Liệu có thể tâm huyết với nghề khi lương GV không đủ sống?

23/12/2011 13:08
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Nếu nhà giáo bị suy  thoái thì xã hội sẽ đổ sụp vì vai trò và cá nhân nhà giáo là đào tạo ra những con người mới, kế thừa và làm di sản sống động hơn"
Hơn 40 năm là giáo viên dạy giỏi, có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài viết đăng báo và tạp chí, từng là giảng viên trường CĐ Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Đà Lạt, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học giáo dục Hà Nội, từng là Ủy viên chấp hành TƯ Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thạc nhìn thẳng vấn đề của chương trình đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&Đ nước nhà.

Ông cho biết: “Đổi mới GD&ĐT phải bắt đầu đội ngũ những người làm công tác giáo dục, từ nguồn nhân lực, nhân lực là một trong ba nút thắt căn bản của các hoạt động xã hội, là yếu tố con người. Đánh giá đội ngũ này hiện nay như thế nào thì chúng ta chưa có một công trình nào để đánh giá, nếu có chỉ là những đánh giá thống kê có tính chất hành chính, số học như: giáo viên bao nhiêu, tuổi đời, đào tạo theo bằng cấp… còn chưa có đánh giá thực chất”.
Theo Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc, đổi mới GD&Đ một cách căn bản và toàn diện thì trước hết hãy làm cho mức sống của giáo viên được no đủ. Ảnh Xuân Trung
Theo Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc, đổi mới GD&Đ một cách căn bản và toàn diện thì trước hết hãy làm cho mức sống của giáo viên được no đủ. Ảnh Xuân Trung

Xác định lại động cơ, động lực của nghề dạy học

PV: Thưa ông, là người trực tiếp làm công tác giảng dạy lâu năm, biết được những chỗ yếu, chỗ thiếu của nền giáo dục. Ông hiểu như thế nào về chữ “Đổi mới, căn bản, toàn diện” GD&ĐT?

Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc: Theo đúng nghĩa của chữ “đổi mới căn bản và toàn diện”, thì căn là gốc, bản là lề (theo từ điển hán việt), là nền tảng. Đổi mới căn bản phải đổi mới từ gốc và từ nền. Chúng ta cũng phải hiểu rằng, gốc đã “thối” thì phải đổi đi, nền sụt thì phải gỡ, phải làm lại nền. Cách hiểu nữa là “gốc” đã “già cỗi” thì phải làm cho trẻ hóa thì mới đủ sức, còn nền thì tôn lên. Nên, không phải ngẫu nhiên rất nhiều người nói giáo dục của mình thiếu triết lý, lệch hướng. 

Nói như vậy, nếu một nền giáo dục lệch hướng sẽ đưa ra những hậu quả như thế nào?

Có một thực tế, nếu giáo dục hư hỏng thì không thể có thành quả về kinh tế xã hội được vì lớp đổi mới là từ nhà trường trở ra. Thành quả kinh tế theo Đảng đánh giá là cực kỳ quan trọng và là cơ bản, không muốn nói là sánh ngang với hai cuộc kháng chiến, và đó chính là thành quả của giáo dục. Trí tuệ của Đảng trong đổi mới là quan trọng nhưng người thực hiện, người quán triệt, biến cái đó thành hiện thực phải là người lao động, công nhân, nông dân, những nhà khoa học, tất cả những đội ngũ này đều từ trường mà ra.
Nếu nhà giáo bị suy thoái thì thế hệ tương lai sẽ bị ảnh hưởng. Một xã hội phát triển, văn mình thì phải chăm lo đội ngũ nhà giáo. Nói giáo dục là quốc sách hàng đầu phải xây dựng đội ngũ nhà giáo là hàng đầu của hàng đầu. Bác Hồ đã nói, không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không nói tới phát triển kinh tế, văn hóa.

Vậy theo ông, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT phải lấy gì làm trọng tâm?

Theo quan điểm của tôi cũng không nên đi tìm một triết lý giáo dục mới. Triết lý giáo dục truyền thống, thành tựu giáo dục cách mạng là rất  quý hóa và đường lối quan điểm của Đảng vẫn rất đúng đắn, tất nhiên phải hiện đại hóa hơn. Phải bổ sung và hoàn thiện đường lối quan điểm giáo dục của Đảng. 

Ông đánh giá thế nào về vị trí của con người trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT?

Quan điểm của tôi, đổi mới GD&ĐT là bắt đầu đội ngũ những người làm công tác giáo dục, từ nguồn nhân lực. Đánh giá thực chất đội ngũ nhà giáo phải đánh giá động cơ nghề nghiệp, cái mà thôi thúc người ta vào nghề và bám lấy nghề. Vì nghề giáo có những điều rất đặc biệt, người ta dạy trẻ không thể nào mặc cả với trẻ được, đi dạy người mà ngã giá ngay từ đầu đã thất bại. Buốn bán thì mặc cả sòng phẳng, nhưng giáo dục thì không được có chuyện đó. Cho nên yếu tố động cơ, động lực về  mặt nhân cách, đạo đức là quyết định nhất đối với nghề giáo. 

Có thực mới vực được… nghề

Nhưng thực tế, để cho nhà giáo có tâm lý yên tâm công tác trong nghề không phải là dễ, và để bươn chải với nghề, với kinh tế thì họ phải “mặc cả” để có được khoản để duy trì cuộc sống hàng ngày?

Đúng vậy, động cơ không phải là cái gì trừu tượng, hiện cũng có người vào nghề vì yêu nghề, đó chỉ là yếu tố tinh thần. Nhưng yếu tố tinh thần phải có một giá đỡ về vật chất, con người chứ không phải là thánh, không phải là các nhà tu hành để chỉ theo đuổi đời sống tinh thần. Một con người thực thể thì trước hết phải “sống” đã, Các Mác đã nói: “phải sống rồi mới yêu và sáng tạo được”. 
Trước thực trạng đời sống của nhà giáo như thế nên có câu nói: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”, nhà giáo bây giờ vừa nghèo lại vừa giàu. Nghèo vì lương thấp, nhưng giàu  vì kiếm được nhiều thứ bên ngoài lương, thế nhân cách mới hỏng chỗ đó. Bây giờ không ai tin là nhà giáo là nhà nghèo. 

Như vậy phải chăng cần có một cơ chế nào đó để nhà giáo hoạt động và phản biện với xã hội?

Đó chính là dân chủ hóa trong tư tưởng. Hiện nay rất nhiều “trò” hiểu biết hơn thầy rồi sinh ra phản biện, phản biện chỉ là khuyến khích ở văn bản nhưng thực tế những người có quyền lại không thích nghe những ý kiến trái mình (đó là lẫn lộn giữa phản biện với lễ độ, giữa dân chủ với tập trung). Cho đến nay đã nhiều lần nâng lên đặt xuống chúng ta vẫn chưa có luật phản biện.
Hiện nay chúng ta cũng không hy vọng gì ở sự phản biện, đến mức độ là có người phản biện nhưng không ai thèm nghe và không ai phản biện lại, nhiều khi các nhà khoa học ngồi phản biện với nhau. 
Cơ chế thị trường hiện nay đang ngày một tác động tiêu cực lên nhân cách và đạo đức nhà giáo. Ảnh minh họa Internet
Cơ chế thị trường hiện nay đang ngày một tác động tiêu cực lên nhân cách và đạo đức nhà giáo. Ảnh minh họa Internet

Một tác động “vô hình” lên lao động nhà giáo

Ông đánh giá thế nào về cơ chế thị trường tác động lên nhân cách nhà giáo trong quá trình đổi mới?

Cơ chế thị trường tạo khả năng phân hóa xã hội, người giàu và nghèo. Thế mới có chuyện học sinh phải thi vào những nghề dễ kiếm tiền, còn những nghề khó kiếm là không thi. Từ quan niệm đó chi phối học trò, khi vào lớp cái gì có lợi thì học, nhưng trong khi giáo dục phải đào tạo toàn diện chứ không thể cần gì học nấy được, nhất là giáo dục phổ thông.
Con  người sống có hai việc đó là tồn tại và phát triển và như thế mới sinh ra chuyện nghèo không sống được mà giàu thì sống cũng không ra gì (con cái hư hỏng…). Cơ chế thị trường còn tác động đến động cơ học tập của học sinh, phía sau đó là tác động của cha mẹ như đi tìm trường này, trường kia cho dễ xin việc, mua điểm, mua bằng…
Tôi nói tất cả những cơ chế đó tạo nên một áp lực rất mạnh mẽ, vô hình cho lao động nhà giáo. Chúng ta nghĩ đơn giản thế này, một đứa trẻ bị điểm kém cha mẹ đến gặp thầy cô, hoặc sinh viên trước khi thi góp tiền cho giáo viên chấm bài, thực tế không ai chê tiền cả. Giữa người hối lộ và người đi hối lộ nương tựa vào nhau, nên phạt người nhận hối lộ cũng phải phạt người đưa hối lộ, phạt người bán điểm cũng phải phạt người mua điểm, có người mua điểm thì mới có người bán điểm. Tất cà là áp lực hết sức nghiệt ngã đối với nhà giáo và cho quá trình đổi mới nền GD&ĐT. 
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thắng được áp lực đó, chúng ta đã nói một mặt phải nâng cao lương tâm, đạo đức nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo đời sống cho nhà giáo vì “đói ăn vụng, túng làm càn”. Không thể nào nhìn con người một cách trừu tượng được, cho nên quan điểm của tôi là đổi mới phải xây dựng căn bản từ vấn đề đội ngũ (không chỉ là vấn đề tư tưởng đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn mà còn là vấn đề đời sống, và thái độ ứng xử của xã hội đối với nhà giáo).
Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc cũng cho rằng, Đánh giá thực chất đội ngũ nhà giáo phải đánh giá động cơ nghề nghiệp, cái mà thôi thúc người ta vào nghề và bám lấy nghề. Ảnh Xuân Trung
Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc cũng cho rằng, Đánh giá thực chất đội ngũ nhà giáo phải đánh giá động cơ nghề nghiệp, cái mà thôi thúc người ta vào nghề và bám lấy nghề. Ảnh Xuân Trung

Thực sự được dân chủ hóa

Theo ông, trong quá trình đổi mới những khâu nào hay “mắt xích” nào chúng ta nên thay mới hoàn toàn và ?

Nếu cần thay đó là phải có dân chủ hóa, phải thay bỏ tư duy hiện nay, phải lấy trường học làm số một. Hiện nay, khi xảy ra vấn đề gì là cứ tội ở trường, thành tích trường làm nên ngành giáo dục quận, thành phố hưởng. Dân chủ hóa cũng phải có ở trong nội bộ nhà trường và trong toàn ngành giáo dục, và trong quan hệ giữa nhà trường với xã hội.

Theo ông, đổi mới có nên tham khảo theo mô hình của các nước có nền giáo dục tiên tiến?

Theo tôi không thể tham khảo được. Vì mô hình kinh tế xã hội cũng do nước mình xây dựng làm thế nào lấy mô hình giáo dục của các nước được, chúng ta không rập khuân được. Bài học cơ bản của đổi mới là không rập khuân mà từ thực tiễn cuộc sống để tìm tòi, tiếp thu giá trị truyền thống, tất nhiên vẫn phải học tập các nước nhưng phải trên quan điểm tự mình xây dựng lấy mình. Công nghệ có thể nhập, mô hình điều hành quản lí có thể nhập nhưng khó đem lại hiệu quả vì cuối cùng là con người vận hành. Cho nên giáo dục mang tính truyền thống. Phải làm cho đội ngũ cán bộ giáo viên tự sáng tạo nên mô hình cho chính mình, tức là có quyền tự chủ.

Ông có kỳ vọng gì ở quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&ĐT lần này?

Tôi nghĩ cũng khó, vì giáo dục chúng ta đang diễn ra sự đứt đoạn mà giáo dục phải có sự kế tục. Lớp giáo viên trưởng thành trong khánh chiến và sau đó là lớp sau hòa bình, hiện lớp sau hòa bình cũng bắt đầu nghỉ. Tôi quan sát thì thấy rằng, mỗi lần thay thế hệ giáo viên là có sự sa sút, lớp trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khác. Động cơ vào nghề hiện nay đầu tiên là kiếm sống trước. 

Xin cảm ơn ông!

Xuân Trung (thực hiện)