Làm thế nào trở thành thầy cô giáo chủ nhiệm tốt?

01/04/2019 06:57
Đỗ Quyên
(GDVN) - Cái nghèo, cái khổ cũng biến thầy cô giáo tốt, đầy nhiệt huyết trở nên xa cách, lãnh đạm với chính những học sinh của mình.

Thầy cô đang quá ít thời gian dành cho học trò

Học sinh hiện nay, ở trường nhiều hơn ở nhà. Ngoài thời gian học ở trường (đôi khi cả ngày) phần lớn các em đi học ở nhà thầy cô.

Bởi thế, thời gian các em ở nhà với gia đình lại quá ít ỏi. Chút thời giờ hiếm hoi ấy cũng vừa đủ để ngủ, để ăn và còn phải vừa vùi đầu vào học tiếp.

Ba mẹ chẳng có cơ hội gần con để trò chuyện, để lắng nghe, để chia sẻ. Người gần gũi các em nhất chính là các thầy cô giáo.

Dạy trẻ cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của giáo viên. Ảnh minh họa: Hoàng Mai.
Dạy trẻ cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của giáo viên. Ảnh minh họa: Hoàng Mai.

Nên gặp được thầy cô có trách nhiệm, có lòng tâm huyết, biết lắng nghe, biết chia sẻ là may mắn với các em.

Ngược lại, gặp phải thầy cô dửng dưng, lạnh lùng khó gần và luôn quát mắng, nạt nộ khi không vừa ý là bất hạnh quá lớn với tất cả học sinh.

Làm một giáo viên chủ nhiệm tốt không bao giờ là dễ

Trên trường, người gần gũi các em nhất chỉ là thầy cô giáo chủ nhiệm. Với học sinh tiểu học, thầy cô chủ nhiệm theo sát các em cả tuần.

Với học sinh bậc phổ thông, thầy cô chủ nhiệm cũng thường là những thầy cô có tiết dạy ở lớp nhiều nhất. Mỗi tuần, giáo viên có thêm 3-4 tiết làm công tác chủ nhiệm.

Người giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm, chắc chắn lớp học sẽ đoàn kết, biết thương yêu nhau và ngược lại.

Nhưng làm thế nào để làm tốt công tác chủ nhiệm lại không hề đơn giản.

Giáo viên nào phải siêu nhân, thầy cô kiêm nhiệm nhiều nghề, sao dạy tốt được?

Thầy Quang Trọng Phó hiệu trưởng Trường Trung học Ngô Quyền, Phú Quý, Bình Thuận cho biết:

“Ngoài giờ dạy, giáo viên phải có sự tương tác với học sinh trên các trang mạng xã hội để trò chuyện, để tìm hiểu và động viên khi các em có chuyện buồn.

Hay khuyên răn, giáo dục khi các em có những biểu hiện lệc lạc, chưa đúng. Nhờ những lần trò chuyện như thế, nhiều thầy cô đã phát hiện ra những chuyện học sinh sẽ làm như hành hung bạn nào đấy…

Cũng thông qua những lần trò chuyện với các em, thầy cô sẽ biết được học sinh của mình đăng gặp khó khăn gì? Đang xích mích với ai? Từ đó, thầy cô đã tìm cách tháo gỡ.

Cũng nhờ thường xuyên trò chuyện với học sinh, giáo viên đã nhận được khá nhiều thông tin học sinh khác báo lại, chuyện vui có, chuyện buồn cũng không ít.

Rồi thầy Trọng kể, các thầy cô đã ngăn chặn được một vụ hành hung tập thể sắp xảy ra cũng nhờ những lần chia sẻ, trò chuyện với học sinh của mình.

Không chỉ dừng lại việc trò chuyện với các em, thầy cô giáo chủ nhiệm còn phải làm tốt công tác vãng gia từng gia đình học trò.

Qua việc đi thực tế, thầy cô sẽ hiểu hơn gia cảnh từng em để tự đề cho mình những kế hoạch, những biện pháp giáo dục phù hợp nhất.

Thầy cô đang quá ít thời gian dành cho học trò

Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường

Thầy cô giáo tốt, có tâm huyết với ngành, yêu thương học trò rất nhiều nhưng không phải ai cũng có thể trở thành một giáo viên chủ nhiệm tốt.

Dù rất muốn nhưng không ít thầy cô giáo lại không làm được điều đó.

Ngoài thời gian dạy ở lớp, về nhà giáo viên phải làm thêm đủ việc để mưu sinh thì lấy thời gian nào trò chuyện với các em mỗi buổi tối?

Thời gian nào dành cho việc vãng gia để hiểu về gia đình từng em một? Thời gian nào tìm hiểu kĩ mối quan hệ của từng học sinh trong lớp để biết được các em đang gặp chuyện gì?

Thế là, nhiều thầy cô chỉ nắm lại tình hình của lớp thông qua phản ánh của một số thầy cô dạy các môn, nắm tình hình lớp thông qua tổ giám thị, qua cuốn sổ đầu bài với những lời phê, những lời nhận xét sau mỗi tiết học.

Và những trận lôi đình sẽ xả xuống lớp hay những lời khen khi học sinh làm tốt vào mỗi tiết sinh hoạt cuối tuần.

Đây cũng chính là lý do, học sinh không thể mở lòng với thầy cô để mong nhận được sự che chở, sự giúp đỡ. Cũng như không thể kể tội các bạn vì sẽ bị vạ lây, bị ngồi nghe chửi…

Và cứ thế, học sinh cũng tự bưng bít thông tin cho đến một ngày không thể che giấu được.

Cái nghèo, cái khổ cũng biến thầy cô giáo tốt, đầy nhiệt huyết trở nên xa cách, lãnh đạm với chính những học sinh của mình.

Đỗ Quyên