Lớp mầm non trên căn nhà dột nát, đi mượn

11/09/2016 08:19
Thủy Phan
(GDVN) - Không có điều kiện xây phòng học, các thầy cô giáo đành mượn tạm căn nhà đã dột nát của người dân để các em ở độ tuổi mầm non có cơ hội đến trường.

Đó là thực trạng tại  điểm trường mầm non bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một bản làng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng.

Căn nhà dột nát thành lớp học

Bản Sắt là bản định canh định cư, một trong những bản khó khăn nhất của xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Nơi đây được xem là bản “bốn không”: không điện, không nước sạch, không trạm y tế, không sóng điện thoại.

Căn nhà tạm bợ, dột nát trở thành lớp học để các em độ tuổi mầm non có cơ hội đến trường (Ảnh: Thủy Phan)
Căn nhà tạm bợ, dột nát trở thành lớp học để các em độ tuổi mầm non có cơ hội đến trường (Ảnh: Thủy Phan)

Để vào đến bản, chúng tôi phải đi qua con đường dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng dài hơn 8 km. Đi cùng chúng tôi, chiếc xe máy của anh Nguyễn Văn Tráng - Chủ tịch UBMTTQ xã Trường Sơn tưởng chừng như bị “chết đứng” giữa con dốc thăm thẳm.

Vừa cố gắng ga cho xe lên được đỉnh dốc, anh vừa nói: “Con đường này mới hoàn thành cách đây 3 tháng. Bây giờ còn có đường nên dễ đi hơn năm trước gấp trăm lần, chứ trước đây ai muốn lên bản Sắt đều phải đi bộ. Khổ nhất là vào mùa mưa!”.

Trong căn nhà tạm bợ, các cô thiết kế một dãy bàn quây tròn ở giữa để cô trò cùng học (Ảnh: Thủy Phan)
Trong căn nhà tạm bợ, các cô thiết kế một dãy bàn quây tròn ở giữa để cô trò cùng học (Ảnh: Thủy Phan)

Khoảng 30 phút, chúng tôi cũng qua được con dốc “độc đạo” để vào bản. Vừa đặt chân đến, tiếng trẻ em ca hát, đọc chữ vang vọng cả núi rừng khiến chúng tôi cảm giác nơi này không còn hoang vu nữa.

Bản Sắt có lớp học mầm non với 16 em độ tuổi từ 3-5 tuổi, do cô giáo Mai Thị Hằng (trú tại xã Trường Sơn) đứng lớp. Vì không có điều kiện xây phòng học, các thầy cô giáo đành phải mượn tạm căn nhà đã dột nát của một người dân trong bản để làm lớp học.

Hàng ngày, tiếng các em học sinh ca hát, đọc chữ vang vọng cả núi rừng (Ảnh: Thủy Phan)
Hàng ngày, tiếng các em học sinh ca hát, đọc chữ vang vọng cả núi rừng (Ảnh: Thủy Phan)

Năm nay là năm thứ hai bản Sắt tổ chức dạy mầm non, còn trước đó vì đường đi quá khó khăn, lại ít cháu nên học sinh ở độ tuổi mầm non không được đến trường.

“Căn nhà cũ lâu ngày nên đã rất xập xệ, cứ trời mưa là dột hết gần một nửa căn phòng, cô trò phải dồn vào một góc mới có thể tiếp tục học.

Bản Sắt lại chưa có điện, vì vậy sự học ở đây khó khăn gấp bộn phần. Phòng học đã tạm bợ, đến mùa đông trời tối, nếu mở cửa ra thì lạnh, mà đóng cửa lại thì học sinh không đủ ánh sáng để học. Thầy cô giáo trăn trở lắm nhưng không biết làm sao cả!”, cô Mai Thị Hằng nói.

Chỉ khi đến lớp, các em nhỏ mới có đồ chơi (Ảnh: Thủy Phan)
Chỉ khi đến lớp, các em nhỏ mới có đồ chơi (Ảnh: Thủy Phan)

Địa hình cách trở, kinh phí lại không có nên trang thiết bị dạy học ở đây hết sức thô sơ, phần trang trí phòng học giáo viên đều phải tự làm lấy.

"Các em là niềm an ủi của cô"

Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng cô trò ở đây vẫn rất hăng say dạy và học. Hàng ngày, những nữ giáo viên như cô Mai Thị Hằng vẫn băng qua con đường dốc thăm thẳm, ngoặt ngoèo kia để vào bản dạy học.

Sự hồn nhiên của các em học sinh chính là niềm an ủi lớn nhất đối với những giáo viên cắm bản (Ảnh: Thủy Phan)
Sự hồn nhiên của các em học sinh chính là niềm an ủi lớn nhất đối với những giáo viên cắm bản (Ảnh: Thủy Phan)

Ở đây, có rất nhiều em học sinh ngày ngày mong chờ cô. Mỗi lần thấy cô giáo đến, các em lại háo hức, vui mừng chạy đến lớp học.

“Mới đầu đi xe máy vào còn thấy sợ, giờ đi miết rồi thành quen. Nhiều vất vả, nhưng được cái các em học sinh rất ngoan, lại ham học, thấy cô giáo đến là tất cả tự động lên lớn học.

Có lúc thấy mệt, nhưng nghĩ đến các em hàng ngày ngóng chờ cô giáo lên là lại có động lực để đi tiếp. Ở đây, có lẽ các em học sinh là niềm an ủi lớn nhất của thầy cô giáo”, cô Hằng chia sẻ.

Nhiều chỗ ở căn nhà đã hư hỏng, mục nát (Ảnh: Thủy Phan)
Nhiều chỗ ở căn nhà đã hư hỏng, mục nát (Ảnh: Thủy Phan)

Bản Sắt giờ đã có đường mới, nhưng mùa mưa đường lầy lội, để vào được trường giáo viên vẫn phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ. Nhiều hôm mưa gió lớn, thầy cô nghỉ lại ở phòng giáo viên tiểu học.

 “Vì không có kinh phí xây phòng nên nhà trường đành mượn tạm căn nhà của dân, rồi trang trí lại để các cháu học.

Lớp mầm non ở bản Sắt mới tổ chức dạy năm thứ 2, chúng tôi chỉ xin được một ít kinh phí để mua dụng cụ học tập cho các cháu, nhưng vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm”, cô Hồ Thị Tuyết Minh - Hiệu Phó trường Mầm non Trường Sơn cho biết.

Thủy Phan