Lương cô nhận đủ, sao lại cắt tiết dạy, không bù trả học sinh?

22/09/2016 10:23
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Lương của giáo viên Nhà nước, nhân dân nộp không thiếu nhưng sao giáo viên lại muốn cắt xén tiết dạy của học sinh, không muốn dạy bù?

LTS: Năm học mới đã bắt đầu. Và như mọi khi, do có nhiều việc đan xen nên ảnh hưởng đến giờ học của học sinh.

Nhiều lúc, cô giáo phải cắt xén bớt tiết dạy, thậm chí vì việc riêng mà làm thế, nhưng sau đó lại không dạy bù khiến học sinh thiệt thòi.

Chuyện nhỏ mà không nhỏ này được thầy Đỗ Tấn Ngọc nêu ra trong bài viết này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Việc dạy bù, dạy thay tưởng là một việc đơn giản nhưng thực tế lại nảy sinh không ít khó khăn do nhận thức của một số giáo viên.

Dạy bù, dạy thay là những công việc mang tính chất đột xuất, nằm ngoài kế hoạch chung thường xuyên diễn ra trong các trường học hiện nay; nhất là trong các dịp nghỉ lễ giáo viên thường xin nghỉ ốm, đau, hiếu hỷ…

Lương cô nhận đủ, sao lại cắt tiết dạy, không bù trả học sinh? ảnh 1
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Do giáo viên chưa nắm đầy đủ các quy định của Nhà nước, cách giải thích của nhà trường lại thiếu rõ ràng, thuyết phục nên lâu nay một bộ phận không nhỏ giáo viên luôn có sự ngộ nhận, hiểu lệch lạc về vấn đề này.

Thậm chí có người còn cho rằng nhà trường chèn ép, bóc lột sức lao động nhà giáo.  Một số giáo viên ở các trường, địa phương thường có tư tưởng chán nản, không mấy hứng thú sau khi nghỉ lễ thì phải dạy bù.

Vì giáo viên hay có sự suy nghĩ, so sánh với các ngành nghề khác, tại sao họ cũng giống như mình (làm công chức, viên chức) những ngày lễ theo quy định của Nhà nước họ được nghỉ trọn vẹn, chẳng phải làm bù, còn mình thì không, nghỉ lễ trúng ngày bình thường trong tuần, nếu thời khóa biểu có tiết, phải dạy bù cho đủ.

Sự thật, công việc ở những ngành nghề khác không đơn giản như giáo viên hay suy nghĩ và so sánh. Họ làm việc theo giờ hành chính, mỗi bộ phận được giao một khối lượng công việc nhất định.

Lương cô nhận đủ, sao lại cắt tiết dạy, không bù trả học sinh? ảnh 2

Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi?

Trúng ngày nghỉ lễ, để đảm bảo khối lượng công việc được giao, nhiều cơ quan, nhân viên phải làm bù, làm thêm giờ, có những buổi đến tối muộn mới về.

Còn hoạt động, công việc của nhà giáo có tính chất đặc thù của lĩnh vực sự nghiệp.

Theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 21/10/2009, trong đó nói rất cụ thể về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn).

Mọi nhà trường, giáo viên nếu chịu khó đọc kỹ Thông tư cũng như Điều lệ nhà trường phổ thông thì biết và hiểu ngay công việc, trách nhiệm của mình làm.

Giáo viên mong muốn những ngày nghỉ lễ được nghỉ trọn vẹn, mà không phải dạy bù thì nếu các ngày nghỉ đó trúng ngày bình thường làm sao đảm bảo nội dung kiến thức cho học sinh đây?

Việc các nhà trường tổ chức dạy bù cho các học sinh là hoàn toàn hợp lý. Ngay cả các văn bản chỉ đạo của các Sở, Phòng Giáo dục cũng đề cập rất cụ thể tình huống này.

Nếu nghỉ lễ, mất tiết thì nhà trường, giáo viên phải dạy bù. Có người nói, nếu giáo viên nào chưa hiểu thấu chuyện nghỉ lễ, dạy bù, hay đi so đo, tranh cãi thì cần phải xem lại trách nhiệm nhà giáo của các vị đó.

Lương của giáo viên Nhà nước, nhân dân nộp không thiếu nhưng sao giáo viên lại muốn cắt xén tiết dạy của học sinh, không muốn dạy bù?

Theo quy định, giáo viên dạy thừa tiết, đến cuối học kỳ được tính tiền thừa tiết (trong giới hạn 200 tiết/ năm). Còn trường hợp giáo viên thiếu tiết theo quy định tiết chuẩn từng cấp học (do giáo viên dư thừa, ốm đau, vợ nghỉ hộ sản; theo Luật bảo hiểm xã hội…) thì Hiệu trưởng nhà trường có thể phân công, bố trí giáo viên ấy làm những công việc khác phù hợp với năng lực, chuyên môn.

Có giáo viên đến lớp, ngồi nguyên trên bục giảng, chờ trống hết tiết thì bước ra

Nếu giáo viên nghỉ từ một tiết đến nhiều ngày thì nhà trường, tổ chuyên môn phân công người dạy thay, lấp giờ; những tiết dạy đó được tính cho người dạy thay.

Quy định và thực hiện như vậy là phù hợp và công bằng với tất cả mọi người.

Thực tế có một số giáo viên bây giờ rất lười, ngại đi dạy thay đồng nghiệp, vì giáo viên dư thừa, có dạy thay đến mấy chục tiết cũng chỉ đủ tiết chuẩn, hiếm có chuyện dư tiết để được tính thừa giờ.

Việc dạy thay, dạy bù trở nên nhẹ nhàng, bình thường hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý, thuyết phục của Ban giám hiệu.

Học trò tiểu học. Ảnh minh họa từ vietnamnet.vn
Học trò tiểu học. Ảnh minh họa từ vietnamnet.vn

Dùng biện pháp quản lý, tâm lý mà không thay đổi, tiếp tục chây lười, gây khó cho đồng nghiệp, nhà trường thì Ban giám hiệu có cách xử lý theo quy định… 

Chúng tôi cho rằng, dạy thay, dạy bù vừa là nhiệm vụ, vừa là hành động giúp đỡ đồng nghiệp mình. Ở đây hoàn toàn không có chuyện chèn ép, bóc lột người lao động.

Điều quan trọng, Ban giám hiệu nhà trường cần đọc kỹ các văn bản, quy định có liên quan, trong họp hội đồng, họp tổ chuyên môn cần dành thời gian triển khai, quán triệt một cách đầy đủ, cụ thể để mọi giáo viên hiểu, nắm và thực hiện nghiêm túc, tránh trạng ngộ nhận về chủ trương, quy định của Nhà nước, của ngành.  

Đỗ Tấn Ngọc