Lặng nhìn dòng suối chảy, thương con đường học sinh đến lớp

30/10/2018 07:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Đứng lặng bên bờ suối cuộn chảy đục ngầu, thầy hiệu trưởng lòng buồn rười rượi, xót xa nghĩ đến cảnh hàng trăm học sinh của mình ngày mai không thể tới trường.

Nguyễn Long Khánh thầy Hiệu trưởng trẻ tại điểm trường Nậm Ngà, Tà Tổng, Mường Tè tỉnh Lai Châu đã gắn bó với miền thâm sơn cùng cốc này hơn 12 năm trời.

Để lại cả gia đình phía sau (cha mẹ và hai con), nén chịu nỗi nhớ người thân da diết đêm ngày, thầy cùng vợ miệt mài gieo chữ, mang văn hóa, nếp sống văn minh cho những đứa trẻ người dân tộc vốn bị thiệt thòi vì điều kiện sống quá khắc nghiệt.

Thế là mảnh đất heo hút gió rừng với mây trời nơi đây đã gắn bó với vợ chồng thầy như máu thịt suốt trong những năm tháng qua.

Chiều qua (27/10) mưa rơi như trút nước, chỉ một loáng mà nước lũ đã chảy về cuồn cuộn. Đứng lặng bên dòng suối cuộn chảy đục ngầu, thầy hiệu trưởng lòng buồn rười rượi, xót xa nghĩ đến cảnh hàng trăm học sinh của mình ngày mai không thể tới trường.

Thầy hiệu trưởng đứng lặng bên dòng suối cuộn chảy đục ngầu (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thầy hiệu trưởng đứng lặng bên dòng suối cuộn chảy đục ngầu (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thầy Khánh cho biết, nơi đây học sinh đến trường buộc phải lội qua suối. Nếu nước lũ về chưa kịp rút, các em đành phải quay về bản và sẽ lỡ cả buổi học. Lũ vùng cao ùa về trong vòng vài tiếng và sẽ rút nhanh nếu trời không mưa tiếp.

“Nhưng trời hôm nay âm u quá cũng chẳng biết mai còn mưa hay nắng?”, câu hỏi buông lơi nghe cũng thật buồn.

Chuyện mưa lũ bất chợt kéo đến không chỉ gây cản trở cho học sinh tới lớp mà đôi khi còn làm ảnh hưởng, làm hư hại cơ sở vật chất của nhà trường.

Ngoài công việc quản lý nhà trường, thầy Khánh còn tự mình đi vận động bạn bè xin tài trợ quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm… cho học sinh.

Khi nghe hỏi “nguồn nào để thầy xin”. Thầy Khánh cười cho biết “em dựa vào mạng xã hội để làm quen và kết nối bạn bè khắp nơi. Nhờ đó, em quen được khá nhiều bạn.

Khi hiểu rõ hoàn cảnh nhà trường, hiểu rõ hoàn cảnh học sinh, nhiều người đã không quản đường xá xa xôi mang sách vở, quần áo, nhu yếu phẩm lên tận nơi để tặng cho các em.

Thế nhưng không ít lần do đường sá sạt lở, xe bán tải chở hàng từ thiện không vào được trường, thầy cùng với 8 giáo viên nam của trường lấy xe máy để chở hàng về từng chuyến một.

Thầy hiệu trưởng tự mình đi chở đồ dùng học tập cho các em học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thầy hiệu trưởng tự mình đi chở đồ dùng học tập cho các em học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Dù vất vả vì đường xa mệt nhọc nhưng nhìn thấy những khuôn mặt bừng sáng của các em thì bao mệt mỏi, nhọc nhằn cũng được xua tan hết.

Một người bạn của thầy Khánh đã chế thơ tặng thầy đăng trên mạng xã hội (facebook):

“Hắn làm Hiệu trưởng đã bao năm/ Bao năm vật lộn với khó khăn/ Nhiều mùa nước lũ cuốn phăng sạch/ Chẳng nản chi đâu, vẫn cứ làm/ Công việc của hắn là kêu gọi/ Dựng trường, thêm sách cho học sinh/ Tâm hồn rộng mở không bì được/ Vẫn luôn phơi phới chẳng bi quan”.

Chỉ đọc qua đoạn thơ chế, hình ảnh của một hiệu trưởng năng động hết lòng vì học sinh cũng được khắc họa khá đầy đủ.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Khách chẳng dấu nỗi niềm ưu tư, trăn trở của mình “để con lại quê nhà cho cha mẹ già chăm sóc, một năm chỉ về nhà 2 lần (Tết và hè). Nhớ thương các cháu vô cùng nhưng cũng đành vậy.

Giờ chỉ biết làm tốt công việc của mình giúp những đứa trẻ nghèo nơi đây được mở mang dân trí.

Phan Tuyết