Còn thi là còn tiêu cực, Hà Nội kiên quyết cấm tuyển sinh lớp 6

21/04/2015 16:05
Phương Thảo
(GDVN) - Cuộc họp giao ban báo chí chiều nay (21/4) tại Thành ủy Hà Nội đã dành phần lớn thời gian để bàn về phương án tuyển sinh vào lớp 6.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, câu hỏi từ các cơ quan báo chí, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội - ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc cho biết, năm học 2015 Hà Nội đã xây dựng tất cả kế hoạch để tuyển sinh đầu cấp, kèm theo đó là các quy định rõ ràng, đầy đủ. 

Từ tháng 3/2015 khi Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trên toàn quốc, trong đó có cấm các trường không khảo sát học sinh đầu cấp và tuyển sinh vào lớp 6. 

Từ Chỉ thị này, Sở Giáo dục Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến, sau đó Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc không tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 6.

Với Hà Nội, theo ông Đại trên địa bàn có một số trường có lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp. Đề án của các trường cũng đã được các chuyên gia góp ý. 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã họp với các nhà khoa học, các trường có đề án. Sau khi bàn thảo và đi đến ý kiến thử nghiệm ở 3 trường phương án tuyển sinh riêng (Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Lương Thế Vinh, và Trường THCS  Marie Curie).

Còn thi là còn tiêu cực, Hà Nội kiên quyết cấm tuyển sinh lớp 6 ảnh 1

Ảnh minh họa. Xuân Trung

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về phương án được duyệt của ba trường này, có ý kiến đồng ý, có luồng nhận định muốn đánh giá IQ, EQ cần cơ sở hoặc trung tâm bên ngoài mới đánh giá năng lực thực sự của người học. 

"Xét thấy cách thức còn mới, chưa được phổ biến trong dư luận. Học sinh có thể thay vì học văn, toán, ngoại ngữ thì sẽ lại đi học để làm sao làm được các bài test IQ, EQ. 

Chúng tôi nghiên cứu tất cả các ý kiến để điều chỉnh phương án và quyết định xét tuyển với tất cả các trường tuyển sinh vào lớp 6 trong năm 2015-2016" ông Đại cho hay.

Trước đó, thầy Văn Như Cương đã nhiều lần lên tiếng về các phương án tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội, bởi thực chất cũng chỉ có 1% số học sinh phải thi lên lớp 6.

Câu chuyện tưởng chừng dễ hiểu này lại thành ra khó hiểu khi trong những ngày qua người dân Hà Nội, đặc biệt là những trường ngoài công lập được phê duyệt phương án riêng bỗng bị rút quyết định và buộc tuyển theo phương án khác.

Thầy Văn Như Cương cũng cho rằng, chúng ta đang phổ cập giáo dục bậc THCS, điều đó có nghĩa là mọi học sinh sau khi học xong bậc Tiểu học đều có quyền và có nghĩa vụ học tiếp cho hết bậc THCS.

Nhà nước bảo đảm để mọi trẻ em đều được học ở trường công lập nếu họ muốn.

Còn thi là còn tiêu cực, Hà Nội kiên quyết cấm tuyển sinh lớp 6 ảnh 2

Hà Nội bác bỏ hoàn toàn phương án tuyển sinh lớp 6 vừa duyệt sau 1 ngày

(GDVN) - Thầy Văn Như Cương cho biết không hiểu nổi Hà Nội đang làm gì, đột ngột hủy phương án tuyển sinh đã duyệt trước đó đúng ...1 ngày, khổ cả trường lẫn trò!

Học sinh nào trong độ tuổi đi học mà không đăng kí học thì bị phạt hành chính.

Ý nữa, thầy Cương cũng nhấn mạnh, Nhà nước khuyến khích các tư nhân và các tổ chức mở các trường Tư thục, nhiệm vụ của các trường này không phải là để góp phần vào việc “phổ cập giáo dục”mà là để xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong giáo dục. 

Nhà nước không ép buộc bất kì ai phải học trường Tư thục. Nếu họ không muốn học ở các trường Tư thục thì nhà nước phải có chỗ cho họ học ở trường công lập.

Các trường Tư thục được phép tuyển sinh trên địa bàn rộng rãi không hạn chế, trong lúc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến (phường, quận, huyện…).

Điều đó là đúng đắn, vì nếu bắt các trường Tư thục tuyển sinh theo tuyến thì chắc chắn là không ai dám mở trường Tư thục (do không có học sinh, vì rất ít học sinh muốn học trường tư thục).

Thầy Cương cũng cho rằng, thực tế cho thấy hầu như các trường tư thục đều không tuyển đủ học sinh, chỉ có một số ít trường, do nhiều nguyên nhân, có số đăng kí vào học lớn hơn số được tuyển rất nhiều lần.

Và PGS. Văn Như Cương đặt câu hỏi, theo phàm lệ, đối với bài toán “muốn chọn ra một số người có đủ tiêu chí nào đó trong một số đông người hơn” thì người ta giải như thế nào? 

Rất đơn giản, nếu là người có lương trung bình thường thì anh phải tạo ra một cái “sàng” để sàng lọc…Tùy trường hợp cụ thể cái sàng đó có thể là: Thi tuyển, khảo sát, kiểm tra, phỏng vấn, bốc thăm, xếp hàng, số đo các vòng, chiều cao ….

Trong bài toán “tuyển vào lớp 6” , các chỉ thị của Bộ GD&ĐT, của UBND thành phố Hà Nội đã bắt các trường sử dụng chỉ một cái “sàng” duy nhất là “Xét tuyển”. Cái “sàng” đó quả thật không thể gọi là một “sàng khôn” được , nó là một cái “sàng” rất dở và rất vô dụng…

Phương Thảo