Lấy người học hay việc học làm trung tâm?

06/02/2015 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Theo truyền thống người thầy sẽ lấy học sinh làm trung tâm trong truyền thụ kiến thức, nhưng khi áp dụng công nghệ sẽ chuyển sang lấy việc học làm trung tâm?

Dù sao hai luồng ý kiến này cần được nhìn nhận đúng ở thời điểm hiện tại khi mà khoa học công nghệ đang dần làm thay đổi cách sống, cách sáng tạo của con người. 

Trong buổi nói chuyện hôm 3/2 tại Đại học FPT về chủ đề "Smart Education" (giáo dục thông minh). Nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng cần cấp thiết áp dụng công nghệ trong giáo dục để giáo dục Việt Nam bắt kịp với xu thế thế giới.

Giáo dục thông minh mới tiến lên được

Xã hội đang bị thay đổi bởi những sản phẩm ưu việt hơn, nên năm 2015, smart education là lựa chọn của đại học FPT. TS. Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT nhận định, xã hội đang dần thay đổi, ưu việt hơn, những sản phẩm thông minh, công nghệ thông tin len lỏi làm cho cách thức giao tiếp cũng thay đổi, bắt buộc chúng ta phải theo. 

Lấy người học hay việc học làm trung tâm? ảnh 1

TS. Đàm Quang Minh: "Chúng tôi mong muốn lan toả được ý tưởng bản chất của giáo dục sau phổ thông cần thay đổi theo chiều hướng chung của thế giới". Ảnh ĐH FPT

Giáo dục cũng phải theo quy trình đó, nhưng giáo dục lại là mảng chuyển biến chậm hơn, giáo dục Việt Nam còn bảo thủ hơn nữa, đến giờ vẫn đang bàn những mô hình mà thế giới đã áp dụng từ lâu, như đại học nghiên cứu, ứng dụng...Chúng ta hoàn toàn có thể đón đầu xu thế mới.

“Smart” ở đây TS. Minh chia sẻ được hiểu là quan hệ của người học và môi trường học hoàn toàn thay đổi. Nếu trước đây hình ảnh trường đại học là một lâu đài cổ kính, trong đó thư viện là trung tâm, nguồn tri thức nằm ở đây. 

Nhưng qua thời đại công nghệ thì thư viện ảo bây giờ mới quan trọng. Quan hệ người học và người thầy cũng thay đổi, nếu trước đây người thầy là kho tri thức để người học dựa dẫm vào, noi theo, còn bây giờ mỗi người học đều có kho tri thức google, và người thầy là người tạo động lực hơn la người cung cấp về mặt tri thức.

Lấy người học hay việc học làm trung tâm? ảnh 2Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Sự thay đổi liên tục kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng làm cho xã hội không an tâm, cần có giải pháp lâu dài đối với kỳ thi này.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn bàn về đại học nghiên cứu thì các nước đã dịch chuyển. Ngân sách nghiên cứu của các công ty lớn trên thế giới tăng chóng mặt, trở thành chủ lưu trong phát triển xã hội thay vì các quỹ của nhà nước, biến các trường đại học từ chủ động nghiên cứu thành nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Do vậy hình thái của các trường đại học đang biến đổi. Nhưng Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc này. 

"Chúng tôi mong muốn lan toả được ý tưởng bản chất của giáo dục sau phổ thông cần thay đổi theo chiều hướng chung của thế giới", TS. Minh nói.

Mô hình các trường đại học cũng đang thay đổi nhiều, trong khi đó các trường đại học đang ở Việt Nam hiện còn rất cục bộ. Ví như trường đại học ở Hà Nội không được phép tuyển sinh ở Sài Gòn…, điều này làm giảm sự cạnh tranh của các trường đại học. 

Nếu một trường đại học tốt thì nên khuyến khích mở rộng để họ phục vụ xã hội được nhiều hơn thay vì chỉ phục vụ trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó. TS. Đàm Quang Minh cũng bày tỏ, ngoài quy định không mở thêm trường đại học nhưng dường như cũng không cho phép trường đại học cũ chết đi đang làm tắc nghẽn giáo dục. 

"Lẽ ra chúng ta phải chấp nhận mô hình đại học mới được thành lập, mô hình càng tiên tiến càng phải khuyến khích, những mô hình nào lạc hậu, lỗi thời thì phải cho nó chết. Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận đánh giá lại trường đại học ở Việt Nam phù hợp với xu thế thế giới và đáp ứng được nhu cầu ở Việt Nam", TS. Minh nói.

Nhìn nhận quan điểm trên, TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Nghiên cứu Công nghệ FPT thì coi công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng giúp thầy có những bài giảng online, trò có thể học qua Internet. 

Công nghệ thông minh cũng gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp -nhà trường - sinh viên. Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học, làm bài tập của sinh viên trong nhà trường, đồng thời đánh giá năng lực sinh viên, theo dõi ứng viên tiềm năng, nhận định dự án phù hợp để đầu tư phát triển.

“Nếu nhà trường áp dụng công nghệ thông tin, học sinh có thể thỏa sức sáng tạo trong việc học, dễ dàng tương tác với giáo viên, chia sẻ cũng như truy cập tài nguyên học tập. 

Đặc biệt, các em sẽ tăng khả năng tiếp cận nhà tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm. Còn đối với giáo viên, việc giảng dạy cũng sẽ thuận lợi hơn nhờ các phương tiện hỗ trợ hiện đại, tương tác hiệu quả với sinh viên mà không tốn quá nhiều thời gian”, ông Trung nói.

Người học hay việc học là trung tâm?

Là giám đốc một dự án công nghệ giáo dục, TS. Dương Trọng Tấn rất tâm đắc với mô hình giáo dục thông minh, trong đó thầy thực hiện bài giảng video gửi cho sinh viên học trước, và giờ lên lớp sẽ trở thành giờ tương tác giữa giáo viên và sinh viên.

Lấy người học hay việc học làm trung tâm? ảnh 3

TS. Giáp Văn Dương: Khi đưa công nghệ vào giáo dục phải lấy việc học làm trung tâm, vì quản trị việc dễ hơn quản trị người. Ảnh VNN

Theo TS. Tấn, nếu trước đây giáo viên quyết định chân lý trong giờ học, nhưng từ lâu thế giới lấy sự học của học sinh làm trung tâm. Giáo viên lùi lại phía sau để sinh viên tiến lên phía trước, từ đó đánh giá, động viên, khuyến khích các em. 

Quan điểm của TS. Tấn, trước kia giáo viên dành phần lớn thời gian cho thuyết giảng thì bây giờ họ phải giúp sinh viên tiêu hoá kiến thức.

Lấy người học hay việc học làm trung tâm? ảnh 4Mong đổi mới giáo dục lên hừng hực, nhưng thực tế lại lạnh lùng, thách thức

(GDVN) - “Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận”.

Bình luận thêm vấn đề, TS. Giáp Văn Dương – người được biết đến là người mở mô hình trường học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam cho rằng, không thể lấy người học làm trung tâm được, khi đưa công nghệ vào giáo dục phải lấy việc học làm trung tâm, vì quản trị việc dễ hơn quản trị người. 

Khi đó, học sinh sẽ học được nhiều hơn. Mặt khác, các khoá học trực tuyến sẽ không giới hạn số người học giúp số người được tiếp cận kiến thức sẽ tăng lên.

Quan điểm của TS. Giáp Văn Dương khi đã nói tới giáo dục thông minh thì phải bao gồm dạy thông minh, học thông minh, chương trình thông minh và quản trị thông minh. Các trường học bên cạnh nghiên cứu cần đầu tư dạy kỹ năng mềm như tư duy, tinh thần lãnh đạo, đổi mới sáng tạo... cho sinh viên.

“Công nghệ sẽ giúp cho trường học không quá phụ thuộc vào người thầy. Những ngôi trường chuyên về phong cách sống, xây dựng lộ trình trưởng thành cho người học sẽ hình thành. Từ đó, học sinh biết lo cho bản thân, sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh” TS. Giáp Văn Dương nhấn mạnh.

Xuân Trung