Lại chuẩn bị đến mùa...hội giảng diễn

10/10/2018 08:25
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Để mùa hội giảng phát huy được vai trò tích cực, cần nhất tấm lòng “cầm cân nảy mực” của người dự, chuẩn bị chu đáo, trung thực của người dạy.

LTS: Những tiết hội giảng được giáo viên chuẩn bị rất công phu. Tuy nhiên, việc đánh giá những tiết hội giảng này liệu có thực chất?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về vấn đề này.

Từ trung tuần tháng 10 cho đến 20 tháng 11 là mùa hội giảng của ngành giáo dục cả nước, lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Hội giảng là phong trào thi đua quan trọng của nhà trường và giáo viên, thành tích hội giảng được xếp thi đua cho giáo viên và cả nhà trường. Vì thế chỉ tiêu đặt ra cho giáo viên và nhà trường là gần 99% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi!

Hội giảng được coi là dịp để giáo viên thể hiện “bản lĩnh sư phạm” của mình trước đồng nghiệp, cũng là cơ hội để giáo viên học tập đồng nghiệp, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Hội giảng được coi là dịp để giáo viên thể hiện “bản lĩnh sư phạm” của mình. Ảnh mang tính minh họa: http://thnguyennhuocthi.hcm.edu.vn
Hội giảng được coi là dịp để giáo viên thể hiện “bản lĩnh sư phạm” của mình. Ảnh mang tính minh họa: http://thnguyennhuocthi.hcm.edu.vn

Có không ít giáo viên trưởng thành nhờ “bài học xương máu” qua các kỳ hội giảng. Nhờ hội giảng mới tự học, trau dồi kiến thức liên quan, phương pháp dạy học tiên tiến.

Để có một tiết hội giảng “thành công”, giáo viên có khi mất hàng tuần, hàng tháng chuẩn bị, từ tư liệu, thiết bị dạy học, nội dung trình chiếu; “kịch bản không dư, không thiếu” trong thời gian một tiết dạy.

Thế nhưng cũng không ít “góc khuất” trong các kỳ hội giảng, biến thành “hội diễn”, điều không mong muốn của người học và cả người dạy. 

Chọn lớp để dạy: Tiết dạy hội giảng thành công, phụ thuộc rất lớn vào học sinh. Nếu học sinh có năng lực học tốt, tương tác tốt, người dạy thỏa sức sáng tạo.

Lại chuẩn bị đến mùa...hội giảng diễn ảnh 2Góp ý tiết dạy, người bỏ cả ăn, nơi mất tình đồng nghiệp

Mùa này các lớp “chọn”, gần như quá tải với hội giảng. Các em phải vất vả “chuẩn bị bài mới” nhiều môn cùng lúc để tương tác phù hợp với “kịch bản” của cô đưa ra.

Không ít học sinh bị “bỏ rơi” trong tiết dạy; chưa nói là một số giáo viên cho học sinh yếu kém đi “tỵ nạn”, “mượn” học sinh khá giỏi các lớp khác về “học hộ”. Nhiều học sinh ước mơ “thầy cô đừng hội giảng” lớp mình.

Gà bài trước cho học sinh: Có những chuyện kể như tiếu lâm, mà có thật, giáo viên soạn sẵn các câu hỏi, câu trả lời phát cho học sinh về học thuộc.

Khi giáo viên hỏi, em nào thuộc thì giơ thẳng tay, em nào chưa thuộc thì giơ khum tay; giáo viên chỉ học sinh đứng lên trả lời, học sinh nói to: “Thưa cô, em giơ khum tay ạ”.

Chạy chọt ban giám khảo: Thích thì củ ấu cũng tròn, ghét thì quả bồ hòn cũng vuông. Nhận xét đánh giá tiết dạy, cũng phụ thuộc vào cảm tính nhiều chứ không ít. Vì vậy, chuyện “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” không phải là không có.

Để mùa hội giảng phát huy được vai trò tích cực của nó trong dạy và học, cần nhất tấm lòng “cầm cân nảy mực” của người dự, chuẩn bị chu đáo, trung thực của người dạy. Chỉ hai tiết dạy trong hội giảng chưa đủ để đánh giá hết năng lực sư phạm của giáo viên.

Để khách quan, ban tổ chức cần minh bạch giáo án; nghiêm cấm các hình thức gà bài, chọn lớp, đuổi học sinh của giáo viên tham gia.

Lại chuẩn bị đến mùa...hội giảng diễn ảnh 318 tiêu chí "chuẩn" của người giảng viên sư phạm

Chọn được đội ngũ giám khảo có tâm, có tầm; đánh giá tiết dạy trung thực, khách quan, theo hướng tích cực, vực dậy tiềm năng người dạy.

Tránh triệt để các “hình thức” đánh giá, nhận xét tiêu cực, triệt tiêu ý chí vươn lên của người dạy; khen thật, chê đúng, tế nhị, hài hước, có kèm các phương án thực hiện khả thi;  đặt vị trí của mình vào vị trí người dạy mới đánh giá đúng, khách quan được. 

Về phía người dạy, đừng “quan trọng hóa” tiết hội giảng, đặt mục tiêu tham gia là học hỏi, rèn luyện; bản lĩnh, kiến thức được trau chuốt qua hội giảng vô cùng quý báu; tạo tâm lý thoải mái cho mình và cho học sinh; thất bại là mẹ của thành công; đón nhận đánh giá, góp ý của người nhận xét vui vẻ, kể cả lời nhận xét “trái tai, gai mắt” với mình.

Giáo viên có thể dùng các “biện pháp phi nghiệp vụ”, có tiết dạy giỏi;  học sinh không công nhận cũng bằng thừa, quan trọng nhất là đánh giá và cảm nhận của người học.  

Dù sao đi nữa, hội giảng đã và đang phát huy vai trò tích cực của nó với người dạy và người học. Điều quan trọng nhất của giáo viên, làm hết sức mình vì học sinh thân yêu, hội giảng chứ không phải là hội diễn.    

Sơn Quang Huyến