Một Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên bị tố có nhiều sai phạm

09/05/2014 09:01
Xuân Trung
(GDVN)- Theo nội dung phản ánh, ông Nguyễn Văn Khánh – GĐ Trung tâm GDTX Q. Hai Bà Trưng (Hà Nội) không dạy suốt 3 năm nhưng vẫn hưởng 30% phụ cấp đứng lớp.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nội dung phản ánh của một giáo viên (đề nghị được giấu tên) tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) Q. Hai Bà Trưng (Hà Nội), phản ánh nhiều hành vi sai phạm có liên quan tới Giám đốc Nguyễn Văn Khánh. 

Theo phản ánh, từ khi ông Khánh về Trung tâm (năm 2011) phụ trách quản lý chung nhà trường, đúng quy định ông Khánh phải có thời gian trực tiếp đứng lớp mới được hưởng phụ cấp đứng lớp là 30% (Theo Quyết định số 244/2004 của Chính phủ ngày 6/10/2005 về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập).

Theo phản ánh, giáo viên Ngữ văn Trung tâm GDTX Q. Hai Bà Trưng có cho học sinh làm bài kiểm tra nhưng không chấm điểm.
Theo phản ánh, giáo viên Ngữ văn Trung tâm GDTX Q. Hai Bà Trưng có cho học sinh làm bài kiểm tra nhưng không chấm điểm.

Tuy nhiên, trong thời khóa biểu nhà trường trước đó không thể hiện ông Khánh có đứng lớp hay không, nhưng đã qua nhiều học kỳ thực tế ông Khánh vẫn được hưởng 30% phụ cấp này, với hệ số lương hiện tại là 4,46 và cộng thêm 30% phụ cấp ( hơn 1,8 triệu đồng/tháng), tổng số lương thực lĩnh của ông Khánh mỗi tháng là 9,177.000 nghìn đồng. 

Ngoài ra, một sự việc được người phản gửi tới chúng tôi: Trong lần kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn (Đề có hai câu) ngày 17/12/2013 của nhà trường, hầu hết các bài làm của học sinh đều không được giáo viên bộ môn chấm điểm mặc dù có chữ ký của giáo viên, nhưng thay vào đó trong sổ điểm của giáo viên dạy Ngữ văn vẫn có điểm của học sinh. Sự việc bất thường này được người tố cáo cho rằng, lỗi cũng một phần do giám đốc là ông Nguyễn Văn Khánh không sát sao giáo viên. 
Để xác minh sự việc, ngày 7/5 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với giám đốc Nguyến Văn Khánh.
30% do lịch sử để lại?

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, vấn đề phụ cấp 30% đã có từ những đời quản lý khác và do lịch sử để lại và chỉ không được thể hiện trên thời khóa biểu. Ông Khánh khẳng định bản thân ông vẫn đứng lớp trong thời gian qua nhưng chỉ là dạy thay người khác, và hoàn toàn đúng tinh thần như Thông tư số 28/2009 của Bộ GD&ĐT ngày 21/10/2009 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. 

Nhưng trong sổ điểm các môn, môn Ngữ văn vẫn được giáo viên cho điểm bình thường.
Nhưng trong sổ điểm các môn, môn Ngữ văn vẫn được giáo viên cho điểm bình thường.
Ông Khánh cũng khẳng định, trường cũng thường xuyên tổ chức những buổi ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, giáo dục kỹ năng sống, những hoạt động này theo ông Khánh cũng được quy đổi như việc đứng trên lớp. 

Theo đề nghị của người phản ánh, chúng tôi giữ kín danh tính, nhưng ông Khánh đoán ra người phản ánh là ai? Ông Khánh cho rằng, sau khi người phản ánh có ý kiến với ông và bản thân ông cũng đã có ý kiến trả lời công khai trước hội đồng nhà trường. 

“Khi bạn ấy có ý kiến vì sao không có tên giám đốc trên thời khóa biểu mà vẫn hưởng phụ cấp, thì học kỳ II trường đã phân thời khóa biểu và có tên tôi ở đó. Học kỳ I không có tên tôi trên thời khóa biểu, tôi chỉ dạy thay mà thôi, vấn đề này không sai về mặt quy định” ông Khánh khẳng định.

Trước câu hỏi của phóng viên rằng, có nhớ trong học kỳ gần nhất (học kỳ I) dạy bao nhiêu tiết thay các giáo viên trong trường? Ông Khánh cho rằng, chắc chắn đủ quy định so với 1 tuần có hai tiết, nếu biết chính xác thì phải thống kê và tra từng ngày, và hiện tại không thể nhớ vì còn nhiều việc.

Theo ông Khánh, trong khoảng 1 năm trở lại đây Trung tâm không có phó giám đốc, bản thân ông phải điều hành kiêm cả cấp phó nên nếu quy đổi thời gian dạy thì bản thân ông cũng thừa vì theo ông là đã kiêm cả chức phó? (từ điều hành thi khảo sát, thi học kỳ, quản lý nhà trường).
Thời khóa biểu Học kỳ I không có tên ông Nguyễn Văn Khánh đứng lớp.
Thời khóa biểu Học kỳ I không có tên ông Nguyễn Văn Khánh đứng lớp.

Lãnh đạo Trung tâm GTTX Q. Hai Bà Trưng cũng cho biết, người phản ánh đã yêu cầu giám đốc phải trả lời bằng văn bản đối với những phản ánh kia thì từ nay về sau sẽ không phản ánh gì thêm? Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng nếu ông làm sai điều gì ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí cả dư luận.

“Tôi chỉ có yêu cầu người thầy đó gửi cho lãnh đạo Trung tâm một bản tường trình đơn giản về đợt chấm thi tốt nghiệp năm 2013 tại sao bị lập biên bản nhưng vẫn chưa gửi, anh nghỉ bao nhiêu buổi, muộn bao nhiêu buổi cũng chưa sửa được. Khi tôi nhắc thì anh ấy dọa sẽ đưa lên báo, nếu cần thiết tôi sẽ trả lại 30% phụ cấp của học kỳ I” ông Khánh nói với phóng viên.

Trước câu hỏi, từ khi về làm giám đốc tại Trung tâm, mặc dù không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp là bình thường? Ông Khánh cho biết, ông không muốn điều gì không đúng quy định, nhưng lịch sử ở đây từ trước tới nay đã như thế, ông chỉ làm theo lịch sử. 
Linh động cho học sinh kiểm tra lại

Trao đổi thêm liên quan tới vấn đề bài kiểm tra học sinh không chấm được nhưng vẫn được giáo viên vào sổ điểm. Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, với em học sinh ở hệ bổ túc nhiều lúc cũng phải linh hoạt, có thể phải có những bài để động viên học sinh. Khi thấy học sinh làm bài kết quả hơi thấp, học sinh xin thì các thầy có thể linh động cho các em làm bài lại.

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, với em học sinh ở hệ bổ túc nhiều lúc cũng phải linh hoạt, có thể phải có những bài để động viên học sinh. Khi thấy học sinh làm bài kết quả hơi thấp, học sinh xin thì các thầy có thể linh động cho các em làm bài lại. Ảnh Xuân Trung
Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, với em học sinh ở hệ bổ túc nhiều lúc cũng phải linh hoạt, có thể phải có những bài để động viên học sinh. Khi thấy học sinh làm bài kết quả hơi thấp, học sinh xin thì các thầy có thể linh động cho các em làm bài lại. Ảnh Xuân Trung
Theo ông Khánh, những bài mà phóng viên có trong tay không được chấm là những bài làm lần một, còn những bài làm lại lần hai vẫn được chấm như bình thường và khớp với sổ điểm.

Trước câu hỏi vì sao có thể biết đây là bài kiểm tra lại, ông Khánh khẳng định bằng danh dự là có đi kiểm tra và kiểm tra xác suất đủ các đối tượng lớp. Phóng viên đề nghị được xem các tập bài kiểm tra để so sanh, đối chiếu, tuy nhiên do tủ giáo viên khóa nên không đối chiếu được. 

“Thực ra, về góc độ quản lý nếu bài bản là có phần chưa được, nhưng đối với hệ GDTX phải linh động, ngay như học kỳ vừa rồi nếu không cho học sinh làm lại bài kiểm tra thì hầu hết các em không đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Tôi cho rằng mỗi người có ưu, nhược khác nhau có thể bạn giỏi cái này nhưng kém cái kia, có những em kém về học nhưng lại giỏi về các kỹ năng, không thể phủ nhận và trường cũng cố gắng để các em vào đời, và đó là những em có ý thức” ông Khánh nói về việc linh điểm cho học sinh thi lại.
Sau khi có phản ánh từ giáo viên, từ Học kỳ II trong thời khóa biểu đã xếp lịch cho ông Khánh trực tiếp đứng lớp.
Sau khi có phản ánh từ giáo viên, từ Học kỳ II trong thời khóa biểu đã xếp lịch cho ông Khánh trực tiếp đứng lớp.

Cũng theo vị giám đốc này, nhiều học sinh đã từng tâm sự muốn cố gắng học để thương các thầy, vì các thầy đã động viên, nói hết tình hết nghĩa, nhưng bản thân em đó học không vào thì phải chịu. Theo thông tin mà ông Khánh cho biết, vừa qua bản thân ông cũng phải đồng ý ngoài môn Ngữ văn ra còn cho nhiều môn được kiểm tra lại để gỡ điểm cho các em. 

“Vấn đề này chúng tôi đã rút kinh nghiệm trong toàn hội đồng trường, tôi đã phê bình giáo viên lần sau có như thế thì phải chấm, và chắc chắn không có lần thứ hai” ông Khánh khẳng định.
Xuân Trung