“Lạm thu” là hình thức tham nhũng trong giáo dục

06/12/2012 14:00
Theo Song moi
Chuyện đóng tiền phụ thu các khoản tiền có tên, không công dụng đã trở thành lệ, đóng mãi thành quen khiến các vị phụ huynh cũng không ngờ mình đang “tiếp tay” cho tham nhũng giáo dục.
Tại phiên chất vấn chiều 5/12, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trả lời chất vấn và thừa nhận trên địa bàn thành phố có tình trạng lạm thu phổ biến trong các trường mầm non và phổ thông. Cụ thể, bà cho biết có một số trường thu những khoản không có trong quy định như tiền học phẩm, tiền ghế chào cờ, tiền photo đề thi, giấy thi… Hầu hết các trường đều thu một số khoản chưa rõ ràng, có biểu hiện trùng lặp như thu tiền môn học tự chọn (tin học) đối với bậc THCS, THPT, trong khi khoản này đã được ngân sách đảm bảo.

Việc thu tiền môn học tự chọn, tăng cường ở bậc tiểu học, cũng chồng chéo vì khoản này thực chất đã nằm trong phần chi phí thu theo mô hình 2 buổi/ngày. Một số trường nhập nhèm,không rõ ràng tiền điện chạy máy điều hòa nhiệt độ của các lớp học với tiền điện sinh hoạt chung của trường…

Hà Nội đang siết chặt việc lạm thu tại các trường học - Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Hà Nội đang siết chặt việc lạm thu tại các trường học - Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Theo bà Ngọc, để xảy ra tình trạng này trước hết hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm, rồi đến phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT cũng phải chịu trách nhiệm. Thiết nghĩ, chuyện này có phải bây giờ mới xảy ra đâu mà quy trách nhiệm. Các hiệu trưởng hiện tại lẫn cán bộ, lãnh đạo các phòng ban, sở GD-ĐT cũng chỉ là làm theo lối mòn của người trước để lại. Dù là "luật bất thành văn" nhưng vẫn phải “chấp hành” giống như nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ đã từng than thở. Trách nhiệm hiện tại của họ là “quá tuân thủ” những gì đã thành lệ, bất chấp có trong quy định hay không, vì vậy, chả ai thấy thế là “lạm thu” cả. Hành động này theo TS. Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen gọi là "tham nhũnggiáo dục".
Có thể thấy, việc tham nhũng giáo dục này rất công khai, thậm chí một số trường còn bắt phụ huynh ký giấy "tự nguyện" để trường “trong sạch” trước pháp luật. Làm thành hệ thống “lạm thu” như hiện nay đòi hỏi công sức “rào chắn” đã qua rất nhiều nhiệm kỳ hiệu trưởng, biến cái không thể thành có thể và đương nhiên phải thế.
Tình trạng lạm thu không chỉ có ở các bậc mầm non, phổ thông mà còn rất phổ biến tại các trường ĐH. Liên tiếp trong thời gian qua, thông tin về các vị hiệu trưởng tham ô công quỹ, thu chi trái luật như hiệu trưởng trường TDTT tại Cần Thơ, hay nguyên hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn cũng “lạm thu” và tham ô công quỹ…đã khiến các vị phụ huynh chẳng biết cho con học ở đâu, khi trường công lẫn trường tư, thậm chí là cả đến trường quốc tế, tiền thì cứ thu, chất lượng dạy học không tiến triển, chưa kể một số trường còn có biểu hiện lừa đảo.
Có thể thấy, tham nhũng chả chừa ngành nào, đến một ngành cao quý như giáo dục mà ngẫm lại mới thấy giật mình vì sự tham nhũng hóa ra lại còn công khai hơn các ngành khác. Hơn nữa, theo TS. Phượng thì  chính các bậc phụ huynh cũng tiếp tay cho tham nhũng giáo dục khi nhắm mắt đóng các khoản phí mà không truy nguồn gốc. Nhưng thử hỏi, chẳng đi đâu mà tránh nổi những khoản phí do nhà trường tự nghĩ ra như vậy. Sự việc không chịu đi học hè do nhà trường tổ chức ép học sinh phải tham gia, tại trường THCS Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là một ví dụ cụ thể. Hậu quả của “sự ngang bướng” này là nhà trường kiên quyết không cho các em lên lớp vì chưa hoàn thành đầy đủ "quy chế" do trường đưa ra.
Thế mới biết, giáo dục hóa ra cũng là ngành "độc quyền", phụ huynh “ngoan” là phải đóng đủ tiền phí, làm bài rập khuôn thì con em chúng ta sẽ được điểm cao, mới thành trò “giỏi”. Nhà trường làm gì với các khoản thu, dạy gì với các trò giỏi là việc của trường, của hiệu trưởng, của ban giám hiệu, miễn đi đúng hướng chỉ đạo (bề nổi) của Bộ GD-ĐT mới là trường “tốt”, được bằng khen. Còn đã ai “chụp ảnh” được chuyện tham nhũng trong giáo dục chưa? Đương nhiên là…làm gì có, vì chúng ta toàn là các phụ huynh “ngoan” mà!
Theo Song moi