Lời cuối chân tình cho Triết lí giáo dục kiểu tổng kết ...salon

07/12/2018 06:56
PHẠM ANH TUẤN
(GDVN) - Giáo dục phải nương theo sự phát triển tự nhiên ở trẻ em, của trí khôn ở trẻ em. Sự phát triển của các “bản phác họa” là sự phát triển theo cách tự sinh-triển.

Có nhiều người, trong đó có cả đồng nghiệp thân thiết, khi tranh luận với tôi về Triết lí giáo dục có nhiều lúc họ không đủ kiên nhẫn, to tiếng vặn hỏi “Ông nói toàn những điều khó hiểu, trừu tượng. Rốt cuộc Triết lí giáo dục của ông là như thế nào?”.

Tôi bảo họ là tôi không kiêu ngạo để có thể phát biểu kiểu như “Triết lí giáo dục của tôi là…”.

Tôi cũng không đủ tự tin để nói kiểu như “Tôi cho rằng Triết lí giáo dục là…phải là…Triết lí giáo dục được định nghĩa là …”.

Lời cuối chân tình cho Triết lí giáo dục kiểu tổng kết ...salon ảnh 1Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục

Tôi cũng bảo họ tôi học Piaget. Vĩ đại như Piaget cũng chả thấy bao giờ nói đến Triết lí giáo dục.

Khi đã lẫy lừng tiếng tăm toàn thế giới, Piaget được UNESCO mời thành lập Văn phòng quốc tế về giáo dục của UNESCO, chắc để ông có dịp có những phát biểu có tính tuyên ngôn về Giáo dục.

Piaget vui vẻ nhận lời (cũng vì hi vọng nào đó) rồi cũng thất vọng. Piaget bảo, ông bị mất thì giờ dành cho nghiên cứu.

Rồi ông cũng tự an ủi “Nhưng thôi dù sao tôi cũng học được điều gì đó về Tâm lí học người lớn!” (Jean Piaget, Tiểu sử tự thuật, Phạm Anh Tuấn dịch, sắp xuất bản).

Người lớn thật kì lạ! Cái cụ thể thì họ bảo là trừu tượng, là khó hiểu. Họ chỉ thích nghe cái gì họ thích nghe!

Tôi toàn làm việc với những cái cụ thể. Bao năm nay, hằng ngày, mỗi tuần 5 ngày, mỗi năm 9 tháng, tôi toàn làm việc với học sinh trẻ em, với các em Nụ, em Thơm, em Hải, em Thảo, em Đức, em Ất, em Giáp, em Tí…

Tôi làm việc với các em thì tôi phải hiểu các em. Tôi phải hiểu trí khôn của các em, phải hiểu sự phát triển của trí khôn ở các em.

Cách làm của tôi là học hỏi, theo cách nghiên cứu. Tôi hỏi Triết học, hỏi Tâm lí học trẻ em, Tâm lí học giáo dục

Như thế, mục tiêu của giáo dục mà tôi nhắm tới là mục tiêu của các em, là được rút là từ các em, là đi từ trí khôn của các em.

Mục tiêu của giáo dục là trẻ em (Ảnh minh họa: giasuquocte.edu.vn).
Mục tiêu của giáo dục là trẻ em (Ảnh minh họa: giasuquocte.edu.vn).

Tôi hỏi Rousseau, ông bảo trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ.

Tôi hỏi Bà Cô tổ giáo dục trẻ thơ là Montessori, Bà bảo trẻ em là sự phát triển tự nhiên. Để cho trẻ em phát triển bình thường, tự nhiên thì đã là sự đóng góp của trẻ em cho xã hội rồi.

Sự áp đặt thô bạo từ bên ngoài vào dòng phát triển tự nhiên ấy giống như đặt những vật cản. Trẻ em sẽ buộc phải đi vòng tránh. Sự “đi vòng tránh” ấy chính là sự phát triển “bất bình thường” ở trẻ em.

Ở trường hợp cực đoan, sự đi vòng tránh ấy biến đổi thành các hành vi mà Freud gọi là các hành vi “manh động”, các hành vi “vô cớ” (acting-out), ở cả trong nhà trường lẫn ngoài xã hội.

Tôi lại hỏi Piaget về sự phát triển ở trẻ em. Ông bảo Montessori nói đúng đấy, nhưng sự phát triển của trí khôn ở trẻ em nó không diễn ra theo đường thẳng băng, đều đều, nó trải qua các giai đoạn theo độ tuổi, có những dấu mốc phát triển cụ thể, đặc thù, trên đường phát triển nó để lại các “schème”, là những “bản phác thảo”.

Và, trẻ em trải qua con đường phát triển ấy với vô vàn cố gắng, khổ não của chính các em.

Sự phát triển của trí khôn ở trẻ em giống như người đầu tiên đến khai hoang một mảnh đất. Anh ta chỉ có thể phác họa sơ đồ một vùng đất khai hoang. Anh ta đặt những mốc cắm trên mảnh đất hoang. Anh ta vẽ những bản sơ đồ phác họa (các schème) cho các miếng đất được cắm mốc.

Những người đến sau cứ theo các “miếng đất” được cắm mốc, hoàn thiện các bản phác họa, làm cho nó cụ thể, tinh vi, phức tạp lên, rồi hình thành nên các lĩnh vực hay các môn học: Toán, Vật lí, Văn học, Âm nhạc, Đạo đức...

Lời cuối chân tình cho Triết lí giáo dục kiểu tổng kết ...salon ảnh 3Muốn có Triết lý giáo dục, thực sự rất đơn giản

Đơn cử, trẻ lên 2 tuổi đã tự mình có khái niệm (chưa phải là khái niệm khoa học mà nó mang đậm dấu ấn của sự trực quan, tức trực giác) về hình học topo (Piaget đã thực nghiệm chứng minh qua trò chơi nặn đất sét của trẻ nhỏ).

Như thế giáo dục phải nương theo sự phát triển tự nhiên ở trẻ em, của trí khôn ở trẻ em.

Sự phát triển của các “bản phác họa” (các schème) là sự phát triển theo cách tự sinh-triển, tức nó không phát triển theo cách có “cái khác” thêm vào nó.

Vì thế Piaget dùng một thuật ngữ hàm ngụ “di truyền”: génétique (sinh-triển). Tức là nó “tự nhiên”. Và tôi coi trẻ em là trung tâm là theo cách hiểu như thế.

Cách đây đã lâu, một giáo sư viện sĩ khi nghe nói tới “giáo dục phải lấy trẻ em làm trung tâm” thì ông la lớn “Thế thì người thầy không có việc gì để làm à!”. Hiểu “lấy trẻ em làm trung tâm” như thế là thô thiển!

Tôi cứ sống và làm việc với trẻ em như vậy, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, tôn trọng trẻ em. Không cần phải tham gia các “trận đánh lớn”. Không cần phải tham gia các hội thảo, các cuộc tổng kết. Vì có tham gia mà nếu được hỏi “Triết lí giáo dục là gì?” thì tôi làm sao trả lời được!

Như thế tránh cho mình rơi vào trường hợp kiêu ngạo hoặc rơi vào tình cảnh ngồi trong phòng kín tự nghĩ ra Triết lí giáo dục theo lối tổng kết, bất cần biết bên ngoài đang diễn ra những gì, đang làm cái gì.

Nếu tổng kết “đúng” thì sao, nếu tổng kết “sai” thì sao đây?! Chẳng nhẽ đến lúc ấy lại đổ lỗi cho lỗ Kim bé quá, con Bò của tôi chui không lọt!

PHẠM ANH TUẤN