NGND. GS. Nguyễn Lân – Vẻ đẹp ở một nhân cách lớn

11/12/2013 08:15
Xuân Trung
(GDVN) - Các thế hệ học trò yêu quý ông gọi ông là Thầy Nguyễn Lân, ông quê ở Hưng Yên, xuất thân trong một gia đình đông con, nhưng hữu sinh vô dưỡng lại quá nhiều, Thầy là con thứ 17 và là con út, lúc thiếu thời rất còi cọc, may mà trời cho một tư chất rất mực thông minh.
Ngày 10/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học lớn về “Cuộc đời và Sự nghiệp” của Nhà giáo Nguyễn Lân. Những học trò của ông nay tóc đã bạc, có những người từng giữ những trọng trách quan trọng trong Đảng và Nhà nước, bằng lòng thành kính họ đã về mái trường sư phạm xưa mà ông từng giảng dạy để ôn lại những công lao, đóng góp của một người Thầy được coi là vị “Sư biểu” ở thời đại mới.
Tư cách vĩ đại của một người Thầy

GS. Phạm Tất Dong, phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, đồng thời cũng là học trò xuất sắc của NGND. Nguyễn Lân. Trong buổi Hội thảo nhớ lại người thầy của mình, GS. Dong không khỏi bồi hồi. Được là học trò của một người thầy vĩ đại quả là điều may mắn. Những bài học học ở nhân cách con người Nguyễn Lân giờ vẫn đọng lại như in trong trái tim GS. Phạm Tất Dong.

GS. Dong kể, trước cánh mạng tháng 8, học ở lớp dự bị ông và các bạn được học một bài học rất hay trong sách Quốc văn giáo khoa thư, đó là bài “Bát canh hẹ”.

Đại gia đình NGND. Nguyễn Lân trong buổi Hội thảo. Ảnh Xuân Trung
Đại gia đình NGND. Nguyễn Lân trong buổi Hội thảo. Ảnh Xuân Trung

Nội dung của bài day dứt tình cảm của GS. Dong ngay sau đó: “Một thanh niên bị nghi ngờ là có tội và bị nhốt ở ngục trước giờ hành quyết, mẹ  già nghèo khổ hàng ngày lọ mọ mang cơm cho con. Một hôm bà mang bát canh hẹ tới, anh này chỉ nhìn bát canh khóc lóc không ăn nổi. Quản ngục có hỏi, sao không ăn. Người tù thưa: Bát canh này làm tôi đau lòng, ở nhà khi nấu canh mẹ thường lấy thước đo cắt từng lát một, tôi biết khi mẹ nấu canh hẹ này lòng yêu thương  của mẹ đối với tôi là lớn nhường nào, tôi bị nhốt ở đây khi không thể phụ dưỡng bà”.

Tác giả của truyện là Từ Ngọc, và GS. Dong tò mò không biết Từ Ngọc là ai: “Tôi nghĩ chắc nhà văn này phải có lòng chắc ẩn và vị tha cao cả mới sáng tác được một truyện xúc động như vậy, nếu được gặp ông từ đầu chắc sẽ được nghe bao điều hay”.

Mãi khi vào trung học GS. Dong mới biết Từ Ngọc là bút danh của NGND. Nguyễn Lân: “Tôi được thụ giáo ông vào đầu năm 1960, Thầy Nguyễn Lân gây cho tôi một ấn tượng hết sức sâu đậm, ngay từ giờ đầu tiên học môn Lịch sử giáo dục học, Thầy say xưa giảng và thổi cho tôi một tình yêu sư phạm kì lạ, tôi nghĩ đây là một nhà giáo đáng để cắp sách học suốt đời, đúng là một nhân cách sư phạm hoàn hảo, Thầy luôn mẫu mực trong ăn mặc, nói năng, trình bày những tri thức” GS. Phạm Tất Dong xúc động kể lại kỷ niệm với người thầy của mình.
“Từ nay khi được về thế giới bên kia, tôi vẫn giữ được tư cách một người dân yêu nước và một người Thầy không phụ lòng tin tưởng”.

Mong ước cuối cùng của NGND. Nguyễn Lân.
Một đóng góp lớn nữa ở NGND. Nguyễn Lân mà theo GS. Dong đó chính là cả đời Thầy theo đuổi sự nghiệp giáo dục người lớn, Thầy Lân là người không thể không nói tới khi nói về Hội truyền bá quốc ngữ, một hội hoạt động đưa trí thức cho người dân như một cuộc hoạt động cách mạng, là chiến sĩ diệt giặc dốt.

NGND. GS. Nguyễn Đình Chú thì gợi nhớ một thời kỉ niệm về Thầy Nguyễn Lân bằng câu nói đầy hình ảnh: “Thầy Lân là một nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết trong việc đưa ánh sáng đến cho nhân dân, một nhà giáo đào tạo cho đất nước nhiều nhân  tài ưu tú. Thầy Lân xứng đáng được liệt vào hàng sư biểu”.

Nói với chúng tôi, Nhà văn Ma Văn Kháng nhớ lại, trong nhiều người thầy mà ông đã từng học qua như: Đinh Gia Khánh, Lê Bá Thảo… thì Thầy Nguyễn Lân là người đa tài nhất, nhiều buổi dạy Thầy Lân dạy cả Văn và Sử cho học sinh. 

“Cho đến lúc đó, quả thật không ai dạy hay như Thầy. Nhớ những giờ ra chơi, tất cả lớp đều không muốn ra mà chỉ thích ngồi quây lại bên Thầy, xin Thầy giảng tiếp, vì Thầy giảng hay quá…”. Nhà văn Ma Văn Kháng xúc động.
Nhà văn Ma Văn Kháng mỗi lần nhắc tới Thầy Nguyễn Lân là mỗi lần bao kỉ niệm ùa về. Ảnh Xuân Trung
Nhà văn Ma Văn Kháng mỗi lần nhắc tới Thầy Nguyễn Lân là mỗi lần bao kỉ niệm ùa về. Ảnh Xuân Trung

GS. Hồ Ngọc Đại thì tự hào nói rằng, may sao với các thế hệ sau này vẫn biết đến Thầy Lân qua truyền thuyết, sách vở, vẫn cảm nhận được những  gì có từ máu thịt của Thầy. Với Thầy Lân, hai chữ “máu thịt” này có thể hiểu theo nghĩa đen.

“Tôi vừa là bạn học với con Thầy, vừa là thuộc cấp của Thầy, nhưng bao giờ Thầy cũng gọi tôi là “ông”, …Ông Đại ơi, có lẽ phải thế này…Ông Đại ơi, việc là thế này…Mỗi lần, lần nào cũng như lần nào, chuyện nào cũng như chuyện nào, Thầy vẫn với cử chỉ tôn trọng và thân mật như thế, tôi nhớ mãi” GS. Hồ Ngọc Đại kể.

Không một phút nghỉ ngơi

Trong giới trí thức ai cũng biết NGND. Nguyễn Lân là một nhà giáo mẫu mực, một nhà văn, một nhà ngữ pháp, một nhà biên soạn từ điển. Cả cuộc đời Thầy luôn gắn bó miệt mài với sách, với học thuật. Tính từ ngày “Cậu bé nhà quê” ra đời năm 1925 đến nay, Thầy Lân đã để lại trên dưới 35 công trình đóng góp vào nền học thuật nước nhà.

Một cây đại thụ trong làng Sử học Việt Nam là GS. Đinh Xuân Lâm cũng là học trò cũ của Thầy Nguyễn Lân. Với GS. Đinh Xuân Lâm, những kỉ niệm nhỏ nhất về người thầy của mình ông còn nhớ mãi, đó là quãng thời gian GS. Lâm học Tú tài ở trường Trung học Khải Định (Huế), ở đây Thầy Nguyễn Lân dạy môn Việt văn. 

GS. Đinh Xuân Lâm xúc động nhớ lại: “Chính thời gian này tôi và các bạn  đã được Thầy hướng dẫn việc chấm dấu “hỏi”, dấu “ngã” đúng,  phân biệt “gọi dạ” với “bảo vâng”. Cuốn sách đầu tiên của Thầy Lân mà tôi đọc là cuốn “Cậu bé nhà quê”, đã 80 năm trôi qua tôi nhưng còn nhớ in những câu đầu: Gà vừa gáy sáng, trời mới rạng đông, vầng ô đỏ chói cánh đồng, sương mù che phủ mênh mông một vùng”.

Một sự nể phục đối với NGND. Nguyễn Lân, Nhà sử học Dương Trung Quốc điểm lại: “Nghiệp cầm bút của Thầy Nguyễn Lân ban đầu viết văn chương hay sử kí thì cũng nhằm vào giáo dục thế hệ trẻ thời mất nước. Về sau vừa viết báo, vừa viết sách lịch sử, các sách giáo khoa, dịch tiểu thuyết nước ngoài…Đặc biệt Thầy Nguyễn Lân đã hoàn thành tới 10 bộ từ điển các thể loại và ngôn ngữ khác nhau, đối tượng trước tiên vẫn là học sinh, sinh viên hay những người ham học”.
Vợ chồng Nhà giáo Nguyên Lân.
Vợ chồng Nhà giáo Nguyên Lân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tự nhận là những lớp hậu sinh rất xa, không có vinh hạnh được thụ giáo, được nghe, được nhìn trực tiếp Thầy Nguyễn Lân nhưng Bộ trưởng có đọc sách, dùng từ điển của Thầy. 

“Sau này khi tôi là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tôi biết rằng mình cần bồi dưỡng nhiều kiến thức về giáo dục học, sư phạm. Tôi tìm đọc nhiều sách về sư phạm, nhiều sách về nhà giáo, lúc đó tôi có đọc kĩ hơn một số ngành, trong đó có ngành của Thầy Nguyễn Lân. Thầy Nguyễn Lân là niềm  tự hào của các trường Đại học Sư phạm có ngành tâm lí học và nhiều ngành khác, sự nghiệp giáo dục của Thầy còn có ảnh hưởng lâu dài trong sự nghiệp khoa học, ngôn ngữ học và nền giáo dục” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Cũng qua đây, Bộ trưởng Luận đề nghị các thầy cô trường Đại học Sư phạm Hà Nội ý thức được trách nhiệm của mình, không ồn ào, khẩn trương nhưng không vội vã, chắc chắn nhưng không trì trệ, ngay lập tức triển khai công cuộc đổi mới một cách căn bản và toàn diện trường đại học sư phạm.

1. Tăng cường và đổi mới việc giáo dục luân thường đạo lí cho học sinh. 2. Cấm hẳn việc dạy thêm, học thêm cho học sinh các cấp.
3. Kiên quyết tăng thu nhập cho giáo viên các cấp.
4. Nâng cao chất lượng của các trường sư phạm”.

Bốn đề nghị được Nhà giáo Nguyễn Lân gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đất nước vào năm 1995, trước khi ông mất 8 năm. 

NGND. GS. Nguyễn Lân (1906-2003) là nhà biên soạn từ điển, một học giả nổi tiếng. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

NGND. GS. Nguyễn Lân sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Trong ông luôn có một nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn mãnh liệt. Năm 1927 ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, sự nghiệp làm Thầy của ông bắt đầu từ đây.

Năm 1932, tốt nghiệp ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình... ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam.

Năm 1956, sau thời gian đi học ở Trung Quốc ông về dạy tại khoa tâm lí giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khánh Toàn... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư.

Ông về nghỉ hưu ở tuổi 67. Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã dành trọn thời gian cho việc biên soạn từ điển và nghiên cứu nhằm gìn giữ, phát triển tiếng Việt. Các cuốn từ điển nổi tiếng do ông biên soạn như: Từ điển Việt - Pháp (1989), từ điển Hán - Việt, từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp – Việt (1993), từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)...
Xuân Trung