Làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan?

06/01/2015 06:21
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Năm 2015 thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để đổi mới giáo dục, trong đó chú ý nhất là Kỳ thi THPT quốc gia. Vậy làm gì để có một kỳ thi trung thực?

Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia đang ở bản dự thảo để xin ý kiến của xã hội. Xung quanh nội dung bản Quy chế này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) bàn về phương hướng để có một Kỳ thi THPT quốc gia trung thực, khách quan. Trong nội dung bài viết này Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm tập trung làm rõ những vấn đề kỹ thuật để kỳ thi đánh giá đúng và “phát triển năng lực, phẩm chất người học”.

Tránh phân biệt cụm thi

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm viết: Bản dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thực hiện từ năm 2015 do Bộ GD&ĐT vừa công bố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà trường, học sinh cấp THPT và nhiều phụ huynh. Ý kiến từ phía các nhà trường đều bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh bởi nội dung dự thảo sát với những nội dung Bộ GD&ĐT đã đưa ra và có những quy định cụ thể hơn tạo thuận lợi cho việc thực hiện. 

Với vai trò quan trọng và ý nghĩa tác động của kỳ thi tới hơn một triệu học sinh, khâu chuẩn bị tổ chức thi là vấn đề được dư luận quan tâm thời điểm này. Việc đặt cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giao cho các trường đại học chủ trì là quyết định được đánh giá có thể bảo đảm sự khách quan, công bằng và nghiêm túc trong kết quả thi. 

Làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan? ảnh 1

Ảnh minh họa. Internet

Tuy nhiên, từ thực tế điều kiện địa lý và nhiều yếu tố khác nữa cho thấy việc tổ chức tại mỗi tỉnh là một cụm thi riêng là phương án phù hợp. Lấy ví dụ, phương án của Bộ GD&ĐT quy định mỗi cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, nếu ở khu vực miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng… thì việc học sinh phải đi lại giữa tỉnh này với tỉnh kia để dự thi là cả một vấn đề. Việc đặt tại mỗi tỉnh, thành phố một cụm thi không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thí sinh bớt vất vả, mà còn nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của địa phương đối với cụm thi đặt tại địa bàn mình. Cụm thi nào để xảy ra sự cố hoặc thiếu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị, tổ chức thi sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. 

Làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan? ảnh 2Đổi mới thi bậc trung học phổ thông ở Quãng Ngãi, bài học cho cả nước

(GDVN) - Từ chỗ học sinh chỉ học để thi, thậm chí là học để đối phó ..., thì bây giờ học sinh được rèn luyện năng lực sử dụng ngoại ngữ để vận dụng vào thực thực tiễn

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức cụm thi, điều khiến nhiều nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo băn khoăn là tại sao trong dự thảo lần này Bộ GD&ĐT đã quyết định chỉ tổ chức một loại hình cụm thi cho tất cả thí sinh, song lại vẫn đặt ra vấn đề đối với những tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp? 

Đặt giả thiết, nếu những thí sinh thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ xử lý như thế nào? Nên tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho thí sinh dự tuyển vào ĐH, CĐ để tạo tâm lý thoải mái cho mọi thí sinh. 

Kỳ thi không chỉ để vào Đại học, Cao đẳng

Việc lùi thời gian thi đến tháng 7 thay vì tháng 6 như dự kiến là thông tin khiến các nhà trường, học sinh phấn khởi, bởi các em sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc học tập, ôn luyện. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét và quy định rõ việc dạy học trong khoảng thời gian này ra sao. 

Nếu như quy định hiện nay thì các nhà trường sẽ nghỉ hè từ đầu tháng 6. Vậy trong thời gian này đến trước khi thi (tháng 7) thì các nhà trường có tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập cho học sinh hay học sinh tự ôn tập? 

Nếu nhà trường vẫn hoạt động thì giải quyết chế độ cho giáo viên như thế nào? Việc thu góp đối với học sinh thực hiện ra sao, tránh tình trạng lợi dụng việc này để thu trái quy định. 

Việc giao cho các trường đại học chủ trì tổ chức các cụm thi là quyết định phù hợp với điều kiện hiện nay và được dư luận tin tưởng. Dự thảo quy chế cũng đã hướng dẫn khá tỉ mỉ việc tổ chức các khâu cho kỳ thi, trong đó có khâu coi thi - khâu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Để tăng cường ý thức tự giác và nghiêm túc chấp hành quy chế của cả giám thị coi thi và thí sinh, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc, xem xét việc giao cho đơn vị chủ trì, hoặc lãnh đạo hội đồng coi thi chủ động và chịu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm. 

Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm quy chế thi, đơn vị chủ trì hoặc lãnh đạo hội đồng thi được quyền quyết định hình thức kỷ luật ngay trong ngày hôm đó và công bố công khai trước toàn thể hội đồng. Việc giải quyết dứt điểm và công khai kết quả xử lý chắc chắn sẽ làm chuyển biến đáng kể về ý thức chấp hành quy chế của các thành viên trong hội đồng coi thi. 

Làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan? ảnh 3Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao!

(GDVN) - Quan điểm này của ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam khi trao đổi về thực trạng và giải pháp đưa nguồn nhân lực Việt Nam đi lên

Cuối cùng về vấn đề đối tượng dự thi, điều kiện dự thi trong dự thảo quy chế tổ chức thi Bộ GD&ĐT cũng đề cập khá đầy đủ, song chúng tôi muốn kiến nghị Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rõ hơn để thí sinh, phụ huynh và các nhà trường thấy được vai trò của kỳ thi THPT quốc gia này không chỉ nhằm để tuyển chọn học sinh vào Đại học, Cao đẳng mà phải quan niệm đây là kỳ thi nhằm để đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh THPT. Đánh giá đầu ra theo đúng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 

Các nhà trường THPT phải thấy trách nhiệm cao trong việc đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh. Nên những học sinh nào thiếu ý thức rèn luyện, tinh thần thái độ học tập không chuyên cần, liên tục vi phạm những điều nhà trường THPT cấm thì không được dự thi tốt nghiệp. 

Không nên để tình trạng các nhà trường thả nổi học sinh cứ học hết lớp 12 là nâng điểm, nâng xếp loại để học sinh đủ điều kiện đi thi mà không có một yêu cầu giáo dục chặt chẽ.

Chúng tôi hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ năm 2015 với quy chế đổi mới chặt chẽ, toàn diện sẽ là khâu đột phá để ngành GD&ĐT nâng cao chất lượng đào tạo học sinh phổ thông theo đúng định hướng: “Đổi mới căn bản hình thức và phương thức thi, kiểm tra và đánh giá khách quan giáo dục, đào tạo; bảo đảm trung thực khách quan”; “phát triển năng lực, phẩm chất người học” (nghị quyết 29TW).

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm