Lãnh đạo Trường ĐH FPT lý giải về đề thi “trinh tiết”

20/04/2012 06:10
Bích Thảo
(GDVN) - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT: "Dạng đề luận này đến nay đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. Nhiều trường đại học sử dụng đề thi dạng này để kiểm tra đầu vào của thí sinh".

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, vào ngày 08/4, Trường ĐH FPT đã cho thí sinh làm một đề thi khiến dư luận có rất nhiều ý kiến trái chiều, phản đối không ít mà đồng tình cũng nhiều.

Đề thi này có dẫn dụ truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: "Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/ Có khi biến, có khi thường/ Có quyền nào phải một đường chấp kinh". Phía dưới có đoạn: "Ngày xưa, nếu cô dâu mất trinh thì coi như bị mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn nhiều ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân. Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?".

Trước những ý kiến trái chiều xoay quanh đề thi này, Báo Giáo dục Việt Nam đã gửi các câu hỏi để làm rõ vấn đề tới lãnh đạo ĐH FPT và nhận được trả lời của Ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH FPT. Chúng tôi xin đăng nguyên văn phần trả lời này.

Nhiều Giáo sư đã lên tiếng phản đối đề thi này, nhưng có nhiều bạn trẻ lại đồng tình
Nhiều Giáo sư đã lên tiếng phản đối đề thi này, nhưng có nhiều bạn trẻ lại đồng tình

Mục đích ra đề và tiêu chí chấm điểm

Mục đích của Trường Đại học FPT khi tổ chức kỳ thi sơ tuyển riêng là nhằm đánh giá khả năng tư duy toán, tư duy logic, tư duy ngôn ngữ của thí sinh, một trong những tố chất quan trọng để theo đuổi các ngành học tại Đại học FPT.

Đối với khối ngành CNTT, đề thi có hai phần: Phần 1 là các câu hỏi về tư duy toán và tư duy logic theo dạng trắc nghiệm trong thời gian 120 phút. Phần thi thứ hai là viết luận bằng tiếng Việt trong thời gian 60 phút cũng với cùng một mục đích là để kiểm tra tư duy của thí sinh. Điều này sẽ thể hiện ở cách thí sinh trình bày quan điểm, lập luận vấn đề, đưa ra các ví dụ chứng minh… có logic, mạch lạc, khúc triết và thuyết phục hay không.

Với mục tiêu này, việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình, biết cách tổ chức tư duy và diễn đạt một cách rõ ràng, có logic.

Một bài luận được điểm cao là bài:

Đưa ra được quan điểm cá nhân của mình một cách rõ ràng, khúc triết. Quan điểm này có thể đồng ý, không đồng ý hoặc có ý kiến khác đối với đề tài mà đề bài đưa ra.

Tổ chức các lý lẽ có logic và sức thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Sử dụng các ví dụ minh họa phù hợp để làm rõ hơn và tăng tính thuyết phục cho các lý lẽ trên.

Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu.

Các ý tưởng và cách thể hiện sáng tạo có thể có thêm điểm thưởng.

Dạng đề không có đáp án “Đúng – Sai”

Dạng đề luận này đến nay đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. Nhiều  trường đại học sử dụng đề thi dạng này để kiểm tra đầu vào của thí sinh.

Khi đưa môn luận vào đề thi sơ tuyển của trường, Đại học FPT đã lựa chọn dạng đề không có đáp án Đúng – Sai. Đó thường là những quan điểm mang tính nhiều chiều, thí sinh tự do lựa chọn quan điểm của mình và lập luận thuyết phục cho quan điểm mà mình lực chọn. Như vậy, các em sẽ không bị đưa vào một lối mòn tư duy, sa đà vào việc trình bày những lý thuyết giáo điều, sáo rỗng, thiếu cảm xúc, mà sẽ có cơ hội để cởi mở trình bày tâm tư, suy nghĩ của mình, dễ dàng phản biện, lập luận và thể hiện chính kiến của bản thân.

Cuộc sống là đa dạng, và tồn tại rất nhiều điều khó có thể xác định hoàn toàn đúng, hay hoàn toàn sai - nhất là trong kỷ nguyên của hội nhập, con người càng cần phải biết cởi mở hơn để tiếp nhận những tri thức mới và biết chọn lọc điều gì phù hợp nhất với bản thân mình. Những vấn đề nêu ra trong các đề luận thông thường là các vấn đề trong cuộc sống thực tế mà với tư cách một công dân, sớm hay muộn các em cũng nên đối mặt, suy nghĩ một cách nghiêm túc để ứng xử phù hợp. 

Điều này cũng phù hợp với quan điểm giáo dục mà Đại học FPT theo đuổi: tôn trọng tự do phát triển cá nhân. Dẹp bỏ đi những định kiến khuôn mẫu thế nào mới là một sinh viên chuẩn mực, mỗi cá nhân sinh viên tại Đại học FPT sẽ là một thực thể được tôn trọng, được tạo điều kiện tối đa để phát huy được những lợi thế của bản thân. Sinh viên cũng sẽ được trang bị cách thức để thích nghi được với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, của khoa học công nghệ.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Bích Thảo