số 1 chứ không phải top đầu. Bởi lẽ, tất cả phụ huynh và học sinh ở NÔNG THÔN đều chỉ mong muốn rằng, học xong ra trường DỄ XIN VIỆC.

Thế nên chúng tôi học trâu bò, cày cuốc ngày đêm để bằng mọi giá phải đỗ Bách Khoa. Bách Khoa như một cái đích để chúng tôi đua nhau và lấy đó làm thước đo tri thức. 

Ai đó đỗ Bách Khoa thì gia đình và bà con lối xóm sẽ vui mừng như giáo sư Châu đạt giải Fields. Nhiều người không đỗ, họ còn cay cú, hậm hực, có khi đến tận bây giờ. Họ ghét lây sang cả những thằng đỗ như tôi, dù tôi chẳng làm gì hại họ.

Tại sao vậy?

Khi vào học, tôi nhận ra hai điều:

1.Các bạn học của tôi gần như 100% là dân tỉnh lẻ, các bạn Hà Nội không học Bách Khoa hoặc học, thì có sự định hướng của gia đình từ trước. Sau này các bạn ấy đi du học, có vài người về lại trường làm giảng viên. Nhưng nói chung số này rất ít.

2.Ngoại ngữ của chúng tôi gần như đều là con số 0

Tại sao vậy?

Năm tôi thi, cả trường có duy nhất 1 bạn thi Ngoại Thương, bạn này mẹ bạn ấy công tác ở Văn phòng Quốc hội.

Rồi sau này tôi mới nhận ra: Các bạn ở Hà Nội chủ yếu thi Ngoại Thương, Ngoại Ngữ hoặc tốt hơn thì đã đi du học hết rồi.

Thành ra các trường Bách Khoa, Xây Dựng, Mỏ, Công Nghiệp...là dành cho học sinh tỉnh lẻ.

Bố mẹ tôi cũng như bao bố mẹ khác, họ còn phải chạy ngược chạy xuôi lo ăn từng ngày, đâu có thời gian để HƯỚNG NGHIỆP cho chúng tôi. Đến lúc làm hồ sơ thì đại học, chọn trường, thì chẳng biết trường nào. 

Tôi chọn Bách Khoa - theo các bậc tiền bối và nguyện vọng 2 vào Luật, khoa kinh tế - vì thấy rằng qua phim ảnh, các nước tiên tiến rất cần luật sư. Lúc đó bố mẹ tôi đều công tác trong ngành sư phạm nên muốn tôi thi sư phạm. Nhưng bố mẹ tôi để tôi tự chọn.

Tôi đỗ Bách Khoa. Với tinh thần học trâu bò từ cấp 3 được tiếp tục phát huy, nhưng có vẻ không ổn, tôi gần như không đủ sức để học bởi học nhiều lắm, học không cả có thời gian để ngủ mà vẫn không ăn thua. Lên giảng đường nghe thầy giảng mà mắt thì cứ rũ xuống, các định luật các công thức cứ ong ong trong đầu. Tôi chằng thích học môn nào cả, ngoại trừ môn Triết học là không thấy buồn ngủ. Nhưng rồi tôi cũng hoàn thành năm thứ nhất.

Nhà trường dựa vào kết quả học tập năm thứ nhất và nguyện vọng đăng ký của sinh viên để phân ngành. Tức là lúc này mới biết mình sẽ học ngành gì. Các ngành top trên là IT, điện - điện tử, tiếp theo là Cơ khí, Hóa, Dệt may...

Vì học dốt nên mặc dù thích điện hơn nhưng tôi phải đăng ký Cơ khí với ý nghĩ tự an ủi ra trường kỹ sư Cơ khí cũng DỄ XIN VIỆC dù mặt bằng lương không cao bằng IT và điện-điện tử.

Đến năm thứ hai, bắt đầu chán học hơn, mải mê chinh chiến và yêu đương, tôi bị tăng K. Bố mẹ buồn lắm, suy sụp lắm. Nhưng còn an ủi vì có nhiều thằng bạn tôi bị thần kinh phải bỏ học về quê bố mẹ nuôi cơ.

Năm sau đi học, tôi bắt đầu kinh doanh, tôi kinh doanh tài liệu ôn thi. Các tài liệu tôi có của năm trước, tôi soạn lại rồi bán cho các bạn năm sau, chủ yếu là các môn trắc nghiệm vì đề thi chỉ quanh quẩn các câu đó, làm đi làm lại là ngon ngay.

4 năm học trôi đi khá nhanh. Rồi tôi cũng tốt nghiệp.

Đến nay đã 12 năm trôi qua kể từ ngày bước chân lên Hà Nội làm sinh viên, nhưng từ tờ giấy báo dự thi, báo nhập học đến các loại văn bằng chứng chỉ khác tôi vẫn giữ nguyên vẹn và phẳng phiu. 

Đến cả số báo danh của tôi, nếu đang ngủ gọi tôi dậy và hỏi, tôi vẫn trả lời được. Tôi là thằng dở hơi đúng không các bạn. Chẳng ai đi giữ mấy cái giấy tờ đó cho chật nhà. Nhưng tôi trân trọng những gì tôi đã trải qua, đã làm được. Tôi cam đoan tôi thuộc số rất ít những người còn giữ đầy đủ các giấy tời này.

Dù sau khi ra trường tôi chưa làm một giờ kỹ thuật nào cả nhưng tôi vẫn nói với bạn bè tôi, tôi chưa bao giờ hối hận vì đã học Bách Khoa.

Vậy theo các bạn, tôi có mang bằng đại học của mình ra đốt hay không?

Xin thưa với các bạn, nếu để ý một chút thôi các bạn sẽ thấy, status của tôi có hai phần rõ ràng: Phần thông điệp và phần phương tiện. ĐỐT BẰNG chỉ là phương tiện để đưa thông điệp tôi muốn gửi tới các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nhanh hơn và xa hơn mà thôi!

Với tôi bất cứ hành động đốt phá nào đều mang tính tiêu cực. Đó không phải là cách làm của tôi.

Dù có người hiểu, có người chưa hiểu, có người chửi, có người nói tôi ngu, có người bảo tôi điên, tôi pr bán trà rẻ tiền.... KHÔNG SAO CẢ. Tôi chấp nhận hết. Miễn là thông điệp tôi gửi đã đi được tới khá nhiều người.

Cho dù nó chỉ thay đổi được suy nghĩ của một phụ huynh, tiếp thêm động lực cho một em học sinh dám lựa chọn dấn thân theo đam mê, sở thích, tôi cũng thấy thỏa mãn rồi.

Đặc biệt, tôi không bao giờ đổ tại HOÀN CẢNH, tôi không chê bố mẹ tôi hay xã hội không hướng nghiệp cho tôi. Tôi vẫn tự hào rằng hoàn cảnh khó khăn đã tạo cơ hội cho con người mình trưởng thành sớm hơn, mạnh mẽ hơn.

Trước khi đổ cho hoàn cảnh, đổ cho xã hội, cho giáo dục, hãy tự hỏi lại mình, mình đã làm gì để ngày hôm nay mình tốt hơn hôm qua chưa. Tôi vẫn tâm niệm như vậy
”. 

Hãy học tập theo sở thích, đam mê của mình

Ngày 10/4/2016, gần 1 năm sau ngày định đốt bằng của anh Xuân Hiến, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp lại anh. 

Khi đăng tải trạng thái không phải để ngăn cản việc đi học Đại học mà tôi chỉ muốn khuyên các thí sinh rằng, cần phải xác định mục tiêu, đam mê, sở thích của mình trước khi quyết định có nên một ngành nào đó hay không chứ đừng học theo trào lưu xã hội hay theo ý kiến của bố mẹ, cần phải chọn ngành trước khi chọn trường”, anh Hiến nói. 

Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng ảnh 5
Gác bằng cử nhân, kỹ sư cơ khí đi bán trà và sở hữu một Thư viện sách (Ảnh: Thùy Linh)

Rõ ràng, ở các nước tiên tiến như phương Tây, Nhật Bản, họ định hướng, giáo dục sớm (0-6 tuổi) cho con cái với mục đích để đứa trẻ được bộc lộ lĩnh vực mà trẻ thích thú từ đó tạo môi trường, tạo không gian thuận lợi để đứa trẻ phát huy hết khả năng của chúng. 

Còn ở Việt Nam thì sao? “Phải cho đến khi học cấp 3 mới được hướng nghiệp nhưng oái oăm, hướng nghiệp chưa định hướng được gì thậm chí còn sai”, anh Hiến nhận định.  

Vì khi làm nghề gì hay công việc gì thì đều cần phải có đam mê nên qua chuyện ý định đốt bằng, anh Xuân Hiến cũng muốn thức tỉnh suy nghĩ của thí sinh và phụ huynh. 

Trước hết, là thí sinh cần phải tự đấu tranh cho quyền lợi của mình, phải cho bố mẹ thấy sở thích, đam mê của mình là gì. 

Cùng với đó, mỗi phụ huynh nên có một lượng thông tin nhất định để định hướng nghề nghiệp cho con và cần phải suy nghĩ cho con cái mình rằng, liệu điều này có tốt cho con không chứ đừng vì có “chỗ” trong công việc, có thể nhờ vả người này, người kia mà phụ huynh lựa chọn thay cho con cái. 

Ngày 24/12/2015, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội công bố, cả nước có 225.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp

Với tư cách một cử nhân đã tốt nghiệp nhiều năm anh Xuân Hiến cho biết: 

Dựa vào tâm lý của phụ huynh, ai cũng muốn con có bằng Đại học, bằng Đại học như một tiêu chí mà bố mẹ buộc con cái phải đạt được.

Nên khi con không đỗ vào các trường đào tạo chuyên sâu nhưng vẫn chịu áp lực về tấm bằng Đại học thậm chí tâm lý nhà tuyển dụng yêu cầu phải có bằng Đại học, cứ như thế nhà nhà đi học, người người đi học, trường công, trường tư mở ra ngày càng nhiều, ngày càng nhiều khóa đào tạo.

Trường nào cũng đa ngành nghề nên mới có chuyện nhiều trường đào tạo ngành nghề chả liên quan gì đến họ. 

Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng ảnh 6

Ông Trần Đức Cảnh chỉ ra ngành “mũi nhọn” và “mũi tù” trong giáo dục đại học

(GDVN) - “Tôi nghĩ cỡ khoảng 20-22% các môn học hiện nay ở Đại học là không cần thiết, không liên quan tới kiến thức chung, trong đó mất 22% thời gian không cần thiết”.

Vì áp lực của bố mẹ, của xã hội về tấm bằng Đại học mà khi thí sinh có kết quả trượt Đại học thì lại nhận được hàng chục giấy báo trúng tuyển của các trường khác. Vậy là thí sinh sẵn sàng đi học để không phải chịu áp lực. 

Tuy nhiên, anh Xuân Hiến cũng băn khoăn rằng, dựa trên tiêu chí nào để công bố con số cử nhân thất nghiệp?

Là do cử nhân không được làm đúng ngành học hay sau nhiều năm ra trường mà cử nhân vẫn chưa làm công việc gì. Vì hiện nay, xã hội đang hiểu hơi nặng nề về “thất nghiệp”. 

Không phải cứ không làm trong cơ quan Nhà nước nào, không làm trong công ty nào là thất nghiệp. Anh minh chứng: “Tôi tốt nghiệp cơ khí nhưng tôi đang bán trà. Có nghĩa là tôi có công việc, đâu phải thất nghiệp”. 

Không thể phủ nhận rằng, hiện có nhiều bạn thí sinh đăng kí theo học những ngành nghề mà mình không yêu thích, cũng có những người lấy được tấm bằng đại học rồi lại làm ngành nghề khác.

Việc anh Hoàng Xuân Hiến – cử nhân muốn đốt bằng Đại học không phải là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, từng có một du học sinh đốt tấm bằng cử nhân lấy được bên Nhật mong truyền tải một thông điệp về việc học rằng: “Hãy học tập từ động lực của bản thân chứ không phải là những ép buộc của xã hội”. 

Hành động muốn đốt tấm bằng của Xuân Hiến khiến nhiều người cho là kỳ quặc, dại dột thậm chí là điên rồ tuy nhiên chính điều này đã khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm về nền giáo dục hiện nay.

Thùy Linh