Lý do để cấu trúc đề thi quốc gia cần có hai phần rõ ràng

06/05/2015 06:43
Xuân Trung
(GDVN) - “Nếu chúng ta làm theo phương án trộn lẫn thì sẽ dẫn tới một tình huống số đông học sinh sẽ bị điểm rất thấp” TS Võ Thế Quân cho biết.

Viết tiếp bài “Nước rút thi quốc gia, một hiệu trưởng đề nghị thay đổi cấu trúc đề thi”, TS. Võ Thế Quân – hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) đã có những chia sẻ, bày tỏ sự cần thiết phải thay đổi cấu trúc đề thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

TS. Võ Thế Quân cho rằng, trước khi có Công văn của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) về công bố các đề thi mẫu, bản thân TS. Quân đã hình dung rằng nếu đề thi quốc gia được tiến hành theo phương án hiện tại thì sẽ xảy ra những khả năng gì?

Theo kinh nghiệm của TS. Quân sẽ có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, đề thi sẽ có phần liên quan tới thi tốt nghiệp và phần liên quan tới thi đại học, như vậy sẽ có hai đề con trong một đề chung. Khả năng thứ hai là trộn lẫn hai phần liên quan lại với nhau thành một đề tổng thể.

Lý do để cấu trúc đề thi quốc gia cần có hai phần rõ ràng ảnh 1

Ảnh minh họa của Xuân Trung

Đề thi đã công bố vừa qua là phương án trộn lẫn hai phần trên lại với nhau, mặc dù việc trộn lẫn này không ảnh hưởng gì lớn tới thí sinh. Nhưng theo TS. Quân khi đề thi cho học sinh làm thật thì mới nảy sinh vấn đề: không phải em nào cũng học giỏi, trong khi đó mục đích đầu tiên của các em là tốt nghiệp THPT và sau đó mới nghĩ tới vào đại học.

Ở câu chuyện này TS.Quân không nói tới học sinh giỏi, nhưng học sinh trung bình ở kỳ thi này chiếm đa số. Muốn làm được hiệu quả thì các em phải phân biệt được câu nào dễ, câu nào khó, câu dễ làm trước, khó làm sau.

Nếu theo phương án mà Bộ GD&ĐT công bố như đề thi mẫu vừa qua thì học sinh không thể phân biệt được câu nào dễ nhất để làm được ngay và câu nào khó để làm sau, học sinh phải ngồi “lần mò” đề ra để làm lần lượt.

Theo TS. Võ Thế Quân, như vậy tổng thời gian để giải quyết một đề là rất chậm. Với những em mà nhu cầu chỉ để tốt nghiệp cũng phải chịu cảnh chung là vướng vào câu khó của bậc đại học thì không thể giải quyết được. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh có nhu cầu chỉ để tốt nghiệp không phải là ít.

Lý do để cấu trúc đề thi quốc gia cần có hai phần rõ ràng ảnh 2

Nước rút thi quốc gia, một hiệu trưởng đề nghị thay đổi cấu trúc đề thi

(GDVN) - Chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, hơn 1 triệu học sinh cả nước đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.

“Nếu chúng ta làm theo phương án trộn lẫn thì sẽ dẫn tới một tình huống số đông học sinh sẽ bị điểm rất thấp. Như vậy khả năng tốt nghiệp bị ảnh hưởng, chúng tôi lo cho tỷ lệ tốt nghiệp chung bị ảnh hưởng ở kỳ thi này.

Những năm trước con số tốt nghiệp thường trên 90%, tuy rằng chưa phản ánh hết nhưng ví dụ năm nay chỉ còn tỉ lệ 70% tốt nghiệp, thì đây không còn là vấn đề tính nghiêm túc hay là chất lượng của kỳ thi, mà thành một vấn đề xã hội, và đặt trong bối cảnh mới” TS. Võ Thế Quân nhấn mạnh.

Do đó, theo TS. Quân, việc xây dựng bộ nguồn cho cấu trúc đề thi làm sao cho hợp lí để phù hợp với từng đối tượng học sinh (có ba đối tượng dự thi: Đối tượng thí sinh dự thi chỉ để tốt nghiệp, đối tượng đã tốt nghiệp và muốn vào đại học, cao đẳng và đối tượng học sinh năm nay đang học lớp 12 vừa có nhu cầu tốt nghiệp, vừa có nhu cầu vào đại học) là rất cần thiết.

Do đó, có 3 đối tượng dự thi và việc cần làm là phân biệt cấu trúc đề thi để đáp ứng được cho ba đối tượng này.

“Theo phương án của chúng tôi thì cả ba đối tượng này sẽ phù hợp hơn và kết quả kỳ thi sẽ phản ánh đúng hơn với tình hình học tập của học sinh. Ở đây là giải quyết được vấn đề kĩ thuật mà nếu theo phương án của Bộ GD&ĐT thì học sinh sẽ bị rối” TS. Quân cho hay.

TS. Võ Thế Quân cũng cho rằng, phương án này cũng là đúng quy chế và thậm chí  vận dụng sát hơn với quy chế hiện hành.

Bên cạnh đó, tính khả thi của phương án này như các công tác hậu sau thi: chấm thi, quản lí thi, xử lí kết quả thi sẽ được tiến hành nhanh hơn. Vì trong bài làm của thí sinh với những em có nhu cầu chỉ để tốt nghiệp thì giám thị không cần chấm phần dành cho để vào đại học.

Ngược lại, các trường đại học cũng chỉ chấm đúng phần dành cho bậc đại học. Việc thay đổi ở đây theo TS. Quân chỉ là sắp xếp lại hệ thống câu hỏi trong đề thi cho phù hợp, còn bản chất không thay đổi.

“Về mặt kĩ thuật không có gì phức tạp, vẫn đảm bảo đúng chỉ đạo của Bộ” TS. Quân nói.

Trước câu hỏi liệu có ngại chuyện xã hội đánh giá những thay đổi có tính gấp gáp của Bộ GD&ĐT liên quan tới kỳ thi, vì thực thời gian không còn nhiều? TS. Võ Thế Quân cho biết, vấn đề ở đây là tính hiệu quả cuối cùng.

TS. Quân cũng đưa ra bài học 60 năm trước để minh chứng cho sự cần thiết thay đổi có hướng tích cực này, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc vẫn còn nguyên vẹn giá trị lịch sử.

Quyết định sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thời điểm gần đến giờ nổ súng đã đưa Đại tướng trở thành vị tướng huyền thoại, một danh tướng của dân tộc và của thế giới.

Đó là quyết định lịch sử đưa tới chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, làm thay đổi dòng chảy của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Bản lĩnh và tài trí của người cầm quân thể hiện ở giờ phút gay go nhất, quyết định nhất tới sự thành bại của từng trận đánh và cả chiến dịch.

“Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là Tư lệnh ngành GD&ĐT, tổng công trình sư của sự nghiệp đổi mới GD&ĐT theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương khóa XI chắc chắn sẽ có quyết định phù hợp để đảm bảo sự thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trận đột phá thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay” TS. Quân tin tưởng.

Xuân Trung