Lần đầu tiên đưa môn Âm nhạc vào chương trình bậc trung học phổ thông

19/01/2018 07:00
Linh Hương
(GDVN) - Theo Ban Phát triển các chương trình môn học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), lần đầu tiên chương trình môn Âm nhạc sẽ được dạy ở cấp trung học phổ thông.

Được biết, chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ công bố dự thảo các môn học trong tháng 1/2018.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tóm lược dự thảo nội dung chương trình từng môn học để độc giả thuận tiện trong việc theo dõi. 

Mọi thông tin độc giả muốn góp ý đối với dự thảo nội dung chương trình môn học, vui lòng gửi vào hòm thư: toasoan@giaoduc.net.vn.
 

Theo Ban Phát triển các chương trình môn học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), lần đầu tiên chương trình môn Âm nhạc sẽ được dạy ở cấp trung học phổ thông.

Theo đó, chương trình được hoàn thiện về nội dung dạy học khi lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình.

Chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc.

Môn Âm nhạc lần đầu tiên được đưa vào chương trình bậc trung học phổ thông (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Môn Âm nhạc lần đầu tiên được đưa vào chương trình bậc trung học phổ thông (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè,...

Chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thưởng thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc,...

Được biết, hát là một nội dung phổ biến và xuyên suốt chương trình môn Âm nhạc, gồm: bài hát tuổi học sinh, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài, hợp xướng. Nội dung hợp xướng chỉ được học ở trường trung học phổ thông.

Nhạc cụ là nội dung mang tính phân hóa, gồm: chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6).

Lần đầu tiên đưa môn Âm nhạc vào chương trình bậc trung học phổ thông  ảnh 2

Học sinh học chương trình mới sẽ phải học bao nhiêu môn?

Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường (phương tiện dạy học, năng lực giảng dạy), giáo viên có thể dạy học sinh chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, nhạc cụ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, nhạc cụ phổ biến ở địa phương,...) hoặc nhạc cụ nước ngoài (melodica, recorder, ukulele, harmonica, guitar, keyboard,...).

Nghe nhạc là một hoạt động phổ biến trong giáo dục âm nhạc, gồm nghe nhạc không lời và nghe nhạc có lời. Nội dung và yêu cầu cần đạt về nghe nhạc được tích hợp trong tất cả các phân môn, đặc biệt là ở phần học về tác giả và tác phẩm.

Đọc nhạc gồm các nội dung: đọc mẫu âm đơn giản ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu bàn tay (từ lớp 1), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu ghi nhạc (từ lớp 4), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ (từ lớp 6),...

Tuy nhiên, theo Ban phát triển chương trình môn học, các trường trung học phổ thông hiện nay chưa có giáo viên âm nhạc và ở bậc trung học phổ thông, Âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả học sinh học, do đó, không nhất thiết tất cả các trường phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc.

Các trường cũng có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở trung học cơ sở giảng dạy một số nội dung phù hợp.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo nên chọn một số trường trung học phổ thông để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng.

Linh Hương