Mô hình lớp chọn, có “lợi bất cập hại” hay không?

17/08/2017 07:00
HỮU SƠN
(GDVN) - "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", việc đưa các em học yếu vào một lớp có khác nào nhuộm đen các em còn chưa đen hẳn. Có "đèn" nào "sáng" để cho các em gần?

LTS: Phản ánh những tâm lý chung của rất nhiều thầy cô với mong muốn được Ban Giám hiệu lựa chọn, phân công mình tham gia vào công tác chủ nhiệm và giảng dạy tại các lớp chọn. 

Là một thầy giáo ở bậc Trung học phổ thông với 21 năm gắn bó với nghề, từng được Ban Giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm và giảng dạy ở những lớp chọn trong nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình thầy giáo Hữu Sơn chỉ ra những vấn đề của mô hình lớp chọn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hầu hết, trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên phạm vi cả nước hiện nay rất chuộng mô hình lớp chọn (lớp mũi nhọn, đầu khối lớp). 

Đối với học sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) thì căn cứ vào điểm học bạ, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm kiểm tra khảo sát đầu năm qua một số bộ môn chính như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển chọn. 

Tất nhiên, các em có kết quả điểm cao nhất, tốt nhất thì sẽ được sắp xếp vào lớp chọn (có trường mỗi khối, lấy từ 2 tới 3 lớp). 

Đối với học sinh ở các lớp khác, sẽ sàng lọc qua từng năm học, em nào học tốt, trụ được thì tiếp tục giữ, còn những em học sa sút, không chịu nổi thì cho về các lớp bình thường, tuyển những học sinh ưu tú nhất của các lớp bình thường vào lớp chọn.

Mô hình lớp chọn tại một số trường hiện nay đang rất phổ biến (Ảnh nguồn: tintucthpt.com)
Mô hình lớp chọn tại một số trường hiện nay đang rất phổ biến (Ảnh nguồn: tintucthpt.com)

Mục đích chính của các nhà trường phổ thông, khi hình thành và duy trì mô hình lớp chọn không gì khác là để “luyện gà”, lấy thành tích cao cho nhà trường trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, đỗ điểm cao vào các trường đại học danh tiếng.

Bên cạnh đó, rất nhiều thầy cô giáo đều mong muốn được Ban Giám hiệu lựa chọn, phân công mình được làm chủ nhiệm và giảng dạy các lớp chọn. Bởi: 

Thứ nhất, lớp đó toàn học sinh học khá, giỏi, lại ngoan ngoãn nên việc quản lý, dạy học rất thoải mái, nhẹ nhàng, chỉ cần nói qua, giảng giải sơ sơ là các em đã hiểu, làm được bài ngay. 

Thứ hai, giáo viên được dạy ở lớp chọn cũng cảm thấy mình thật hãnh diện, đáng tự hào khiến các giáo viên khác (chưa hoặc không được dạy) phải ngưỡng mộ, trọng vọng hơn, thậm chí ganh  tị. 

Thứ ba, dạy ở những lớp chọn, hình ảnh, tiếng tăm của thầy, cô được nhiều học sinh trong trường biết đến hơn, nhờ đó mà các lớp, các suất dạy học thêm của họ trở nên đông đảo, đắt sô hơn nhiều, đem lại lợi ích kinh tế, thu nhập khá cao. 

Nhiều lãnh đạo nhà trường đánh giá, duy trì mô hình lớp chọn này là một cách tốt để tất cả thầy cô giáo có động lực thi đua, phấn đấu trong công tác chuyên môn và các công việc khác, vì tiêu chuẩn để được lựa chọn, phân công dạy các lớp chọn phải là các giáo viên cốt cán, có chuyên môn tốt.

Còn học sinh, các bậc phụ huynh thì không có gì tự hào, hãnh diện và phấn khởi hơn khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn được vào các lớp chọn. Có một số trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn, phụ huynh lại tìm mọi cách nhờ vả, xin xỏ… nhà trường, thầy cô giáo. 

Mô hình lớp chọn, có “lợi bất cập hại” hay không? ảnh 2

Con tôi ngày càng học yếu hơn khi vào lớp chọn

Bởi lẽ, luôn có suy nghĩ rằng, lớp chọn là môi trường tốt nhất để con em mình thi thố, cạnh tranh nhau học tập, đem về nhiều thành tích, kết quả cao cho bản thân, gia đình, nhà trường. 

Thực tế cho thấy, nhiều em đã thích nghi và phát huy tốt khả năng học tập của mình ở môi trường lớp chọn. Song cũng có không ít em bị đuối sức, chịu áp lực, căng thẳng lớn trước một môi trường chỉ có học và học, thi và thi với tâm thế cạnh tranh, ganh đua nhau quyết liệt. 

Một hệ lụy khác, khi dồn, lựa hết các em tốt, học giỏi vào những lớp chọn rồi, còn những lớp khác, toàn những học sinh bình thường, học sinh học yếu thì biết dựa vào đâu để gánh vác, san sẻ, hỗ trợ? 

Mặt khác, các thầy cô giáo chủ nhiệm và giảng dạy các lớp bình thường, lớp yếu kém sẽ phải chịu nhiều vất vả, cực nhọc và áp lực. 

Bất công, mâu thuẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong nội bộ hội đồng sư phạm nhà trường: khi người dạy lớp chọn nhận đủ cái sướng, khi người dạy lớp bình thường, lớp yếu lĩnh đủ cái cực khổ.  

Trong Chủ đề số 6 của Trường Teen trên VTV7 “Học sinh xuất sắc có nên được giảng dạy riêng?” Đội của bạn Thu Hà đến từ trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Thành phố Hà Nội) đưa những ý kiến phản biện đáng chú ý:   

"Việc phân loại, dạy riêng học sinh là không công bằng, bởi ai cũng có những khả năng riêng của mình. Những học sinh có khả năng tiếp thu kiến thức chậm, kém hơn thì lại càng cần những giáo viên giỏi để truyền cảm hứng cho họ.

Mô hình lớp chọn, có “lợi bất cập hại” hay không? ảnh 3

Lịch sử trường chuyên, lớp chọn và yêu cầu bức thiết phải "khai tử" ngay bây giờ

Cần giữ nguyên lớp học chung, không phân cấp, và để những học sinh xuất sắc làm trợ giảng cho giáo viên, giúp những học sinh khác học tập tốt hơn, bởi không có cách học tập nào tốt hơn việc giải thích lại những gì mình học được cho người khác.

Từ đó cũng giúp xây dựng một xã hội tôn trọng, văn minh và hợp tác với nhau", Đội của bạn Thu Hà đưa ra đề xuất.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn nguyên văn ý kiến của nhà giáo Xuân Vy đăng ở mục thảo luận trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 13/8) như sau:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm thành lập lớp chọn. Nhưng hầu hết các hiệu trưởng phớt lờ vì đây là biện pháp kích thích học thêm rất hiệu quả. Ban đầu tôi cũng ủng hộ chọn lớp. Nhưng về sau tôi mới thấy mình sai lầm. Chọn lớp là phản giáo dục, là "lợi bất cập hại". 

Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", việc đưa các em học yếu vào một lớp có khác nào nhuộm đen các em còn chưa đen hẳn. Có "đèn" nào "sáng" để cho các em gần? Tất cả các em trong lớp chìm trong "đen" và ngày càng "đen" hơn. 

Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc cho những học sinh ở những lớp "đen" này, đã bao lần tôi bày tỏ, nhưng mấy ai hiểu được hoặc họ cố tình không hiểu”.

HỮU SƠN