Mô hình trường học mới sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam

28/05/2016 06:04
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Ông Đặng Tự Ân chia sẻ, mô hình trường học mới đang phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh trong quá trình giáo dục.

LTS: Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Chuyên gia trưởng dự án mô hình "trường học mới (VNEN)" cho biết, mô hình này đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong hoạt động dạy và học.

Hầu hết giáo viên đã dạy theo mô hình trường học mới khẳng định đây là mô hình học tập phù hợp với học sinh.

Học sinh được giáo dục toàn diện, không còn nặng về kiến thức

Dự án mô hình "trường học mới" đã được áp dụng trên khắp cả nước đã đạt được những kết quả gì cụ thể thưa ông?

Ông Đặng Tự Ân: Dự án mô hình trường học mới hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy-học. Đã từ lâu, giáo dục đã đặt ra phải đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của các em trong quá trình dạy học và quá trình giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế các trường làm được chưa nhiều, ít hiệu quả. Trong mô hình trường học mới, do biết sáng tạo thiết kế tài liệu hướng dẫn học, được gọi là tài liệu 3 trong 1, đã tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy triệt để hơn, rộng rãi hơn trong tất cả các trường tiểu học.

Hầu hết giáo viên đã hiểu và biết áp dụng phương pháp dạy học mới; biết chuyển từ hoạt động dạy học là chủ yếu sang tổ chức cho học sinh tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức, theo tài liệu hướng dẫn học và  dưới hình thức học cá nhân, học theo cặp và học theo học nhóm.

Các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp giáo dục sáng tạo nhằm phát triển các kỹ năng sống và các kỹ năng xã hội cho học sinh. Tất cả các trường lớp trong mô hình trường học mới có bước phát triển mới và hiệu quả mà mọi người dễ nhận thấy là sự trưởng thành, thay đổi nhanh chóng của học sinh. Các em tự tin, mạnh dạn giao tiếp ở trường cũng như ở nhà, nhất là học sinh vùng dân tộc.

Hội đồng tự quản và các công cụ hỗ trợ  học tập trong lớp học thực sự góp phần đáng kể vào sự thay đổi nhà trường. Qua kiểm tra thực tế, ở các trường đã chú ý và chủ động hơn trong giáo dục toàn diện học sinh, giáo viên không còn quan tâm, năng dạy chữ như mô hình truyền thống.

Giáo viên không giảng bài mà chủ động hướng dẫn hỗ trợ cho học sinh tự học, nên trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên có nhiều thời gian và cơ hội quan sát và đánh giá kịp thời quá trình học tập của các em.

Cũng xin lưu ý rằng, chất lượng học tập theo mô hình mới phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của đội ngũ giáo viên, do đó Hiệu trưởng các trường đã duy trì sịnh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường thường xuyên và có hiệu quả. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chính là tổ chức bồi dưỡng chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

Bên cạnh đó, các trường cũng phải tạo sự gắn kết với cha mẹ học sinh để hỗ trợ nhà trường, đồng thời mang kiến thức thực tiễn ứng dụng vào những hoạt động cụ thể tại gia đình.

Ông Đặng Tự Ân chia sẻ, mô hình trường học mới (VNEN) giúp học sinh hoàn toàn chủ động, tự tin trong học tập. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Đặng Tự Ân chia sẻ, mô hình trường học mới (VNEN) giúp học sinh hoàn toàn chủ động, tự tin trong học tập. ảnh: Ngọc Quang.

Lâu nay nhiều người băn khoăn lo lắng về một nền giáo dục quá nặng về kiến thức, nhưng học sinh lại yếu về kỹ năng, thiếu tự tin khi hòa nhập với đời sống xã hội. Vậy mô hình trường học mới có giải quyết được vấn đề này không, thưa ông?

Ông Đặng Tự Ân: Đó là nhận định đúng và tồn tại từ lâu nhưng trong mô hình truyền thống vẫn chưa làm được hoặc có làm nhưng không bền vững.

Tuy mô hình mới triển khai được 5 năm học (kể cả năm học đầu tiên 2011-2012 thực hiện thí điểm), nhưng đã có những kết quả và tín hiệu về khả năng giải quyết được một phần bức xúc của giáo dục.

Cái chính là mô hình biết đưa ra và kiên trì theo đuổi các biện pháp giáo dục mang tính đặc trưng của mô hình trường học mới.

Mô hình trường học mới sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam ảnh 2

Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân

Trước hết, mục tiêu học sinh phải nắm được chuẩn kiến thức và kỹ năng của môn học, tiếp tục phải được duy trì tốt hơn trong mô hình trường học mới.

Nhưng cái cách mà học sinh tiếp nhận kiến thức đã thay đổi về chất. Các em không phải học theo cách thụ động, theo kiểu như tiếp nhận thông tin qua máy phát của giáo viên.

Học sinh trong mô hình được học nội dung như sách giáo khoa như ở các lớp truyền thống, nhưng các em phải tự học, tự trải nghiệm, tự kiến tạo kiến thức cho bản thân.

Phương pháp học, phương pháp tư duy này đã được thiết kế dưới dạng các hoạt động và được giáo viên điều chỉnh cho phù hợp trong tài liệu hướng dẫn học cho học sinh. Học qua trải nghiệm, qua thực tế và kinh nghiệm của bản thân là cách học của mô hình trường học mới.

Hoạt động khởi động đầu giờ là hoạt động trải nghiệm. Hoạt động ngoài giờ, đi thực tế cũng là những hoạt động trải nghiệm đầy sáng tạo. Sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ học cá nhân là tiếp đến quy trình học theo cặp, theo nhóm.

Giai đoạn này có khả năng và điều kiện tốt nhất để phát triển các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, diễn đạt, tính tự tin, tự chủ, nhân ái. . .  cho học sinh.

Hội đồng tự quả học sinh, là tổ chức của học sinh, do học sinh thành lập và trở lại phục vụ chính cho quyền lợi học tập và phát triển của các em. Có hàng vạn hội đồng tự quản ở các lớp, được hoạt động theo tính chất của hội đồng và với cơ chế lãnh đạo là Chủ tịch hội đồng.

Hội đồng tự quản được hoạt động dân chủ và tự nguyện, giúp cho các em làm quen và được sống trong xã hội thu nhỏ, được tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được tự tổ chức trong các hoạt động học tập của mình.

Học sinh đi học hồ hởi, phấn khởi và thoải mái; Học sinh chững chạc, tự tin trong giao tiếp, kỹ năng sống có nhiều tiến bộ;Tính tự giác, tính tự quản cao hơn; Học sinh hiểu rõ hơn về cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. . . là những biểu hiện phổ biến, quen thuộc ở các trường có áp dụng mô hình Trường học mới.

Bà Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, với cơ sở vật chất hiện đại và chỉ có 30 học sinh/lớp nên việc áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn. ảnh: Ngọc Quang.
Bà Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, với cơ sở vật chất hiện đại và chỉ có 30 học sinh/lớp nên việc áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn. ảnh: Ngọc Quang.

 Giáo viên "vất vả", nhưng học sinh sẽ trưởng thành hơn

Thực tế cho thấy ở hầu hết các trường công lập, nhất là tại Thủ đô Hà Nội sĩ số nhiều lớp lên tới 50 – 60 học sinh. Vậy kết quả áp dụng mô hình Trường học mới rất khó đạt yêu cầu đề ra thưa ông? Và cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Đặng Tự Ân: Thực tế thấy rằng, điều kiện khó khăn, năng lực giáo viên hạn chế thì dù mô hình có tốt tới đâu, thì hiệu quả của nó cũng chỉ đạt được tới một giới hạn nhất định.

Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, nếu có đam mê, biết linh hoạt và sáng tạo thì mỗi nhà trường mỗi giáo viên đều có thể mang lại những hạnh phúc đáng kể cho công việc của mình cũng như cho mỗi học sinh.

Ngoài các điều kiện về nhận thức, năng lực của giáo viên, học cả ngày, bàn ghế đạt chuẩn, yếu tố sĩ số học sinh trong mỗi lớp có quyết định rất lớn tới đổi mới phương pháp và khả năng áp dụng thành công mô hình Trường học mới.

Mô hình trường học mới sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam ảnh 4

TS.Nguyễn Văn Khải: "Tiến sĩ dởm vào hùa với nhau là thảm họa cho dân tộc"

Hiện nay bình quân trên cả nước, tỷ lệ học sinh/lớp là khoảng 24-25 học sinh. Do đó, sĩ số học sinh nhiều vượt theo chuẩn quy định của Bộ (ở thành phố, thị xã lớn là 35 học sinh và các vùng nông thôn, miền núi là 30 học sinh một lớp ) chủ yếu là ở các thành phố, các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngay tại thành phố Hà Nội, thì số học sinh bình quân của cả thành phố trong mỗi lớp cũng đảm bảo theo chuẩn quy định chung.

Như vậy, học sinh đông trong mỗi lớp mang tính cục bộ, xảy ra ở một số địa phương, một số số vùng có tính đặc thù. Ngoài việc cần phải có kế hoạch trung hạn và ngắn hạn để giảm sĩ số học sinh trong lớp theo chuẩn của Bộ, nhiều địa phương vẫn có thể vận dụng linh hoạt theo điều kiện khó khăn của riêng mình để áp dụng mô hình trường học mới.

Chẳng hạn, học sinh không ngồi học theo nhóm, nhưng các em vẫn được học cá nhân, tự học theo tài liệu hướng dẫn học, sau đó các em học theo cặp với bạn ngồi liền kề để phát triển các kỹ năng hay các năng lực khác của mô hình.

Đặc biệt, các biện pháp giúp các em phát triển trở thành con người của bản thân và con người của xã hội, như Hội đồng tự quả học sinh, các góc công cụ hỗ học tập, các thư viện ngoài trời...  vẫn có thể thành công ở một mức độ nào đó khi áp dụng mô hình.

Sự khó khăn, thiếu hụt về điều kiện vật chất ở các thành phố, thị xã  lớn theo tôi nghĩ chỉ là nhất thời, quá độ cho giai đoạn phát triển mới, thuận lợi hơn mà không thể là rào cản quá lớn, không vượt qua cho các trường mong muốn áp dụng mô hình trường học mới.

Giáo viên ở một số địa phương nói rằng mô hình "trường học mới" khiến cho họ vất vả hơn, kết quả học tập của học sinh cũng chưa thật tốt hơn. Qua kiểm tra thực tế ông có gặp những ý kiến như vậy không?

Ông Đặng Tự Ân: Dạy học trong các lớp mô hình trường học mới có vất vả và công tác quản lý của Hiệu trưởng cũng phải đổi mới và vất vả hơn. Đó là thực tế. Tuy nhiên, chúng ta phải phân tích và nhìn nhận sự vất vả ở các khía cạnh sau:

Dạy học trong mô hình trường học mới là dạy học theo phương đổi mới, giáo viên chưa quen, chưa thành kỹ năng, kỹ xảo nên chắc chắn là có khó khăn, vất vả so với khi dạy học theo cách cũ, quen thuộc của mô hình truyền thống.

Theo phương pháp dạy học cũ, giáo viên chủ yếu thuyết giảng, nói theo sự chuẩn bị có sẵn trong giáo án của mình. Đối với dạy ở mô hình trường học mới, giáo viên phải nắm chắc nội dung bài học, hiểu rất kỹ lưỡng các hướng dẫn hoạt động tự học của học sinh, có như vậy giáo viên mới chủ động hướng dẫn, hỗ trợ học sinh khi các em có yêu cầu giúp đỡ.

Như vậy, sự vất vả của giáo viên xuất phát từ sự đổi mới giáo dục, từ mục tiêu mong muốn học sinh được học tập tốt hơn, phát triển phẩm chất năng lực hài hòa hơn.

Có thể nói, sự vất vả của giáo viên được đổi bằng sự trưởng thành của mỗi học sinh, theo định hướng: tất cả vì học sinh thân yêu.

Nhiều giáo viên dạy trong mô hình đã từng nói với chúng tôi, bây giờ dạy học nó ý nghĩa hơn, mang lại sự sáng tạo, trưởng thành thực sự cho chính bản thân mình.

Chắc chắn rằng, sự vất vả của giáo viên sẽ được giảm dần theo năm tháng, khi mà mỗi giáo viên được trưởng thành, tinh thông nghề nghiệp trong mô hình Trường học mới, khi mà chính mô hình này lại trở thành mô hình trường học cũ, mô hình truyền thống.

Sự vất vả của giáo viên, nên so với cái gì? Phải chăng trong mô hình cũ, giáo viên chưa làm hết nhiệm vụ được giao, chưa hết lòng, chăm lo và chưa biết cách để các em được phát triển nhân cách hài hòa.

Đôi khi sự vất vả lại được thay bằng sự nhàn hạ, nhưng vốn rất hình thức trước kia, như không phải soạn, phải chép giáo án, không phải nói nhiều, mất thời gian ổn định trật tự lớp học như dạy ở mô hình truyền thống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)