Làm thầy, đâu chỉ có lên lớp và ôm theo quyển giáo án!

19/11/2016 07:09
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Trong bất cứ hoàn cảnh nào, no ấm cũng như đói nghèo, giặc giã cũng như yên bình, người thầy luôn có một vị trí đặc biệt trong xã hội.

LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Trần Trí Dũng có đôi dòng tâm sự về nghề làm thầy trong thời đại ngày nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, người thầy bao giờ cũng tôn kính với lời nhắc nhủ "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, no ấm cũng như đói nghèo, giặc giã cũng như yên bình, người thầy luôn có một vị trí đặc biệt trong xã hội.

Vai trò của người thầy

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Thầy giáo làm nhiệm vụ trồng người, sống với thời đại nào thì trồng người cho sự phát triển của thời đại đó và chuẩn bị những năng lực người đón đầu cho thời đại mới sẽ đến.

Ở đây, thầy giáo không phải là nhà tiên tri, nhưng với trí tuệ đại diện cho thời đại mà nắm bắt những xu thế phát triển trong xã hội để đào tạo thế hệ trẻ thành người làm chủ tương lai.    

Trồng trọt, vun đắp cho con người ở đây có nghĩa là là xây dựng văn hóa.

Trồng người là chăm lo bồi dưỡng, vun đắp cho con người trở thành những nhân cách có văn hóa.

Thầy cô giáo càng phải bồi đắp kiến thức và kĩ năng hơn nữa trong thời đại mới. (Ảnh: nld.com.vn)
Thầy cô giáo càng phải bồi đắp kiến thức và kĩ năng hơn nữa trong thời đại mới. (Ảnh: nld.com.vn)

Để trồng người như vậy, bản thân thầy giáo phải là người có văn hóa và mang văn hóa của loài người đến cho thế hệ đang lớn lên, làm cho học có đủ năng lực, thể chất và tinh thần để làm người.

Đó là nét bản chất nhất của công việc trồng người, tức là công việc giáo dục dạy dỗ để con người trở thành có nhân cách tốt.

Với cách hiểu sâu sắc ý nghĩa của giáo dục như vậy, dân tộc ta đã có triết lý tuyệt vời: Học để làm người với đầy đủ tri thức và nhân cách.

Theo đó, giáo dục là công việc đem bản chất người, tri thức và nhân cách sống của nhân loại đến cho con người.

Vì thế, truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta cũng bắt nguồn từ nguyên lý đó.

Sự tôn trọng nghề giáo

Các phụ huynh dắt con em mình đến nhà trường, giao cho thầy và mong mỏi chúng sẽ nên người theo sự dẫn dắt, dạy dỗ của thầy, đi theo con đường mà thầy đã chỉ dậy.

Từ đó, đặt lòng tin vào thầy giáo dẫn đến sự biết ơn công lao dạy dỗ của thầy, được đúc kết trong câu ca:

"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy
"

Tuy nhiên, trong những ngày lễ của thầy cô giáo, nhiều khi cũng xuất phát từ hàm ý của câu ca trên mà nhiều phụ huynh, học sinh mang quà, rồi phong bì đến tặng cho các thầy cô một cách thái quá đã gây phiền lòng cho không ít thầy cô.   

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, máy tính đang từng bước được phổ cập, nhà trường đã mất dần vai trò độc tôn trong việc truyền đạt tri thức.

Trẻ em ngày nay sẽ tiếp thu nhiều thông tin trên máy tính, trên các phương tiện truyền thông hiện đại.

Làm thầy, đâu chỉ có lên lớp và ôm theo quyển giáo án! ảnh 2

Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ

Sống trong xã hội hiện đại, trẻ em sẽ lớn lên với trình độ phát triển tâm sinh lý hơn hẳn so với trẻ em cùng trang lứa ở những thập kỷ trước.

Vì thế, thầy giáo không thể dạy học và giáo dục chỉ nhờ trình độ học vấn của mình mà nhỉnh hơn một chút so với học trò của mình.

Ngày xưa, người ta nói "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Câu nói ấy không hàm chuẩn học vấn của người làm thầy mà chỉ nói đến đạo lý của người đi học.

Thầy giáo ở thế kỷ XXI ngày nay phải là người đại diện cho trình độ trí tuệ, trình độ học vấn cao của đất nước. Thầy giáo phải hơn học sinh một vài "cái đầu".

Trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phấn đấu để một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đi vào kinh tế tri thức, thầy giáo lại càng phải được đào tạo tốt hơn.

Ở đây, nhà trường là môi trường khoa học và đồng thời cũng là môi trường đạo đức.

Được đào luyện ở trường, học sinh phát triển giữa đức độ và tài năng, giữa trình độ lý luận và kỹ năng thực hành, giữa tay nghề chuyên môn với bản lĩnh chính trị...

Trong môi trường đó, trong nhân cách của thầy giáo phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa học vấn uyên thâm, lối sống mô phạm, lòng yêu thương con người với ý thức tự tôn, tự cường dân tộc.

Việc đưa cơ chế thị trường vào trường học, coi nhà trường như thương trường là một sai lầm tệ hại. Với cách hiểu và cách làm này đã làm cho một số không ít trường học và thầy giáo bị sụp đổ uy tín trước các cộng đồng dân cư.

Trên thực tế, sự lạm dụng trong thu chi đầu năm ở một số trường học, đã làm suy giảm hình ảnh người thầy trong con mắt nhân dân.     

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất bởi sản phẩm của nghề này là những con người của thời đại, có đủ năng lực để cải tạo thế giới, góp phần vào việc thúc đẩy xã hội phát triển, hướng tới đời sống tiến bộ, văn hóa và văn minh hơn.

Hơn 2000 năm trước, nhà hiền triết Khổng Tử đã tổng kết hoạt động của nghề dạy học một cách thâm thúy và khái quát: "Học không chán, dạy không mỏi".

Nếu làm được điều này, sự nghiệp giáo dục thật vinh quang đối với dân tộc và đối với cả nhân loại.

Do đó, bản thân người thầy giáo vừa phải đóng vai trò người đi học, và đi học để việc giảng dạy của mình có chất lượng ngày càng cao.

Cho nên thầy giáo cũng phải luôn học hỏi ở người khác, ở sách vở, ở đồng nghiệp và ở chính học trò của mình với tinh thần hết sức cầu thị, hăng say.

Đồng thời, thầy giáo phải toàn tâm, toàn ý đối với từng trang giáo án, từng câu chữ trong bài giảng, từng việc làm vì học sinh thân yêu của mình. 

Thật buồn là thời gian qua, có không ít chuyện trò cãi lại thầy cô, không tôn trọng thầy cô.

Điều này trước hết là giáo dục ở gia đình. Vì không ít những bậc cha mẹ có ý nghĩ thiển cận về những người dậy con mình, đưa vào đầu các em những suy nghĩ tiêu cực.

Ví dụ chuyện ca cẩm đóng tiền học, rồi làm quá lên về chuyện phong bao phong bì, quà cáp biếu xén....

Ngay từ trong nhà, lũ trẻ đã bị nhồi đầu những chuyện ấy thì khi đến lớp làm sao chúng có thể kính trọng thầy cô?

Một nguyên nhân rất quan trọng khác nữa là vị thế nhà trường và nhà giáo đã bị hạ thấp nghiêm trọng khi trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, khoét sâu vào những vụ việc chỉ mang tính đơn lẻ xảy ra trong trường học.

Từ đó, thổi bùng lên như bản chất của nhà trường, là sự xuống cấp đạo đức của nhà giáo.

Tuy nhiên các nhà giáo cũng không thể đổ lỗi hết cho xã hội khi mà vị trí nghề nghiệp của mình không được tôn trọng đúng mức. Bởi lẽ "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Những tiêu cực tại một số cơ sở đã ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội với nghề giáo. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Những tiêu cực tại một số cơ sở đã ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội với nghề giáo. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trước hết các nhà giáo hãy nhìn vào bản thân mình. Trong đội ngũ nhà giáo, không phải là không có người chạy theo giá trị vật chất, mở các lớp dạy thêm tràn lan, tìm cách ép học sinh học thêm.

Bên cạnh đó, việc một vài thầy cô giáo quá nghiêm khắc với học trò, có khi đánh học trò, không chăm lo học trò, dẫn đến việc học trò 'nhờn" với thầy cô.

Từ đó khiến vị thế nhà giáo giảm trong mắt học trò và xã hội.

Những thách thức của giáo viên

Có một điều rất đáng suy nghĩ nữa là vấn đề thu nhập của các giáo viên và đời sống của nhà giáo.

Thực tế, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo chỉ là đồng lương, tương đối thấp so với rất nhiều ngành nghề khác. Điều này cho thấy chính sách đối với nhà giáo, đối với ngành giáo dục cần sớm được cải thiện.

Vẫn biết chế độ chính sách dành cho giáo viên được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.

Nếu như điều đó được cải thiện thì đương nhiên chất lượng chất lượng dạy và học trong nhà trường sẽ tốt lên. Từ đó vị trí nhà giáo sẽ được nâng lên đáng kể, cùng với sự nỗ lực của mỗi nhà giáo, mỗi trường học.               

Nghề trồng người chưa bao giờ là công việc đơn giản. Trong thời đại mới lại càng đặt ra nhiều thách thức.

Không chỉ một cuốn giáo án được soạn sẵn rồi truyền dạy hết lứa học sinh này sang lứa khác. Mỗi người thầy phải luôn nỗ lực vượt lên chính mình, làm chủ và đưa kiến thức đến học trò hiệu quả nhất.

Dạy học không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng là thổi lên trong mỗi học trò ngọn lửa đam mê tìm hiểu và học tập.

Điều khó nhất đối với người làm thầy là phương pháp dạy làm sao cho học sinh thấy thích học.

Không nên áp đặt, vạch trước con đường để học sinh đi theo, mặt khác thầy giáo phải luôn tạo điều kiện để học sinh tự đi bằng đôi chân của mình, tự tỏa sáng theo đúng năng lực và khả năng của mình.

Việc dạy khó quá hay dễ quá đều không được. Cần phải gợi mở sự tò mò học tập cho học sinh.

Kinh nghiệm cho thấy làm thầy không được bảo thủ. Phải luôn quan sát tự học, học trong sách vở, học qua Internet, học qua đồng nghiệp và thậm chí là học ngay cả cách tư duy, cách lý giải của học trò là vì vậy. 

Vì thế, có yêu nghề người thầy mới có thể coi việc dạy học là niềm vui, luôn hứng thú dạy học, phấn đấu phục vụ cho công tác dạy học, luôn yêu mến học sinh và trách nhiệm trong từng bài dạy.

Từ tình yêu nghề, người giáo viên sẽ ý thức được để có một tiết dạy thành công thì người thầy sẽ phải nghiên cứu trước bài dạy, phải nghiên cứu định hướng mình cần dạy những gì, sử dụng những phương pháp nào...

Yêu trò, yêu nghề người giáo viên sẽ biết quan tâm đúng cách đến từng đối tượng học sinh mà giảng dạy.

Dẫu trong cùng một lớp học thì đương nhiên sẽ có một tình độ phổ thông như nhau, nhưng chắc chắn học sinh có sự khác biệt về tâm sinh lý.

Có em hay lơ đãng, thiếu tập trung, có em tiếp thu chậm, có em hiếu động... . Vì vậy, với một người thầy có trách nhiệm vẫn phải quan tâm đến tất cả các em, dù chỉ dạy một tiết, dù không phải là giáo viên chủ nhiệm. 

Mỗi người thầy phải có một cách truyền tải riêng để học sinh gặp kiến thức mà không chán, không sợ.

Lý thuyết phải đầy đủ, bài tập phải dẫn dụ từ dễ đến khó, ra bài tập phải tùy theo sức của học trò.

Khi nào học sinh học tập hưng phấn thì có thể bỏ đi những bước trung gian, và ngược lại khi các em mệt mỏi thì phải phân chia làm nhiều cung bậc.

Làm sao để học sinh thấy bài tập không khó, các em cơ thể vận dụng kiến thức bài tập vừa làm các bải tập tiếp theo.

Giáo viên phải hết sức gắn bó với học trò từ đó mới có sự nhạy cảm, biết tâm lý của học sinh và có thể tính toán làm sao với thời gian ít nhất nhưng đạt hiệu suất cao nhất trong giảng dạy.

Đối với học sinh trung bình yếu... buộc giáo viên phải phải truyền thụ kiến hức cơ bản nhất, phải kiên nhẫn giảng dạy để học sinh tiếp thu bài học trọn vẹn.

Đối với học sinh khá giỏi, có sức tiếp thu tốt đòi hỏi kiến thức của người thầy thật vững vàng để mở rộng và giúp các em vượt lên chính kiến thức mình để sáng tạo và phát triển thêm kiến thức bản thân.                     

Trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy hiện nay đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của tiết dạy.

Khi bài giảng được ứng dụng công nghệ thông tin bằng hình ảnh minh họa cho kiến thức, học sinh sã cảm nhận bài giảng phong phú hơn, tiếp nhận kiến thức một cách hứng thú chủ động hơn.

Thậm chí, từ bài học nhiều học sinh đặt ngược lại câu hỏi có liên quan để được thầy cô giải đáp thêm.

Làm thầy, đâu chỉ có lên lớp và ôm theo quyển giáo án! ảnh 4

Đổi mới giáo dục Đại học nhìn từ quan điểm đến hành động

Tuy vậy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy không được lạm dụng, mà phải tùy thuộc vào yêu cầu của bài học cũng như điều kiện cơ sở vật chất của từng trường lớp.

Trước học sinh và nhân dân, thầy cô giáo không chỉ là một nhà mô phạm, mà phải là một trí thức - một trí thức của thời đại.

Vai trò trí thức ở đây phải được thể hiện ở việc truyền thụ những thành tựu văn hóa của dân tộc và của nhân loại cho học trò, làm cho những kinh nghiệm xã hội - lịch sử ấy trở thành kinh nghiệm riêng của người học.

Làm nghề dạy học thì phải biết trăn trở với thời cuộc, tu luyện, giữ mình và rèn lối sống, đặc biệt trong một xã hội phát triển nền kinh tế thị trường.

Tuy thế, nói theo như Phó Giáo sư Văn Như Cương, "trong điều kiện kinh tế thị trường, thầy giáo cũng không nên sống thanh bạch quá".

Điều đó cũng có nghĩa là người thầy phải biết điều chỉnh cách sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh.

Thay lời kết

Giáo dục là gốc của sự phát triển. Tương lai đất ra nước ra sao, sự phát triển của dân tộc như thế nào... là một câu hỏi lớn, phụ thuộc rất cơ bản vào nền giáo dục, vào trường học và vào các thầy cô giáo. 

Về mặt chính sách và chiến lược phát triển, nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đó là sự đầu tư cho phát triển, từ đó tăng cường và tạo điều kiện tốt hơn cho thầy giáo.

Đến một giai đoạn nào đấy, Đảng và Nhà nước phải "trung lưu hóa" đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói chung và các thầy cô giáo.

Điều quan trọng khác cần phải nói là, giáo dục là một hệ thống vận hành mà khi bấm vào cái nút của bàn điều khiển thì hệ thống xã hội sẽ vận động tốt hơn, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn và xã hội phát triển hơn.

Ý nghĩa quốc sách hàng đầu này của giáo dục ít được nhắc đến, song nói cho cùng, lực lượng thầy cô giáo sẽ quyết định đối với việc làm cho giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Trần Trí Dũng