Lãnh đạo xuống làm giáo viên, có thể làm thế không?

14/04/2017 06:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - Không ít giáo viên có ý tưởng cứ hết nhiệm kì 5 năm làm lãnh đạo, Ban giám hiệu sẽ xuống làm giáo viên một năm.

LTS: Từ câu chuyện thực tế trong ngành giáo dục địa phương khi thực hiện miễn nhiệm Ban giám hiệu và điều chuyển họ xuống làm giáo viên, cô giáo Đỗ Quyên phản ánh mong ước của rất nhiều giáo viên về công tác cán bộ.

Theo đó, họ hi vọng có thể để Hiệu trưởng sau 5 năm nhiệm kỳ sẽ xuống làm giáo viên để rèn luyện năng lực phẩm chất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Lần đầu tiên ngành giáo dục ở địa phương tôi đã mạnh dạn miễn nhiệm Ban giám hiệu một trường tiểu học vì số phiếu tín nhiệm trong giáo viên đạt dưới 50%. 

Thông tin hai cán bộ khét tiếng trong công tác thanh tra, trong việc dự giờ đột xuất và đánh giá xếp loại giáo viên xuống làm công tác giảng dạy, quả thật thu hút sự tò mò, hiếu kì của biết bao thầy cô giáo. 

Thế là ở bất cứ nơi nào chỉ là vài phút rảnh rỗi mọi người đều mang chuyện ra bàn tán rôm rả.

Họ chờ đợi xem những cán bộ luôn đòi hỏi, bắt ne bắt nẹt giáo viên trong mọi chuyện sẽ dạy dỗ ra sao khi chính họ trong vai trò một giáo viên đứng lớp.

Khi lãnh đạo xuống làm giáo viên, việc dạy dỗ sẽ như thế nào? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Khi lãnh đạo xuống làm giáo viên, việc dạy dỗ sẽ như thế nào? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Khi lãnh đạo xuống làm giáo viên

Thế rồi khi trở về trường, cô Hiệu trưởng được phân công dạy lớp 2, 3 còn thầy Hiệu phó dạy khối 4, 5. 

Theo thông lệ, cứ giáo viên chuyển đến, giáo viên chuyển khối sẽ được tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu dự giờ ngay từ đầu năm học. 

Tiết dạy đầu tiên “ra mắt” trường sở tại đã làm nhiều người dự giờ hôm ấy bàng hoàng, sửng sốt. 

Nếu chỉ là nghe kể sẽ chẳng ai có thể hình dung ra sự vụng về trong thao tác, những câu nói, lời giảng như hụt hơi, phương pháp truyền thụ đến học sinh thì “xưa như trái đất” mà hình thức tổ chức dạy học lại quá đơn điệu. 

Học sinh có lẽ cũng chẳng hứng thú với giờ học là mấy nên nhiều em ngọ nguậy, không tập trung chú ý. 

Hai cán bộ ấy được phân công dạy một số lớp trong trường mà mọi người quen gọi là giáo viên không chủ nhiệm. 

Một số thầy cô chủ nhiệm lớp khi có hai cán bộ này vào dạy thường lên đề nghị với Ban giám hiệu phân công cho họ dạy những môn như Kĩ thuật, Đạo đức hoặc một số tiết bổ sung… vì sợ họ dạy môn chính như Toán, Tiếng Việt giáo viên lại mất công dạy lại. 

Lãnh đạo xuống làm giáo viên, có thể làm thế không? ảnh 2

Ban giám hiệu đi dự giờ chủ yếu là để cho...đủ mặt!

Một lần cô Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 bức xúc: “Học sinh lớp 3 mới học bài toán giải bằng hai phép tính sao cô Thúy lại cho các em giải bài toán có 4 phép tính. 

Khi trẻ thắc mắc bài này khó quá tụi con không làm được, cô liền nói “làm được hết đấy mà” và cô chép nguyên bài giải lên bảng cho học sinh nhìn ghi vào vở”. 

Khi giáo viên chủ nhiệm làm việc với cô Thúy nhận được lời giải trình “dạy nhiều lớp quá nên quên”.

Ngoài giảng dạy, nhiều hoạt động trong trường những vị cán bộ này cũng ít tham gia hoặc tham gia không mấy nhiệt tình. 

Theo thông lệ, hàng năm giáo viên đều phải đăng kí tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Hội thi này hầu như thầy cô đều đạt con số tuyệt đối 100% trừ một vài trường hợp hy hữu. 

Vậy mà ngay từ vòng thi đầu tiên là giải pháp hữu ích, ban giám khảo đã rất đắn đo vì không biết nên cho mấy điểm bởi giải pháp đưa ra chung chung, diễn đạt lại lủng củng. 

Vòng thi năng lực họ cũng ngang nhiên quay cóp tài liệu. Vòng thi hai tiết dạy, dù cố gắng lắm cũng chỉ có thể xếp loại khá. Nói như một vị giám khảo đã “vuốt mặt nể mũi” rất nhiều nhưng vẫn không thể khác hơn.

Thế là sau hội thi ấy chỉ có cô Hiệu phó là du di được đậu còn cô Hiệu trưởng đành lỗi hẹn với kì thi sang năm.

Có thể làm thế không?

Lãnh đạo xuống làm giáo viên, có thể làm thế không? ảnh 3

Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ

Từ câu chuyện “thật như bịa” trên, không ít giáo viên có ý tưởng cứ hết nhiệm kì 5 năm làm lãnh đạo, Ban giám hiệu sẽ xuống làm giáo viên một năm. 

Nếu ai đó vẫn giữ được năng lực phẩm chất của một người giáo viên mới được cấp trên bổ nhiệm lại, bằng không sẽ cương quyết miễn nhiệm. 

Nếu thực hiện điều này thì sao nhỉ? Sẽ có không ít lãnh đạo chẳng biết dạy ra sao trong khi họ luôn chỉ tay áp đặt giáo viên những điều không thể.

Từ trước đến nay, khi đề bạt giáo viên lên làm lãnh đạo, nói là theo quy trình, là “căn cứ vào trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất…” nhưng với chế độ “thủ trưởng” như hiện nay, nhiều người lên chức chẳng hề có chuyên môn hay phẩm chất nổi trội. 

Không ít người chọn con đường đi bằng “đầu gối” nên khi đã toại nguyện ở vị trí “trên” nhiều người họ sẽ mãn nguyện ung dung tận hưởng thành quả mà không cần rèn luyện hay phấn đấu mài giũa chuyên môn gì nữa.

Hệ lụy của những cán bộ kiểu này đã gây nhiều tổn thất cho ngành giáo dục như việc chuyên môn nửa vời nên chỉ đạo chuyên môn trong trường cũng nửa vời không kém. Không biết sử dụng người tài mà chỉ chuộng người biết xun xoe lấy lòng…

Trước thềm cải cách giáo dục, hy vọng sẽ có nhiều quy định mới để sàng lọc hoặc bổ nhiệm Ban giám hiệu các trường được đi vào thực chất.

Đỗ Quyên