Lưng chừng núi, trẻ đến lớp trong co ro giá lạnh

25/01/2015 08:22
Xuân Hòa
(GDVN) - Nằm chót vót trên lưng chừng núi cao nhưng những học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 2 vẫn không đủ áo ấm mặc nên phải co ro khi mùa đông đến.

Phòng học bằng tranh tre nứa lá

Chúng tôi có mặt tại điểm trưởng lẻ Phà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vào những ngày đầu năm 2015 khi tiết trời đang giá rét. Thời tiết vùng cao này giá lạnh đến nỗi chúng tôi đã mặc áo ấm, đeo găng tay nhưng vẫn cảm thấy cái rét thấu xương. 

Nhưng vào phòng học, thấy số học sinh nơi đây có áo ấm rất ít. Số học sinh còn lại có áo ấm nhưng cũng rất ít em có giày, dép để đi. Những học sinh có áo ấm mặc nhưng không có áo mới để thay nên phải mặc lâu ngày đã cáu bẩn. Nhìn các em ngồi trong phòng học bằng tranh tre nứa lá đơn sơ co rúm ró lại mỗi khi có cơn gió lạnh ùa qua. Có em vì chỉ mặc chiếc áo sơ-mi mỏng nên bàn tay run lẩy bẩy khi cầm bút để viết. 

Hai điểm trường lẻ Phà Khốm và Huồi Luông là hai bản nằm cách xa nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 2. Đây là hai bản 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Đường lên hai điểm trường lẻ này cũng nằm trên cao sườn núi nên rất khó đi lại và nằm cách trung tâm xã Tri Lễ gần 20km.

Đời sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào một mùa làm rẫy và đi khai thác lâm sản phụ. Hiện cả 2 bản 100% hộ dân còn thuộc diện hộ nghèo cực kỳ khó khăn nên việc đi học của các em học sinh còn gặp nhiều thiếu thốn. Hiện điểm bản Phà Khốm có 74 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang theo học; điểm bản Huồi Luông có 18 em.

Phòng học tranh, tre tạm bợ tại điểm lẻ Phà Khốm, Trường tiểu học Tri Lễ 2 cùng với không có áo ấm nên các em học sinh nơi đây co ro trong gió rét ( ảnh LL)
Phòng học tranh, tre tạm bợ tại điểm lẻ Phà Khốm, Trường tiểu học Tri Lễ 2 cùng với không có áo ấm nên các em học sinh nơi đây co ro trong gió rét ( ảnh LL)

Đồng bào dân tộc H’Mông luôn sống trên những núi cao nên khí hậu cũng vô cùng khắc nghiệt. Nhất là khi mùa đông đến thời tiết nơi đây lạnh giá hơn so với vùng đồng bằng 2 đến 3 độ. Gió rét như vậy nhưng phòng học tại 2 điểm bản này vẫn chỉ được dựng bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ. Ngay cả nơi ở cho giáo viên cũng chỉ tuềnh toành bằng gỗ và tranh tre đã mục nát. Mỗi cơn gió lạnh đi qua, cái rét lại xuyên qua các vách nứa luồn vào các phòng học.

“Khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông gió rét buốt. Hiện hai điểm trường lẻ này vẫn đang là trường tranh tre nứa lá. Chúng tôi cũng đã mấy lần làm đơn để xin xây dựng phòng học mới để các em có nơi học tập khang trang hơn nhưng vẫn chưa được đồng ý”, thầy Lê Văn Lâm – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tri Lễ 2 cho biết.

Em học sinh tại điểm lẻ Phà Khốm không có áo ấm nên thầy giáo phải đưa ra đống lửa cạnh phòng học để sưởi ấm (ảnh LL)
Em học sinh tại điểm lẻ Phà Khốm không có áo ấm nên thầy giáo phải đưa ra đống lửa cạnh phòng học để sưởi ấm (ảnh LL)

Cũng vì đường đi lại khó khăn nên nhiều giáo viên nhà ở huyện Quế Phong nhưng cũng phải vài tháng mới về thăm nhà được một lần. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày tại nơi ở tại điểm trường các giáo viên nơi đây phải tận dụng thời gian nghỉ để trồng rau tăng gia thực phẩm.

Khó khăn là vậy nhưng với tình yêu nghề, thực hiện nhiệm vụ đưa “con chữ” đến cho học sinh đồng bào H’Mông các thầy, cô nơi đây vẫn khắc phục vượt qua mọi rào cản. Mỗi dòng chữ đến được với các em học sinh đồng bào H’Mông, thầy, cô nơi đây đã phải bỏ qua những thiệt thòi của cá nhân mình.

Học sinh thiếu áo ấm giáo viên phải đốt lửa sưởi ấm cho học sinh

Để đưa được “con chữ” đến với các em nơi đây các thầy, cô giáo phải có tình yêu học trò thiết tha. Do bố mẹ các em học sinh thường xuyên ở trên nương rẫy, trong rừng nên hầu hết các em đều phải tự lo cho mình và cả em út của mình. 

Các năm trước, đến mùa rẫy các giáo viên còn phải lên tận rẫy để khuyến khích động viên phụ huynh cho các em về đi học. Nay người dân đã hiểu tầm quan trọng của việc học nên đã cho các em đến trường. Nhưng trong điều kiện các em ăn chưa đủ no thì việc áo ấm khi đông đến quả là một khó khăn.

Do nhiều em không có áo ấm nên những ngày giá rét các thầy, cô giáo lại phải đốt các đống lửa cạnh phòng học để các em sưởi ấm (ảnh LL)
Do nhiều em không có áo ấm nên những ngày giá rét các thầy, cô giáo lại phải đốt các đống lửa cạnh phòng học để các em sưởi ấm (ảnh LL)

Mặc dù thời tiết lạnh giá như thời gian qua nhưng nhiều em học sinh đi học chỉ có manh áo mỏng manh đã cáu bẩn. Những đôi chân trần không có giày, dép để đi trong tiết trời khắc nghiệt. Cộng với đó phòng học đơn sơ bằng tranh tre nứa lá khiến gió lạnh luồn vào xuyên vào da thịt các em học sinh.

Nhìn dáng người co ro chịu lạnh của các em, các thầy, cô giáo nơi đây chỉ còn cách đốt các đống lửa cạnh phòng học sưởi ấm cho các em. Nhìn những dáng người nhỏ bé, gầy guộc của các em học sinh co ro vì giá lạnh, ai cũng xót xa.

Các em học sinh tại điểm lẻ Phà Khốm vẫn đang phải học trong những phòng học tạm bợ, tranh tre nứa lá (ảnh LL)
Các em học sinh tại điểm lẻ Phà Khốm vẫn đang phải học trong những phòng học tạm bợ, tranh tre nứa lá (ảnh LL)

Để các em khỏi lạnh, nhiều giáo viên nơi đây khi về nhà đã vận động người thân ủng hộ áo ấm cũ để mang lên cho các em. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng mang áo ấm, chăn ấm ủng hộ các em. Hình ảnh một thầy giáo dắt một bé trai đang học tại điểm trường Phà Khốm ra đống lửa để sưởi ấm vì em không có áo ấm để mặc ai cũng xót xa. Mặc dù đã ngồi cạnh đống lửa nhưng cái rét thấu xương nơi miền viễn biên nên em trai đó vẫn co ro không đứng thẳng nổi. 

“Cuộc sống của các em nơi đây còn quá nhiều khó khăn, khi mùa đông đến nhiều em không có áo ấm, giày dép để đi trông thương lắm. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để quyên góp các em có áo ấm, giày dép để đi. Nhưng số lượng cũng đang có hạn mong rằng sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm giúp đỡ hơn nữa để các em không còn chịu lạnh khi mùa đông đến”, thầy Lâm bùi ngùi cho biết.

Xuân Hòa