Lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn

15/01/2017 05:10
Hoàng Hà
(GDVN) - Nằm giữa rừng núi xa xôi cách trở, sự học của thầy và trò nơi ấy cũng chông chênh như con đường đi vào bản làng vậy.

Vượt sông gieo chữ

Bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là một bản làng nằm ở nơi xa xôi, tách biệt với bên ngoài. Để vào được bản làng này, chỉ có một cách duy nhất là phải vượt qua sông Long Đại, rồi qua gần chục cái thác lớn nhỏ mới tới nơi.

Lớp học mầm non trong căn nhà mượn của dân. (Ảnh: V.T)
Lớp học mầm non trong căn nhà mượn của dân. (Ảnh: V.T)

Chính vì địa hình hiểm trở mà việc học của các em học sinh nơi đây vẫn còn lắm gian nan.

Bản Hôi Rấy hiện có một lớp mầm non với 18 học sinh, độ tuổi từ 3-5 tuổi, do hai cô giáo trẻ Trần Thị Hồng và Trương Thị Trang phụ trách.

Cô Hồng và cô Trang người ở trung tâm xã Trường Sơn, hai cô cũng phải vượt sông vượt thác, vượt qua bao đoạn đường hiểm trở để vào dạy chữ cho các em.

Trước đây, bản Hôi Rấy không có lớp học mầm non, thương các em học sinh ở xa lại bị thiệt thòi, nên năm rồi chính quyền địa phương và các thầy cô giáo mới thành lập một điểm trường mầm non ở đây.

Bên cạnh lớp học là chỗ ngủ của hai cô giáo trẻ. (Ảnh: P.P)
Bên cạnh lớp học là chỗ ngủ của hai cô giáo trẻ. (Ảnh: P.P)

Điều kiện quá khó khăn, cơ sở vật chất lại không có, nhà trường đành mượn tạm một căn nhà nhỏ lợp bằng bờ rô xi măng của một hộ dân trong vùng cho cô trò “tá túc”.

Từ căn nhà này, hai cô giáo trẻ tự cắt giấy trang trí thành lớp học. Lớp học chỉ vỏn vẹn mấy cái ghế nhựa cho các em học sinh ngồi học. Không có nhà vệ sinh, các cô đành lấy mảnh bạt quây lại để làm nơi rửa chân, tay... cho các cháu.

“Dạy ở đây khổ nhất là đường đi và thiếu thốn cơ sở vật chất. Nhiều khi đi đường thấy vất vả quá chúng tôi cũng thấy nản, nhưng lại nghĩ các em học sinh ở trên này còn thiệt thòi hơn mình gấp mấy lần.

Rồi chúng tôi lại cố gắng, lại cùng các em cố gắng học chữ với hi vọng mai này các em sẽ có cuộc sống tốt hơn”, cô Trần Thị Hồng tâm sự.

Sự học nơi đây cũng chông chênh như đường đi vào bản vậy. (Ảnh: V.T)
Sự học nơi đây cũng chông chênh như đường đi vào bản vậy. (Ảnh: V.T)

Trong căn nhà nhỏ bé được trang trí thành lớp học cũng là chỗ ngủ của 2 cô giáo. Vì không có giường, dân bản đã làm cho hai cô một chiếc giường được ghép từ mấy tấm ván do dân đóng góp.

Bao giờ mới hết cảnh học... nhờ?

Không chỉ các em mầm non mà các em học sinh tiểu học ở đây cũng phải học nhờ ở nhà văn hóa bản vì không có trường. Tuy nhiên, nhà văn hóa đã xuống cấp trầm trọng, mùa hè thì nóng nực, còn mùa đông gió thổi thốc vào lạnh tê tái.

Điểm trường tiểu học tại nhà văn hóa bản. (Ảnh: P.P)
Điểm trường tiểu học tại nhà văn hóa bản. (Ảnh: P.P)

Điểm trường tiểu học ở bản Hôi Rấy có 24 em học sinh, do 3 thầy giáo phụ trách. Vì chỉ có một nhà văn hóa nên các thầy phân ra học thành hai buổi. Buổi sáng các em lớp 1 và lớp 3 học, còn buổi chiều là các em lớp 2 và lớp 4.

Thầy Nguyễn Văn Dinh, (có 8 năm cắm bản ở xã Trường Sơn) cho biết: “Vì ở đây không có điện nên buổi tối chúng tôi phải soi đèn pin để soạn bài. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn và vất vả lắm.

Đến cắm bản ở nơi rừng núi xa xôi cách trở, nhiều khi tôi thấy nhớ nhà da diết, nhưng nghĩ đến các em học sinh là tôi lại có động lực để đi tiếp. Chỉ mong sao nơi đây phát triển hơn, để các em đỡ thiệt thòi hơn”.

Ông Nguyễn Văn Tráng – Chủ tịch UBMTTQVN xã Trường Sơn cho biết: “Nhiều lần xã đề nghị lên huyện xin vốn để xây điểm trường ở bản Hôi Rấy, huyện cũng đồng ý chủ trương, nhưng chỉ ghi vốn có 200 triệu (trong khi để xây dựng trường ở đây phải mất đến tiền tỷ). Do đó, đến nay các em học sinh và thầy cố giáo vẫn phải tiếp tục dạy học trong tình trạng như vậy, không biết tận khi nào?”.

Hoàng Hà