Nâng cao chất lượng GDĐH: Cần giao quyền tự chủ và phân tầng đại học

09/02/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều ý kiến chia sẻ, muốn nâng cao chất lượng GDĐH cần mạnh dạn phân tầng các trường ĐH và giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội.
Rõ ràng trong trong những năm qua hệt hống GDĐH của chúng ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu vào mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Tiến trình hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã đặt ra cho nền GDĐH Việt Nam những yêu cầu và thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức và năng lực cao.

Thúc đẩy số lượng và chất lượng

Sự phát triển về mạng lưới các trường ĐH hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về đào tạo, liên kết đào tạo và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong hệ thống GDĐH nước ta hiện nay, nếu tính về con số các trường khoa học cơ bản chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngoài hai trường ĐH QG  là Hà Nội và TP HCM, rất ít các trường ĐH khác đảm đương được nhiệm vụ này. Một trong những vấn đề đặt ra là sự phát triển của kinh tế tri thức trên thế giới, bắt buộc chúng ta phải đổi mới và nâng cao hơn chất lượng đào tạo ở các trường trọng điểm. 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nếu muốn có chính sách khác nhau để phân tầng ĐH sẽ khó có thể đưa vào luật. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nếu muốn có chính sách khác nhau để phân tầng ĐH sẽ khó có thể đưa vào luật. Ảnh Xuân Trung
Tuy vậy, với suy nghĩ cần phải phát triển hơn  nữa về số lượng các trường ĐH ở Việt Nam để dần sánh với các nước tiên tiến trên thế giới, PGS. TS Nguyễn Văn Nhã –Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, cần phải nhanh chóng thúc đẩy ra đời thêm các trường ĐH: “Hiện nay chúng ta có 118 sinh viên/1 vạn dân, chỉ bằng 1/2  của Thái Lan và bằng 1/3 của Hàn Quốc, phải nhanh chóng có nhiều trường ĐH. Ngay như Mỹ có 310 triệu dân nhưng có tới 4.000 trường ĐH, ta có 80 triệu dân mới có 450 trường, tôi cũng đồng ý đến năm 2015 phải thêm 115 trường ĐH” PGS Nhã bày tỏ ủng hộ ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Theo số liệu của PGS. TS Bùi Duy Cam, hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQG HN) cho rằng, năm 2010, chúng ta có 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 25% tiến sĩ, phấn đấu đến 2020 có 60% trình độ thạc sĩ và 35% tiến sĩ. Rõ ràng đây là một con số rất thấp so với các nước trên thế giới. Để nâng được chất lượng GDĐH ở Việt Nam sẽ cần có nhiều yếu tố tác động như: Chính sách vĩ mô của nhà nước và nội tại ở các cơ sở giáo dục (cơ cấu thể chế, phương thức hoạt động của trường ĐH như giảng viên, quản lí và sinh viên).
“Đổi mới quan trọng là phương thức tổ chức và cách thức giảng dạy. Tại sao sinh viên chúng ta ngày trước thi không đỗ ĐH nhưng có tiền đi du học, rõ ràng lực lượng ấy không phải là lực lượng chất lượng cao, nhưng khi các em học ở nước ngoài lại có kết quả tốt. Vì vậy thấy rõ rằng phương thức đào tạo của chúng ta chưa ổn lắm” PGS Bùi Duy Cam chỉ ra vấn đề cần phải xem xét trong khâu đào tạo tại các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay.
TS. Hoàng Thị Xuân Hoa, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng chia sẻ, hơn 2 thập kỷ qua đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong GDĐH ở Việt Nam. Số lượng các trường tăng đột biến, từ 101 năm 1987 lên đến 486 trường năm học 2010-2011. 
Bên cạnh sự phát triển về quy mô, phương thức quản trị và quản lý trường ĐH cũng đã có những biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, những thay đổi trong quản trị ĐH diễn ra còn chậm, chưa có tính đột phá và chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Một trong những vấn đề cơ bản của quản trị ĐH tiên tiến là tự chủ của trường ĐH. Tự chủ trường ĐH là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. 
Nếu các doanh nghiệp thực hiện được những bài test tốt để chọn ra những sinh viên giỏi để tuyển thì các trường cũng cần phải nghiên cứu xem giữa bài test đó và đề thi, phương thức thi hiện nay của ta có giống và khác nhau như thế nào? Chúng ta có thể học hỏi được gì ở đó?” 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Vậy vấn đề cốt lõi của tự chủ trường ĐH là gì? Nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH như thế nào và cần thực hiện quyền tự chủ như thế nào để đảm bảo mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả và chất lượng của GDĐH?

Mạnh dạn phân tầng ĐH

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) chia sẻ với một ví dụ từ nước Mỹ, GS cho rằng vì sao ở Mỹ có sự phát triển về chất lượng các trường ĐH, mặc dù số lượng trường của họ gấp nhiều lần ở ta, đó là vì Mỹ đã áp dụng mô hình phân tầng ĐH, có thể thành 3 nhóm trường khác nhau. Nhóm trường ĐH cao nhất (chuyên nghiên cứu), nhóm thứ hai (trường ĐH toàn bang), nhóm ba là các trường CĐ cộng đồng.
GS Thiệp cũng cho biết, tầng cao nhất được phép đào tạo tiến sĩ, tầng thứ hai đào tạo thạc sĩ: “Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng nên có ba  tầng ĐH. Tầng trên cùng là các trường ĐH nặng về nghiên cứu (16 ĐH trọng điểm), trường nào có khả năng trở thành ĐH nghiên cứu thì xếp vào một tầng. Trong số các trường ĐH nghiên cứu có thể phấn đấu để mang đẳng cấp thế giới. Tầng thứ hai, các trường ĐH nặng về đào tạo, nghiên cứu cũng có nhưng chủ yếu là đào tạo. Tầng thứ ba, các trường CĐ cộng đồng và các trường ĐH địa phương” GS Thiệp đề xuất ý tưởng.
Và, theo GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, sẽ có những chính sách khác nhau để tác động vào ba tầng đó, có tác dụng hay không là do cơ chế chính sách.
PGS, TS Nguyễn Văn Nhã –Trưởng Ban đào tạo (ĐHQG HN): chính hệ thống GDĐH Việt Nam chưa phân tầng nên các trường ĐH đòi quyền tự chủ, như vậy Bộ sẽ rất lúng túng. Ảnh Xuân Trung
PGS, TS Nguyễn Văn Nhã –Trưởng Ban đào tạo (ĐHQG HN): chính hệ thống GDĐH Việt Nam chưa phân tầng nên các trường ĐH đòi quyền tự chủ, như vậy Bộ sẽ rất lúng túng. Ảnh Xuân Trung
PGS, TS Nguyễn Văn Nhã –Trưởng Ban đào tạo (ĐHQG HN) cũng đồng quan điểm khi cho rằng vì sao phải phân tầng: “Trong đại  gia đình người con trưởng và con út không thể đều phân quyền tự chủ. Như vậy, có thể con trưởng đã đi làm, nhưng  ông con út biết đâu chỉ học  mẫu giáo mà đã đưa tiền cho con út thì nó chỉ biết là xanh, đỏ, tím, vàng mà thôi” PGS Nhã ví von.
Theo ông, chính hệ thống GDĐH Việt Nam chưa phân tầng nên các trường ĐH đòi quyền tự chủ, như vậy Bộ sẽ rất lúng túng: “Sứ  mệnh của ĐH QG Hà Nội là đào tạo tinh hoa, vì vậy hàng năm sẽ không tăng quy mô tuyển sinh. Và, lợi ích của phân tầng nhìn rất rõ là: Đầu tư của nhà nước và xã hội sẽ hiệu quả hơn. Bản thân các trường ĐH, CĐ nhìn nhận mình chính xác hơn để đặt mục tiêu phấn đấu. Hợp tác liên thông, liên kết thuận lợi hơn. Có chính sách phù hợp cho các loại hình đào tạo” PGS Nhã cho biết.
Nhìn nhận về phân tầng ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, muốn có chính sách khác nhau để phân tầng ĐH sẽ khó có thể đưa vào luật. “Những quyết định liên quan tới quản lí và luật thì không thể vừa lòng hết mọi người được” Bộ trưởng cho biết.
Vấn đề đảm bảo chất lượng GDĐH, theo nhiều Giáo sư cần phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hai nguyên lý cơ bản nhất và tiên quyết nhất trong quản trị ĐH là quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm không thể áp dụng ngay cho toàn hệ thống ĐH và CĐ mà phải có sự lựa chọn và theo lộ trình. 
Mặt khác, hiện nay chúng ta đang tiến hành việc kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo theo các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây là một hướng đi đúng. Trên cơ sở tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ phân loại, xếp hạng được các trường ĐH. Kết quả của phân loại, xếp hạng theo kiểm định là căn cứ phân quyền tự chủ cho các trường ĐH. Từng trường ĐH phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hoạt động của mình theo đúng luật pháp và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ và sự giám sát của toàn xã hội.
 “Làm như vậy sẽ khắc phục được sự lúng túng, bất cập hiện nay là chưa thể phân quyền tự chủ cho tất cả các trường khi mà cung và cầu về đào tạo còn chênh lệch quá xa. Đồng thời, việc phân loại sẽ là cơ sở tốt định hướng lựa chọn cho người học. Bên cạnh đó, các trường ĐH cần đổi mới nguyên tắc tổ chức hoạt động trường học theo hướng xã hội hóa” PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ.
Đề xuất cho đổi mới GDĐH, GS,TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH QG Hà Nội  cho rằng, đổi mới GDĐH trong giai đoạn mới này phải xác định là cần gì? Đổi mới từ đâu tới? Đem lại cái gì? Làm như thế nào? Cần xác định đúng GDĐH là đào tạo nguồn nhân lực, phải đa dạng, phân tầng; lấy đầu ra làm tiêu chí để xác định mục tiêu đào tạo; dạy và học theo phương châm biết cách tìm kiến thức, biết cách làm chứ không phải biết nhiều thứ cụ thể.
Nhiều người kêu về giáo dục, đó lại là điều đáng mừng, vì tôi có đi  một số nước người ta không quan tâm tới giáo dục, chẳng ai phê phán. Khi xã hội còn rất nhiều phản biện, phê phán về giáo dục thì đó lại là tín hiệu đáng mừng, xuất phát từ truyền thống rất  sốt ruột về tương lai của đất nước, về tương lai của con cháu mình
GS,TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH QGHN

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Xuân Trung