Muốn học sinh thích toán hãy bỏ bớt kiến thức hàn lâm

07/05/2018 06:51
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Biên Giới nhấn mạnh: “Đề thi quốc gia vẫn có câu hỏi vận dụng kiến thức không theo suy luận logic mà nặng về học thuộc là ngược với xu hướng đổi mới".

Ngày 4/5, bên lề hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh phúc tổ chức tại trường Trung học Phổ thông Phạm Công Bình, phóng viên có dịp trao đổi với giáo viên dạy toán Nguyễn Biên Giới – người có kinh nghiệm 20 năm dạy toán về công tác dạy toán ở trường phổ thông hiện nay.

Theo thầy Biên Giới, chương trình toán trước đây nặng về kiến thức hàn lâm, đáng lẽ những kiến thức đó lên bậc đại học mới học.

Vì chương trình có kiến thức nặng, phi thực tế đã khiến học sinh học tập rất mệt mỏi nhưng chất lượng không cao.

Gần đây, việc đổi mới giáo dục đã hạn chế được một số bài toán đố mẹo, có cách giải độc đạo, bắt học sinh phải học một cách máy móc, thuộc lòng mới giải được.

Tuy nhiên, những bài toán dạng này vẫn còn  trong chương trình hiện hành. “Tôi cho rằng, cần hạn chế những bài toán dạng này” – thầy Biên Giới nói.

Thầy Nguyễn Biên Giới hy vọng, chương trình mới sẽ bám sát thực tiễn và lược bỏ hết kiến thức hàn lâm khô cứng (ảnh Trinh Phúc).
Thầy Nguyễn Biên Giới hy vọng, chương trình mới sẽ bám sát thực tiễn và lược bỏ hết kiến thức hàn lâm khô cứng (ảnh Trinh Phúc).

Cũng theo thầy Biến Giới, đề thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua vẫn xuất hiện bài toán có cách giải độc đạo bắt học sinh học thuộc ghi nhớ máy móc mới giải được.

Thầy Biên Giới nhấn mạnh: “Chủ trương là cố gắng theo hướng đổi mới nhưng trên thực tế đề thi quốc gia vẫn có nhiều câu hỏi vận dụng những kiến thức không theo suy luận logic mà nặng về học thuộc (tức các bài tập theo cách giải độc đạo).

Có lẽ do người ra đề không nắm được xu hướng đổi mới”.

Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu

Trước những bất cập về dạy và thi toán hiện nay, thầy Nguyễn Biên Giới hy vọng, chương trình mới sẽ bám sát thực tiễn và lược bỏ hết kiến thức hàn lâm khô cứng.

Theo thầy Nguyễn Biên Giới: “Những kiến thức mang tính hàn lâm thì sau này học trò nào nghiên cứu chuyên sâu mới học.

Còn học để phục vụ đời sống thực tế thì chương trình mới như đã công bố cơ bản đáp ứng đủ”.

Nhận định về những thách thức khi chương trình mới được đưa vào giảng dạy, theo thầy Nguyễn Biên Giới nóiTrước hết đó là tâm lý ngại đổi mới của nhiều giáo viên. Thông  thường, cái gì mới đem ra cũng hay bị phản đối.

Do đó, chương trình mới có ý tưởng hay nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào yếu tố con người khi triển khai.

Điều quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên cần phải đồng lòng. Phản đối thì dễ nhưng bắt tay làm thì sẽ khó khăn gấp bội.

Bàn về việc tình trạng nhiều học sinh trung học phổ thông sợ môn toán, thầy Nguyễn Biên Giới chia sẻ: “Học sinh không đam mê toán học là vì các em không thấy được việc học toán để làm gì?

Quan trọng nhất, học sinh đã không thấy được sự vận dụng thiết thực của môn toán vào đời sống thường ngày nên không có động lực dẫn đến chán học.

Vì vậy, trong sách giáo khoa cần nhiều các bài toán sát với thực tế như đo lường, tính toán lãi suất ngân hàng… hay nhiều vấn đề khác nữa để gây hứng thú hơn cho học sinh”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu với học sinh Trường Trung học Phổ Thông Phạm Công Bình (ảnh Trinh Phúc).
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu với học sinh Trường Trung học Phổ Thông Phạm Công Bình (ảnh Trinh Phúc).

Liên quan đến những bài toán mang tính đánh đố học trò, bắt học sinh phải học thuộc cách giải một cách máy móc, thầy Nguyễn Biên Giới cho biết: “Những dạng bài này, cần thiết hạn chế đưa vào chương trình.

Thông thường, toán học được giải quyết theo mạch logic nhưng những bài toán này buộc học sinh học thuộc lòng cách giải.

Để có các bài toán theo mạch logic phụ thuộc nhiều vào người biên soạn sách. Vì không đầu tư thời gian để đưa ra những bài toán vừa ứng dụng vào thực tế nhưng đảm bảo độ tư duy cao nên mới có những bài toán dạng này trong sách giáo khoa.

Phần lớn người biên soạn sách giáo khoa đã đi làm công tác quản lý mà không phải là những người đang giảng dạy nên khi biên soạn bài tập sẽ không đạt chất lượng như ý muốn”.

Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn

Qua thực tế giảng dạy, thầy Nguyễn Biên Giới còn cho biết, trước đây sách giáo khoa đưa nhiều định lý, các nội dung hàn lâm…, những kiến thức mang tính công nhận nhưng bây giờ cơ bản đã giảm tải được.

Những kiến thức mang tính công nhận để áp dụng vào thực tế thì không có nhiều lắm nên cần lược bỏ.

Môn toán hiện hành đã hạn chế được. Chương trình mới sẽ áp dụng cho năm học tới cũng đã hạn chế được nhiều dạng toán kiểu này rất nhiều.

Tôi hy vọng, từ chương trình mới sẽ có những bộ sách giáo khoa gây hứng thú cho học sinh khi học, hạn chế được kiến thức hàn lâm để các em nhẹ nhàng hơn trong học tập”.

Ngày 4/5, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học phổ thông Phạm Công Bình tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hội thảo đã thu hút hơn 700 học sinh cùng cán bộ, giáo viên của trường trung học phổ thông Phạm Công Bình.

Tại hội thảo lần này, các em học sinh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. 

Trinh Phúc