Lấy thầy cô làm trung tâm là đúng đắn và hợp quy luật

02/02/2018 08:25
Hoàng Hữu Đức
(GDVN) - “Lấy học trò làm trung tâm” không phải là người giáo viên đứng bên lề. Giáo viên phải là trung tâm của trung tâm thì đổi mới giáo dục mới thành công.

LTS: Với mong muốn tham gia, đóng góp ý kiến sau bài báo "Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy “Không thầy đố mày làm nên” của nhóm tác giả Việt Cường mà bạn đọc có nhiều ý kiến tranh luận, tác giả Hoàng Hữu Đức đã có bài viết về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Từ bài báo của nhóm tác giả Việt Cường "Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy “Không thầy đố mày làm nên” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/01/2018, chúng tôi nhận thấy đã xuất hiện rất nhiều ý kiến bàn bạc, tranh luận của độc giả về vấn đề này.

Tính đến 17 giờ ngày 31/01/2018, quý báo đã đăng tải 52 ý kiến, bình luận của độc giả với nhiều đánh giá khác nhau: ca ngợi có - chê bai có; đồng thuận có - phản đối có, nhận xét ngắn gọn có - phân tích, chỉ dẫn dài dòng có …. Nhìn chung là khá phong phú, thú vị.

Vì vậy, “những lão giáo già” chúng tôi cũng xin được “vào cuộc”, mạo muội đưa ra vài ý kiến của mình.

Ở xứ ta và xứ bên cạnh có một thói quen là thích dùng khẩu hiệu để khẳng định và nhấn mạnh những vấn đề, những định hướng quan trọng cho xã hội, làm cho mọi người dễ nhớ, kiểu như:

“Phong trào hai tốt, ba tốt …”, “Bốn, năm, bảy, tám… chữ vàng”, “ba, bốn hiện đại hoá, “Nói không với cái này, cái kia…”, “Ba, bốn, chín, mười… điều này, điều nọ …”.

Lấy thầy cô làm trung tâm là đúng đắn và hợp quy luật ảnh 1Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy "không thầy đố mày làm nên"

Nhóm từ “Lấy học trò làm trung tâm” cũng có thể coi là một loại khẩu hiệu như thế để Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, định hướng giáo dục của mình, khẳng định Bộ đang “Tích cực đổi mới, sáng tạo” chứ không chây ỳ, lười biếng, bảo thủ….

Thực ra, việc “Lấy học trò làm trung tâm” chẳng có gì là mới, vẫn là câu chuyện của muôn đời, nằm trong bản chất của hoạt động giáo dục từ xưa đến nay trên khắp thế giới này.

Từ thời cổ, đức Khổng Tử chẳng phải là đã từng coi và lấy học trò làm trung tâm đó sao.

Ngài không chỉ dạy học trò tại nhà, tại lớp mà còn dẫn học trò đi chu du thiên hạ, dạy học trò mọi thứ trên đường, đối thoại và giải đáp mọi thắc mắc của họ.

Bởi thế, đức Khổng Tử mới có được cuốn Luận ngữ nổi tiếng - siêu sách giáo khoa của mọi loại sách giáo khoa, có sức sống lâu bền với thời gian.

Trong nghề dạy học ở xứ ta từ xưa đến nay, tất cả thầy cô giáo vẫn đều “Lấy học trò làm trung tâm” đấy chứ. Chả lẽ lấy bàn ghế, lớp học, các phương tiện dạy học và … phụ huynh học sinh làm trung tâm sao?

Học sinh các thời đại luôn là Trung tâm của công tác giảng dạy. Nên nhớ ở đây là có giảng và có dạy.

Giảng là truyền đạt những tri thức cụ thể, những bài học cụ thể trong sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh hiểu, nắm vững và vận dụng được.

Dạy thì phức tạp và khó hơn nhiều, phải giúp cho học sinh có phương pháp hiểu, phương pháp nắm vững và biết vận dụng kiến thức đã học.

Ngoài dạy phương pháp, cách thức học lại còn phải dạy nhiều điều khác như dạy học sinh cách ăn mặc, nói năng, cách giao tiếp ứng xử, kỹ năng sống, lối sống và nhân cách ….

Giảng là hoạt động của giáo viên trên lớp; dạy vừa là hoạt động trên lớp vừa hoạt động ngoài lớp, thậm chí còn ở ngoài trường (như tham quan, ngoại khoá, dự mít tinh, lễ hội…) hoặc ở ngay tại nhà giáo viên (như chấm bài, viết nhận xét, tiếp đón phụ huynh, kết hợp với gia đình để giáo dục trẻ …).

Hai hoạt động gắn chặt với nhau mới tạo thành hoạt động chung là giảng dạy. Hoạt động này bao giờ cũng hướng đến học trò, “Lấy học trò làm trung tâm”, đúng từ trong bản chất “xưa như trái đất” của ngành giáo dục.

“Lấy học trò làm trung tâm” chỉ là chuyện “Bình cũ rượu mới” (Ảnh: giaoduc.net.vn).
“Lấy học trò làm trung tâm” chỉ là chuyện “Bình cũ rượu mới” (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Đọc kỹ bài báo của nhóm tác giả Việt Cường, chúng tôi nhận thấy họ không hề phủ nhận quan điểm này. Ngay ở phần đầu bài báo, họ đã viết:

Vì sao ông Park Hang-seo làm được thế?

Chắc chắn ông cũng coi học trò là trung tâm trong giáo dục và đào tạo nhưng cách xử lý, các biện pháp và phương pháp đào tạo của ông như thế nào mà chỉ trong vòng hơn ba tháng nhận chức, ông đã tạo ra sự lột xác thần kỳ đến thế?”.

Vấn đề ở đây là nhóm tác giả nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, với tài năng và tâm huyết của mình, ông đã biến “cái trung tâm U23” kia đạt được “Kỳ tích của kỳ tích” như bình luận của nhiều người.

Nên nhớ rằng, khá nhiều cầu thủ U23 vừa tham gia Seagame 2017 xong. Tại sao dưới tay ông thầy Việt Nam, họ lại đá bóng lờ vờ, tinh thần uể oải, cả thể lực và kỹ thuật đều không được phát huy cao độ. Rõ ràng vai trò và tài năng của ông thầy ở đây vô cùng quan trọng, mang tính chất quyết định.

Chúng tôi hiểu ý nhóm tác giả Việt Cường mong muốn: trước khi “Lấy học trò làm trung tâm” phải “Lấy thầy cô giáo làm trung tâm” đã. Đây là một mong muốn hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật.

Lấy thầy cô làm trung tâm là đúng đắn và hợp quy luật ảnh 3Chỉ có những con người ưu tú mới đào tạo ra những con người xuất sắc

Người thầy phải là trung tâm trong giảng dạy, còn học trò là trung tâm trong tiếp nhận và học tập.

Chỉ có sự tương tác và hoà hợp hai chiều này mới tạo ra kết quả giáo dục tốt đẹp.

Điều mà nhóm tác giả Việt Cường muốn nhấn mạnh là vấn đề “Lấy học trò làm trung tâm” có lẽ chỉ là một khẩu hiệu mà ngành giáo dục nêu ra cho nó oai chứ chưa có một hệ thống lý luận và phương pháp dạy học để dạy cho sinh viên sư phạm.

Vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, phải được viết trong các giáo trình, các đề cương bài giảng ở các trường sư phạm.

Làm thế nào để “Lấy học trò làm trung tâm” trong từng giờ giảng, giờ lên lớp? Với bộ môn này, với bài học kia, giáo viên phải hoạt động ra sao, làm những công việc gì để thực hiện điều đó?

Tất cả đều rất phức tạp, đòi hỏi sự cụ thể, chi tiết và rất khoa học trong hoạt động giáo dục của người giáo viên ở mọi bộ môn, ở cả công tác chủ nhiệm lớp….

Muốn “Lấy học trò làm trung tâm” thì người giáo viên phải giỏi và tốt, phải nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề….

Muốn vậy, giáo viên phải đủ lương để sống, phải bớt đi áp lực, phải được các cấp quản lý quan tâm… và còn biết bao điều khác nữa.

Nhưng quan trọng nhất là phải có thầy cô giáo giỏi, phải biết nhìn người, đánh giá đúng khả năng của từng cầu thủ, có phương pháp huấn luyện tốt, có cách thức khơi dậy lòng tin, nghị lực và tinh thần quả cảm, phát huy tối đa kỹ thuật, tài năng của mình như thầy Park Hang-seo đã làm.

Muốn vậy, người thầy phải được đào tạo cơ bản và đầy đủ cả tài và đức, không chỉ có tri thức lý luận về phương pháp “Lấy học trò làm trung tâm” mà còn phải được trang bị những phương pháp, biện pháp, kỹ năng cụ thể để thực hiện điều đó.

Vậy, hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng, hệ thống tư liệu tham khảo và các thiết bị dạy học ở các trường sư phạm đã được chuẩn bị và biên soạn cẩn thận, kỹ lưỡng chưa ?

Hình như đây là điều đang rất yếu và rất thiếu ở hệ thống các trường sư phạm Việt Nam, đặc biệt là các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học địa phương như nhóm tác giả Việt Cường đã nói.

Lấy thầy cô làm trung tâm là đúng đắn và hợp quy luật ảnh 4Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Với những lý do trên, “Những lão giáo già” chúng tôi cho rằng việc “Lấy học trò làm trung tâm” chỉ là một thứ khẩu hiệu mà ngành giáo dục trương lên để nghe cho nó vui mà thôi.

Đúng là chuyện “Bình cũ rượu mới” mà ngay từ thời chúng tôi còn dạy học và cả các thầy cô đã dạy chúng tôi nữa đã “Lấy học trò làm trung tâm” từ rất lâu rồi.

Điều đáng quan tâm hơn nữa là đổi mới giáo dục hiện nay đã chuyển mục tiêu từ trang bị kiến thức là chính sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Định hướng này hoàn toàn đúng đắn, được sự đồng thuận của xã hội và sẽ được thực hiện triệt để trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới.

Các trường đại học sư phạm truyền thống, có bề dày đào tạo giáo viên ngay từ năm 2012 đã nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo, đưa định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh vào từng học phần, từng đề cương bài giảng, từng giáo trình, vào cấu trúc chương trình đào tạo … để trang bị cho sinh viên sư phạm những kỹ năng và năng lực cần thiết, đáp ứng được những yêu cầu của sách giáo khoa mới.

Đó là những tín hiệu hết sức tích cực đáng ghi nhận ở nhiều trường đại học sư phạm truyền thống.

Tuy nhiên, nếu cứ để cho các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học địa phương tiếp tục tuyển sinh trong năm 2018 thì bài toán đào tạo giáo viên sẽ lại sa vào ngõ cụt, sẽ tiếp tục gây ra những hệ luỵ khôn lường.

Mà hình như điều này vẫn chưa thấy tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm và chỉ đạo một cách ráo riết.

“Lấy học trò làm trung tâm” không phải là người giáo viên đứng bên lề. Giáo viên phải là trung tâm của trung tâm thì đổi mới giáo dục mới thành công.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.

Hoàng Hữu Đức