Lựa chọn sai ngành học, thí sinh sẽ đối diện với nguy cơ thất nghiệp

12/08/2016 06:34
Ngọc Quang
(GDVN) - TS.Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, ngoài mong muốn của bản thân và gia đình thì mỗi thí sinh cần được tư vấn chi tiết trước khi chọn ngành học.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ở mùa tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 2 trường và không rút lại hồ sơ.

Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ thí sinh ảo tại các trường từng khiến cho mùa tuyển sinh 2015 bị nhiều ý kiến đánh giá là “vỡ trận”.

Tuy nhiên, lựa chọn trường nào, ngành nào phù hợp với điểm số và khả năng của bản thân là điều không dễ dàng. 

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ, việc định hướng cho thí sinh khi chọn ngành vô cùng quan trọng, vì nếu chọn sai thì các em dễ bỏ qua mất sở trường và chọn sở đoản.

TS.Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nếu thí sinh chọn ngành không phù hợp với năng lực của bản thân thì rất dễ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.
TS.Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nếu thí sinh chọn ngành không phù hợp với năng lực của bản thân thì rất dễ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo TS.Tùng, những trường tư thục như Đại học Nguyễn Trãi có đôi chút bất lợi hơn trong tuyển sinh, do các trường công lập vẫn đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước.

Tuy nhiên, chính trong khó khăn ấy thì các trường tư thục lại rất chú trọng đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất ngay từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển, định hướng chính xác cho thí sinh về ngành học phù hợp với bản thân, tìm được việc làm thích hợp và phát huy tốt nhất khả năng của từng em.

TS. Tùng cho biết: “Tôi lấy thí dụ ngay từ Trường Đại học Nguyễn Trãi, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để thiết kế ra mô hình đào tạo ứng dụng trên nền tảng công nghệ Đại học thông minh (Smart University).

Chương trình đào tạo ứng dụng gắn với việc làm, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm một phần nhỏ, phần lớn được dành cho ứng dụng thực tế, thực hành để các em được trang bị chuyên môn, kỹ năng và khả năng làm việc khi tốt nghiệp.

Lựa chọn sai ngành học, thí sinh sẽ đối diện với nguy cơ thất nghiệp ảnh 2

Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa

Hệ thống công nghệ đào tạo Smart University cho phép chúng tôi triển khai được phương pháp đào tạo e-learning.

Hệ thống quản lý đào tạo thông minh này hiện nay mới chỉ có một số Trường triển khai được như Đại học FPT, Đại học Nguyễn Trãi…

Việc học tập và quản lý học tập dựa trên nền tảng công nghệ sẽ thúc đẩy và hỗ trợ sinh viên thành thạo sớm khối kiến thức về công nghệ thông tin, sẽ có tư duy nhanh hơn, năng động hơn.

Ngay cả việc quản lý đời sống sinh viên dựa trên công nghệ, thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn”.

Kỹ năng mềm + kỹ năng nghề + ngoại ngữ = thành công

TS.Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, bất kỳ thí sinh nào khi đăng ký ngành học đều băn khoăn với câu hỏi: Học ngành này có tìm được việc làm không?

Phần lớn các bạn trẻ đều không thể tự tìm thấy câu trả lời, và hệ quả là sau 4 năm học, chi phí rất nhiều, cầm được tấm bằng cử nhân nhưng lại phải chấp nhận làm những việc không đúng với mong muốn.

“Nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho nhiều cử nhân thất nghiệp là vì các em thiếu kỹ năng làm việc, thiếu kỹ năng hội nhập, thậm chí rất nhiều em không thể viết được đơn đăng ký tuyển dụng, nhiều em không biết sử dụng các phần mềm văn phòng cơ bản, các thiết bị văn phòng và rất yếu về ngoại ngữ.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đào tạo khối kiến thức về kỹ năng (bao gồm 22 kỹ năng mềm và kỹ năng nghề), chúng tôi xây dựng mô hình đào tạo mở (nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp), tức là ngay từ năm học đầu tiên sinh viên đã được tham gia trải nghiệm, làm việc tại các doanh nghiệp.

Việc đào tạo được xây dựng trên các mô hình, dự án chú trọng thúc đẩy mạnh sự tự tin, tính tự chủ của sinh viên sẽ giúp các em có tư duy mạnh mẽ hơn, bạo dạn hơn", TS. Tùng cho biết. 

Quá nhiều cử nhân thất nghiệp vì thiếu kỹ năng mềm, thiếu kỹ năng nghề và yếu kém cả ngoại ngữ. ảnh minh họa: Mai Sơn.
Quá nhiều cử nhân thất nghiệp vì thiếu kỹ năng mềm, thiếu kỹ năng nghề và yếu kém cả ngoại ngữ. ảnh minh họa: Mai Sơn.

Để cụ thể hóa ý tưởng đó, Đại học Nguyễn Trãi đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng nên những mô hình đào tạo này. Ví dụ: Công ty CP Misa (Công ty về phần mềm Kế toán lớn nhất Việt Nam) xây dựng tại Đại học Nguyễn Trãi một phòng học Kế toán mô phỏng, giống như phòng kế toán của một doanh nghiệp lớn với đầy đủ các chức năng, bộ phận, nhiều loại giấy tờ, chứng từ…

Sinh viên học với mô hình này thì làm việc được ngay tại doanh nghiệp, không khác gì doanh nghiệp thực tế.

Hay mô hình học tập công ty thực tế được Khoa Quản trị kinh doanh phối hợp với Công ty CP LADECO xây dựng thì các em được tìm hiểu các vị trí việc làm thực tế, được đóng vai thực sự các vị trí như Trưởng phòng kinh doanh, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT điều hành doanh nghiệp…. 

Qua thực tế, các em sẽ có những tư duy khác biệt, mong muốn khởi nghiệp sớm, tự mình tạo nên những ý tưởng táo bạo và sớm trưởng thành mà không cần phải đợi tới khi tốt nghiệp.

Lựa chọn sai ngành học, thí sinh sẽ đối diện với nguy cơ thất nghiệp ảnh 4

Đào tạo hầu hết bằng lý thuyết, rất ít trường đại học dám cam kết chất lượng

Trong một bài viết gửi tới độc giả vào đầu tháng 6 vừa qua, TS.Nguyễn Thanh Tùng đã chia sẻ 6 bước trong quy trình đào tạo kèm theo cam kết “ít nhất 90% sinh viên Đại học Nguyễn Trãi tìm được việc làm ưng ý”.

Đó là: Thay đổi tư duy cho sinh viên, giúp cho từng sinh viên lựa chọn đúng ngành học, tránh sự mơ hồ và lãng phí thời gian học tập (bước 1);

Thay đổi nhận thức, hiểu được đầu ra của ngành học, giúp các tân sinh viên có tầm nhìn và định hình rõ ràng hơn về vị trí công việc các em sẽ làm trong tương lai (bước 2);

Tham quan các vị trí công việc tại doanh nghiệp để có cái nhìn trực quan về ngành học (bước 3);

Định hướng sơ bộ nghề nghiệp, phân tích từ hoàn cảnh gia đình, tính cách cho tới sở thích cá nhân, để đưa ra lời khuyên chọn ngành phù hợp cho tân sinh viên (bước 4).

Sau 4 bước này, nhà trường mới triển khai đào tạo (bước 5), bằng mô hình đào tạo ứng dụng thông minh, dành tới 70% thời gian cho sinh viên thực hành tại các doanh nghiệp. Khối kiến thức về công nghệ thông tin cũng được nhà trường đặt ra bắt buộc gắn liền và xuyên suốt trong quá trình đào tạo.

“Chúng tôi rất khắt khe trong từng bước đào tạo, do đó bất kỳ sinh viên nào có thái độ không nghiêm túc trong học tập sẽ không thể vượt qua được các bài kiểm tra. Các em sẽ phải học tiếp cho tới khi nào vượt qua được các bài kiểm tra.

Thông qua các chương trình đào tạo thông minh, các em sẽ hoàn thiện được 22 kỹ năng mềm và kỹ năng nghề hết sức quan trọng để hoàn toàn tự tin đăng ký tuyển dụng vào bất cứ doanh nghiệp nào với chuyên ngành đã học.

Đây là chương trình đào tạo mà nhà trường kết hợp cùng doanh nghiệp triển khai, tức là đào tạo dựa trên nhu cầu thực của thị trường và đào tạo theo đơn đặt hàng của từng doanh nghiệp.

Nhà trường đang kết hợp chặt chẽ với hơn 300 doanh nghiệp và nhiều giảng viên cũng chính là lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy sinh viên.

Thực tế thì trong năm vừa qua đã có rất nhiều sinh viên của trường được các nhà tuyển dụng tuyên bố nhận vào làm việc ngay tại bàn bảo vệ luận văn, đồ án tốt nghiệp”, TS.Tùng cho biết.

Thực tế hiện nay, ngoài những yếu kém về kỹ năng, nhiều cử nhân còn rất yếu về ngoại ngữ - đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân thất nghiệp tăng nhanh trong 2 năm qua.

Để giải quyết vấn đề này, TS Tùng cho biết: “Nhà trường đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các sinh viên phải vượt qua môn tiếng Anh (trình độ B1) khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện để các em học thêm một ngoại ngữ tự chọn là tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, chỉ có kiến thức ngành thôi là chưa đủ, mà bắt buộc phải có trình độ ngoại ngữ thì các bạn trẻ mới sớm trưởng thành”.

Ngọc Quang