Lớp học đặc biệt trong trại giam

03/02/2014 07:35
Tâm Tâm
(GDVN) - Trại giam số 5 (Yên Định - Thanh Hóa) vào một ngày đầu năm mới, các thầy giáo ở trại giam đang tổ chức dạy xóa mù cho những phạm nhân không biết chữ.
Chúng tôi đến lớp học mới thấy không khí học tập nơi đây thật sôi nổi. Có những phạm nhân tóc bạc trắng đầu vẫn ê a đánh vần, được thầy cầm tay nắn từng nét chữ...
Dạy cách làm người
Thầy Nguyễn Văn Lộc tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, hiện là  giáo viên dạy lớp xóa mù cho biết, trung bình mỗi năm trại dạy 3 lớp xóa mù, mỗi lớp dạy 4 tháng, học viên được học: đánh vần,  đọc, tính toán. Hiện nay trại đang dạy lớp thứ 3, lớp học có 26 học viên.
Dạy chữ trong trại giam là một việc làm hết sức kiên trì, không chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn phải dạy người, dạy cách hướng thiện. Người thầy “đặc biệt” đảm nhận vai trò giảng dạy lớp học như thế chủ yếu là cán bộ Đội Quản lý giáo dục. Họ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, soạn giáo án, tổ chức bài vở và cũng phải tìm hiểu, sáng kiến cách dạy dễ hiểu cho các phạm nhân.

Theo Ban Giám thị trại giam 5, đặc thù của đơn vị là giam giữ những phạm nhân có án cao, những phần tử cộm cán ngoài xã hội. Cùng với những tay anh chị thì một bộ phận không nhỏ khác mang án tù trên dưới 20 năm thường là đồng bào dân tộc thiểu số, án ma túy hoặc giết người. Chính bởi vậy, công tác dạy chữ cho phạm nhân, dù xác định rất khó khăn song hàng năm đơn vị luôn chú trọng. 

Lớp học xóa mù trong trại giam 5. Ảnh Tâm Tâm
Lớp học xóa mù trong trại giam 5. Ảnh Tâm Tâm

Mấy năm gần đây, ngoài đội ngũ giáo viên là cán bộ trại thì những phạm nhân trí thức, trước đây đã từng là giáo viên được phân công “lên lớp”, nói chuyện với các học trò. Thực tế là việc làm này luôn mang lại hiệu quả khả quan, bất ngờ. 

Nhiều phạm nhân thú nhận mình phạm tội là do kém hiểu biết, không nắm rõ luật pháp. Chính nhờ những “lớp học” đặc biệt với những “thầy giáo” đặc biệt như vậy, ý thức cải tạo của các phạm nhân được nâng lên rõ rệt. Phần lớn trong số họ sau khi ra trại đã không tái phạm tôi, thậm chí bị rủ rê, lôi kéo nhưng vẫn kiên quyết từ chối, quay lưng với cái xấu. 
Còn với những “giáo viên” làm công tác giảng dạy trong trại giam, niềm vui của họ là những lá thư (có thể nhiều khi còn sai lỗi chính tả) mà những học trò gửi về tri ân mình. Đó là những người không chỉ giúp phạm nhân biết đọc, viết mà còn nhận thức được pháp luật, hiểu ra lỗi lầm trong quá khứ, đồng thời có thêm nghị lực để xóa bỏ mặc cảm, cải tạo tốt trên con đường hướng thiện.
Thầy Lộc chia sẻ: “Tâm lý chung của bất cứ phạm nhân nào khi vào tù  cũng mặc cảm lỗi lầm và bất mãn, nên phải cầm tay nắn nót từng nét chữ.  Khi họ đã biết đọc, biết viết, cảm ơn thầy nói là: Từ ngày biết chữ, gọi điện về nhà khoe với gia đình, người nhà tôi mừng lắm".
Khó khăn nhất là  khi dạy người dân tộc đánh vần, nhưng nhìn chung các học viên cũng giúp đỡ nhau, ai biết đọc trước thì giúp cho người chưa đọc được. Học viên hoàn thành chương trình  lớp xóa mù tương đương với lớp 4 bậc tiểu học, biết viết 1 đoạn văn ngắn, đơn giản, đọc thông, viết thạo và làm phép tính cộng trừ nhân chia.
Vết trượt dài của một thầy giáo 
Trại giam 5 có một phạm nhân buôn ma túy vào trại khi tuổi đời mới 26, nguyên giáo viên trường tiểu học Lóng Sập (Mộc Châu - Sơn La), Trần Văn Lý, sinh năm 1976.
Lý kể rằng, mình là một giáo viên có năng lực ở huyện, lại năng động chịu khó tham gia nhiều phong trào của nhà trường nên được đồng nghiệp tin yêu. Ngoài dạy ở trường, Lý còn tham gia cùng bộ đội biên phòng đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập dạy lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc. 
Được bộ đội biên phòng tin tưởng, Lý ra vào cửa khẩu rất dễ dàng. Tuy nhiên, sống ở vùng biên giới giáp Lào, thủ phủ của ma túy, thấy người ta đi buôn ma túy xây được nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, có xe máy, ô tô đắt tiền, Lý đã bị đồng tiền tội lỗi làm cho mờ mắt. 
Với suy nghĩ đơn giản chỉ cần làm vài chuyến trót lọt, kiếm thêm ít tiền cho vợ con đỡ khổ rồi thôi, Lý đã nhận lời làm vận chuyển ma túy từ Lào sang Việt Nam. Sau vài chuyến chuyển hàng trắng qua cửa khẩu "đầu xuôi đuôi lọt", Lý cũng không khỏi lo lắng, suy nghĩ, nhưng trước ma lực hấp dẫn của những đồng tiền tội lỗi, Lý lại lao vào như con thiêu thân. 
Phạm nhân Trần Văn Lý. Ảnh Tâm Tâm
Phạm nhân Trần Văn Lý. Ảnh Tâm Tâm
L‎‎ý bị bắt năm 2004 vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy liên tỉnh do Trịnh Nguyên Thủy cầm đầu. Bị di lý qua vài trại tạm giam, 3 năm sau Lý mới được về trại 5 cải tạo với án 20 năm, bỏ lại người vợ trẻ 21 tuổi và đứa con thơ 1 tuổi. 
Kể về gia đình, Lý cho biết, nhà Lý có 5 anh chị em, Lý là con thứ 4. Khi mẹ Lý qua đời, Lý mới lên 10 tuổi, bố đi bước nữa và sinh thêm 1 em trai. Mấy anh chị em cũng có người phải bỏ học, chị cả thì lấy chồng sớm, hai anh trai đều đi bộ đội, bố là người phải lo lắng, chèo lái cho gia đình. “Tuổi thơ của em cũng rất dữ dội và éo le, cảnh gì ghẻ con chồng, nhà lại nghèo, nên em cũng có nhiều chuyện buồn", Lý trải lòng. 
Bố Lý quê ở Thái Bình, lên Lai Châu khai hoang và lấy vợ lập nghiệp tại đây. Lý chịu khó học hành và thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, rồi may mắn xin được dạy học luôn ở đó. 
Lý được đi học cũng một phần nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước vì  Lý là học sinh giỏi ở địa phương có gia cảnh nghèo khó. Nói về nguyên nhân bị ma túy lôi kéo, Lý kể, nơi Lý sống việc buôn bán ma túy rất dễ dàng, ma túy tràn ngập cả bản. Ngày còn đi dạy, Lý đến nhà dân chơi còn được mời dùng thử ma túy. Khi đó Lý còn trẻ, cuộc sống lại vất vả từ bé, không được hưởng nhiều tình thương của gia đình, trước cạm bẫy của đồng tiền nên cũng khó lòng bước qua được.
Ngày đó, Lý không nghĩ mình sẽ lãnh án dài tới 20 năm, chỉ nghĩ đơn thuần đi vác hàng thuê chứ không chủ mưu buôn bán gì nên chắc sẽ không bị tội nặng. Những ngày đầu nhập Trại giam số 5, hình ảnh vợ con tại phiên tòa vẫn luôn ám ảnh Lý. Hôm xử án ở  Sơn La, vợ Lý chỉ kịp dúi vào tay Lý chiếc cặp tóc của mình và  cái áo của con trai và nói, con chưa nói được gì với bố, em chỉ biết gửi kỷ vật này, khi nào nhớ đến mẹ con em anh cứ mở ra, mẹ con em luôn chờ đợi anh về. Những lời nói ấy đã tiếp thêm nghị lực để Lý vững tâm gượng dậy, phấn đấu hoàn lương. 
Vợ Lý tên Na, khi kết hôn với Lý mới bước qua tuổi 19, quê ở Mộc Châu, Sơn La, là người dân tộc Mông. Na đẹp như trăng rằm, là con út trong gia đình nên được bố mẹ rất chiều chuộng. Lấy nhau về, Na cũng chỉ quanh quẩn ruộng vườn, cơm nước cho chồng con, chưa một lần đi ra ngoài xã hội bon chen kiếm sống. 
Thi thoảng Na giúp chồng đến từng nhà động viên con em bản làng đi học cái chữ. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc, trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười.  Khi chồng bị bắt, Na hoảng loạn, sợ hãi vì từ bé được bố mẹ bao bọc, lấy chồng thì chồng lo cho hết, giờ chồng vào tù, con nhỏ, biết tính sao đây. 
Thế rồi mọi chuyện cũng qua dần, vợ Lý được cha mẹ cho vay ít vốn và mở cửa hàng tạp hóa kiếm sống. Nỗi đau dần nguôi ngoai, Na cũng già dặn và khôn ngoan hẳn lên, kinh doanh dần dần phát đạt, nuôi con ngoan, con trai năm nay đã học lớp 5, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mỗi năm Na bắt xe khách vào trại thăm chồng 1 lần.
Biết mình phải thụ án dài, thương người vợ trẻ, có lần vợ lên thăm, Lý khuyên vợ hãy quên Lý đi và xem ai yêu thương thì xây dựng gia đình với người đó. Nhưng vợ Lý chỉ khóc và động viên chồng cố gắng cải tạo tốt và sẽ quyết tâm đợi Lý về. 
Lý chua xót nói rằng, nếu biết trước buôn ma túy mà mắc tội nặng thế này thì đã không dám đi buôn. Giờ đây, tất cả đã quá muộn. Xa vợ con y mới thấm thía tận cùng nỗi cô đơn khi gia đình bị chia lìa.  Lý kể, năm đầu vào trại thấy nhớ nhà, nhớ học sinh và có lỗi với vợ vô cùng. Mang tiếng đi buôn ma túy mà vợ con chưa được hưởng gì, giờ lại phải chịu cảnh tù đầy, con chưa gọi được bố ơi thì bố đã phải xa con mà đường về còn mờ mịt. 
Những ngày mới vào trại, nằm trong trại giam, nhớ nhất là những ánh mắt thơ ngây của học trò. Lý thèm cảm giác được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng, nhớ những người đồng bào dân tộc hiền lành tốt bụng đã được Lý dạy cho cái chữ, biết đọc, biết viết. Biết Lý nguyên là giáo viên tiểu học và đã dạy lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc vùng cao lại có tinh thần cải tạo tốt, trại đã  giao công việc dạy chữ cho các phạm nhân mới vào nhưng không biết đọc, biết viết. 
Từ ngày gắn bó với công việc này, Lý cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều. Nói về những kỷ niệm khi dạy phạm nhân, Lý bảo khi được đứng lớp em vui lắm,  lúc đầu vào trại cứ tưởng cuộc đời đã chấm hết, nhưng khi được trở lại với nghề thì không còn gì bằng. 
Học sinh của L‎ý thì có đủ thành phần: người già nhất cũng ngót 60, trẻ nhất cũng chưa đầy 18, kẻ giết người, buôn ma túy, người thì trộm cắp, nhưng chủ yếu là án dài, có những người lì lợm, cứng đầu… nhưng khi đã học là tất cả đều chăm chú lắng nghe. 
Có những người trước khi ra trại cảm ơn thầy Lý rất nhiều và về nhà cũng viết thư thăm thầy, động viên thầy cố gắng cải tạo. Có người dân tộc khi ra trại chả biết nói gì chỉ đọc tặng thầy bài thơ trên báo và ôm lấy Lý khóc. Nhờ cải tạo tốt, Lý đã được giảm án 2 lần, một lần 12 tháng và 1 lần 9 tháng.
Biết rằng mức án 20 năm là rất dài, ngày ra trại còn rất xa nhưng Lý sẽ quyết tâm cải tạo tốt, sớm được khoan hồng trở về với gia đình. 
Tâm Tâm