Một màn hài kịch đang tái diễn!

05/04/2017 15:12
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Vụ việc cháu M.B.Y bị nhốt và “bỏ quên” trong nhà vệ sinh tại Trường mầm non Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến dư luận hết sức bất bình.

LTS: Câu chuyện giáo viên nhốt trẻ mầm non trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên ở Mỹ Đức (Hà Nội) khiến dư luận hết sức bất bình.

Trong khi đó, cách xử lý của Hiệu trưởng ngôi trường này khi xảy ra vụ việc càng có nhiều vấn đề để bàn hơn.

Nhìn nhận về vụ việc, thầy giáo Lê Xuân Chiến cho rằng “màn hài kịch” tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên lại tiếp tục tái diễn tại trường mầm non này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Cách đây không lâu, tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) có một chuyện thật nực cười khi Hiệu trưởng phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến của toàn thể học sinh trong trường, rồi lấy kết quả “100% các em không thấy chiếc ô tô nào vào trong trường trong thời gian cháu bé bị tai nạn” để khẳng định Hiệu trưởng vô can đối với tai nạn của một học sinh trong trường.

Nhưng sau đó với sự tích cực điều tra của công an, sự việc được đưa ra ánh sáng, Hiệu trưởng bị xử lý kỷ luật vì sự thiếu trung thực, vô trách nhiệm của mình.

Một “màn hài kịch” bất thành, “đạo diễn” rất vụng và “diễn viên” rất tồi. Thế mà thật không ngờ, đến nay “màn hài kịch” ấy lại tái diễn.

Vở kịch tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên nay lại tái diễn. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)
Vở kịch tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên nay lại tái diễn. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)

Vụ việc cháu M.B.Y bị nhốt và “bỏ quên” trong nhà vệ sinh tại Trường mầm non Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ.

Dư luận thật “sốc” khi bà Đồng Thị Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường lặp lại “kịch bản” của bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên trước đó. 

Bà Mạnh đã trả lời với báo chí rằng: “Để xác minh lại sự việc, chúng tôi sẽ tiến hành lấy ý kiến học sinh lớp B5 xem cô giáo Hương có phạt và nhốt bạn B.Y vào nhà vệ sinh như lời buộc tội của gia đình hay không. Từ kết quả lấy ý kiến sẽ là làm cơ sở đưa ra hình thức kỷ luật với giáo viên”. 

Vẫn kiểu tư duy “số đông là số đúng”, lấy ý kiến của học sinh làm “chuẩn” và cho rằng ý kiến học sinh là tuyệt đối chính xác. Kiểu “tư duy” ấy, cách biện hộ ấy lẽ ra không có ở một Hiệu trưởng.

Trẻ con thường nói thật nhưng chưa chắc các cháu dám nói thật. Hơn nữa, sự việc xảy ra đến nay đã lâu (theo trí nhớ của trẻ), chỉ cần 3 - 5 ngày là các cháu sẽ quên hoặc nhớ không chính xác chuyện đã xảy ra. 

Một màn hài kịch đang tái diễn! ảnh 2

Không được phép giấu thông tin trẻ em bị bạo hành

Và có thể các cháu khác không hề biết đến sự việc, khi cô giáo đã che đậy hành vi của mình. 

Các cháu lớp B5 chỉ mới 4 tuổi, làm sao hiểu được vấn đề để biết sự việc đúng hay sai. Các cháu chỉ biết vâng lời cô giáo. 

Nếu căn cứ vào ý kiến các cháu để làm cơ sở xác thực cho cô giáo, thì căn cứ ấy rất mong manh. 

Ý kiến các cháu chỉ là một nguồn thông tin tham khảo. 

Chiêu thức lấy ý kiến học sinh để biện hộ cho hành vi của mình đã quá cũ, nhưng không hiểu sao bà Mạnh lại lặp một cách “sống sượng” như vậy.  

Chắc chắn cơ quan công an sẽ vào cuộc, đưa sự việc ra ánh sáng, không để cho cô giáo “oan” nếu cô vô tội, cũng không để cho phụ huynh cháu B.Y chịu tiếng “vu khống”, đặt điều cho cô giáo.

Là lãnh đạo, lẽ ra bà Mạnh tỉnh táo hơn, tôn trọng tính khách quan của sự việc, chủ động mời cơ quan công an vào cuộc, đằng này với “ý tưởng” lấy ý kiến học sinh trong lớp để xem “có đúng hay không”, bà đã vô tình “hé lộ” tư tưởng bao biện, tu duy “đơn giản” của mình.

Một màn hài kịch đang tái diễn! ảnh 3

Nỗi ám ảnh của một cô giáo từng bị bạo hành khi là trẻ mầm non

Còn cô giáo dạy lớp cháu B.Y, cho dù cô không “nhốt” và “bỏ quên” cháu B.Y ở trong nhà vệ sinh, thì cô cũng đã phạm một lỗi rất nghiêm trọng, đó là thiếu trách nhiệm trong việc giao trả trẻ. 

Từ khi tan học cho đến tối muộn, cháu B.Y mới được người ta đưa về nhà, thế mà cô không biết trẻ ở đâu, không nhớ đã trả trẻ cho phụ huynh hay chưa, thì quả thật đáng trách. 

May sao sự việc không đi quá xa, không tệ hại hơn (như trẻ bị tai nạn, bị thất lạc, bị bắt cóc, tinh thần bấn loạn do hoảng hốt, sợ hãi...).

Thông tin bây giờ rất phổ biến, cập nhật, nhiều vụ bê bối, tắc trách, vi phạm đạo đức nhà giáo của giáo viên được phản ánh. 

Nhưng không hiểu sao, vấn nạn bạo hành trẻ em cứ “tái hồi” mãi. Và ngay cả cái “màn hài kịch” lấy ý kiến học sinh để xem đúng hay sai cũng “tái diễn”.

Đáng buồn thay!

Lê Xuân Chiến